Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, hiếm có một anh hùng nào như Hoàng đế Quang Trung, xuất thân áo vải, cả đời chinh chiến, danh vang bốn biển, đánh giặc lập nước, tôn vinh văn hiến, khuyến học khuyến tài, những bậc quốc sĩ danh thần cảm phục uy danh mà theo về giúp rập.
Đặc biệt, trong hai lần đại phá quân Xiêm La và quân Thanh, ông đã bằng tài năng quân sự thiên bẩm của mình, đánh cho lũ giặc phía Nam, phía Bắc phải kinh hồn táng đởm. Ông từng hào sảng tuyên ngôn trong Chiếu xuất quân khích lệ tướng sĩ khi hành binh ra Bắc Hà đánh tan 29 vạn quân Thanh:
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc
anh hùng chi hữu chủ.
Sử gia Trần Trọng Kim, khi bàn về Hoàng đế Quang Trung đã viết: “Vua Quang Trung là vị vua anh dũng, lấy võ lược mà dựng nghiệp, nhưng ngài có độ lượng, rất am hiểu việc trị nước, biết trọng người hiền tài văn học. Khi ngài ra đất Bắc Hà, những người như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích đều được trọng dụng và nhất là đối với một xử sĩ như Nguyễn Thiếp thì thật khác thường”.
Hoàng đế Quang Trung trong hàng loạt các chiến công lừng lẫy thì đại thắng 29 vạn quân Thanh năm Kỷ Dậu là võ công chói lọi nhất, thể hiện đầy đủ phẩm chất thiên tài quân sự toàn diện nhất.
Lê Chiêu Thống cùng đường chạy sang Trung Quốc, cầu viện Hoàng đế nhà Thanh. Cuối năm 1788, với dã tâm muốn cướp nước ta, Hoàng đế Mãn Thanh - Càn Long sai Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị chỉ huy 29 vạn quân Thanh hộ tống Lê Chiêu Thống về Đại Việt với danh nghĩa “phù Lê”, vào chiếm đóng Thăng Long.
Quân Tây Sơn, theo mưu kế của Ngô Thì Nhậm, chủ động rút quân về đóng ở Tam Điệp - Biện Sơn cố thủ chờ lệnh. Cuộc rút lui chiến lược này là một nước cờ cao diệu của các danh tướng Tây Sơn.
Nghe tin báo, ngày 25/11 năm Mậu Thân (1788), Nguyễn Huệ xuất quân tiến ra Bắc. Để lấy danh nghĩa chính thống, Bắc Bình Vương lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung. Các tướng soái và đặc biệt là nhân dân trong cả nước vô cùng phấn chấn ủng hộ Hoàng đế Quang Trung đánh giặc.
Ngày 29/11, đại quân của Quang Trung tới Nghệ An, dừng quân tại đó hơn 10 ngày để tuyển quân và củng cố lực lượng, nâng quân số lên tới 10 vạn, tổ chức thành 5 đạo quân: tiền, hậu, tả, hữu và trung quân, đặc biệt còn có một đội tượng binh gồm 200 voi chiến. Quang Trung còn tổ chức lễ duyệt binh ngay tại Nghệ An để khích lệ tinh thần và ý chí quyết chiến, quyết thắng của tướng sĩ đối với quân xâm lược Mãn Thanh.
Ngay sau lễ duyệt binh, Quang Trung tiến quân ra Bắc.
Tôn Sĩ Nghị vốn bản chất nước lớn, ỷ thế quân đông đã coi thường quân Tây Sơn, sau nghe lời các tướng của Chiêu Thống thì có lo đôi phần, hẹn mồng 6 Tết sẽ ra quân đánh Tây Sơn.
Ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân (1789), đại quân của Quang Trung đã ra đến Tam Điệp. Sau khi xem xét tình hình, Quang Trung hẹn ba quân: Ngày mồng 7 Tết sẽ quét sạch quân Thanh, vào ăn Tết ở Thăng Long.
Quang Trung chia quân làm 5 đạo. Một đạo do đô đốc Long chỉ huy từ làng Nhân Mục tập kích đồn Khương Thượng và phía Tây Thăng Long. Đạo đô đốc Bảo tiến đánh các đồn phía Nam Thăng Long. Trung quân do đích thân Quang Trung chỉ huy, phối hợp với đô đốc Bảo đánh diệt các đồn phía Nam Thăng Long. Đạo đô đốc Tuyết và đô đốc Lộc theo đường biển ra Bắc, chặn đường lui của địch ở phía Bắc sông Nhị Hà và huyện Phượng Nhãn.
Đêm 30 tháng Chạp âm lịch, quân Tây Sơn đánh diệt đồn Gián Khẩu của các tướng Lê Chiêu Thống. Sau đó Quang Trung đánh diệt các đồn Nguyệt Quyết, Nhật Tảo, dụ hàng đồn Hà Hồi. Đêm mồng 4 Tết, Quang Trung tiến đến trước đồn lớn nhất của quân Thanh là Ngọc Hồi nhưng dừng lại chưa đánh khiến quân Thanh lo sợ, phần bị động không dám đánh trước nhưng cũng không biết bị đánh lúc nào. Trong khi đó cánh quân của đô đốc Long bất ngờ tập kích đồn Khương Thượng khiến quân Thanh không kịp trở tay, hàng vạn lính bỏ mạng. Chủ tướng Sầm Nghi Đống tự vẫn. Xác quân Thanh chết sau xếp thành 13 gò đống lớn, có đa mọc um tùm nên gọi là gò Đống Đa.
Đô đốc Long tiến vào đánh phá quân địch phòng thủ ở Tây Thăng Long. Sáng mồng 5, Quang Trung mới cùng đô đốc Bảo tổng tấn công vào đồn Ngọc Hồi. Trước sức tấn công mãnh liệt của Tây Sơn, quân Thanh thua chết hàng vạn, phần lớn các tướng bị giết. Trong khi Quang Trung chưa đánh Ngọc Hồi thì Tôn Sĩ Nghị nghe tin đô đốc Long đánh vào Thăng Long đã cuống cuồng sợ hãi bỏ chạy trước. Đến sông Nhị Hà, sợ quân Tây Sơn đuổi theo, Tôn Sĩ Nghị hạ lệnh cắt cầu phao khiến quân Thanh rơi xuống sông chết rất nhiều làm dòng sông bị nghẽn dòng chảy. Trên đường tháo chạy, Tôn Sĩ Nghị bị hai cánh quân của đô đốc Tuyết và đô đốc Lộc chặn đánh, tơi tả chạy về. Lê Chiêu Thống hớt hải chạy theo thoát sang bên kia biên giới. Sớm hơn dự kiến, chỉ trong vòng 6 ngày, quân Tây Sơn đã đánh tan quân Thanh. Trưa mồng 5 Tết, Quang Trung tiến vào thành Thăng Long trong sự chào đón của nhân dân.
Trong suốt cuộc hành quân Bắc tiến, đạo quân chủ lực do đích thân Quang Trung chỉ huy chính là đạo quân giao chiến nhiều nhất, liên tiếp hạ các đồn Gián Khẩu, Nguyệt Quyết, Nhật Tảo, Hà Hồi quá mau lẹ khiến quân Thanh ở Ngọc Hồi bị động, không dám chủ động tác chiến và đại bại. Ngô Ngọc Du là một nhà thơ đương thời, đã ghi lại không khí tưng bừng của ngày chiến thắng oanh liệt đó của Tây Sơn trong một bài thơ:
Một trận rồng lửa giặc tan tành
Bỏ thành cướp đó trốn cho nhanh
Ba quân đội ngũ chỉnh tề tiến
Trăm họ chật đường
vui tiếp nghênh
Mây tạnh mù tan trời lại sáng
Đầy thành già trẻ mặt như hoa
Chen vai khoác cánh
cùng nhau nói:
"Kinh đô vẫn thuộc núi sông ta"
Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ không những là nhà quân sự kiệt xuất, danh tướng bách chiến bách thắng của dân tộc Việt Nam mà còn là nhà ngoại giao xuất sắc với tài nhìn xa trông rộng đã tạo ra những bước ngoặt lịch sử, mềm mại nhưng cương quyết, khôn khéo, chính nghĩa, đanh thép, giữ vững chủ quyền, tạo thế nước bằng sách lược ngoại giao đặc biệt.
Ngay từ khi kéo quân đến Tam Điệp trên đường ra Thăng Long đánh quân Thanh, Quang Trung đã tính đến việc giảng hòa với nhà Thanh sau khi thắng trận. Khi kéo quân vào Thăng Long, ông đã ra lệnh cấm giết bại binh Thanh khi bắt được, lại cho phép quân Thanh được ra đầu thú. Nhờ chính sách khoan hồng này, số quân Thanh được giải về Thăng Long có đến hàng ngàn người, đều được cấp lương ăn và quần áo. Trước khi trao trả cho nhà Thanh, vua Quang Trung ra một tờ chiếu dụ chúng, với lời lẽ chính nghĩa đanh thép, đầy tự hào mà chí tình chí lý:
"Việc quân là cái độc của thiên hạ.
Gặp giặc thì giết, lẽ đó là thường.
Bắt được mà tha, xưa chưa từng có.
Trẫm theo lẽ trời và thuận lòng người, nhân thời cách mệnh, lấy việc binh nhung mà định thiên hạ. Việc Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị nhà các ngươi sức hèn tài mọn, không biết tự lượng, đem hai mươi chín vạn quân sang cửa quan, vượt suối trèo non, vô cớ xông vào chỗ hiểm nguy để gây binh hấn, khiến cho các ngươi, một lũ dân đen vô tội phải nằm sương gối tuyết và chết ở hòn đạn mũi tên. Đó là tội của Tổng đốc nhà các ngươi.
Trẫm trỏ cờ lệnh, chỉ trong một trận, quét sạch các ngươi như kiến cỏ; kẻ đã chết trận xương chất thành núi, những kẻ trận tiền bị bắt, hoặc thế bách xin hàng, đáng lẽ phải thiết quân luật mà chém ở pháp trường. Song, vì thể tấm lòng hiếu sinh của thượng đế và lấy tấm lòng bao dung, trẫm tha tính mạng cho các ngươi và cho các ngươi được sung vào các hàng quân hoặc cấp lương cho, để các ngươi khỏi bị khổ kẹp cùm, đánh đập.
Đấng vương giả coi bốn bể như một nhà, các ngươi nên thể lòng trẫm mà bỏ sự ngờ sợ để báo ơn trẫm".
Thật là từ xưa đến nay chưa từng có.
Hoàng đế Quang Trung, anh hùng dân tộc, nhà quân sự kiệt xuất, danh tướng bách chiến bách thắng của dân tộc Việt Nam còn là nhà ngoại giao xuất sắc, biết sử dụng thế và lực của cả một dân tộc quật cường làm lực lượng trong đường hướng ngoại giao khiến cho giặc Bắc phải nhượng bộ cũng là điều hiếm thấy trong lịch sử.
Hơn 20 năm đánh đông dẹp bắc, Anh hùng dân tộc Quang Trung đã lập nên những kỳ tích oanh liệt, nhiều lần đập tan các tập đoàn phong kiến phía Nam, phía Bắc, chấm dứt cảnh đất nước bị chia cắt trên 200 năm, đánh tan 5 vạn quân Xiêm La trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút và đặc biệt lập nên võ công quét sạch 29 vạn quân Thanh. Ngay sau thắng lợi, Anh hùng dân tộc Quang Trung đã chủ trương lập lại quan hệ bang giao với nhà Thanh để tranh thủ nền hòa bình, có thời gian xây dựng lại đất nước sau nhiều năm chiến tranh loạn lạc.
Nhân dân Việt Nam luôn luôn tự hào ghi nhận ông là người anh hùng áo vải của dân tộc, là một trong những vị vua vĩ đại trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Hiện nay, nhiều tên phố, tên đường khắp ba miền Bắc -Trung -Nam được mang tên ông, nhiều tượng đài, bảo tàng, đình đền thờ tự người anh hùng áo vải.