Khoảng hơn 60% các doanh nghiệp (DN) lữ hành và đơn vị hoạt động dịch vụ du lịch trên địa bàn TP HCM đang trên đà phục hồi và bắt đầu tổ chức các hoạt động du lịch kể từ sau hai đợt dịch Covid-19 phải tạm ngưng hoạt động.
Theo khảo sát của Sở Du lịch TP HCM, trong đợt kích cầu du lịch thứ 2 của năm nay, đã có gần 100 DN lữ hành, đơn vị vận chuyển, các cơ sở lưu trú, dịch vụ kinh doanh ăn uống, mua sắm cùng tham gia chương trình giảm giá hấp dẫn.
Bên cạnh đó, hệ thống các DN trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn cũng giảm đồng loạt từ 20-30%, trong đó có nhiều khách sạn giảm sâu đến 50-60% để kéo du khách trở lại thị trường. Chương trình kích cầu du lịch nội địa của TP HCM được đánh giá đem lại hiệu quả bước đầu khả quan khi tập trung vào các sản phẩm du lịch tại chỗ với mức giá hợp lý. Nổi bật là các sản phẩm tour khám phá, trải nghiệm ngắn ngày, có liên kết với một số điểm đến lân cận.
Theo đại diện Sở Du lịch TP HCM, trong các năm tiếp theo ngành du lịch TP HCM đặc biệt quan tâm đến liên kết phát triển du lịch giữa thành phố với 13 tỉnh thành khu vực ĐBSCL. Đây cũng là liên kết đầu tiên được Bộ VHTTDL công nhận là Hội đồng liên kết vùng. Sự liên kết trong bối cảnh các địa phương trên đà phục hồi sẽ là điều kiện, tiền đề để TP HCM và vùng ĐBSCL có thêm các chuyển động mạnh mẽ, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong làm du lịch. Trong số này, TP HCM rất quan tâm đến tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch đường thủy gắn với đặc điểm sông nước, có thể phát triển các sản phẩm dịch vụ cao cấp như du thuyền.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Y Yên- Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cũng cho rằng, hướng triển vọng phát triển ngành du lịch TP HCM kết nối ĐBSCL rất nhiều tiềm năng, trong đó cần khai thác thêm các yếu tố văn hóa bản địa, các câu chuyện gắn với địa phương vào trong sản phẩm du lịch để tạo ra sản phẩm khác biệt của từng địa phương.
Về ngành du lịch TP HCM, hiện nay mảng du lịch nội địa chỉ chiếm khoảng 30% tổng năng lực cung ứng dịch vụ của DN nhưng lại là mảng duy nhất có thể phát huy hiệu quả. Theo ông Yên, để thị trường sớm khởi sắc thì mỗi DN phải tự làm mới sản phẩm, với giá cả cạnh tranh. Chẳng hạn, ở Củ Chi, Cần Giờ, những di sản di tích của thành phố, kể cả những tour đã thành công như tour Biệt động Sài Gòn cũng cần tiếp tục được làm mới.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM khẳng định, qua chương trình kích cầu du lịch nội địa vừa qua đạt được kết quả thành công sẽ đặt ra tiền đề cho giải pháp của toàn ngành đến cuối năm. Mục tiêu cao nhất là thu hút khoảng 15 triệu lượt khách nội địa đến thành phố, với doanh thu khoảng 80.000 tỷ đồng.
Cũng theo bà Hoa, TP HCM sẽ triển khai khoảng 200 chương trình du lịch để đáp ứng nhu cầu phong phú của nhiều nhóm khách du lịch khác nhau để khám phá TP HCM và kết nối với các tỉnh, thành ĐBSCL và miền Đông Nam bộ.
Trước đó, UBND TP HCM cũng đã chấp thuận với đề xuất của Sở Du lịch TP HCM và các Sở ngành liên quan về tái khởi động hoạt động Ngày hội Du lịch TP HCM năm 2020, vốn bị trì hoãn do ảnh hưởng của diễn biến dịch Covid-19 (đợt 2). Nhờ Ngày hội Du lịch này, đã giúp thúc đẩy công tác quảng bá, kích cầu du lịch và giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch của thành phố đến với du khách trong và ngoài nước sau hai đợt dịch Covid-19.