Do ảnh hưởng dịch Covid-19, Thủ tướng đề nghị Quốc hội cân nhắc chưa tăng lương cơ sở, lương hưu từ 1/7 để có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách. Như vậy, thay vì sẽ được tăng thêm hơn 100.000đ, năm nay cán bộ công chức (CBCC) sẽ tạm thời giữ nguyên lương để dành tiền cho các mục tiêu khác. Tất nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, CBCC sẽ cùng Chính phủ thắt lưng buộc bụng, nhưng cải cách tiền lương đúng lộ trình như đã đề ra vào năm 2021 thì không thể chậm trễ.
Người lao động sẵn sàng chấp nhận hoãn tăng lương nhưng vẫn mong muốn được trả lương theo vị trí việc làm.
Tạm dừng tăng lương cho các mục tiêu cấp bách
Báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, sáng 20/5, Thủ tướng đề nghị Quốc hội xem xét loạt cơ chế đặc thù trong tình hình mới. Theo Thủ tướng, so với cuối năm 2019 tình hình có sự thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều do tác động bởi Covid-19. Do đó, Thủ tướng đề nghị Quốc hội cân nhắc chưa tăng lương cơ sở với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, lương hưu từ 1/7/2020 để “cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách”.
Trước đó, theo nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 8 vào cuối năm 2019, lương cơ sở cho cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, lương hưu sẽ tăng lên 1,6 triệu đồng một tháng từ 1/7. Mức này tăng khoảng 110.000 đồng so với năm 2018 (tương đương 7%). Mức tăng khoảng 7% trên một hệ số lương đã kéo dài từ 15 năm nay. Theo đó, đến hẹn lại tăng, mỗi năm cán bộ làm công ăn lương lại trông chờ khoảng tăng lương ít ỏi khoảng 100.000đ này, dù số tiền này cũng chưa thể nào đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của họ nhưng dẫu sao đó cũng là khoản tiền đáng kể so với mức tiền lương hàng tháng họ nhận được.
Chưa chốt phương án có hoãn khoản tiền tăng thêm cho CBCC này không, nhưng chắc chắn, trước khó khăn của đất nước, CBCC sẵn sàng thắt lưng buộc bụng, chung lưng đấu cật cùng Chính phủ để dành khoản tiền ngân sách này cho các khoản chi tiêu cần thiết, cấp bách hơn. Dù vậy, CBCC vẫn mong muốn Chính phủ cần nhanh chóng có những chính sách căn cơ để đón các dòng đầu tư vào Việt Nam. Số tiền từ nguồn hoãn tăng lương cần dành để chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, nguồn nhân lực, mặt bằng để chủ động đón đầu dòng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn đa quốc gia gắn với chuỗi giá trị và chuyển giao công nghệ tiên tiến. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhanh chóng phục hồi nền kinh tế. Việc này giúp từng bước hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính hệ thống và năng lực cốt lõi, có sức đề kháng mạnh mẽ, chống chịu hiệu quả trước các cú sốc từ bên ngoài….Tóm lại, CBCC, người làm công ăn lương sẵn sàng hy sinh lợi ích nhỏ bé của mình để đất nước vượt qua khó khăn, có thể tăng trưởng một cách mạnh mẽ trong tương lai khi chúng ta có những chính sách đủ mạnh, đủ thu hút, đủ khuyến khích thúc đẩy phát triển.
Đừng quên cải cách tiền lương trong khu vực công
Công chức đang được trả lương theo hệ số lương và mức lương cơ sở. Trong đó, hệ số lương được giữ cố định theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP và mức lương cơ sở tăng dần theo từng năm. Hiện nay, mức lương cơ sở đang là 1,49 triệu đồng/tháng (theo Nghị định 38 của Chính phủ). Từ 01/7/2020, mức lương cơ sở tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng (theo Nghị quyết 86). Tuy nhiên, việc thực hiện trả lương cho công chức theo cách thức trả lương này đang có khá nhiều bất cập, hạn chế như: Hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh, chức vụ, năng lực của từng công chức; không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Còn mang nặng tính “cào bằng”, không tạo được động lực để công chức phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc…
Ngày 21/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW quy định về cải cách chính sách tiền lương. Cụ thể, nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót nêu trên, từ năm 2021, chính sách tiền lương có những thay đổi bằng cách, bãi bỏ mức lương cơ sở, hệ số lương hiện nay và thay thế bằng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể. Sẽ xây dựng bảng lương mới theo vị trí việc làm (VTVL), chức danh, chức vụ lãnh đạo thay thế bảng hiện hiện nay, đảm bảo tiền lương mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng.
Như vậy, từ năm 2021, công chức được trả lương theo số tiền cụ thể, khắc phục những nhược điểm của bảng lương theo hệ số và mức lương cơ sở hiện nay. Do đó, cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau. Điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề. Đồng thời sắp xếp lại nhóm ngạch, số bậc trong các ngạch công chức; khuyến khích công chức nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ...
Có thể khẳng định, lương được trả theo VTVL là tiền lương được trả đúng theo công sức và năng lực của công chức mà không phải chỉ dựa vào thâm niên như hiện nay. Như vậy, từ năm 2021, dù công chức mới được tuyển dụng nhưng có khả năng đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm thì vẫn được trả lương tương xứng với năng lực của mình. Qua đó, thúc đẩy công chức không ngừng cố gắng, phấn đấu thực hiện tốt công việc của mình
Nhưng dẫu là có cải cách lương theo hướng nào đi nữa việc cấp bách cần làm bây giờ là phải tìm ra ai là người không được việc trong nền công vụ để tinh giản biên chế, giảm bớt đội ngũ cồng kềnh “ngốn” khoản tiền không nhỏ từ ngân sách. Nhưng ai là người sẽ bị tinh giản vì không được việc thì không dễ. Báo cáo của 32 cơ quan trung ương và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho thấy năm 2018 có 472.698 công chức được đánh giá phân loại. Trong đó, có 132.700 công chức (chiếm 28,07%) hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 326.138 người (chiếm 69,00%) hoàn thành tốt nhiệm vụ, 10.847 người (chiếm 2,29%) hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 3.013 người (0,64%) không hoàn thành nhiệm vụ. Điều này có nghĩa vẫn chưa đến 1% CBCC không hoàn thành nhiệm vụ, trong khi đó dư luận vẫn nói chỉ có khoảng 30% CBCC được việc trong nền công vụ.
Vì hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu quả làm việc của CBCC không chuẩn xác cho nên kéo theo kết quả tinh giản biên chế còn khá hạn chế. Theo số liệu mới đây nhất, số biên chế công chức được phê duyệt năm 2019 giảm 6,6% so với số được giao năm 2015. Như vậy, cả nước đã tinh giản biên chế 10.047 người. Số lượng biên chế làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã tinh giản đến cuối năm 2019 so với năm 2015 là 50.547 người. Dù đã nỗ lực tinh giản biên chế, nhưng so với đội ngũ cồng kềnh ngốn gần 60% ngân sách thì sự tinh giản này chưa thấm vào đâu. Do vậy, muốn có nguồn để tăng lương cần tiếp tục giảm số người hưởng lương từ ngân sách.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh:Lương phải được trả tương xứng sức lao động bỏ ra
Không thể trả lương kiểu “cào bằng” như hiện nay. Từ năm 2021 sẽ căn cứ kết quả công việc để trả lương; theo đó mỗi ngành có một số VTVL, trong mỗi vị trí xác định luôn mức lương riêng chứ không đều giữa mọi ngành như hiện nay. Khi trả lương theo VTVL không cần biết bằng cấp gì, khi đã mô tả công việc theo một khung năng lực, một người dù mới vào hay lâu năm, cứ đáp ứng yêu cầu công việc tại VTVL đó, phải được trả lương tương xứng công sức bỏ ra và kết quả đạt được; không đáp ứng thì không được bố trí nữa. Có thể những ngành vất vả sẽ được xếp vào một nhóm hưởng lương cao hơn. Như vậy, lương sẽ phản ánh thực chất năng lực, cống hiến. Đồng thời, lương sẽ trở thành thu nhập chủ yếu, không phải phụ cấp như từ trước đến nay.
Hiện phụ cấp có khi chiếm tới 70 - 80% tổng thu nhập của một CBCCVC, nhưng từ 2021 sẽ ngược lại: 80% thậm chí 100% tổng thu nhập là lương. Điều đó chính xác, bởi tôi cho rằng ngành nào cũng đều tự quy định tính chất công việc của chính nó nên không thể có cái gọi là “ngành đặc thù”! Chẳng hạn, đã là giáo viên thì phải đứng lớp, không thể coi là đặc thù.
Tôi cho rằng trước hết, cần xác định VTVL cho thật chuẩn theo từng ngành nghề, lĩnh vực, trong từng vị trí nên nêu rõ mức lương thế nào cho phù hợp. Cùng với đó, phải sắp xếp lại tổ chức và chức năng nhiệm vụ các cơ quan. Từ đó mới có điều kiện tăng lương theo VTVL và chức vụ. Nếu cứ bộ máy cồng kềnh, các cơ quan có nhiều tầng nấc trung gian thì không thể có điều kiện tăng lương.