70 năm qua, các chính sách ưu đãi người có công thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của đất nước trong từng giai đoạn, được thể chế hóa bằng hệ thống pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, thực tế, hệ thống chính sách pháp luật ưu đãi người có công hiện vẫn tồn tại nhiều bất cập, đòi hỏi phải tiếp tục được rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện.
Tri ân và chăm sóc người có công luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm.
Gần 96% người có công được hưởng các chính sách
Tại buổi hội thảo: Hoàn thiện chính sách pháp luật về ưu đãi người có công (NCC) vừa được tổ chức, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, các địa phương đã thực hiện chính sách về cơ bản đạt yêu cầu, đúng đối tượng với gần 96% đối tượng NCC được hưởng đầy đủ các chế độ, 4,16% còn hưởng chưa đầy đủ, 0,09% hưởng sai chế độ chính sách.
Sau khi tập trung giải quyết, đến nay đã có 4,16% đối tượng là NCC đã được hưởng chính sách. Tuy nhiên, hiện cả nước còn khoảng trên 30.000 trường hợp kê khai nhưng chưa được xác nhận người có công, trong đó có 5.900 trường hợp liệt sĩ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh.
Chỉ ra những bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai chính sách ưu đãi NCC, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết: Công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực ưu đãi NCC vẫn còn một số địa phương chưa chú trọng cải cách hành chính gắn với phòng, chống tham nhũng trong việc xác lập hồ sơ hưởng chế độ và quản lý đối tượng NCC.
Một số vấn đề trong xác nhận, giải quyết chế độ ưu đãi cho NCC chưa được nghiên cứu, bổ sung, thống nhất. Công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với NCC và thân nhân NCC tuy được triển khai rộng khắp nhưng hình thức còn đơn điệu, chưa phong phú, chỉ tập trung vào dịp 27/7 hàng năm...
Đại diện Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) cho biết, trong 10 năm (2007-2017), Quân đội đã xác nhận cho hơn 1.000 liệt sĩ, cấp giấy chứng nhận cho hơn 7.000 thương binh và gần 6.500 bệnh binh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách đã nảy sinh một số bất cập.
Trong đó vướng mắc, bất cập lớn nhất về thủ tục, hồ sơ, giải quyết chế độ với NCC còn tồn đọng. Do lịch sử, điều kiện kinh tế- xã hội của đất nước, trình độ quản lý với thời gian chiến tranh kéo dài, ác liệt, nhiều thời kỳ nên nhiều hồ sơ, thủ tục không đáp ứng được yêu cầu của quy định hiện nay, nhiều trường hợp phải tổ chức xác minh công phu mới có căn cứ để xem xét, giải quyết...
Đối với chính sách cựu thanh niên xung phong, ông Nguyễn Việt Phát, Phó Ban Chính sách Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam cho biết, trong chiến tranh hàng ngàn cán bộ, đội viên thanh niên xung phong hy sinh, bị thương, bị nhiễm chất độc hoá học…
thế nhưng đến nay, vẫn còn 7% trường hợp thanh niên xung phong chưa được công nhận liệt sĩ, 16% trường hợp chưa được công nhận thương binh, 68% trường hợp chưa được hưởng chế độ nhiễm chất độc hoá học... Nguyên nhân chủ yếu vẫn là thiếu giấy tờ gốc, không tìm được người thờ cúng (điều kiện để được công nhận liệt sĩ)…
Hoàn thiện thể chế
Từ những hạn chế, bất cập trên các đại biểu cho rằng cần phải sớm tổng kết, đánh giá toàn diện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công, xây dựng và ban hành Pháp lệnh mới thay thế Pháp lệnh Ưu đãi người có công nhằm thực hiện tốt hơn việc ưu đãi người có công, đánh giá đúng tầm quan trọng của pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng trọng hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như trong đời sống xã hội.
Từ thực tiễn qua việc giám sát thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng trong hai năm 2014-2015, ông Hoàng Văn Chương, Phó Trưởng Ban Phong trào, UBTƯ MTTQ Việt Nam nêu vấn đề: Những người có cống hiến mà chưa được công nhận hay các trường hợp làm hồ sơ giả, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể ở cơ sở có thể biết hoặc chưa biết rõ nhưng người dân, hàng xóm chắc chắn biết, nhưng vì sao họ không phản ánh?
Có lẽ một phần do nể nang hay cách tổ chức tiếp nhận xử lý thông tin phản ánh của các cơ quan chức năng. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm hướng dẫn kịp thời việc thực hiện chính sách đồng thời phải xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ, ngành LĐTB&XH.
Bởi, ở đâu có sự quyết liệt của cấp ủy, chính quyền sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, MTTQ, các tổ chức thành viên thì ở đó sẽ thực hiện tốt.
Bên cạnh đó cần phát huy vai trò giám sát của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở; xử lý nghiêm các trường hợp làm hồ sơ giả, xử lý từ người làm hồ sơ giả đến người thẩm định, tham mưu và quyết định.
Về mặt chính sách Đại tá Ngô Quang Phúc, Phó Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đề xuất, cần sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng theo hướng toàn diện, khắc phục những vướng mắc, bất cập hiện nay; kịp thời bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước.