Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay. Không chỉ bởi tình hình dịch bệnh, học sinh, sinh viên nhiều địa phương phải nghỉ học mà xu hướng học online ngày càng trở nên phổ biến, nhất là ở bậc đại học, sau đại học.
Giữ tập trung, tăng tương tác
Các chuyên gia đã chỉ ra, khi ở nhà, học sinh ở trạng thái “uể oải” không sẵn sàng cho buổi học và có nhiều thứ hấp dẫn xung quanh hơn là tập trung vào bài giảng. Phương án để chuyển học viên sang 1 trạng thái tích cực, sẵn sàng cho buổi học có rất nhiều. Có thể dùng những câu chuyện cười, những lời hỏi thăm chân tình hay nêu rõ giá trị hấp dẫn của bài học…để khích lệ tinh thần học tập. Một khi đã phá vỡ được “tảng băng ì” của học viên thì việc học mới diễn ra hiệu quả.
Nếu dùng cách điểm danh gọi tên quen thuộc thì sẽ khó tạo được hứng thú với học sinh nói chung. Đó là chưa kể sự tương tác của thầy và trò trong đào tạo trực tuyến giảm đáng kể so với cách học truyền thống đã khiến học trò thiếu cảm hứng và động lực, làm hạn chế nhiều tới hiệu quả tiếp thu kiến thức.
Vì vậy, để học trực tuyến đem lại cảm giác “học” thực sự với học sinh thì việc “phá băng” rất quan trọng. Khi đã khơi gợi được hứng thú với giờ học, giáo viên cần có phương pháp truyền tải nội dung bài giảng sinh động, lôi cuốn học trò. Có thể tận dụng lợi thế của âm thanh, hình ảnh để hút sự tập trung của trò như sử dụng các clip với thời gian 5-7 phút, luân phiên cô hỏi - trò trả lời. Cố gắng để mọi học trò đều được tương tác với cô giáo thì các em sẽ không có cảm giác bị “bỏ rơi” hay thắc mắc kiểu: con giơ tay mãi mà cô không gọi sẽ khiến học sinh thấy nản.
Một gợi ý của cô giáo Nguyễn Hồng Thúy - Trường Tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội là xen kẽ trong buổi học, giáo viên có thể tổ chức chơi trắc nghiệm online trên Kahoot, Class Dojo... để khuấy động không khí. Thậm chí, vận động nhẹ tại chỗ cũng giúp cho học sinh hứng khởi hơn. Chẳng hạn, với môn âm nhạc, giáo viên có thể cho các em giơ tay hay nắm tay, xòe tay, vẫy tay… tùy theo quy ước của cô và trò, bạn nào làm sai thì chịu phạt bằng cách tự búng tai mình khiến học sinh rất thích thú, hào hứng.
“Để tránh nhàm chán và tẻ nhạt cho giờ học online, mỗi thầy cô có thể vận dụng các cách khác nhau phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. Trong đó, riêng việc hỏi - trả lời cần diễn ra liên tục để tránh cảm giác ngủ gật trước máy tính!” - đó là gợi ý của thầy Nguyễn Tùng Lâm, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội.
Phụ huynh đồng hành
Kể lại kinh nghiệm mùa dịch trước, chị Mai Lan (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết một, hai buổi đầu chị hướng dẫn cậu con trai học lớp 7 cách vào máy tính học online. Sau đó, chị đi làm việc của mình để con tự học. Nhưng khoảng 1 tuần sau, khi trao đổi với cô giáo chủ nhiệm cũng đồng thời là giáo viên dạy môn toán của con chị mới “tá hỏa” vì con thường xuyên bỏ tiết. Khi kiểm tra lại lịch sử giao dịch trên máy tính mới biết hóa ra con vào mạng chơi game, xem YouTube… chứ không phải để học với thầy cô và các bạn. Nên lần này, rút kinh nghiệm luôn, chị yêu cầu con học vẫn phải mở cửa phòng để thỉnh thoảng vào kiểm tra bất chợt. Đồng thời, trao đổi với cô giáo mỗi ngày để nắm được con có tham gia lớp học đầy đủ hay không.
Theo các chuyên gia, việc tương tác một chiều cùng với việc học trên các nền tảng smartphone, máy tính, máy tính bảng... làm các em dễ bị “cám dỗ” bởi các loại hình giải trí khác như chơi game, nghe nhạc thay vì tập trung vào bài giảng. Đó là chưa kể khi cô giảng, nếu các bạn khác làm trò quậy phá kiểu mặt hề hay nhắn tin riêng với nhau qua phần mềm chat thì rất khó kiểm soát. Vì vậy, quan tâm và để mắt đến con thường xuyên là việc các bậc phụ huynh cần làm. Không thể phó mặc hoàn toàn việc học online cho cô giáo thì sẽ khiến việc học khó đạt hiệu quả như mong muốn.
Học online có nhược điểm là khó tập trung, đặc biệt với bậc tiểu học. Để khắc phục điều này, NGƯT Đinh Thị Tú - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vinschool Times City, Hà Nội đưa ra 2 yêu cầu: Từ phía gia đình cần tạo không gian học tập yên tĩnh để con không bị xao nhãng; đồng thời động viên và đồng hành cùng con trong vài buổi học đầu.
Học trực tuyến có ưu điểm hơn với buổi học truyền thống là các em có thể xem đi xem lại clip bài giảng để nắm chắc kiến thức. Sau đó, cần làm bài tập về nhà đầy đủ và chụp ảnh gửi lại để giáo viên chữa bài cụ thể cho từng em. Nếu cha mẹ không đôn đốc, cô giáo cũng không nhắc tên cụ thể thì rất có thể học sinh lơ là phần làm bài tập do cảm giác không có cô giáo kiểm tra.
Đặc biệt với học sinh cuối cấp, tạm dừng đến trường nhưng không thể dừng việc học. Đối với các trường có triển khai dạy online, các em cần tập trung và sắp xếp thời gian sao cho hiệu quả. Riêng với những trường chưa triển khai dạy trực tuyến, các em có thể theo dõi các clip bài giảng trên mạng miễn phí từ năm trước, của các trường hoặc giáo viên dạy qua truyền hình với các bài học mới hoặc ôn tập kiến thức, luyện giải đề những phần đã học. Không nên bỏ bẵng sách vở, nghỉ Tết luôn từ giờ bởi khi quay lại sẽ nảy sinh tâm lý ngại học do nghỉ dài ngày.