Học giả Nguyễn Khắc Viện: Con đường tới lẽ phải

Tuệ Anh 29/12/2015 14:16

Có nhiều con đường đến với cách mạng, cũng như có nhiều con đường đến với thành Rome. Học giả Nguyễn Khắc Viện tới với cách mạng bằng con đường riêng của mình, từ những nhu cầu nội tâm và trí tuệ, chứ không phải vì cá nhân ông bị lầm than, đau khổ trong chế độ cũ. 

Trong cuốn sách “Lê Duẩn-Một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam” do NXB Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2002, TS Lê Thị Muội, con gái của cố Tổng bí thư Lê Duẩn, kể lại một hồi ức mà chị không thể nào quên được về người cha kính yêu của mình: “Một lần sau khi làm bộ phim về Lý Tự Trọng, những người làm phim có mang chiếu cho ba tôi xem. Bộ phim nói Lý Tự Trọng đi làm cách mạng vì áp bức bóc lột, vì gia đình quá khổ sở. Xem xong ba rất không bằng lòng với ý tưởng này. Theo người, nó quá thô thiển và tầm thường. Đành rằng có những con người cụ thể trước khi đến với chủ nghĩa cộng sản, đến với cách mạng từng phải trực tiếp chịu cảnh cơ hàn của nước mất nhà tan; nhưng cái làm nên sức mạnh của những người cộng sản luôn cao hơn nỗi đau khổ cá nhân; người ta đến với lý tưởng, chấp nhận hy sinh vì nó là nỗi khát vọng về tình thương và lẽ phải cho mỗi đồng bào mình...” Tôi đã nhớ tới đoạn hồi ức trên khi chuẩn bị tư liệu cho bài viết về học giả Nguyễn Khắc Viện (1913-1997) và đọc bài tự thuật của ông “Tôi đã đến với chủ nghĩa xã hội như thế nào”, tác phẩm từng được trao giải nhất trong cuộc thi quốc tế “Con người của thế giới xã hội chủ nghĩa” do Thông tấn xã Novơsti phối hợp với Hội Nhà báo Liên Xô trước đây tổ chức nhân dịp kỷ niệm 40 năm hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa quốc tế (năm 1985).

Có nhiều con đường đến với cách mạng, cũng như có nhiều con đường đến với thành Rome. Học giả Nguyễn Khắc Viện tới với cách mạng bằng con đường riêng của mình, từ những nhu cầu nội tâm và trí tuệ, chứ không phải vì cá nhân ông bị lầm than, đau khổ trong chế độ cũ. Ông kể:

“Con nhà quan, tôi chưa bao giờ phải chịu đói rét. Trường học của thực dân, sau đó đại học của Pháp, với 26 năm sinh sống trên đất Pháp đã làm cho tôi tiêm nhiễm sâu sắc văn hóa Pháp, tức là một nền văn hóa tư sản.

Chưa bao giờ tôi bị giam cầm, bị tra tấn. Tôi chưa hề bắn một phát súng nào chống quân xâm lược...”

Xuất phát điểm là như thế, nhưng điều này hoàn toàn không phải là lực cản đối với ông trên con đường “chầm chậm tới mình” (chữ của nhà thơ Trúc Thông), tới nhận thức sâu sắc và bền chắc cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời mình về ý tưởng: chỉ có chủ nghĩa xã hội mới giải quyết được những vấn đề nghiêm trọng của thời đại, chỉ có học thuyết Mác-Lênin mới vạch ra được con đường đúng.

Bậc trí giả xưa nay không ai chỉ lo riêng thân cho mình, cho dòng tộc mình mà luôn nhìn rộng, nhìn xa hơn sang bên cạnh, ra cả nước, ra cả thế giới... Thời Nguyễn Khắc Viện còn trẻ, hễ ai là người Việt Nam đích thực yêu nước thương nòi thì phần nhiều đều tìm tới những tư tưởng cách mạng. Vốn văn hóa đạo đức chân chính của phương Đông hóa ra lại có nhiều điểm chung với hệ tư tưởng tiên tiến nhất của thế kỷ XX.

Khi Nguyễn Khắc Viện cất tiếng khóc chào đời đã là buổi lụi tàn của Nho giáo: “Nào có ra gì cái chữ Nho, Ông nghè, ông cống cũng nằm co...”, như thi sĩ trào lộng Tú Xương từng chua cay tự thán. Vốn là người thức thời nên cha ông, cụ Nguyễn Khắc Niêm, mặc dầu bản thân từng đỗ Hoàng giáp năm 1907, hay chữ nức tiếng cả vùng Nghệ Tĩnh, “cả đến kinh kỳ”, như Nguyễn Khắc Viện về sau nhớ lại, đã không cho con trai mình học chữ Nho mà đưa đi học trong trường Pháp-Việt. Ông cụ dạy con: “Con muốn học gì thì học, đừng học làm quan như Thầy”...

Tuy không “học làm quan” theo cách cổ nhưng không phải vì thế mà Nguyễn Khắc Viện lại xa lạ với những giáo lý truyền thống của phương Đông. Tuổi thơ của ông trôi qua trong một “nếp nhà” giản dị có thể giúp tạo nên nền móng đạo đức thanh bạch và hướng thiện. Ông nhớ lại: “Thầy tôi không lấy sách Khổng Mạnh dạy chúng tôi, nhưng bao quanh cuộc sống của chúng tôi thời tấm bé là một không khí đặc biệt. Ra vào lễ phép, ăn nói nhẹ nhàng. Mẹ tôi mất sớm, bà mẹ kế (chúng tôi gọi là Mự) cũng gia đình Nho giáo, tuy không biết đọc nhưng lại thuộc làu hết cả truyện Kiều và nhiều bài thơ chữ Hán. Cả hai bà mẹ sinh ra 14 con, cho nên dù lương của thầy tôi khá cao, cả nhà vẫn phải ăn mặc đạm bạc. Sáng dậy ăn cháo với mấy quả cà, có khi có chút cá kho. Học đến khoảng 10 giờ bụng đói như cào. Có lần tôi kêu lên: Mự ơi, cá kho quá mặn! Mự bảo: Mặn thì ăn ít cá, ăn nhiều cơm cháo vào!..” Những khó khăn vật chất thuở thiếu thời đã giúp cho Nguyễn Khắc Viện về sau dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không bao giờ nản chí.

Tôi dễ dàng nhận ra trong chủ nghĩa Mác cũng có một phương pháp suy nghĩ... biện chứng và duy vật, tôi từng quen thuộc trong y khoa... Tôi xin gia nhập Đảng Cộng sản...”

Nguyễn Khắc Viện

Năm 1937, Nguyễn Khắc Viện sang Pháp học y khoa. Trở thành một trí thức tân tiến, ông vẫn giữ được cái nhìn tỉnh táo và biện chứng về vai trò của Nho giáo trong cách tiếp nhận của người Việt:

“Tôi thuộc thế hệ những trí thức Việt Nam, từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường tiểu học, học lịch sử qua sách giáo khoa của Ernest Lavisse rằng “Tổ tiên chúng ta là người Gôloa”. Ở trường, người ta không dạy chúng tôi học thuyết Nho giáo nữa, nhưng các bậc cha chú và anh chúng tôi, người thì làm quan, kẻ là nhà nho, tất cả đều thấm nhuần tư tưởng Nho giáo. Cả áp lực chính thống của Nho giáo đè nặng lên tuổi trẻ của chúng tôi. Người ta nhân danh Khổng Tử để ngăn cấm chúng tôi nhiều điều, cũng như buộc chúng tôi phải tuân theo nhiều thứ kỷ luật...”

Lớp trí thức trẻ như Nguyễn Khắc Viện dưới ánh sáng của nền văn minh Pháp thường có xu thế cưỡng lại Nho giáo như “tai ách” của một hình thái xã hội lỗi thời. Nhưng một trí tuệ sớm trở nên mẫn tiệp như Nguyễn Khắc Viện không hoàn toàn bác bỏ các giáo lý của Khổng Tử mà sớm biết “gạn đục khơi trong”, tiếp thu những gì có thể là tinh hoa của Nho giáo và khả dĩ thích ứng với thời cuộc. Ông tự học chữ Nho sau khi đã thông thạo tiếng Pháp vì ông hiểu rằng, có nắm chắc chữ Nho mới mong hiểu được ngọn nguồn văn hóa Việt. Và ông đã thấu hiểu Nho giáo tới độ uyên thâm, cũng như thấu hiểu tâm hồn Việt một cách tận tường để tìm ra được những điểm chung rất máu thịt giữa những sự tưởng chừng như rất cách xa nhau.

Nguyễn Khắc Viện từng hiểu Nho giáo như một cách thức an dân trị quốc. Và ông cũng sớm hiểu ra được rằng, chủ nghĩa Mác-Lênin đối với những nước như Việt Nam ta lúc đó có thể trở thành một công cụ đặc hiệu để giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân đô hộ. Nhìn trên phương diện này, nhà trí thức trẻ Nguyễn Khắc Viện gần gụi với các nhà nho nổi bật thời đó như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng... Về sau, trong tác phẩm “Bàn về Đạo Nho”, Nguyễn Khắc Viện lý giải:

“Các nhà nho yêu nước lỗi lạc như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, đã có cảm tình ngay với học thuyết mới khi nó xuất hiện ở Việt Nam. Căm thù chế độ thuộc địa, họ cảm thấy gắn bó sâu sắc với những chiến sĩ Cách mạng kiểu mới, hy sinh tuyệt đối cho sự nghiệp dân tộc. Giữa những người Mácxít và nho sĩ chân chính, không phải chỉ có sự đồng nhất về mục tiêu chính trị mà còn có sự gần gũi trên lĩnh vực tư tưởng khiến họ đã gần nhau, và có khi tạo nên sự nhảy vọt về tư tưởng”...

Nguyễn Khắc Viện nhìn ra được những tương đồng ý tưởng giữa chủ nghĩa Mác với Nho giáo:

“Chủ nghĩa Mác không làm cho các nho sĩ bị ngỡ ngàng khi tập trung suy nghĩ về các vấn đề chính trị và xã hội, học thuyết Nho giáo cũng có cùng mục tiêu suy nghĩ tương tự. Trong khi chứng minh con người là sự tổng hòa của những quan hệ xã hội, chủ nghĩa Mác không mâu thuẫn với các nho sĩ coi mục đích tối cao của con người là phải gánh vác thích đáng những trách nhiệm xã hội. Từ sự giải thích thuần tuý về đạo đức những trách nhiệm xã hội của Nho giáo đến sự chứng minh khoa học những quan hệ xã hội của chủ nghĩa Mác, rõ ràng có sự khác biệt một bên là tư tưởng khoa học với một học thuyết thuần tuý đạo đức, nhưng người ta vẫn suy luận trên cùng một bình diện, vẫn có những mối quan tâm trong cùng một hệ thống. Chủ nghĩa cá nhân tư sản đặt cá nhân lên trên xã hội, chủ nghĩa vô chính phủ tiểu tư sản không thừa nhận một trật tự xã hội nào, đều xa lạ với Nho giáo cũng như chủ nghĩa Mác. Khi chuyển từ xã hội truyền thống sang xã hội Xã hội chủ nghĩa, con người Nho giáo tiếp thu một trật tự xã hội mới, nhưng từ trong đáy lòng họ không bao giờ đối lập như người trí thức tư sản đối với nguyên tắc kỷ luật tập thể, coi đó là điều kiện không thể thiếu đối với sự phát triển của nhân cách”...

Trên cơ sở hiểu biết về Nho giáo như thế nên Nguyễn Khắc Viện đã tiếp thu tư tưởng xã hội chủ nghĩa một cách tự nhiên và hài hòa. Sang Pháp học ngành y, Nguyễn Khắc Viện đã thấm nhuần một phương pháp suy nghĩ khoa học. Và ông cũng áp dụng phương pháp khoa học ấy vào tìm hiểu chủ nghĩa Mác:

“Tôi dễ dàng nhận ra trong chủ nghĩa Mác cũng có một phương pháp suy nghĩ... biện chứng và duy vật, tôi từng quen thuộc trong y khoa... Tôi xin gia nhập Đảng Cộng sản...”

Đó là vào năm 1949...

Vĩ thanh

Cuối đời, học giả Nguyễn Khắc Viện đã phải chứng kiến sự tan rã của Liên bang Xôviết và sự thay đổi định hướng phát triển của hàng loạt quốc gia Đông Âu. Tuy nhiên, thực tế không lấy gì làm vui vẻ đó không làm phai mờ niềm tin của ông vào lý tưởng mà ông đã chọn từ thời trai trẻ. Những dòng mà ông viết trước khi mất không lâu có lẽ vẫn là:

“Lúc tư tưởng đã thật vững chắc, thường gọi là đạo lý.

Đạo ở đây không có nghĩa là tôn giáo, đạo là con đường tự mình vạch ra mà cố gắng hành động, tổ chức cuộc sống theo con đường ấy; lý là lý trí, lấy trí tuệ, hiểu biết, nhận thức làm cơ sở cho cuộc sống.

Phần tôi, sau nhiều năm kinh nghiệm và suy nghĩ học tập, tôi thấy chỉ có đạo lý cộng sản là đạo lý của con người thời nay” (trích từ cuốn “Một đôi lời” do NXB Trẻ tái bản có bổ sung năm 1997).

Thiết tưởng, chẳng cần phải viết thêm điều gì nữa về ông, vị học giả cộng sản chân chính theo đúng nghĩa tốt đẹp nhất của từ này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học giả Nguyễn Khắc Viện: Con đường tới lẽ phải