Mới đầu mùa hè nhưng những vụ đuối nước thương tâm liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Đây là thực trạng đáng báo động trong công tác chăm sóc trẻ em và phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ. Vấn đề đặt ra là, mặc dù đã có nhiều giải pháp, chính sách được ban hành nhưng vì sao việc phổ cập bơi trong trường học vẫn khó? Vì sao việc trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ ở nhiều nơi vẫn tắc nghẽn?
Thực trạng đáng báo động
Liên tiếp các vụ đuối nước xảy ra gần đây khiến cho xã hội thực sự hoang mang, bất an về sự an toàn của môi trường sống dành cho trẻ em. Ngày 14/5, một lãnh đạo UBND xã Đồng Thái, huyện Ba Vì (Hà Nội) xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra vụ đuối nước làm 3 học sinh tử vong. Theo đó, chiều 13/5, một nhóm học sinh rủ nhau đi tắm ở một đập nước trên địa bàn. Trong lúc tắm, có 3 em không may bị đuối nước. Phát hiện sự việc, lực lượng chức năng và người dân đã ra sức cứu nạn nhưng 3 em đều không qua khỏi.
Cũng chiều 13/5, 3 học sinh lớp 9 gồm T.T.N., N.V.S. (15 tuổi, trú tại xã Phước Sang) và 1 nam sinh khác rủ nhau đi câu cá tại kênh Suối Giai, giáp ranh giữa tỉnh Bình Dương và Bình Phước (thuộc địa phận xã Tân Lập, huyện Đồng Phú). Đến khoảng 16 giờ 30 cùng ngày, trong lúc đang thả câu, nam sinh đi cùng phát hiện N. và S. bất ngờ rơi xuống kênh nước sâu hơn 4 mét nên hoảng hốt chạy đi kêu cứu. Chính quyền xã Tân Lập cùng người dân địa phương đã tổ chức tìm kiếm và phát hiện thi thể N. Sau hơn 2 giờ, đến sáng 14/5, lực lượng chức năng mới tìm thấy thi thể em N.V.S.
Ngày 11/5, hai chị em B.N.T. (13 tuổi) và B.N.T. (10 tuổi) đi chăn bò ở xã Suối Kiết, huyện Tánh Linh, huyện Bình Thuận đã bị đuối nước dưới suối Giêng. Trước đó, ngày 8/5, tại xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế, một bé gái 10 tuổi tử vong do đuối nước khi đang đi bắt ốc. Cùng ngày, Phòng GDĐT huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa xảy ra một vụ đuối nước khiến 3 học sinh là 3 anh em ruột trong một gia đình tử vong thương tâm. Ba anh em chết đuối đều là học sinh tiểu học. Theo Sở GDĐT Đắk Lắk chỉ tính riêng từ cuối tháng 3/2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra ít nhất 9 vụ đuối nước khiên 20 em học sinh tử vong.
Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) thông tin: Từ tháng 1 đến đầu tháng 5/2022 có 113 trẻ bị tử vong do đuối nước. Trong 2 tuần cuối tháng 4, đầu tháng 5 có tới 14 trẻ tử vong do đuối nước. Trong giai đoạn 2015 -2020, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước.
Trong khi đó, theo thống kê của Cục Quản lý Môi trường (Bộ Y tế), trung bình mỗi năm ở nước ta có khoảng 370.000 trẻ em bị tai nạn, thương tích. Trong đó, số trẻ tử vong do đuối nước lên tới khoảng 3.500 em. Một trong những nguyên nhân là do thiếu sự giám sát, quản lý của gia đình, người lớn, và điều quan trọng còn do các em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng nhận biết sự nguy hiểm và kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Đáng lưu ý, qua khảo sát của Dự án Phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam, 90% phụ huynh được hỏi nhận thức vấn đề phòng chống đuối nước ở trẻ em rất quan trọng nhưng khi được hỏi cách thức để phòng chống, ngăn ngừa thì đa số không biết. Từ việc không biết hoặc nhận thức chưa đầy đủ về nguy cơ gây đuối nước ở trẻ em dẫn tới sự chủ quan, lơ là khi giám sát, trông nom của gia đình và người lớn.
Anh Lê Ngọc Lâm có con đang học ở Trường THCS Đống Đa, quận Đống Đa (Hà Nội) lo lắng: Cứ tới đầu mùa hè là những vụ đuối nước lại xảy ra ở khắp các địa phương, mà chủ yếu ở lứa tuổi học trò. Nghe các thông tin này phụ huynh không khỏi đau lòng và càng thấy lo cho con em mình hơn. Do đó tôi và nhiều phụ huynh trong trường luôn ủng hộ và đồng tình cùng chung tay với nhà trường tổ chức cho các con theo học những khóa học bơi, cũng như các môn thể thao khác bởi đây thực sự là những kỹ năng sống rất quan trọng với trẻ em.
Trước thực trạng trên, vấn đề đặt ra là phải đẩy mạnh việc đưa giáo dục thể chất cũng như những chương trình kỹ năng sống vào học đường. Đặc biệt, bơi lội là một kỹ năng chúng ta nên biết, cần biết và phải biết trong cuộc sống hiện nay vì đây là một kỹ năng sinh tồn. Ngày 2/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có công điện về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Theo đó, yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em tại các địa phương, nhất là các địa phương thường xuyên xảy ra đuối nước trẻ em. Bên cạnh đó, triển khai, hướng dẫn việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học, từng học sinh, đặc biệt trước mỗi kỳ nghỉ hè. Ngoài ra, cần đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học.
Chỉ đạo khẩn trước khi học sinh nghỉ hè
Sở GDĐT TP HCM vừa gửi công văn khẩn chỉ đạo đến các trường học về việc tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, địa phương về bảo đảm an toàn, phòng chống đuối nước cho học sinh trong thời gian nghỉ hè. Cụ thể, Phó Giám đốc Sở GDĐT Dương Trí Dũng đề nghị các trường thực hiện những nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao về việc ban hành Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, học sinh giai đoạn 2021 - 2025.
Ông Dương Trí Dũng đề nghị các trường xây dựng chuyên đề tuyên truyền, giáo dục phòng chống đuối nước cho học sinh trên đường đi học, khi tham quan, dã ngoại, tắm biển, đi bơi, khi vui chơi tại nơi có các nguồn nước mở, khi hoạt động trong môi trường nước, cứu đuối an toàn khi thấy bạn bị đuối nước... Việc tuyên truyền được triển khai bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, các trường chủ động phối hợp với địa phương trong việc phòng chống đuối nước cho học sinh. Tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình, đoàn thể và chính quyền địa phương để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè, bảo đảm an toàn, phòng chống đuối nước.
Nhằm cụ thể hóa các giải pháp phòng chống đuối nước ở trẻ em, trong 2 ngày 10-11/5 vừa qua, thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, Đoàn kiểm tra liên ngành do Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà dẫn đầu đã làm việc với tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An về tăng cường phòng, chống đuối nước ở trẻ em. Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị địa phương cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ về công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, đặc biệt là Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030; đổi mới và đa dạng hình thức truyền thông, giáo dục, phổ biến để kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em đến được với cha mẹ, học sinh và cộng đồng dân cư một cách hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, đây là vấn đề liên quan đến sinh mạng của trẻ, do vậy, cần thay đổi nhận thức của bố mẹ, người thân với công tác này và phải có sự tham gia của các tổ chức đoàn thể xã hội. Cùng với đó, phải có sự vào cuộc của cơ quan thông tin, truyền thông với việc cảnh báo nguy cơ và tuyên truyền, phổ biến kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ. Ngoài việc hướng dẫn trẻ học bơi, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: Cần đặc biệt quan tâm việc trang bị kỹ năng sinh tồn, kỹ năng sống, kỹ năng bảo vệ bản thân và bảo vệ bạn bè cho trẻ, bắt đầu từ chính gia đình và nhà trường.
Khẳng định không thể chỉ coi việc cho trẻ đi học bơi là có thể giải quyết mọi vấn đề liên quan đến đuối nước ở trẻ. Bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục bảo vệ trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho rằng, nỗ lực dạy nhiều trẻ biết bơi thôi là chưa đủ. Hiện, chúng ta dạy chưa đúng cách, có nhiều trung tâm dạy bơi nhưng theo kiểu lấy thành tích. Bơi là phải bơi có kỹ năng tự cứu và những kỹ năng sinh tồn khi em bé bị ngã xuống nước thì em bé có thể sống sót được. Đây mới là cần thiết phải dạy cho trẻ. “Khi bạn bè chẳng may bị rơi xuống nước là các em nhảy ào xuống cứu và thường chết cả chùm. Nên chúng ta phải dạy cho các em bé kỹ năng nếu thấy bạn bị đuối nước thì phải hô hoán, để mọi người xung quanh chạy đến cứu, phải quăng dây có gậy có sào đưa xuống chứ không phải nhảy ào xuống cứu bạn”, bác sĩ An nêu kinh nghiệm.
Phổ cập bơi, vì sao khó thực hiện?
Vấn đề phổ cập bơi cho học sinh đã đặt ra từ rất nhiều năm qua nhưng cứ mỗi mùa hè, khi tình trạng trẻ em đuối nước xảy ra liên tục thì việc này lại tiếp tục được đưa ra bàn thảo. Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) thẳng thắn nêu thực trạng: Giải pháp và chính sách đã có, nhưng vấn đề là địa phương không thực hiện. Bộ LĐTBXH đã có tài liệu tập huấn, mô hình triển khai, chỉ tiêu, cảnh báo rõ ràng nhưng nhiều địa phương lại không đầu tư ngân sách thực hiện việc phổ cập bơi cho trẻ em.
Và nói tới việc dạy và học bơi của trẻ, không thể không nhắc tới vai trò của Bộ GDĐT. Đến năm 2021, theo thống kê của Vụ Giáo dục thể chất, thực trạng cơ sở vật chất tại các trường học, đặc biệt là bể bơi, rất khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến công tác dạy bơi trong nhà trường.Tại các trường THCS chỉ có 227 bể bơi/10.000 trường, ở cấp THPT chỉ 108 bể bơi/2.649 trường. Kể cả đã có bể bơi tại trường học rồi, việc duy trì, bảo vệ, vận hành cũng rất khó khăn. Các trường tư thục có thể duy trì khá tốt công tác này, nhưng với các trường công lập, kinh phí chi thường xuyên cho việc vận hành bể bơi khá eo hẹp.
Đáng chú ý, thực hiện Quyết định 234, Chỉ thị số 17 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GDĐT đã ban hành hơn 20 văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai nhằm giáo dục nâng cao nhận thức và kỹ năng an toàn khi tham gia bơi, lội. Bộ cũng hướng dẫn các địa phương, đơn vị, trường học đã có bể bơi chủ động tổ chức dạy bơi, hướng dẫn các trường học liên kết với các trung tâm thể dục thể thao, các bể bơi trên địa bàn tổ chức dạy cho trẻ em, học sinh về kỹ năng bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước và thực hành cứu đuối an toàn. Tuy vậy việc phổ cập bơi vẫn “dẫm chân tại chỗ”. Bên cạnh đó, nhiều trường học đã triển khai học môn bơi nhưng chỉ là dạy bơi… trên giấy như một số trường tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Đây thực sự là vấn đề “nóng” đã và đang đòi hỏi các cơ quan chức năng có liên quan cần sớm đưa ra giải pháp quyết liệt nhằm phòng, chống nguy cơ đuối nước cho trẻ em.
Cũng cần nhắc lại Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục thể thao đã quy định trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh trong việc phối hợp giữa cơ sở thể thao công lập do mình quản lý với cơ sở giáo dục để sử dụng công trình thể thao phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường. Do vậy, nhiều ý kiến bày tỏ nếu người đứng đầu các địa phương quyết liệt thực hiện, thì việc phổ cập bơi cho học sinh không còn là chuyện khó, để mỗi hè về chúng ta không còn phải chứng kiến những nỗi buồn mang tên đuối nước.
GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: Đừng để các trường làm đối phó
Nếu quy định mọi trường học phải dạy bơi trong chương trình chính khóa thì sẽ tạo áp lực cho nhà trường do hầu hết cơ sở vật chất thiếu thốn. Từ đó buộc các trường phải thực hiện trong điều kiện không thể sẽ dẫn đến hiện tượng làm theo kiểu đối phó, không hiệu quả... Để hoạt động dạy và học bơi đi vào thực chất , tôi cho rằng phương án tốt nhất vẫn là tạo điều kiện, tạo cơ chế thu hút đầu tư, xã hội hóa việc trang bị bể bơi trong các trường hay cụm trường để dần từng bước đảm bảo cơ sở vật chất. Lúc đó, tự phụ huynh sẽ yên tâm đăng ký học bơi cho con ở trường với chi phí hợp lý hơn nhiều so với các trung tâm hiện nay.
TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS): Cần có chương trình quốc gia về dạy bơi
Để khắc phục tình trạng đuối nước ở trẻ, cần có một chương trình có tầm cấp quốc gia về chuyện hướng dẫn kỹ năng bơi, hoặc sống thích nghi cao với nước. Chính quyền các cấp phải xây dựng kế hoạch hành động, đầu tư các hạng mục tương xứng. Ở thành phố, muốn tránh, giảm được tình trạng đuối nước, trước hết phải dạy trẻ biết bơi. Cụ thể, các bậc phụ huynh bố trí đưa đón con đi bơi, đầu tư học phí cho con học bơi, gương mẫu tích cực học bơi, thường xuyên động viên, khuyến khích cho con luyện tập môn bơi.
Dạy trẻ các kỹ năng an toàn khi tham gia môi trường nước và nhận biết môi trường nước nguy hiểm để không xuống chơi, xuống bơi. Hoặc giúp các em có kỹ năng nhận biết vùng nước sâu, nguy hiểm để phòng tránh. Trang bị cho các em những kỹ năng giúp người bị tai nạn đuối nước: cứu người đuối nước bằng cách gián tiếp, thông báo mọi người xung quanh được biết, ném các vật nổi cho nạn nhân, sử dụng các dụng cụ cứu hộ như phao cứu sinh, gậy, dây... để hỗ trợ.