Theo cơ quan khí tượng thủy văn, bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng đã gây mưa to tại nhiều địa phương phía Bắc; ngập úng ở đồng bằng, lũ quét, sạt lở đất trên vùng núi…
Thông tin tại cuộc họp ứng phó với bão số 7 và mưa lớn diễn ra sáng 14/10 cho biết, bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng vẫn sẽ gây gió giật và mưa to tại nhiều nơi. Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhấn mạnh: Lưu ý đầu tiên là thời tiết ở Vịnh Bắc bộ. Gió sẽ rất mạnh, cấp 8 - 9, giật cấp 11. Cấp gió này rất nguy hiểm đối với tàu, thuyền, nhất là các tàu nhỏ.
Từ ngày 15-16/10 khu vực đồng bằng và ven biển Bắc bộ, Hòa Bình, Nam Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 200-350 mm/đợt, có nơi trên 400 mm/đợt; các nơi khác ở Bắc bộ và Hà Tĩnh khoảng 50-150 mm/đợt. Theo ông Khiêm, mưa sẽ tăng lên và có thể kéo dài đến 16/10. Trong đó, vùng mưa to nhất là đồng bằng và ven biển Bắc bộ, Hòa Bình, phía Nam của Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An.
“Với dự báo mưa như vậy, chúng tôi khuyến cáo về các nguy cơ ngập úng ở đồng bằng, lũ quét, sạt lở đất trên vùng núi và các công trình hồ chứa đã đầy nước cần chú ý ứng phó để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, phải lưu ý lũ, trong đó, thượng nguồn sông Mã, sông Bưởi, sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố có thể lên mức báo động 2 - báo động 3. Chúng ta sẽ cảm nhận lạnh hơn, thậm chí là rét do mưa trên nền nhiệt thấp”, ông Khiêm lưu ý.
Về vùng ảnh hưởng của bão số 7 có chạm tới khu vực Trung bộ đang xảy ra mưa lũ kéo dài, ông Khiêm nhận định: “Hoàn lưu bão số 7 không gây mưa cho khu vực Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Từ hôm nay mưa sẽ giảm, lũ các sông xuống dần. Tuy nhiên, khả năng ngày 15/10, một áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào Biển Đông. Sau đó có thể mạnh lên thành bão, hướng về miền Trung.
Nếu kịch bản này xảy ra, thì cần lưu ý gió mạnh nguy hiểm vùng giữa biển động đối với hoạt động của tàu thuyền, đồng thời gây ra đợt mưa lớn diện rộng ở Trung Trung bộ, Nam Trung bộ vào các ngày cuối tuần và có thể gây ra đợt lũ mới. Bà con nên cập nhật liên tục diễn biến thời tiết mới nhất để chủ động đối phó nếu mưa lũ quay trở lại”.
Trưa ngày 14/10, cơn bão số 7 đã đổ bộ vào bờ biển Thanh Hóa với sức gió cấp 6 – 7 kèm mưa lớn. Do chủ động trong công tác phòng chống bão nên tỉnh không có thiệt hại. Tuy nhiên, với tình hình thời tiết cực đoan hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang hết sức cảnh giác với lượng mưa hoàn lưu sau bão được dự đoán là sẽ kéo dài và rất phức tạp có thể gây ra lũ ống, lũ quét.
Tại các địa phương ven biển như Sầm Sơn, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Quảng Xương, Nghi Sơn, hàng nghìn tàu thuyền, bè mảng đã được ngư dân tập kết vào khu tránh trú bão hoặc kéo lên bờ, chằng néo cẩn thận. Các khu nuôi trồng thủy sản cũng được tôn thêm bờ ngăn, căng lưới đề phòng nước biển dâng.
Tại huyện miền núi Quan Sơn hiện có 659 hộ, 2.982 khẩu có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Tập trung tại các xã Na Mèo, Tam Thanh, Mường Mìn, Sơn Thủy, Sơn Điện... Trước nguy cơ ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão, chính quyền huyện Quan Sơn tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân sinh sống tại các vùng có nguy cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, nâng cao ý thức phòng, chống thiên tai, di dời các hộ dân, chuồng trại, vật nuôi ở những vùng thấp dọc các sông suối, các vách đá núi dễ bị sạt lở đến khu vực an toàn...
Nông dân không kịp trở tay
Mưa to trên diện rộng và nước lũ tràn về bất ngờ đã khiến cho bà con nông dân ở các tỉnh phía Bắc không kịp trở tay. Nhiều ruộng lúa chìm sâu trong nước, nhiều người đã phải mặc áo mưa, chèo thuyền đi vớt từng bông lúa về...
Ngày 14/10, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện nay có hơn 137.000ha lúa ở Bắc Trung bộ và Đồng bằng sông Hồng chưa thu hoạch. Tại tỉnh Thái Bình có tổng cộng 78.000 ha lúa mùa. Đến thời điểm trước bão, Thái Bình mới thu hoạch được khoảng gần 50. 000 ha, hiện vẫn còn gần 30.000ha chưa được thu hoạch; nhiều diện tích cây trồng vụ đông vừa được gieo trồng. Duy Hưng