Mỹ thuật Việt Nam đang có bước chuyển mạnh mẽ thông qua những thế hệ họa sĩ được đào tạo bài bản. Những họa sĩ ấy lại được sống trong môi trường với những cuộc giao lưu, trao đổi, thị trường mỹ thuật có nhiều thuận lợi. Nhưng mỹ thuật Việt cũng đang đối diện nhiều vấn nạn, không hẳn do đại dịch Covid-19 gây ra, mà có những ung nhọt tiềm ẩn từ lâu, như nạn tranh giả, sự đố kỵ của chính những người đang hoạt động trong giới.
Đó cũng là những “virus” mang mầm bệnh cần liều vaccine mạnh, thì may ra mới có một nền mỹ thuật thực sự khỏe, xứng đáng kế thừa, tiếp nối một truyền thống đáng tự hào mà nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam đã tạo dựng. Họa sĩ Phạm Hà Hải - nhân vật trong cuộc trò chuyện kỳ này cho rằng, sở dĩ chúng ta chưa có những tác phẩm vạm vỡ hơn so với quá khứ bởi sự “vạm vỡ” của tác phẩm nghệ thuật đích thực không hoàn toàn nằm ở chiều kích vật lý mà nằm ở chiều kích nội tâm tác giả.
Tác phẩm to không hẳn tác phẩm lớn
PV:Khi đời sống kinh tế phát triển thì thị trường mỹ thuật cũng sôi động hơn. Cứ quan sát qua các kỳ cuộc festival mỹ thuật, các triển lãm, các sàn đấu giá, hay thậm chí chỉ cần lướt facebook thôi chẳng hạn, cũng sẽ nhận ra sự sôi động của các hoạt động mua bán các tác phẩm hội họa. Không còn cái thời đổi tranh lấy cà phê uống như danh họa Bùi Xuân Phái hồi giữa thế kỷ trước. Giới mỹ thuật Việt Nam bây giờ xuất hiện những “họa sĩ triệu đô”. Họa sĩ Phạm Hà Hải, tôi muốn nghe đánh giá của anh về thị trường hội họa hiện nay?
Họa sĩ Phạm Hà Hải: Phải thừa nhận thế này: Thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện nay đang hình thành dần sự chuyên nghiệp. Một xu hướng tăng nhanh lượng người chơi tranh trong nội địa là một điều kiện tốt để mỹ thuật nở rộ. Hình thành các nhà sưu tập, các bộ sưu tập, bảo tàng tư nhân, nhà đấu giá, nhà môi giới là cơ bản sẽ hoàn chỉnh một hệ sinh thái của một thị trường mỹ thuật chuyên nghiệp. Còn một vấn đề cần chuyên nghiệp và mạnh mẽ hơn là khía cạnh nhà phê bình và các gallery.
Cá nhân tôi nhìn nhận giai đoạn tới sẽ là một giai đoạn nhộn nhịp của mỹ thuật Việt. Thế hệ họa sĩ ngày nay đã có những rút kinh nghiệm của giai đoạn trước và trong bối cảnh thông tin toàn cầu thì từ đời sống sáng tác lẫn thị trường giao dịch trở nên rõ ràng và đầy đủ thông tin hơn. Nhiều họa sĩ thế hệ thực sự chuyên nghiệp và sẽ đi xa hơn. Tác phẩm đa dạng, mới, bộc lộ những cá tính riêng hấp dẫn. Ba năm trở lại đây, nhiều triển lãm cá nhân, nhóm, các chuyên đề... trong và ngoài nước là rất nhộn nhịp, là sự hồi sinh trở lại sau một giai đoạn trầm lắng. Tuy nhiên tôi thấy những cá nhân sáng tác tốt, tác phẩm hay thường không nằm trong các triển lãm mang tính phong trào. Một điều nữa là xu hướng tác phẩm “xem nhanh”, ở đó sự phô diễn hoặc tính minh họa nội dung đang được mỹ nghệ hóa.
Thật ra thì những triển lãm phong trào cũng có tính “phổ cập”, thu hút được nhiều người đến với hội họa, nhưng rõ ràng để có tác phẩm tầm cỡ, cần một chiều kích khác từ phía người sáng tạo. Chúng ta đứng trước thực tế là giới họa sĩ đang có môi trường mỹ thuật tốt hơn so với thế hệ cha anh, có nhiều cơ hội hơn, xã hội ổn định và phát triển, vật liệu sáng tác, thông tin nhiều hơn nhưng chưa thấy xuất hiện những tác phẩm vạm vỡ hơn quá khứ? Theo anh thì nguyên nhân do đâu, và cần một loại “vaccine” liều cao nào không?
- Môi trường thông tin, vật liệu, cơ hội ngày nay rõ ràng nhiều hơn đã cho phép thế hệ ngày nay vẽ nhiều hơn, triển lãm nhiều hơn, đối chiếu sáng tạo của mình với thiên hạ dễ hơn. Về cơ bản việc học tập, quan sát và phát triển nghề nghiệp là thuận lợi hơn. Chúng ta đều biết sự “vạm vỡ” của tác phẩm nghệ thuật đích thực không hoàn toàn nằm ở chiều kích vật lý mà nằm ở chiều kích nội tâm tác giả. Có thể nói ngắn gọn trong câu “tác phẩm to không hẳn tác phẩm lớn” vậy.
Xã hội ngày nay ăn nhanh, đi nhanh, đọc nhanh và xem nhanh là hệ quả xu hướng toàn cầu hóa, thế giới phẳng đang khiến mọi nơi giống nhau, cùng cuốn trong vòng xoáy tiêu dùng có lẽ là yếu tố xóa nhòa những khác biệt về bản sắc.
Sau thời kỳ Đổi mới, Việt Nam hội nhập mạnh mẽ, nghệ sĩ và tác phẩm vì thế được nhìn và đối chiếu trên bình diện lớn của khu vực và thế giới trong sự đa dạng, đa hướng. Nghệ sĩ nào cũng đau đáu tác phẩm vươn tới sự “vạm vỡ” ấy nhưng quả thực là điều khó, đòi hỏi người nghệ sĩ phải hiểu sâu sắc văn hóa bản địa và vấn đề đương đại để tác phẩm đỉnh cao thực sự bao hàm một cách xuất sắc các vấn đề cá nhân, dân tộc và thời đại.
Đâu đó cũng còn những cuộc luận bàn về họa sĩ này vẽ nhiều “như máy”, họa sĩ kia vẽ ít, lại chẳng thấy xuất hiện ở triển lãm nào. Theo anh, việc họa sĩ vẽ nhiều, vẽ ít nói lên điều gì? Thế còn họa sĩ bán được nhiều tranh ở thời điểm này có cho thấy một “thước đo” nào không hay chỉ thuần túy là “tranh thị trường” (chứ không phải “tranh nghệ thuật”) như nhiều người - thậm chí chính người trong giới mỹ thuật - so đo, đưa ra quan niệm đó?
- Trong đời sống sáng tác việc vẽ nhiều, vẽ ít là chuyện mỗi cá nhân, thể trạng, điều kiện, phương pháp, tâm tính... Cái mà giới nghề quan tâm là những sáng tác ấy có gì mới với mọi người và có mới với chính tác giả ấy hay không? Có sự dịch chuyển nào, phát hiện gì mới và có đưa ra sáng tạo cá nhân gì mới về kỹ thuật thể hiện? Việc bán được nhiều tranh hiển nhiên là chỉ số đánh giá về sự chuyên nghiệp, sự yêu chuộng của xã hội và giá trị thương mại của họa sĩ ấy. Đời sống sáng tác của cá nhân thì họa sĩ cần phải độc lập trong tư duy và cứ đào sâu những suy tưởng của mình. Tranh ra thị trường nó sẽ chịu chi phối ít hay nhiều tính chất điều tiết của thị trường, tất nhiên có đặc thù riêng của mỹ thuật trong hoạt động mang tính thương mại của thị trường.
Như thế, nên hiểu đơn giản là tính thị trường áp vào tất cả các tác phẩm khi không còn trong tay họa sĩ nữa. Việc hiểu tranh này là thị trường còn tranh kia không thị trường là suy nghĩ không thỏa đáng. Mà nên hiểu rằng có các phân khúc khác nhau (bảo tàng, bộ sưu tập, nhu cầu trang trí) được gọi là một toàn cảnh thị trường gồm sơ cấp và thứ cấp. Là hoạ sĩ, cũng không nên lo lắng về những khái niệm này, quan trọng là làm việc và bạn sẽ có nơi đón nhận phù hợp. Văn hóa và thẩm mỹ sẽ là điều đáng kể thôi.
Mẹ Âu Cơ (Trích trong bộ 100 tranh - 2017/ acrylic/ mỗi tranh nhỏ 30x25 cm).
Tranh giả cản trở thị trường nội địa
Một trong những câu chuyện nổi cộm của mỹ thuật Việt Nam trong thời gian qua là vấn nạn tranh giả. Không còn lấp ló, giấu giếm nữa, tranh giả ngang nhiên xuất hiện trong triển lãm, trên sàn đấu giá. Mới đây, ở tuổi 90, họa sĩ Nguyễn Thụ còn phải công khai lên tiếng khẳng định “tôi không vẽ sơn mài” khi thấy trên sàn đấu giá Aguttes (Pháp) tổ chức đấu giá bức tranh sơn mài mạo danh ông. Anh Phạm Hà Hải từng làm ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, anh đánh giá thế nào về hiện trạng này?
- Tranh giả công khai tại triển lãm (như trường hợp “Những bức tranh trở về từ châu Âu” bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM); trên sàn đấu giá (Aguttes ở Pháp) và một số trường hợp khác… đã thực sự là vấn đề lớn, nó xâm hại uy tín tác giả; gây nghi ngờ giá trị các bộ sưu tập (ví dụ bộ sưu tập của bảo tàng); tạo những nhận thức sai lệch về giá trị nền mỹ thuật Việt Nam; cản trở hoặc phá hoại một thị trường nội địa đang hình thành... Chính vì vậy, giới họa sĩ đã lên tiếng rất quyết liệt cùng sự ủng hộ của báo giới.
Về bản chất, theo tôi, nạn tranh giả sẽ lên xuống cùng mức phát triển của mỹ thuật và vấn đề đấu tranh với nó là tất yếu của mọi thành phần: tác giả, nhà sưu tập, nhà nghiên cứu, phê bình, nhà kinh doanh, môi giới nghệ thuật, giới truyền thông... Nhưng “lấp ló” và “công khai” là rất khác nhau. Nếu “công khai” mà “không vấn đề gì” thì đó là sự bất lực về luật pháp và quản lý.
Quan sát từ thực tế thì có vẻ chúng ta vào cuộc đấu tranh với nạn tranh giả theo từng đợt, rộ lên rồi lại im ắng, có họa sĩ như anh Thành Chương rất quyết liệt khi phát hiện bức tranh của anh ấy bị ký tên Tạ Tỵ trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu”song rồi cũng không thể đi tới cùng. Hành lang pháp lý, chế tài xử phạt tranh giả của chúng ta vẫn chưa đủ mạnh. Theo anh, để thị trường mỹ thuật minh bạch thì chúng ta đang thiếu điều gì?
- Tôi cho rằng, để kiểm soát và minh bạch thì Việt Nam cần xây dựng tốt hệ thống tư liệu, có dữ liệu thông tin mới tự bảo vệ quyền lợi của mình khi có tranh chấp quốc tế và cần chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa sự vi phạm trong nước.
Bằng con mắt nhà nghề, anh có thể chỉ ra những “mánh khóe” của giới làm tranh giả và những “hô biến” để đưa một bức tranh giả có “hồ sơ” như thật?
- Hiện nay chúng ta thấy đa phần tranh các họa sĩ thời kỳ Đông Dương bị làm giả bởi thời gian đã sàng lọc giá trị và đẩy trị giá giao dịch lên cao. Điều này cũng sẽ gặp trong thời gian tới với những thế hệ họa sĩ tiếp theo.
Tranh giả có nhiều dạng, có dạng sao chép nguyên si (chất liệu, kích thước, phong cách, chữ ký), có dạng “chế tạo lai ghép” và gắn vào đó chữ ký của hoạ sĩ danh tiếng... Cụ thể về hồ sơ ra sao thì chỉ những người trực tiếp giao dịch nắm được thôi.
Đa số những bức tranh của các danh họa Việt Nam bị làm giả ngay tại Việt Nam. Anh có nghĩ như vậy không?
- Tôi cũng nghĩ như vậy.
Quyết liệt đẩy lùi tranh giả là một trong những mong muốn của tân Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn. Anh có kỳ vọng gì về ý chí quyết tâm này? Liệu anh đã cảm nhận được “luồng gió mới” nào từ khi Hội Mỹ thuật Việt Nam có một vị Chủ tịch mới, trẻ hơn?
- Thật vui mừng vì Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đưa vấn đề này vào hành động nhiệm kỳ này, hẳn nhiên có quyết tâm của người đứng đầu thì tôi tin sẽ có nhiều kết quả. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn được đông đảo anh em tín nhiệm nên tôi tin anh ấy sẽ thực hiện hiệu quả việc đẩy lùi vấn nạn này.
Họa sĩ Phạm Hà Hải trong xưởng vẽ.
Chỗ đúng nhất của họa sĩ là ở xưởng vẽ
Đang là một cán bộ của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm điều gì thúc đẩy, xui khiến anh Phạm Hà Hải bước ra để chuyên tâm cho sự nghiệp hội họa của mình?
- Quyết định rời công tác Nhà nước về chuyên tâm “làm một việc” với tư cách họa sĩ chuyên nghiệp (100% thời gian cho sáng tác) là một “nung nấu” nhiều năm và khi chín muồi thì đưa ra quyết định đó lại “nhẹ tựa lông hồng”.
Công việc viên chức sự nghiệp ở bảo tàng hiển nhiên không phải vì đồng lương hấp dẫn nhưng cho tôi quãng thời gian đối diện hằng ngày với mỹ thuật cổ và hiện đại. 10 năm ở đây có ý nghĩa riêng, đời sống anh chị em ở bảo tàng cũng là những kỷ niệm đẹp và ở đó chúng tôi luôn dành thời gian ngoài giờ làm để sáng tác. Những năm tháng ở đó, tôi và nghệ sĩ gốm Nguyễn Khắc Quân rất gắn bó, anh em nói chuyện nhiều, anh ấy sáng tác rất miệt mài và chúng tôi vẫn nói về một suy nghĩ phải là nghệ sĩ chuyên nghiệp mới thoả mãn đời sống nghệ sĩ. Rồi tôi chuyển sang Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm làm công chức, ở cơ quan quản lý nhà nước là lúc nhìn bao quát hơn và kết thúc công việc nhà nước ở đây sau khi tôi làm xong cuộc Mở cửa - 30 năm mỹ thuật Đổi mới 1986-2016. Chính khi gặp hoạ sĩ Trần Lưu Hậu để trao đổi, phỏng vấn chương trình Mở cửa này, ông tâm sự như chuyện của cuộc đời ông “chỗ đúng nhất của họa sĩ là ở xưởng vẽ...” thì tôi như được nhắc thêm lần nữa.
Nghệ thuật trừu tượng là trào lưu hội họa đầu thế kỷ 20. Thế giới đã có nhiều tên tuổi thành danh ở trường phái này. Anh chủ ý lựa chọn trừu tượng hay có một sự sắp xếp, một cơ duyên nào? Tư duy liên tưởng có khiến anh khó khăn hơn, vất vả hơn?
- Tôi đã vẽ những bức tranh xu hướng trừu tượng từ quãng năm 1995 và những bức acrylic trên bìa ngày ấy đã bày trong một triển lãm ở gallery và bán được cho tập đoàn Testra của Úc. Bức tranh sơn mài “Giếng thiện” giành giải nhì triển lãm mỹ thuật sinh viên năm 1997 cũng là một bức vẽ trừu tượng (hiện thuộc một người sống ở Pháp). Cho đến nay và cũng không chỉ ở Việt Nam thì trừu tượng vẫn là một dòng chảy có thăng trầm riêng, nó có thể không phải khiến bất cứ ai cũng dừng lại ngắm nó nhưng nó sẽ là thứ giữ con mắt người yêu mỹ thuật dừng lại lâu theo năm tháng. Với tôi cũng vậy, có đôi lúc vẽ khác đi nhưng rốt cuộc cũng chỉ để phát hiện mình thêm một vẻ khác mà tinh thần trừu tượng vẫn là chủ đạo.
Là người Việt, đời sống duy tình, văn hóa cổ phương Đông với những tri thức về y học, triết học và đời sống dân gian khiến ta hằng ngày tiếp nhận, giao thoa để ứng xử. Những liên hệ ấy là nền tảng của những cảm xúc về tiết trời, về đạo đức, những thông điệp từ huyền sử và bản sắc khiến tôi hình thành trong sáng tác tư duy liên tưởng, và rất có thể nó sẽ gây khó cho người xem. Ví dụ năm 2017, với cảm thức Đinh Dậu, tôi không vẽ gà như các họa sĩ khác mà tôi vẽ quả trứng. 100 bức họa nhỏ ổ rơm quả trứng ra đời từ suy nghĩ về huyền sử mẹ Âu Cơ đẻ trăm trứng. Đó là một sự liên tưởng để ra đời tác phẩm.
Tinh thần phương Đông ấy cũng có thể gặp nhiều trong các bức tranh của anh liên quan đến sen. Hoa sen, lá sen, đài sen, sương sen… Thậm chí sự tàn úa của sen. Hẳn rằng anh tìm thấy ở chủ thể này một sự hấp dẫn để ngôn ngữ hội họa cất tiếng?
- Bức “Hồ sen” (trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2005) là khổ lớn 200x200cm là đánh dấu giai đoạn mặt nước với tạo hình từ sen của tôi. Các nghiên cứu và gợi tạo hình từ sen cứ thế theo mạch đến nay đã là 15 năm. Bức “Giao mùa” (Huy chương đồng tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015) là một bức lớn 160x320cm, tạo bố cục bức tranh từ 4 tấm cũng là cảm hứng của bốn mùa với sen, toàn bộ tranh là màu ghi và trắng với những nhịp điệu từ tạo hình sen.
Tôi không diễn tả sen, tôi cũng tránh cách mà các nước châu Á vẽ về sen, tôi đã vẽ với suy nghĩ sen tàn, trút đi màu sắc, như đã bước qua đi tuổi trẻ để hiện ra vẻ đẹp khác, như kẻ sĩ nhìn vào cốt cách quan trọng hơn. Đó cũng là liên tưởng để khiến bức tranh không đơn thuần là phong cảnh mà nó là tâm tưởng, nội tâm con người. Mỗi hoạ sĩ là mỗi tâm tính, tôi thấy một đời mình thật ngắn trong chuỗi thời gian bao la. Văn hóa truyền thống của ta thật giàu có, mỹ thuật cổ Việt Nam có vẻ đẹp rất đặc biệt, nó chắt lọc và mộc mạc. Một đời họa sĩ, cũng chỉ mong, nếu có đạt, là thêm một “dấu phẩy” trong kho tàng di sản này. Một cá tính hội hoạ thường đồng nhất tâm tính tác giả, sáng tác là sự phóng chiếu bản thân tác giả. Các sáng tác của tôi đa phần kiệm màu, chắt lọc chi tiết trên mặt tranh, bề mặt bức hoạ giấu dần đi chi tiết, giảm dần các tương phản cho đến khi hoàn thành nó chỉ còn là những độ chênh rất nhẹ. Thẩm mĩ ấy gặp sự đồng cảm của những người nhiều trải nghiệm, ưa sự tĩnh lặng, tinh tế, sự tối giản và phần lớn là người kĩ tính.
Trân trọng cảm ơn họa sĩ Phạm Hà Hải!
Giọt sương - 2017.
Đại dịch Covid-19 sẽ khiến người ta thay đổi và quan tâm tới nhiều thứ trước đây bị lãng quên. Và “sống chậm” là từ được nhiều người nhắc tới trong những ngày Chính phủ thực hiện biện pháp cách ly xã hội trong 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4/2020. Điều này có tác động gì tới công việc của một họa sĩ như anh? Anh có ý tưởng sáng tác gì trong đại dịch Covid-19 này?
- Chính phủ ban bố biện pháp cách ly xã hội là để ngăn chặn sự phát tán lây lan dịch bệnh Covid-19 nhưng bằng một trải nghiệm bắt buộc này sẽ khiến đa số mọi người sắp xếp lại thói quen sinh hoạt của bản thân và gia đình. Tôi tin mọi người sẽ có những thay đổi nhất định trong cuộc sống. Người ta sẽ hướng về gia đình hơn, dành thời gian cho những giá trị cốt lõi như sức khoẻ, tinh thần, bớt sự tiêu dùng thái quá và có lẽ đúng là thực hành sống chậm. Với họa sĩ, công việc sáng tác là tại xưởng họa độc lập nên cơ bản không thay đổi gì nhưng việc cách ly ảnh hưởng đến sinh hoạt, giao lưu hoặc nhiều triển lãm phải hủy. Dịch bệnh toàn cầu khiến chương trình của tôi ở Mỹ vào tháng 4 và châu Âu vào mùa hè này cũng tạm huỷ và lùi lại tới cuối năm.
Covid-19 khiến bất cứ ai cũng nghĩ đến sinh mệnh. Tôi luôn tâm niệm sinh mệnh là món quà quý nhất mình được ban tặng nên thời gian là vô cùng quý báu. Các sáng tác của tôi đa phần là những trải nghiệm cuộc sống mà vẻ đẹp ở những khoảnh khắc hay cảm nhận về thời gian. Hơn 3 năm trở lại đây, tôi dành toàn bộ thời gian của mình để sáng tác và đi triển lãm. Lúc này, tôi vẫn đang vẽ chuỗi Nhật ký mùa, bắt đầu từ 2019 và dự kiến vẽ cả năm 2020 này.