Hoạt động Mặt trận gắn với lợi ích nhân dân

Hạnh Nhân 14/07/2019 07:00

Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang Triệu Thị Lún nhấn mạnh: Hoạt động của MTTQ ngày càng thiết thực gắn với lợi ích trực tiếp của nhân dân, nhận được sự quan tâm, đồng thuận và hưởng ứng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Hoạt động Mặt trận gắn với lợi ích nhân dân

Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang Triệu Thị Lún trao kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho người nghèo.

Bà Triệu Thị Lún cho biết: Điểm nổi bật của MTTQ tỉnh Tuyên Quang trong nhiệm kỳ 2014-2019 là công tác dân tộc, công tác tôn giáo được quan tâm thực hiện, MTTQ từ tỉnh đến cơ sở có nhiều giải pháp đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Cùng với việc quán triệt, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, MTTQ các cấp tiếp tục phát huy vai trò của 1.247 người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo làm nòng cốt trong tuyên truyền, vận động, đồng thời phối hợp thực hiện tốt chế độ chính sách đối với người có uy tín trên địa bàn tỉnh; thường xuyên giữ liên hệ với chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người có uy tín tiêu biểu và tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tiếp xúc, qua đó thực hiện tốt vai trò cầu nối gắn bó giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với nhân dân.

Bên cạnh đó, MTTQ phối hợp giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, di dân tái định cư… trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy tốt vai trò của các tôn giáo trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, tham gia bảo vệ môi trường và hoạt động nhân đạo, từ thiện. Bên cạnh đó, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam hằng năm (18/11) được tổ chức nền nếp, rộng khắp, thực sự trở thành phương thức điển hình để tập hợp, đoàn kết, phát huy sức mạnh của cộng đồng, tạo sự gắn bó, liên hệ mật thiết giữa lãnh đạo, cán bộ, đảng viên với nhân dân. Hằng năm, 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với trên 25 vạn lượt người dân tham dự, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng.

Đặc biệt, hưởng ứng phong trào “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, với phương châm lấy sức dân để chăm lo cho đời sống nhân dân, MTTQ phối hợp vận động nhân dân đóng góp nguồn lực, hiến đất, tham gia xây dựng hạ tầng cơ sở, phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường, chấp hành pháp luật, thực hiện văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; tuyên truyền để người dân hiểu vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới từ đó tự giác tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ngay tại gia đình và cộng đồng dân cư; tham gia xây dựng mới 494 km kênh mương, làm 268 km đường giao thông nội đồng; nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới trên 383,301 tỷ đồng; hiến hàng ngàn m2 đất để làm đường bê-tông nông thôn và xây dựng mới 404 nhà văn hóa thôn bản, tổ dân phố.

MTTQ từ tỉnh đến cơ sở và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư đã khẳng định vai trò chủ thể để hiệp thương với các tổ chức thành viên xây dựng trên 3.000 mô hình khu dân cư tự quản. Một số mô hình tiêu biểu như: giúp nhau giảm nghèo bền vững; vệ sinh các tuyến đường thôn, xóm, vỉa hè; xây dựng các tuyến phố văn minh, tuyến đường tự quản, xây dựng đường hoa; bảo vệ môi trường, thu gom xử lý rác thải; bảo đảm trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự; khuyến học, khuyến tài, đồng thời, tăng cường giám sát và tổ chức lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Cùng với các phong trào, các cuộc vận động do MTTQ phát động, các tổ chức thành viên có nhiều phong trào sâu rộng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn góp phần khơi dậy, cổ vũ đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 30 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Về công tác vận động chăm lo giúp đỡ người nghèo với phương thức vận động đổi mới, MTTQ vừa vận động trực tiếp các nguồn lực vừa hướng dẫn, kết nối để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh giúp đỡ trực tiếp cho người nghèo; chủ trì hiệp thương để các tổ chức thành viên nhận giúp đỡ các hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững.

Kết quả trong 5 năm, Quỹ Vì người nghèo các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận trên 41,423 tỷ đồng, tập trung hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế và làm nhà ở tại các xã trên lộ trình về đích xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; kịp thời cấp trên 6 tỷ đồng từ Quỹ cứu trợ tỉnh hỗ trợ huyện Chiêm Hoá và các vùng trong tỉnh khắc phục hậu quả do thiên tai, bão lũ gây ra.

Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, MTTQ các cấp trong tỉnh phối hợp thực hiện cuộc tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020; hằng năm chủ trì phát động tháng cao điểm “Vì người nghèo”, qua đó kêu gọi, khơi dậy những tấm lòng nhân ái, nhiều nghĩa cử cao đẹp chung tay giúp đỡ người nghèo.

MTTQ các cấp đã hỗ trợ, giúp đỡ 14.890 hộ nghèo với số tiền trên 39,012 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở cho 1.060 hộ với số tiền trên 29,491 tỷ đồng; hỗ trợ trên 3,645 tỷ đồng cho 739 hộ nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững; hỗ trợ khó khăn và thăm hỏi, tặng quà 11.872 hộ nghèo với số tiền trên 4,8 tỷ đồng; hỗ trợ 1.049 học sinh là con em hộ nghèo đi học với số tiền trên 847 triệu đồng...

Bà Triệu Thị Lún cũng cho hay: Với 6.088 cuộc giám sát từ tỉnh đến cơ sở phối hợp thực hiện, công tác giám sát trong nhiệm kỳ qua trở thành hoạt động trọng tâm của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, tác động mạnh mẽ, làm chuyển biến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Nội dung giám sát tập trung vào thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến người có công với cách mạng; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; việc thu và sử dụng các nguồn quỹ, các khoản đóng góp, việc dạy thêm - học thêm của các trường học; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; việc chấp hành pháp luật trong việc kinh doanh, mua bán, sử dụng các loại vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Thông qua giám sát đã phát huy vai trò và quyền làm chủ của nhân dân, từ đó đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp với thực tiễn tại cơ sở, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

Bên cạnh đó, với việc tổ chức 8 hội nghị phản biện và tham gia góp ý trực tiếp vào 1.714 văn bản dự thảo, hoạt động tham gia góp ý và phản biện xã hội của MTTQ các cấp đã từng bước được triển khai thực hiện, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, các chính sách, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị đã có nhiều đổi mới, ngày càng đi vào nền nếp, tỷ lệ hoà giải thành công hằng năm đạt trên 83%. Hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát Đầu tư của cộng đồng có nhiều chủ động. 2.310 vụ việc được giám sát đã góp phần cùng chính quyền cơ sở khắc phục kịp thời các sai sót trong quá trình triển khai thực hiện.

Đạt được những kết quả trên, bà Triệu Thị Lún khẳng định: Đó là sự đề cao vai trò, tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với công tác Mặt trận, sự phối hợp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả của chính quyền, sự chủ động, sáng tạo và tích cực của các tổ chức thành viên, khả năng chọn việc, xác định đúng trọng tâm, trọng điểm của MTTQ các cấp, sự nỗ lực, tâm huyết của đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở. Do đó, hoạt động của MTTQ ở Tuyên Quang ngày càng thiết thực, gắn với lợi ích trực tiếp của nhân dân, nhận được sự quan tâm, đồng thuận và hưởng ứng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hoạt động Mặt trận gắn với lợi ích nhân dân