Tôi gặp họa sĩ nhiều lần, lần nào cũng thấy bà háo hứng kể chuyện đời, chuyện nghề. Và nếu không vì Covid-19, thì năm đôi ba lần thấy Văn Dương Thành bày triển lãm cá nhân. Có thể, có những cách nhìn khác nhau về bà, nhưng trong nghệ thuật, mỗi cá tính đều đáng được ghi nhận. Họ làm phong phú hơn cho đời sống mỹ thuật hôm nay…
1. Trước thời điểm Hà Nội áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, tôi có gặp họa sĩ Văn Dương Thành. Trong những câu chuyện về nghề, bà thường hay nhắc tới danh họa Bùi Xuân Phái. Chuyện bà hay nhắc về họa sĩ Bùi Xuân Phái cũng có một vài người bày tỏ ý này ý khác. Nhưng sự thật là lúc Văn Dương Thành còn trẻ, bà có nhiều kỷ niệm với họa sĩ nổi tiếng đất Hà thành. Văn Dương Thành từng làm mẫu vẽ của họa sĩ Bùi Xuân Phái, thậm chí có người còn bảo lúc trẻ Văn Dương Thành là “nàng thơ” trong tranh Bùi Xuân Phái.
Họa sĩ Văn Dương Thành kể rằng, bà ngưỡng mộ những họa sĩ tài danh như Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng… bắt đầu từ việc xem những minh họa trên báo. Chỉ qua những minh họa của các họa sĩ nổi tiếng thôi, mà cô bé Thành ở tuổi trăng tròn đã quá ngưỡng mộ. Khi ấy, Thành thường để dành 5 xu tiền ăn sáng để mua tờ báo Văn nghệ. Đọc báo xong thì cắt những minh họa của các thầy dán vào một quyển giấy báo để làm kỉ niệm.
Sau đó, khoảng năm 1967, khi 17 tuổi, trong một lần tình cờ, Văn Dương Thành được gặp họa sĩ Bùi Xuân Phái - một người mình vốn ngưỡng mộ. Từ đó, mặc dù chưa được học ngày nào, nhưng Văn Dương Thành luôn coi mình là học trò của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Sau này, mỗi lần bán được tranh, họa sĩ Văn Dương Thành thường dùng một phần tiền mua quà để biếu “bác Phái”…
Theo lời họa sĩ Văn Dương Thành, danh họa Bùi Xuân Phái đã vẽ bà gần 300 bức ký họa và khoảng 20 bức tranh sơn dầu cỡ lớn. Phần lớn những bức tranh đó vẫn được Văn Dương Thành lưu giữ cẩn thận. Đó là một món quà vô giá mà danh họa nổi tiếng Bùi Xuân Phái đã tặng cho “nàng thơ” của mình, suốt từ khi gặp Văn Dương Thành năm bà 17 tuổi cho tới năm 1988, trước khi danh họa qua đời.
Cũng theo họa sĩ Văn Dương Thành, rất hiếm khi danh họa Bùi Xuân Phái yêu cầu Văn Dương Thành ngồi mẫu. Cả mấy chục năm, chỉ có 4 - 5 lần Văn Dương Thành mặc áo dài ngồi mẫu cho họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ. Còn thì đa phần danh họa vẽ theo tưởng tượng, theo trí nhớ và cảm xúc của ông…
2. Trong biệt thự “Hoa sen trắng” ở mạn Tây Hồ (Hà Nội), họa sĩ Văn Dương Thành bày nhiều tranh - đó là không gian hội họa rất riêng của bà. Ở đó, những bức tranh khổ lớn treo kín các bức tường. Những bức tranh nhỏ điểm xuyết. Trên giá vẽ, những tác phẩm đang hoàn thành. Năm nào bà cũng triển lãm dăm ba cuộc, nhiều cuộc được tổ chức ngay tại địa chỉ này. Vì vậy, biệt thự Hoa sen trắng trở thành điểm đến thân quen của nhiều người yêu mỹ thuật.
Có một mảng tranh tạo nên dấu ấn riêng của họa sĩ Văn Dương Thành, đó là tranh về Hà Nội. Đó là những góc phố cổ, ô Quan Chưởng, chợ hoa ngày Tết... Họa sĩ Văn Dương Thành kể, khi còn thơ bé, sống ở phố Quán Thánh, bà thường đến phường Ngũ Xã bên đầm lầy của hồ Trúc Bạch, nơi có nghệ thuật đúc đồng tinh xảo của Hà Nội. Những hình nét đó đã in đậm dấu ấn trong ký ức của bà và dường như vô thức luôn ẩn hiện trong bố cục, nét bút, nhịp điệu của tranh Văn Dương Thành.
Dù đề tài và motip rất đa dạng nhưng người xem dễ nhận thấy sự kế thừa phong cách và nét dân dã Việt trong tranh của Văn Dương Thành. Bức tranh “Trống đồng và chim hạc”, họa sĩ đã đặt chiếc trống đồng Đông Sơn phía trước và một đôi hạc đồng trầm ngâm với phía sau là một cánh đồng hoa dại đầy màu sắc. Gam màu xanh lá cây bao phủ toàn bộ không gian này. Còn bức tranh “Trống đồng và hoa sen” lại đưa hình tượng trống đồng Ngọc Lũ cổ xưa với đàn chim Lạc Hồng và mặt trời, bên trên là một bình hoa sen của hiện tại. Cả hai yếu tố của quá khứ và hiện tại, do con người tạo nên hay do thiên nhiên dâng tặng, tất cả trong hoà sắt tươi đỏ của năm mới. “Hoa cúc vàng” - sơn dầu/acrylic, 50x60cm, chìm ngập trong gam vàng là những bông cúc đại đóa đong đưa, người xem có thể cảm thấy sự ẩm ướt trong từng cánh hoa và hương hoa thơm ngát. Phông màu ghi nhẹ êm đềmphía xa biểu hiện cho màn mưa lắc rắc…
Trong tranh của Văn Dương Thành, Hà Nội còn hiện ra qua những bức tranh vẽ phố phường. Bộ tranh sơn mài ghi lại kỷ niệm phố xưa, với “Phố Hàng Bạc”, “Hàng Bè”, “Hàng Thiếc”... chìm trong gam màu ghi xám với bầu trời rực rỡ dát vàng là hoặc bạc lá. Những bức tường cũ loang lổ được thể hiện bằng những mảng trứng trắng dát với những cung bậc nóng lạnh khác nhau, đem lại cảm giác thô ráp rất thật của toà kiến trúc. Người xem như được trở về với thời xa xưa, với hương vị, ánh sáng và nhạc điệu như trong giấc mơ.
Người xem còn nhận ra một góc ô Quan Chưởng dưới nắng xuân, dưới trăng thu, dưới mưa phùn. Một Khuê Văn Các thanh tao của Văn Miếu ngàn năm, một chùa Trấn Quốc nổi lên giữa mặt nước hồ Tây. Những tác phẩm có kích thước vài mét đến thật nhỏ đều mang đậm hồn Việt và sự tiếp nối của dòng chảy mỹ thuật folklore trên các trống đồng. Cầu Thê Húc bằng gỗ nằm vắt sang đền Ngọc Sơn với Bờ Hồ, nổi bật giữa lùm cây xanh um tùm, mặt nước hồ cũng có màu xanh lá cây.
3. Họa sĩ Văn Dương Thành quê gốc Phú Yên nhưng lớn lên ở Hà Nội. Làm quen với cây cọ từ năm 7 tuổi, sau 12 năm học tại Trường Nghệ thuật l’Ecole de Beaux Đông Dương và Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, bà tốt nghiệp Cao học Mỹ thuật năm 1980 và gặt hái được thành công từ khi còn rất trẻ, có tác phẩm đoạt giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam các năm 1972, 1974, 1975. Suốt gần 30 năm qua bà là “đại sứ văn hóa” giữa Việt Nam - Thụy Điển, nỗ lực giới thiệu văn hóa Việt Nam thông qua việc giảng dạy hội họa, ẩm thực và bằng chính những tác phẩm của mình. Nhưng, cũng giống như bao nhiêu người “dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn hướng về Hà Nội”.
Với họa sĩ Văn Dương Thành, Hà Nội luôn luôn ấp ủ những ký ức, hoài niệm và một tình yêu vô bờ bến với mảnh đất mình gắn bó suốt những năm tháng đầu đời tươi trong. Tình yêu ấy dồn cả vào những nét vẽ để người xem, khi ngắm những tác phẩm về Hà Nội của Văn Dương Thành đều thấy được một Hà Nội theo dặm dài thời gian, vừa cổ xưa lại hiện đại, vừa tĩnh lặng nhưng cũng không kém phần sôi động, vừa mang mang hoài niệm của kí ức, lại ăm ắp hiện thực cuộc sống đương thời.
Hà Nội trong ký ức Văn Dương Thành còn đong đầy những kí ức ấu thơ với người cha dù nghèo nhưng vẫn khuyến khích con gái học vẽ. Tiếc rằng, người cha mất quá sớm, có thể nói gây nên một chấn động trong tâm hồn trẻ thơ của nữ họa sĩ, vì vậy, sau này, mỗi khi nhớ đến cha là bà lại nhớ về Hà Nội với những góc phố nhỏ, quán nước, quán phở, với vỉa hè, ngôi nhà đọng lại màu kiến trúc, màu thời gian rất đậm được cha dẫn đi từ khi còn nhỏ xíu. Hay cái màu hồng điều đậm sắc xuân xứ sở Á Đông đã ăn sâu, bắt rễ vào tâm hồn bà…
Văn Dương Thành cũng dành nhiều tình cảm vẽ chân dung người thầy của mình - danh họa Bùi Xuân Phái. Bà vẽ những chân dung này bằng cả niềm kính trọng, biết ơn, tôn vinh vì với bà, đó là bậc danh họa nổi bật của Hà thành hào hoa, thanh lịch…