Khôn ngoan là điều ai cũng mong muốn có được, ai cũng thích được học, được dạy bảo sự khôn ngoan.
Theo Từ điển Tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ học biên soạn ở trang 452, thì: “Khôn là có khả năng suy xét để xử sự một cách có lợi nhất, tránh được những việc làm và thái độ không nên có.
Học khôn ngoan ở ngôi trường đau khổ là địa điểm học tốt nhất -.Eschyle.
Thí dụ: Thằng bé rất khôn. Chị dại đã có em khôn/ Lẽ đâu mang giỏ thủng trôn đi mò (ca dao). Dại rồi còn biết khôn làm sao đây (Nguyễn Du). Khôn khéo là khôn ngoan và khéo léo trong cách xử sự.
Thí dụ: Thái độ khôn khéo, chính sách khôn khéo. Khôn ngoan là khôn trong xử sự, biết tránh cho mình những điều không hay.
Thí dụ: Cách xử sự khôn ngoan. Khôn ngoan đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau (ca dao).
Vậy câu hỏi đặt ra là: Khôn ngoan có thể học được không? Học khôn ngoan ở đâu, có trường nào dạy không?
Câu trả lời rất đơn giản nhưng rất khó thực hiên: Khôn ngoan có thể học được nhưng rất khó. Không có trường nào dạy khôn ngoan cụ thể, mà phải nhẫn nhục, cố gắng, khổ luyện học khôn ngoan ở Trường Đời.
Trước hết ta phải nói về sức khỏe, về bằng cấp (Tốt nghiệp Đại học, tốt nghiệp dạy nghề), về cơ hội xin việc làm đều là những điều kiện rất cần thiết cho con người, nhưng vẫn chưa đủ.
Vẫn còn thiếu một điều rất cơ bản mà đúng như nhà bác học Robert Kemp (1869 – 1959) đã khẳng định: “Khôn ngoan là cái điều mà chúng ta thiếu thốn nhất” (La sagesse est ce qui nous manque le plus).
Vì sao Kemp lại có thể xác định được sự khôn ngoan là không bao giờ đủ đối với một cá thể con người sống trong xã hội?
Vì rất nhiều lẽ, vì rất nhiều cách tư duy về khôn ngoan, vì rất nhiều thực tế phũ phàng sẵn sàng chờ đón chúng ta trong cuộc sống hàng ngày, nên phải từ từ nhận thức, từ từ học hỏi, phải nhìn sự khôn ngoan từ nhiều góc nhìn (Point of view) mới hiểu hết cái ý tứ sâu xa của Robert Kemp.
Bậc thầy Maxime Gorki (1868 – 1936) phát hiện một thực tế đắng ngắt: “Cái khôn ngoan của cuộc sống luôn rộng rãi và sâu sắc hơn nhiều so với cái khôn ngoan của từng người” (La sagesse de la vie est toujours plus large et plus profonde que la sagesse des hommes).
Vậy thì nếu đem sức của cá thể một con người để sánh với cái cuộc sống phức tạp, đầy cạm bẫy chông gai, mênh mông bao la kia thì quả thực điên rồ và tuyệt vọng.
Đáng thương hại thay cho kẻ kia tự nhận mình là khôn ngoan, đáng thương hại thay cho kẻ nọ tự cho mình là xuất chúng, đúng như La Rochefoucauld cảnh tỉnh những loại người đó khi ông viết: “Thật là một sự quá điên rồ để muốn rằng chỉ có mỗi mình là khôn ngoan nhất” (C'est une grande folie de vouloir eetre sage tout seul).
Còn Nicolas Boileau đáng kính (1636 – 1711) đã chỉ dạy cụ thể hơn, sâu sắc hơn khi ông viết: “Kẻ khôn ngoan nhất là kẻ không bao giờ nghĩ là mình khôn ngoan” (Le plus sage est celui qui ne pense pas l'être).
Trong các tiểu thuyết vĩ đại mang tính lịch sử nhân loại từ Đông sang Tây đều mô tả các nhà hiền triết lớn nhất, vĩ đại nhất của nhân loại mà tư tưởng của họ là những bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển của loài người lại là những ông già hiền lành, chất phác, đôn hậu và trông hơi lẩm cẩm hay có vẻ ngớ ngẩn.
Vì hơn ai hết, các vĩ nhân ấy hiểu rằng: “Trên trời cao còn có trời cao hơn” hoặc “Trên núi cao còn có núi cao hơn”, nên thái độ xử thế của các vị là hết sức hòa nhã, khiêm nhường, không bao giờ tự nhận là mình giỏi, mình khôn ngoan hơn người khác.
Theo tinh thần nhân văn và minh triết này, học giả S. Urgroy đã hướng dẫn con người: “Ngưỡng cửa để đưa vào ngôi đền khôn ngoan là sự tự biết mình ngu dốt” (The doorstep to the temple of wisdom is a knowledge of our own ignorance).
Chao ôi, nếu hiểu sớm được lời dạy này của Urgroy thì đã có bao con người tuy có chút tài năng, tuy có chút cống hiến nhưng không biết mình, biết người thì đã không phải kết thúc cuộc đời trong cảnh tù đầy.
Chính họ đã có ước mơ “Con nhái bén cố phồng mang trợn mắt để to thành con bò” nên đã gục ngã, như một bài ngụ ngôn mà La Fontaine đã kể cho trẻ em nghe từ mấy trăm năm nay.
Vì thế cái mệnh đề “Sự tự biết mình ngu dốt” mà Urgroy đã nêu là bài học đích đáng nhất, bài học đắt giá nhất trong sách giáo khoa “Học làm người”, trong sách giáo khoa “Hạt giống tâm hồn”, trong sách giáo khoa “Vì chất lượng cuộc sống”, trong sách giáo khoa “Vì ngày mai tươi đẹp”.
Trở lại câu chuyện: Vậy thì học khôn ngoan ở đâu? Trong giáo trình học khôn ngoan nên chú ý đến các điểm nhấn nào, nên chú ý đến các từ khóa (key words) nào?
Xem trên mạng ta thấy trên thế giới cũng như trong nước có rất nhiều trung tâm đào tạo như: Dạy kỹ năng sống, dạy trở thành tỷ phú Đô la, dạy trở thành lãnh đạo quốc gia, dạy thành lãnh đạo trẻ... có rất nhiều, rất nhiều trung tâm đào tạo.
Nói theo cách nói cũ là: “Thật chả biết đằng nào mà lần”. Thử hỏi có bao nhiêu người vào học ở Havard, Oxford thì có mấy người trở thành Tổng thống, Thủ tướng, Bộ trưởng?
Nhiều người học hành tốn kém hàng 4, 5 năm trời, ra trường với nhiều bằng cấp nhưng rất khó xin được việc làm. Vì sao thế? Vì họ thiếu sự cập nhật thời đại (up date), thiếu sự khôn ngoan thực thụ.
Chả thế mà cách đây hàng ngàn năm, thiên tài Eschyle (năm 525 đến năm 456 trước Công nguyên) đã cho ta một địa chỉ của trường dạy khôn ngoan đáng giật mình, đáng kinh hãi.
Eschyle viết: “Học khôn ngoan ở ngôi trường đau khổ là địa điểm học tốt nhất” (Il est bon d'apprendre ā être sage ā l'êcole de la douleur).
Nếu lời dạy của Eschyle là đúng, thì rõ ràng có 2 hệ quả: 1/ Kẻ yếu bóng vía, lười biếng sẽ không bao giờ dám đăng ký, dám xin học ở ngôi trường đau khổ ấy. 2/ Con nhà giầu có, quyền quý, thừa ăn, thừa tiêu, muốn gì được nấy, tức là không bao giờ phải chịu đau khổ thì bọn chúng làm gì có cái kỹ năng khôn ngoan để đối chọi với đời.
Đây chính là miếng mồi béo bở cho bọn lưu manh, lừa đảo kiếm sống hàng ngày.
Về các điểm cần quan tâm trong giáo trình học khôn ngoan, chú ý 3 kỹ năng sau:
- Bất kỳ lúc nào, dù sung túc hay gian khó đều lấy sự chân thật, sự hướng thiện, sự ngay thẳng làm đầu và coi đó là nguyên tắc số 1 của sự khôn ngoan.
Đại thi hào Đức – Wolfgang Goethe đã chỉ rất rõ: “Khôn ngoan chỉ tìm thấy trong sự chân thật” (Wisdom is only found in truth).
Việt Nam ta có câu: “Thật thà là cha thằng dối” cũng có ý đề cao cái thật, cái sự thật bao giờ cũng thắng cái dối trá, lừa lọc. Vì không có gì dấu kín được mãi, “lâu ngày cái kim trong bọc cũng lòi ra”, lúc đó hối hận đâu có còn kịp. Thành ra khôn ngoan chính là chỉ nói đúng, nói thật, công khai, minh bạch.
- Trong con người ta có 2 phần trí tuệ: Một trí tuệ lanh lợi, xảo trá, thủ đoạn, mưu hèn kế bẩn... là do trí óc phụ trách; một trí tuệ bao dung, nhân ái, thương người như thể thương thân do trái tim nhân hậu phụ trách.
Đành rằng ai cũng phải tranh đấu cho có miếng ăn hàng ngày, có chút tiền tiết kiệm lúc tuổi già, nhưng khi kiếm tiền, khi mưu tìm sinh kế ta vẫn phải lấy cái đạo đức, cái tôn trọng pháp luật lên hàng đầu.
Xã hội đang lên án mạnh mẽ những người làm nông nghiệp thiếu lương tâm đến mức độ thực hiện “Lợn 2 chuồng, Rau 2 luống” rất đáng chê trách.
Vì đồng tiền lợi nhuận họ bất chấp mạng sống của đồng bào, họ đã dùng thuốc kích thích tăng trưởng cho lợn, đã dùng thuốc trừ sâu độc hại cho rau.
Thật đáng ghê sợ sự khôn ngoan của những con người đã mất hết nhân tính, chỉ cốt chạy theo tiếng gọi của đồng tiền.
Triết gia J.Gilbert Holland (1819 – 1881) đã ân cần dặn dò con người: “Quả tim khôn ngoan lớn hơn là trí óc khôn ngoan” (The heart is wiser than the intellect).
Nếu ta có quả tim khôn ngoan sẽ giúp ta suốt đời tuân theo Luật pháp và Đạo đức, sẽ giúp ta giữ được cuộc sống an lành, như thế là khôn ngoan bậc nhất rồi đó.
- Một nguyên lý khác giành cho người muốn học tập khôn ngoan là: Đừng nên để ý, đừng nhòm ngó, đừng hy vọng hão huyền vào cái điều mình không thể có.
Trông thấy người khác có nhà cao cửa rộng, có ô tô sang, có vợ đẹp chớ nên nhòm ngó, ghen tỵ. Sức ta có đến đâu tự khắc ta được hưởng đến đó.
Khả năng ta có đến đâu, ta làm đúng khả năng sẽ không bao giờ bị gục ngã vì quá sức, vì ham hố, vì “ngã ngựa giữa dòng”. Nhà triết học G. Herbert (1593 – 1633) nói rất đúng: “Một người khôn ngoan là một người chẳng bao giờ nên để ý đến những gì mà anh ta không thể có” (A wise man cares not for what he cannot have).
Lúc nào mình cũng tu dưỡng bản thân, tự vươn lên, tự bằng lòng với những cái mình đang có chính là sự khôn ngoan bậc nhất, tránh mọi hư danh, hão huyền, vô bổ.
Kết thúc trang viết, xin mượn ý kiến tóm tắt của một triết gia Mỹ: “Được làm cái mình thích, đó chính là Tự do. Thích cái việc mình làm, đó chính là Hạnh phúc”. Cái tự do ấy, cái hạnh phúc ấy mới chính là cái khôn ngoan đích thực.