Đọc sách giờ không đơn giản chỉ là nhu cầu khám phá tri thức, sách giờ trở thành một món ăn tinh thần, giải trí và nâng tầm thành văn hóa đọc.
Ảnh minh họa.
Cách đây chục năm, nói đến sách, văn học, ai cũng “điểm danh” được những cái tên thuộc hàng kinh điển như: “Hồng Lâu Mộng”, “Tây Du ký”, “Chiến tranh và hòa bình”, “Annakarenina”, “Thép đã tôi thế đấy”…; văn học Việt Nam thì gối đầu giường với “Đời thừa”, “Trăng sáng”, “Số đỏ”… Đơn giản vì thời đó rất ít thứ để giải trí ngoài việc nghiền ngẫm một cuốn sách. Hơn 20 năm sau, chỉ cần một “click” chuột, mọi thứ cần tìm đều hiện ra trước mắt. Mỗi người bạn gặp hằng ngày đều có thể nói rằng, không còn thời gian dành cho việc đọc sách, đi mua sách bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền đã trở thành một thứ áp lực, không ai còn tinh thần để tập trung vào trang sách mỗi tối nữa. Và nếu cần để giải trí, nắm bắt thông tin hằng ngày, họ vẫn có thể kết hợp cùng lúc nhiều việc ở một mức độ nào đó, chẳng hạn như vừa ăn uống vừa xem thời sự, hay nghe đài. Như vậy rõ ràng so với sách báo, văn hoá nghe nhìn có lợi thế, phù hợp hơn với nhịp sống hiện đại. Cộng thêm “căn bệnh lười đọc” đã tồn tại bấy lâu nay, rồi cảm giác hụt hẫng nếu đọc trúng các đầu sách chạy theo trào lưu quảng cáo…
Có thể thấy phần lớn những bạn trẻ, nhất là học sinh, sinh viên hiện nay đã quên đi sự tồn tại của các tác phẩm văn học kinh điển của thế giới như: “Cuốn theo chiều gió”, “Những người khốn khổ”, “Không gia đình”, “Những tấm lòng cao cả”, “Túp lều của bác Tôm”… Nếu như hỏi thì chắc chắn cũng biết được tên, chứ nói đến nội dung thì các bạn… cười trừ.
Sách của các tác giả Việt Nam - đặc biệt là các tác giả trẻ, chuyên và không chuyên hiện vẫn là một mảnh đất màu mỡ được các nhà xuất bản, công ty sách tập trung khai thác. Chi phí bản quyền vừa phải, liên lạc nhanh chóng, tổ chức sự kiện thì tác giả có mặt đầy đủ để trả lời báo giới - không giống với việc ra mắt một cuốn sách dịch, mọi điều muốn tìm hiều về cuốn sách đều phải thông qua người dịch/người đại diện cho tác giả ở phần chuyển ngữ, khiến mọi việc trở nên có phần “tam sao thất bản”. Thậm chí, hiện nay, có một số người vì quá nôn nóng với việc ra sách của mình đã tự thực hiện luôn cả việc trình bày, thiết kế bìa nhằm “rút ngắn công đoạn” cho nhà sản xuất nên chỉ vài chục ngày sau khi ký Hợp đồng bản quyền là đã có sách trên giá.
Ở Việt Nam hiện nay, sách điện tử dường như vẫn là một món ăn chưa hợp “khẩu vị”. Đối với bộ phận lớn thế hệ trẻ, nhất là học sinh, sinh viên (nhóm được đánh giá là “khách hàng tiềm năng” của thị trường sách) thì việc bỏ tiền ra mua 1 bản ebook có bản quyền thực sự là điều khá hiếm hoi. Học từ các trang mạng, diễn đàn đọc “chùa” từng cuốn sách từ khi mới “phôi thai” là bản dịch chưa hoàn chỉnh… miễn là nắm được nội dung chính của cuốn sách, có những anh chị trai xinh gái đẹp ra sao, để cùng vào một forum bàn tán, thậm chí trở thành “cuộc chiến mạng” chỉ vì những nhân vật yêu thích của mình lỡ bị chê bai.
Suy cho cùng, cảm giác khi cầm một cuốn sách giấy, vừa lật từng trang sách, vừa nhâm nhi ly café buổi sáng, trước cái nắng rực rỡ vẫn là một thứ cảm giác được ưa thích và khó có thể mất đi ở mỗi người “yêu sách”. Hoặc nâng niu, vuốt ve từng trang sách còn vương mùi mực in, giấy mới cũng vẫn là thứ cảm giác mà bạn yêu thích, phải không? Đó là điều lý giải tại sao sách điện tử sẽ không thay thế được sách giấy.
Nói như vậy không có nghĩa là sách đang đánh mất dần vị trí của nó trong đời sống. Ở góc nhìn tiêu cực đến mấy thì cũng phải nói rằng, dù xã hội có phát triển đến đâu thì sách giấy vẫn có những ưu thế tuyệt vời của nó. Ngoài sự cuốn hút từ họa tiết, trang trí ngoài bìa, thì chính cốt lõi nội dung tư tưởng mà cuốn sách chứa đựng mới đích thực là nguồn nam châm thu hút tâm trí con người. Sách mang lại cho con người nguồn tri thức vô giá, phân tích, chọn lọc, ghi nhận và điều quan trọng là hiểu được tận ngọn nguồn của vấn đề, của kiến thức mà không một phương tiện truyền thông nào có thể truyền tải được. Bởi bản thân hình ảnh thì chỉ thoảng qua, từ ngữ mới đọng lại lâu bền…