TOEIC hay IELTS, TOEFL hay CEFR đều là những chứng chỉ phổ biến ở mọi lứa tuổi hiện nay với mong muốn đánh giá năng lực tiếng Anh, nhìn rộng ra là ngoại ngữ của bản thân. Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều học sinh, sinh viên sở hữu những chứng chỉ nói trên mà không có khả năng giao tiếp bằng chính ngôn ngữ mình đã học.
Điều này là minh chứng rất rõ cho mục đích học tiếng Anh vẫn thấy lâu nay. Đó có thể là học để có chứng chỉ, được cộng điểm trong việc thi, xét tuyển, “làm đẹp” hồ sơ, giấy tờ… Việc học ngoại ngữ với nhiều người - là đạt điểm cao, để có chứng chỉ nhưng lại không mảy may suy nghĩ về vấn đề sẽ áp dụng nó trong giao tiếp hàng ngày, trong khi bản chất của việc học ngoại ngữ và có chứng chỉ là để chứng minh khả năng bạn có thể giao tiếp một cách thành thạo.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh lớp 3 bắt đầu học môn tiếng Anh và học liên tục đến hết lớp 12. Song, một thực tế đáng buồn là đại đa số học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đều không thể sử dụng vốn tiếng Anh đã học 10 năm để giao tiếp lưu loát. Thực tế này cho thấy, chương trình học tiếng Anh trong các trường học hiện nay còn nhiều bất cập, nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Một trong những minh chứng mang tính định lượng là điểm thi tốt nghiệp THPT hàng năm, môn học này luôn ở top thấp nhất. Kết quả thi cũng thể hiện sự chênh lệch rõ ràng giữa các vùng miền trong dạy học tiếng Anh…
Điểm yếu của người học được nói đến nhiều nhất là kỹ năng nghe - nói, giao tiếp. Nguyên nhân từ cách dạy học vẫn thiên về ngữ pháp, hàn lâm; học sinh ít có cơ hội thực hành để rèn luyện, phát triển kỹ năng, tự tin giao tiếp… Nguy hiểm nhất là giáo viên tiếng Anh dạy ở bậc tiểu học lấy từ nhiều nguồn khác nhau, phát âm không chuẩn, dạy các em đọc sai ngay từ đầu, sau này rất khó sửa. Do yếu về năng lực giao tiếp, việc giảng dạy trở nên máy móc, chủ yếu dạy về ngôn ngữ tiếng Anh chứ hoàn toàn không xem nó là một phương tiện giao tiếp.
Với không ít giáo viên, dạy cho học sinh làm đúng bài tập, bài thi là ưu tiên số một nên giờ học thành giờ dạy các mẹo làm bài thi. Họ không hề xem bài đọc là một nội dung cần đọc để hiểu rồi thảo luận, trao đổi, hỏi đáp về nội dung đó.
Điều đáng nói là học sinh dù học ngoại ngữ trong nhà trường chính khóa, học thêm ngoại ngữ do các giáo viên trong trường dạy, nhưng ở thành phố đa phần các gia đình vẫn phải cho con đi học thêm ở các trung tâm tiếng Anh.
Được biết, từ năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng Sổ tay hướng dẫn xây dựng, phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ. Được biên soạn bởi các chuyên gia, nhà quản lý nhiều kinh nghiệm trong xây dựng cộng đồng thực hành sử dụng ngoại ngữ. Đây là tài liệu quý, giúp nhà trường tổ chức hoạt động học tiếng Anh hiệu quả. Tuy nhiên, vì hầu hết là hoạt động ngoài giờ chính khóa, nên để thay đổi nhận thức về việc dạy và học tiếng Anh nói riêng, ngoại ngữ nói chung cần vai trò của người đứng đầu nhà trường.
Bao giờ học sinh giao tiếp ngoại ngữ thành thạo là câu hỏi không dễ trả lời? Chỉ biết rằng, chừng nào động lực học tiếng Anh vẫn còn vì điểm số, vì sở hữu chứng chỉ, chứ không phải vì muốn sử dụng thành thạo một ngoại ngữ, thì chừng đó vẫn khó lòng cải thiện trình độ giao tiếp tiếng Anh của người Việt. Do đó, để việc dạy và học tiếng Anh hiệu quả trong trường phổ thông, chương trình mới cần thay đổi cách thức đánh giá, kiểm tra đủ các kỹ năng.