Xuất hiện ở nhiều nơi, những chiến sĩ hải quân làm nhiệm vụ hoa tiêu dẫn ghe tàu qua luồng lạch trên các đảo chìm ở quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) mang đến cho chúng tôi cảm giác rất đặc biệt.
Các anh đứng nơi đầu sóng, vẫy vẫy hai lá cờ ở hai tay theo những hiệu lệnh riêng của Luật Hàng hải với mục đích dẫn tàu bè đúng luồng lạch. Và hình ảnh hoa tiêu gần như là hình ảnh đầu tiên ở những đảo chìm mà chúng tôi có thể nhìn thấy.
Rất nhiều đảo là những cái tên quen thuộc với người dân như Cô Lin, Len Đao, Đá Nam, Thuyền Chài, Tiên Nữ... Tuy nhiên, ít ai biết được rằng để tiếp cận đảo chìm là việc làm khá khó khăn, phụ thuộc rất lớn vào thủy triều lên xuống tự nhiên. Khi thủy triều xuống, những bãi cạn này có mực nước thấp, thậm chí có thể nổi một phần trên mặt nước. Khi đó các loại ghe tàu lớn nhỏ sẽ không thể di chuyển vào đảo. Chỉ khi mực nước thủy triều dâng lên cao, thường là khoảng thời gian trước và sau 12 giờ trưa khoảng 2-3 giờ đồng hồ.
Đây cũng là lúc mực nước triều lên cao nhất, thuận lợi nhất để di chuyển vào đảo chìm. Nhưng ngay cả khi điều kiện tự nhiên thuận lợi, việc di chuyển ghe tàu vào đảo vẫn cần có sự hỗ trợ của các người lính hoa tiêu. Họ là những người đang công tác, làm nhiệm vụ trên đảo với kiến thức hàng hải về nghề hoa tiêu cùng sự am hiểu tường tận các bãi cạn xung quanh đảo để dẫn đường.
Vào một buổi trưa trung tuần tháng 5, đoàn chúng tôi neo ở khu vực đảo chìm Tốc Tan A nằm trong cụm đảo Tốc Tan. Thuyền trưởng thông báo đoàn sẽ di chuyển vào đảo ngay sau giờ ăn trưa, thay vì có khoảng hơn một giờ nghỉ ngơi. Nguyên nhân do khu vực đảo nằm sâu trong bãi cạn, từ nơi neo tàu di chuyển vào đảo khoảng cách chừng vài trăm mét. Lúc bắt đầu lên ghe nhỏ để vào đảo, từ xa chúng tôi đã nhìn thấp thoáng thấy bóng của người lính hải quân làm hoa tiêu.
Nhìn từ xa, giữa đại dương mênh mông những đảo chìm thật nhỏ bé. Nhiều người vẫn gọi đó là những chiếc “lồng chim” trên biển. Thế nhưng khi càng di chuyển tới gần, đảo càng hiện lên rõ hơn với hình ảnh người lính hoa tiêu nơi tiền tiêu Tổ quốc. Những động tác vẫy cờ, chỉ đơn giản là trái, phải giúp ghe tàu đi đúng luồng lạch nhưng lại vô cùng quan trọng.
Anh Ngô Xuân Phong, một chiến sĩ hải quân đang công tác ở đảo chìm Tốc Tan cho biết, các động tác làm hoa tiêu hướng dẫn ghe tàu di chuyển là một trong các bài học luyện tập của lính hải quân khi tới công tác tại các đảo chìm. Chiến sĩ Phong cho rằng các động tác phất cờ của hoa tiêu thực tế không khó mà điều quan trọng nhất chính là sự hiểu biết về địa hình của bãi cạn.
Dưới mặt nước ghe tàu di chuyển dù có làm sẵn luồng lạch nhưng nguy cơ vẫn rất nhiều. Toàn bộ ghe tàu vào đảo đều phải di chuyển chính xác trên luồng bởi có nhiều mỏm đá san hô ngầm. Nếu không may ghe tàu va chạm vào các mỏm đá ấy sẽ rất dễ xảy ra tai nạn ngoài ý muốn.
Anh Phong quê ở Bình Định, ra đảo được gần một năm. Do cách xa đất liền, phương tiện liên lạc với người thân cũng còn hạn chế nên những đoàn công tác từ đất liền tới thăm đảo là nguồn động viên to lớn của anh em cán bộ chiến sỹ trên đảo. Giữa bốn bề chỉ còn biển và trời, những đoàn công tác không chỉ mang quà tới thăm hỏi động viên mà còn khích lệ tinh thần, giúp các anh em chiến sĩ an tâm công tác, chắc tay súng bảo vệ tuyến đầu Tổ quốc.
Không chỉ có ở Tốc Tan, tại đảo chìm Thuyền Chài B nằm trong cụm đảo chìm Thuyền Chài, chúng tôi cũng bắt gặp người lính hải quân làm hoa tiêu đón tàu. Chiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ, rất vinh dự khi được làm nhiệm vụ hoa tiêu dẫn tàu chở đoàn đại biểu tới thăm đảo.
Mặc dù mới ở trên đảo hơn một năm nhưng chiến sĩ Nguyên cũng hiểu rõ thủy triều và vị trí các mỏm đá chìm dưới biển. Khoảng cách từ tàu tới đảo chừng vài trăm mét nhưng nếu không có hoa tiêu dẫn đường, việc ra vào sẽ rất khó khăn với những người lần đầu tới đảo. Đó là lý do những người lính hoa tiêu luôn chọn vị trí dễ thấy, dễ quan sát để làm tín hiệu bằng những động tác phất cờ.
Chỉ sau những ngày dài lênh đênh trên biển, cảm giác nhìn thấy những người lính hải quân làm hoa tiêu dẫn đường mới thấy hết sự quan trọng của họ. Dù đã tới rất nhiều đảo chìm ở Trường Sa nhưng không hiểu sao, mỗi lần nhìn thấy những lá cờ phất phất dứt khoát của người lính hoa tiêu, tôi lại cảm thấy gần gũi và thân quen, giúp mình an tâm hơn giữa nơi đầu sóng ngọn gió vậy.