Các hoạt động công đoàn phải hướng về cơ sở, hướng về người lao động. Công đoàn phải thực sự là của giai cấp công nhân, hoạt động vì người lao động.
Chiều 5/1, tại Hải Phòng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình dự và phát biểu tại Hội nghị Ban chấp hành Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình biểu dương, ghi nhận những nỗ lực, cố gắng và kết quả của phong trào công nhân và hoạt động của các tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng, năm 2016, các cấp công đoàn đã tích cực, chủ động tham gia cùng các cơ quan nhà nước, các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách có liên quan đến người lao động nhất là trong các lĩnh vực tiền lương, bảo biểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn vệ sinh lao động, vấn đề nhà ở và các thiết chế văn hóa phục vụ người lao động.
Bên cạnh đó, công tác chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động ngày càng được chú trọng; việc tham gia thực hiện quy chế dân chủ có nhiều chuyển biến; số cuộc ngừng việc, đình công giảm nhiều so với năm 2015 tạo môi trường ổn định góp phần thu hút đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Phong trào thi đua yêu nước tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả, nhất là phong trào thi đua liên kết trên công trường Thủy điện Lai Châu do công đoàn chủ trì đã góp phần đưa Nhà máy Thủy điện Lai Châu về trước tiến độ một năm làm lợi cho ngân sách nhà nước trên 7.000 tỷ đồng…
Cơ bản tán thành những nhiệm vụ chủ yếu Công đoàn các cấp cần tập trung thực hiện trong năm 2017, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh thêm một số vấn đề sau.
Theo quy định của Hiến pháp, Công đoàn là đại diện cho giai cấp công nhân và người lao động, do đó phải giữ vững ngọn cờ và chăm lo đời sống của người lao động ngày càng tốt hơn, chủ động phối hợp với Chính phủ với các bộ, ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tốt việc nắm bắt dư luận xã hội, kịp thời tham mưu giải quyết những vấn đề bức xúc trong công nhân lao động bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Với vai trò đại diện người lao động, cần chủ động tham mưu, đề xuất và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến đoàn viên và người lao động. Quan tâm chăm lo cho đoàn viên và người lao động thông qua việc bảo vệ người lao động tại tòa án theo quy định của pháp luật. Xây dựng quan hệ lao động lành mạnh trên tinh thần hợp tác, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa nhà đầu tư, người lao động và Nhà nước. Thực hiện tốt cơ chế phối hợp ba bên ở cấp, ngành và địa phương về quan hệ lao động, thúc đẩy ký kết thỏa ước lao động tập thể cấp ngành, cấp khu vực.
Về việc Công đoàn khởi kiện doanh nghiệp ra Toà án, ở đây chủ yếu là quan hệ dân sự và hành chính. Nếu doanh nghiệp trốn nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, gây thiệt hại cho người lao động thì đây là vấn đề dân sự, người lao động có quyền kiện ra toà, yêu cầu bồi thường thiệt hại. Ngành Bảo hiểm xã hội và Công đoàn cũng như Toà án cần có quy chế để xử lý doanh nghiệp trốn hoặc nợ đóng Bảo hiểm xã hội.
Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục trong công nhân viên chức, người lao động. Chú trọng quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cần bám sát, thúc đẩy cho quá trình phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, trong đó quan tâm đến việc nâng cao nhận thức, thái độ, đạo đức, trách nhiệm đối với công việc.
Phó Thủ tướng đề nghị, Công đoàn tiếp tục quan tâm hơn nữa đời sống vật chất tinh thần của người lao động nhất là công nhân, đoàn viên công đoàn trong các khu công nghiệp khu chế xuất.
Tháng 7 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất chủ trương để Công đoàn triển khai thí điểm việc đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn phục vụ đoàn viên, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đây là tiền đề rất quan trọng để Tổng Liên đoàn tổ chức các hoạt động nhằm cụ thể hóa chủ đề hoạt động công đoàn năm 2017 là “Năm vì lợi ích đoàn viên”.
Phó Thủ tướng đề nghị các cấp Công đoàn chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và đơn vị liên quan tập trung triển khai, thực hiện. Đồng thời, chủ động tạo nhiều nguồn lực để thực hiện đề án bảo đảm hiệu quả, thiết thực.
Trước những cơ hội thuận lợi và khó khăn, thách thức rất lớn từ tiến trình hội nhập quốc tế, Phó Thủ tướng cho rằng, Công đoàn cần đổi mới mạnh mẽ, thực chất cả về tổ chức và hoạt động công đoàn cho phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Chủ động, nắm bắt tình hình, tận dụng khai thác cơ hội, lường trước và xử lý những khó khăn, thách thức có những giải pháp đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt; trong đó đổi mới tư duy về công đoàn và tổ chức bộ máy phù hợp với xu hướng phát triển và thông lệ quốc tế là yếu tố tiên quyết. Các hoạt động công đoàn phải hướng về cơ sở, hướng về người lao động. Công đoàn phải thực sự là của giai cấp công nhân, hoạt động vì người lao động.
Chuẩn bị đón xuân mới Đinh Dậu 2017, các cấp Công đoàn cần tập trung tổ chức tốt các hoạt động chăm lo cho công nhân lao động, lưu ý bám cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động nhất là vấn đề tiền lương, tiền công, tiền thưởng trong dịp Tết.
Để tạo điều kiện cho công đoàn hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, Phó Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn xây dựng, trình Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách giải quyết những vấn đền cấp bách, bức xúc của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn; kịp thời có các văn bản hướng dẫn thực hiện để chủ trương của Đảng, luật pháp, cơ chế, chính sách của Nhà nước sớm đi vào cuộc sống, tăng cường và củng cố niềm tin của đoàn viên và người lao động vào Đảng và Nhà nước.
Báo cáo kết quả hoạt động năm 2016 của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết: Năm 2016, là năm đầu tiên việc phát triển đoàn viên hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra, kết nạp mới hơn 1 triệu đoàn viên, đạt 110% chỉ tiêu đề ra.
Cả nước có hơn 9,6 triệu đoàn viên tại hơn 125 nghìn công đoàn cơ sở. Nhờ làm tốt công tác, công đoàn đã góp phần cải thiện thu nhập cho người lao động khi kiên trì đề xuất Hội đồng tiền lương quốc gia tăng lương bình quân 12,4% mức lương tối thiểu vùng dành cho người lao động.
Bên cạnh đó, đã đối thoại kịp thời giải quyết nhiều vướng mắc, bức xúc của người lao động, góp phần kéo giảm 66 vụ ngừng việc tập thể; mang lại bữa ăn ca chất lượng, đảm bảo sức khoẻ, duy trì năng suất lao động; nhiều sáng kiến thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đã làm lợi hơn 8.200 tỷ đồng…
Tuy nhiên, báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém chủ yếu. Đó là, nhiệm vụ của các cấp công đoàn trong việc tổ chức thực hiện quy định pháp luật thương lượng về tiền lương chưa được tập trung đúng mức, đánh giá chất lượng thoả ước lao động tập thể chưa đúng quy định. Chỉ có 10,7% trong 11.413 bản thoả ước được phân loại có nội dung thương lượng về tiền lương. Việc thực hiện nhiệm vụ đại diện khởi kiện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động triển khai chậm.
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, Tổng liên đoàn xác định chủ đề hoạt động công đoàn năm 2017 là “Năm vì lợi ích đoàn viên”.
Theo đó, hoạt động công đoàn cần tiếp tục đổi mới hoạt động chăm lo, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phát triển các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phát triển đoàn viên, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 10 triệu đoàn viên; nâng cao hiệu quả công tác tài chính và kinh tế công đoàn, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ theo dự toán năm 2017; triển khai những vấn đề quan trọng của đề án đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn trong tình hình mới; thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về lãnh đạo Đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII.