Họa sĩ Trịnh Tuân: Hanoi Art Connecting đã có vị thế chắc chắn

Việt Quỳnh (thực hiện) 13/10/2019 07:10

Họa sĩ Trịnh Tuân là người đồng sáng lập Asia Art Link (AAL) năm 2005, đến nay nhóm đã trở thành một tổ chức cộng đồng, tổ chức nhiều triển lãm, workshop quốc tế tại Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia… với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ đến từ các nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ Latin.

Họa sĩ Trịnh Tuân: Hanoi Art Connecting đã có vị thế chắc chắn

Họa sĩ Trịnh Tuân.

Năm 2016, Hanoi Art Connecting được tổ chức bởi nhóm nghệ sĩ quốc tế Asia Art Link và Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, trở thành sự kiện nghệ thuật quốc tế thường niên, đến nay là lần tổ chức thứ tư, với 80 nghệ sĩ Việt Nam và 60 nghệ sĩ quốc tế đến từ 24 quốc gia.

Họa sĩ Trịnh Tuân chia sẻ về việc tổ chức các sự kiện nghệ thuật quốc tế nói chung và Hanoi Art Connecting nói riêng:

Nguyên do nào mà AAL được ra đời vào năm 2007 thưa anh?

Năm 2003 tôi và hoạ sĩ Nguyễn Xuân Tiệp theo lời mời của Bảo tàng Quốc gia Malaysia sang bên đó tham quan. Trong chuyến đi này chúng tôi có gặp hoạ sĩ NG Bee, người bạn cũ của hoạ sĩ Nguyễn Xuân Tiệp. Chúng tôi có chia sẻ về các hoạt động nghệ thuật giữa 2 quốc gia. Lần đầu tiên năm 2005, một cuộc triển lãm của nghệ sĩ Việt Nam và Malaysia được tổ chức tại Hà Nội và năm sau đó 2006 tại Kuala Lumper. Sau hai cuộc triển lãm này, tôi và hoạ sĩ NG Bee bàn và quyết định thành lập nhóm nghệ sĩ mang tên ASIA ART LINK.

Chủ trương và mục đích mà AAL hướng tới?

AAL lấy sự giao lưu làm định hướng hoạt động. Bởi các nghệ sĩ của chúng tôi đều đã thành danh. Điều mà chúng tôi chưa có nhiều, đó là sự giao lưu trao đổi nghề nghiêp và tìm hiểu thêm về văn hoá cũng như lối sống của người dân bản địa. Tổ chức này sẽ hoạt động để tạo cho các nghệ sĩ thực hiện được những điều đó.

Anh và nhóm đã tiến hành tổ chức sự kiện nghệ thuật quốc tế với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ đến từ các nước trên thế giới đầu tiên như thế nào?

Đó là năm 2007. Lần đầu tiên ra mắt với các nghệ sĩ đến từ 7 quốc gia. Hoạt động này chỉ giới hạn trong việc trưng bày triển lãm, không có hoạt động sáng tác và lưu trú.

Những vấn đề khi tổ chức các sự kiện quốc tế mà nhóm của anh cần đối mặt, anh đã giải quyết ra sao?

Đó là vấn đề tài chính. Đây là một nhóm hoạt động nghệ thuật phi lợi nhuận nên chúng tôi không có thu nhập từ đấy. Mọi nguồn kinh phí phụ thuộc vào sự tài trợ và đóng góp từ chính các nghệ sĩ thành viên.

Họa sĩ Trịnh Tuân: Hanoi Art Connecting đã có vị thế chắc chắn - 1

Họa sĩ Trịnh Tuân: Hanoi Art Connecting đã có vị thế chắc chắn - 2

Họa sĩ Trịnh Tuân: Hanoi Art Connecting đã có vị thế chắc chắn - 3

Các hình ảnh hoạt động của Hanoi Art Connecting.

Qua các hoạt động nghệ thuật quốc tế, các nghệ sĩ Việt Nam đã có những trải nghiệm và bước phát triển cho sáng tạo cá nhân như thế nào?

Điều mà ta thấy rõ nét nhất, đó là sự tự tin của các nghệ sĩ. Các nghệ sĩ Việt Nam lúc đó đa phần là thiếu vốn ngoại ngữ, từ đó không đủ tự tin để hoạt động độc lập nên chưa chủ động tham gia các hoạt động mang tính cộng đồng trong khu vực cũng như trên thế giới. Bên cạnh đó các hoạt động mỹ thuật thường chỉ diễn ra tại các trung tâm nghệ thuật ở thành phố lớn, nên cơ hội để tìm hiểu văn hoá và lối sống bản địa là rất ít. AAL đã hoạt động theo tiêu chí: Kết nối cộng đồng và chia sẻ kinh nghiệm làm nghề. Từ nhiều hoạt động như vậy, sau hơn 12 năm đến nay các thành viên của AAl đã trưởng thành hơn rất nhiều, họ đã có thể độc lâp tham gia các hoạt động mà AAL tổ chức tại các quốc gia khác nhau trong khu vực cũng như các quốc gia ngoài châu Á

Việc ra đời sự kiện nghệ thuật quốc tế Hanoi Art Connecting vào năm 2016 bắt đầu như thế nào?

Khởi đầu từ lời đề nghị của ông Hoàng Khắc Biên, Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Nhân có cuộc triển lãm tranh tượng của sinh viên trong trường, ông Biên có gặp tôi vói mong muốn có sự tham gia của một số giảng viên và sinh viên các nước Đông Nam Á. Tôi nhận lời và cũng may mắn là ông Nguyễn Xuân Nghị lúc đó là Hiệu trưởng nhà trường đồng ý. Và triển lãm giao lưu dành cho sinh viên, giảng viên này đã thành công và có những va đập tích cực cho công việc đào tạo của nhà trường. Sinh viên và giảng viên trong trường có thêm nhiều cơ hội để học hỏi về nghề với các đồng nghiệp

Qua 4 năm tổ chức các hoạt động, anh có những trải nghiệm ra sao?

Cái thu được nhiều nhất là kinh nghiệm tổ chức một sự kiện mang tính quốc tế tại Việt Nam.

Lần thứ tư này, Hanoi Art Connecting được tổ chức với 80 nghệ sĩ Việt Nam và 60 nghệ sĩ quốc tế đến từ 24 quốc gia, các anh đã tổ chức ra sao, bắt đầu từ việc đưa thông tin đến nghệ sĩ, giám tuyển tác phẩm, tổ chức chương trình và mời các nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam tham dự?

Qua ba mùa hoạt động, tên tuổi của Hanoi Art Connecting đã được khẳng định với một vị thế chắc chắn. Rất nhiều thư xin đăng ký tham gia từ rất sớm của các nghệ sĩ không chỉ đến từ châu Á. Chúng tôi cũng phải từ chối nhiều lời đề nghị tham gia bởi nếu số lượng tham gia lớn không có nghĩa là chất lượng nghệ thuật tăng theo.

Một điểm khác biêt của sự kiên năm nay, đó là các nghệ sĩ tên tuối cũng như lão thành đã đồng hành cùng chương trinh... Bên cạnh đó là sự đồng hành của hai trường đại học uy tín hỗ trợ, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và Đại học Kiến trúc Hà nội.

Việc tham gia tổ chức các sự kiện nghệ thuật quốc tế quy mô lớn có làm ảnh hưởng đến việc sáng tác cá nhân của anh không?

Ảnh hưởng rất nhiều. Từ khi bắt đầu xây dựng sự kiện đến khi kết thúc, thời gian kéo dài trong khoảng 4 tháng. Vậy trong khoảng thời gian này tôi không thể toàn tâm toàn ý cho công việc sáng tác của mình.

Xin cảm ơn anh!

Hanoi Art Connecting là sự kiện được tổ chức hằng năm nhằm tạo ra sự giao lưu kết nối nghệ thuật giữa các nghệ sĩ Việt Nam, nghệ sĩ quốc tế và công chúng yêu nghệ thuật. Sự kiện đã được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là 1 trong 10 sự kiện quốc gia về Mỹ thuật và Triển lãm của năm 2018.

Hanoi Art Connecting 2019 được tổ chức với sự đồng hành của các nghệ sĩ Việt Nam: Ca Lê Thắng, Lê Huy Tiếp, Phan Cẩm Thượng, Võ Tá Hùng, Nguyễn Kim Xuân, Đặng Tiến, Doãn Hoàng Lâm, Đỗ Minh Tâm, Phan Hải Bằng, Vũ Đình Tuấn, Mai Xuân Oanh, Nguyễn Nghĩa Phương, Mạc Hoàng Thượng, Kù Cao Khải, Trần Ngọc Bảy, Lê Thế Anh, Trần Thị Thu, Trịnh Minh Tiến, Đỗ Hiệp, Trịnh Nhật Vũ, Đặng Hiệp…cùng các nghệ sĩ quốc tế tới từ 24 quốc gia: Nepal, Japan, France, Italy, Germany, Sri Lanka, Canada, USA, Colombia, Brazil, Dominican Republic, Malaysia, South Korea, Singapore, Indonesia, Thailand, India, Philippines, Brunei, Myanmar, Maroc, Bangladesh, Australia. Đây là dịp công chúng được trực tiếp quan sát quá trình sáng tạo, thể hiện tác phẩm và được nghe những chia sẻ về đời sống nghệ thuật đương đại từ các nghệ sĩ. Các tác phẩm Hội họa, Đồ hoạ, Điêu khắc, Gốm… với nhiều phong cách thể hiện khác nhau cũng được trưng bày tại triển lãm.

Hanoi Art Connecting 2019 diễn ra từ ngày 14 đến hết ngày 18/10/2019 tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Họa sĩ Trịnh Tuân: Hanoi Art Connecting đã có vị thế chắc chắn