Chúng ta đang ở vào đầu thập niên thứ 3 của thế kỷ XXI. Chưa bao giờ con người lại trưởng thành vượt bậc về trí tuệ, về nhận thức tự nhiên và nhận thức xã hội như ngày hôm nay.
Nguyên nhân nào đã cho phép từng cá thể con người có thể có khả năng tự hoàn thiện mình một cách đáng kính phục như thế? Có nhiều câu trả lời, nhưng theo một nghiên cứu của Bắc Âu thì có 2 nguyên nhân đã giúp đỡ cho con người trưởng thành. Đó là: Những quyển sách mà ta đã đọc và những người mà ta đã gặp trên mọi nẻo đường.
Về tác dụng của sách thì không còn gì phải bàn. Sách là thầy ta, là bạn ta, không bao giờ phản bội ta. Nhà Sinh lý học người Pháp - ông Claude Bernard (1813-1878) - ông tổ của Y học Thực nghiệm, người được giải thưởng Nobel về Y học và Sinh lý học từng trả lời các nhà báo: “Tôi sở dĩ có được một vài đóng góp là vì tôi đã biết cách trèo lên vai người khổng lồ”. “Trèo lên vai người khổng lồ” là thành ngữ rất đáng yêu, rất đáng nể phục một khi ta biết rõ người khổng lồ đó là những kho lưu trữ các tài liệu nghiên cứu khoa học từ nhiều năm, nhiều thập niên, nhiều thế kỷ trước giúp cho các Viện Hàn lâm, các nhà khoa học có những tài liệu tham khảo quý báu.
Nguồn trí tuệ thứ hai giúp xã hội chúng ta ngày càng phát triển chính là những con người mà ta gặp gỡ trong cuộc sống bình thường từng giờ, từng ngày, từng tháng, từng năm. Nhà Triết học vĩ đại người Pháp, ông Blaise Pascal (1623-1662) đã từng chỉ bảo: “Bất cứ người nào mà tôi được gặp cũng có chỗ hơn tôi, đáng cho tôi học hỏi”. Biết nhìn nhận người khác có chỗ hơn mình, giỏi hơn mình để mà ta khiêm tốn học hỏi mới thật sự là người trí thức chân chính, mới là người khôn ngoan nhờ kỹ năng thực sự cầu thị.
Trở lại với lời dạy về sự học quanh ta của Blaise Pascal, ta thấy rõ đây là vấn đề rất sâu sắc, rất rộng lớn, học đến già vẫn chưa hết. Ta nên theo khẩu hiệu: “Biển học là vô bờ, chỉ biết lấy sự cần cù làm bến”, ta lại tuân theo khẩu hiệu: “Cần cù bù thông minh” mà từ từ diễn đạt, từ từ học hỏi. Điều mà tất cả mọi người trong tuổi niên thiếu đều phải học, phải biết, đó là học và biết về gia đình, làng xóm, quê hương, đất nước. Triết gia Jules Michelet (1789-1874) đã viết: “Cái điều mà đứa trẻ nào cũng cần phải học trước nhất, ấy là Tổ quốc và bà mẹ của nó”. Rất dễ hiểu, nếu đứa trẻ lớn lên mà không biết đến người mẹ, không biết đến quê hương đất nước thì làm sao có những suy nghĩ đúng đắn về lòng biết ơn, bổn phận và nghĩa vụ làm người được. Biết bao gương người tốt việc tốt là người lao động giỏi trong hòa bình xây dựng cũng như trong công cuộc chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ta đã lớn lên từ những lời ru của mẹ, của dân ca, của quan họ mà sớm giác ngộ tình cảm yêu nước, thương dân. Tất cả sức mạnh của con người đều dựa trên lòng biết ơn nơi chôn rau, cắt rốn, nơi mình chập chững đi những bước chân đầu đời. Phải có cái nền tảng vững chắc ấy con người mới đi đúng đường và tự hoàn thiện mình được. Nếu chệch đi sẽ rất khó khăn để trưởng thành, khôn lớn. Các triết gia phương Đông đã tóm tắt rất tài tình về những đối tượng mà ta được học hỏi là: Học thầy, học bạn, học nhân dân. Thiết tưởng những đối tượng mà ta cần học như trên là đầy đủ nhất, sâu sắc nhất cho những ai ham hiểu biết.
Cuộc sống quanh ta, nhờ có khoa học kỹ thuật mà phát triển, mà tồn tại một cách hoàn hảo. Nhờ có khoa học đã ở trình độ 4.0 với các cuộc cách mạng về công nghiệp, về nông nghiệp và về tất cả các phương diện, đó là nhờ có các thành tựu của cả 20 thế kỷ trước cộng lại. Đúng như nhận xét của triết gia Aguesseau (1668-1751): “Với một thời gian ít ỏi, khoa học đã cho chúng ta những kinh nghiệm của nhiều thế kỷ”. Đúng vậy, nhờ có sự cải tiến của các chương trình giáo dục hiện đại, nhờ có học online mà các kiến thức được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới mà trước đây phải rất lâu, rất gian khổ mới truyền đạt được các kiến thức cơ bản về toán, lý, hóa và các môn cơ sở khác. Thế kỷ sau tiến bộ hơn thế kỷ trước về tất cả mọi phương diện như: máy móc công cụ sản xuất, năng suất lao động, tuổi thọ trung bình của con người... Tất cả đều nhờ tiến bộ của khoa học kỹ thuật mà ta được học hỏi hàng ngày.
Để đi vào kỹ năng của sự học: học tập, học vấn, học làm người, học kỹ thuật, học nghề... thì cần coi trọng lời dạy sau đây của triết gia Catherall: “Ba nền tảng của sự học là: Nhận xét nhiều, từng trải nhiều và học tập nhiều”.
Thật quá rõ ràng, cơ bản của sự học là “nhận xét”, là hoài nghi, là phản biện. Cần tránh nhất của quá trình học làm người là không dám hoài nghi, không dám phản biện, không dám nhận xét. Nguồn gốc của những “không dám” này là lười suy nghĩ, là giấu dốt, là không dám bảo vệ sự thật, ủng hộ lẽ phải. Điều này xuất phát từ những ý thức tiểu nông, canh tác lạc hậu, không dám vươn lên vì ngại va chạm, ngại khó, ngại khổ.
Vế thứ hai là “từng trải nhiều” mà trong tiếng Anh ở đây dùng từ “suffering” chính là thất bại, là cay đắng, là khổ sở. Nhưng người khôn ngoan không sợ hãi vì họ hiểu rằng: “Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”. Dại đi để lần sau khôn, đó mới gọi là khôn. Lại có câu: “Thất bại là mẹ của thành công”. Thế thì tại sao lại sợ thất bại, sợ hy sinh, sợ gian khổ.
Vế thứ ba là “học tập nhiều” thì lại càng rõ hơn. Con người ngày nay được giải phóng toàn diện. Có người 60 tuổi mới thi vào đại học. Có người 70 tuổi mới học vẽ, học chữa đàn. Vì họ hiểu rằng: Cuộc sống vẫn tươi đẹp và đầy sức quyến rũ! Ai không nhận ra được điều đó là lỗi tại mình, tự mình không dám vượt qua sự lười biếng, sự yếu đuối, sự ỷ lại vốn là những bản năng yếu kém của con người. Thế thì sự học kéo dài bao nhiêu lâu thì đủ, bao nhiêu lâu thì thỏa mãn? Cần phải mượn lời dạy của triết gia Waldo Emerson (1803-1882): “Học vấn do bao năm tích tụ lại mà ngày ngày trôi qua ta không cảm thấy”. Thật là chí lý, thật là thú vị. Kiến thức sách vở dần dần phải tiêu hóa được để thành thức ăn, thức uống, quần áo mặc trong đời sống hàng ngày. Còn kiến thức sách vở không tiêu hóa được chỉ là mảnh giấy vô nghĩa dẫn đến thất nghiệp, chán nản, mất phương hướng. Kiến thức cũng như nước chảy, rả rích mỗi ngày một ít để thành con suối nhỏ. Dần dần thành dòng suối, dòng sông, rồi lớn dần thành những con sông lớn. Bao nhiêu năm học là đủ? Điều này rất khó xác định, vì ngày mai lại có cái mới, lại phải học tiếp, vì biển học là vô bờ, vô bến mà.
Chỉ nói riêng thời gian gần đây cả thế giới phải lao vào tìm hiểu về con virus Corona. Từ năm 2019 cả thế giới đã lao đao vì dịch bệnh Covid-19. Có nước đã vượt qua được, có nhiều nước vẫn còn lúng túng trước những biến đổi của các chủng virus mới. Theo những đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức Văn hóa, Giáo dục của Liên hiệp quốc như UNICEF, UNESCO cùng với những ý kiến của các chuyên gia quốc tế tại Việt Nam, chúng ta đã học được những bài học thực tiễn sau đây:
Trước hết, chúng ta cần học và học liên tục để có những hiểu biết về virus Corona với những biến chủng chóng mặt của nó, cần học để biết về tác dụng của vaccine chống lại virus này để có các biện pháp thích hợp phòng chống bệnh dịch thành công. Sau nữa, mỗi người dân đều phải có ý thức học hỏi để biết về dịch bệnh và các biện pháp phòng bệnh, phải có ý thức chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước và các cơ quan chuyên môn thì mới có thể chiến thắng dịch bệnh được. Việt Nam ta đã chiến thắng trong đợt 1, đợt 2, đợt 3 nhờ người dân chấp hành nghiêm việc giãn cách xã hội và công thức 5 K. Với tinh thần đoàn kết một lòng vượt qua gian khó và tính hiếu học để tìm hiểu những điều mới xuất hiên của người Việt Nam ta, hy vọng chúng ta sẽ chiến thắng trong đại dịch đợt 4 đầy phức tạp và gian khổ này.
Kết thúc bài viết về sự học, sự đọc sách, cần nhớ lời dặn của tác giả Edmon Burke (1729-1797): “Đọc sách mà không biết tìm tòi đào sâu suy nghĩ thì có khác gì ăn mà không tiêu hóa được”. Sự học của con người là không có giới hạn, vì thực tế luôn xuất hiện những điều mới mẻ cần khám phá và học hỏi. n