Tình trạng nghiện điện thoại, nghiện internet trong giới trẻ đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là khi các em phải học online kéo dài trong giai đoạn bị ảnh hưởng Covid-19.
Bên cạnh những lợi ích mang lại, việc trẻ em sử dụng internet quá mức sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần, nghiêm trọng hơn là có thể gặp những rủi ro trên môi trường mạng hay truy cập vào những thông tin không lành mạnh, gây ảnh ra nhiều vấn đề về lối sống, tâm lý mà người lớn không thể giải quyết.
Nhiều rủi ro tiềm ẩn
Do tính chất công việc nên vợ chồng anh Phạm Hoàng Giang (quận Ba Đình, Hà Nội) đi làm cả ngày đến chiều muộn mới có mặt ở nhà. Con trai anh Giang năm nay học lớp 6. Ở nhà một mình nên việc học online, sử dụng internet của con đều được tự do mà không có sự quản lý của bố mẹ.
Cách đây ít ngày, vợ anh Giang giật mình khi phát hiện con trai thường xuyên truy cập vào một số trang mạng có clip bạo lực, phản cảm ngoài giờ học online.
Anh Giang cho hay: “Đi làm cả ngày không có thời gian quản con mà việc học online vẫn kéo dài chúng tôi không thể tịch thu điện thoại, máy vi tính hay ngắt kết nối internet. Hơn tuần nay, vợ chồng chúng tôi chia nhau nghỉ phép, để mắt tới con hơn”.
Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến việc dạy học, học tập và vui chơi giải trí trực tuyến trở thành xu thế tất yếu. Song việc trẻ thường xuyên tiếp cận với công nghệ, mạng internet khiến các em dễ đắm chìm trong thông tin từ nhiều nguồn, có thông tin tốt, tích cực nhưng cũng không ít thông tin xấu, độc. Thậm chí có em còn xem web "đen” khi sử dụng máy tính khi học online.
Thời gian qua trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt những hiện tượng mạng thường xuyên quay clip, livestream những nội dung phản cảm.
Có thể nhắc đến ở đây như YouTuber Thơ Nguyễn, Khá “bảnh” hay nhiều “giang hồ mạng” khác như “Thánh chửi” Dương Minh Tuyền, Huấn “hoa hồng”…
Đáng bàn là những clip mà các cá nhân này đưa lên mạng thu hút hàng triệu lượt theo dõi, hàng trăm nghìn lượt thích và bình luận, chủ yếu là từ giới trẻ, học sinh.
Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Sơn, chuyên gia tâm lý tuổi vị thành niên, Hội Tâm lý học giáo dục Hà Nội dẫn chứng về một trường hợp nghiện internet trong số trường hợp mà ông can thiệp về tâm lý để chỉ ra những rủi ro tiềm ẩn khi trẻ sử dụng mạng xã hội mất kiểm soát.
Đó là một học sinh lớp 3, kiến thức mạng xã hội đầu tiên học sinh này biết được là có những nhân vật cùng lứa tuổi đang sở hữu những kênh YouTube rất nhiều người theo dõi.
Ban đầu bé theo dõi một chị tuổi teen có lượt đăng ký kênh lên tới hàng triệu, say mê với những sự kiện kỉ niệm nút bạc, vàng, kim cương của kênh yêu thích.
Tiếp theo bé tham gia tích cực hơn vào các trò chơi tương tác do kênh này tổ chức, dễ dàng chia sẻ thông tin cá nhân để tương tác với chủ kênh.
Tuy nhiên, sau đó kênh YouTube này bị hacker xâm nhập. Tình huống đặc biệt này làm cho cả hai mẹ con bé lớp 3 lo lắng và rơi vào trạng thái luôn bám sát tình hình kênh YouTube kia trong nhiều ngày.
Mẹ cô bé lo ngại việc con đã gửi hình ảnh, địa chỉ nhà, số điện thoại cho kênh bị hacker sử dụng ... lo có thể xảy ra chuyện kẻ xấu theo dõi con mình, lo bị bắt cóc.
Có thể thấy rằng kẻ xấu ngoài việc chiếm được một kênh YouTube có nhiều người theo dõi, còn nắm trong tay một danh sách nhiều thông tin cá nhân chính xác của các em bé đã vô tư giao tiếp gửi cho nhau trên mạng xã hội, và sự lo lắng gây tổn hại nhiều tới tinh thần của cả mẹ và con hơn là những mối nguy có thể tưởng tượng ra.
Hiện nay, các hoạt động dạy học đều sử dụng các nền tảng online như Zoom, Google Meet hay Microsoft Teams… nhưng trong quá trình tổ chức dạy học qua internet đã xảy ra hiện tượng bị kẻ xấu xâm nhập vào địa chỉ lớp học/phòng học trực tuyến, đăng tải nội dung xấu, độc, phản cảm, phản giáo dục...
Thậm chí đã có dấu hiệu lạm dụng, quấy rối và bắt nạt trẻ em, học sinh, sinh viên trên mạng, không đảm bảo an toàn và đã gây tâm lý hoang mang cho người học, người dạy; ảnh hưởng đến chất lượng dạy học qua internet. Điều này cũng đã được Bộ GDĐT chỉ ra.
Nuôi dạy trẻ trên thế giới ảo như thế giới thật
Những nguy cơ trẻ em thường gặp trên internet đã được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNCEF) chỉ ra, gồm: người lớn vô tình cung cấp quá nhiều thông tin để những kẻ lạm dụng trẻ em thực hiện các hành vị pham tội; trẻ dành quá nhiều thời gian chơi các trò chơi bạo lực trên mạng; trẻ em bị bạn bè hoặc kẻ xấu thuyết phục chia sẻ hình ảnh nhạy cảm của mình; trẻ dễ bị những kẻ ấu dâm giả vờ cùng trang lứa lừa đảo, bắt nạt và xâm hại trên mạng.
Hệ lụy từ những nguy cơ mà trẻ em thường gặp trên internet được chỉ ra rất nhiều lần nhưng vẫn luôn cần được cảnh báo. Bởi sự thay đổi của công nghệ diễn ra liên tục và luôn có tính hai mặt, đòi hỏi những nỗ lực từ nhiều phía.
Theo ông Nguyễn Đình Sơn, thanh thiếu niên là những người thích phiêu lưu, muốn thử nghiệm và khám phá thế giới rộng lớn để học hỏi thêm kinh nghiệm và phát triển bản thân. Nhưng ngày nay, trái ngược với tuổi trẻ của thời cha mẹ, thế giới của các con rộng lớn hơn đến hàng trăm lần nhờ cuộc cách mạng internet.
Qua công tác tư vấn, ông Sơn cho hay: “Tôi thường thấy cha mẹ không biết vai trò nuôi dạy con trong thế giới ảo như thế nào. Nhưng thực tế nó như trong thế giới thực, giống như bạn trao cho con chìa khóa xe máy khi con cam kết tuân thủ những quy định tham gia giao thông và quy định riêng của bạn”.
Vì vậy, ông Sơn cho rằng, khi trao cho con một công cụ trực tuyến, cha mẹ cần có bộ nội quy phù hợp với thế giới ảo, bởi kho thông tin này vừa bổ ích và lại có cả những yếu tố có hại. Khả năng vi phạm pháp luật dễ xảy ra hơn nhiều so với thế giới thực: Cung cấp thông tin không đúng sự thực, bắt nạt hội nhóm, trở thành nạn nhân hay đồng phạm của hành vi bất hợp pháp. Những thông tin thúc đẩy như bạo lực xã hội, thuốc kích thích, cờ bạc, kiếm tiền dễ dàng, hẹn hò với người lạ, khiêu dâm.
Theo ông Sơn, để hạn chế sự xâm lấn của thông tin xấu, động trên mạng internet, cha mẹ chính là những người có vai trò quan trọng trong việc định hướng con em mình. Cha mẹ cần có giới hạn thời lượng các hoạt động trực tuyến trong ngày.
Đồng thời, lưu ý trẻ nếu gặp bất kỳ nguy hiểm hay rắc rối nào trên mạng, người đầu tiên các con cần thông báo là cha mẹ. Tuyệt đối không tìm sự giúp đỡ người ngoài trước đó.
"Học sinh cần nhận thức được mạng xã hội và internet là nơi mọi hành vi của người sử dụng đều bị theo dõi, giám sát, thu thập thành dữ liệu. Người sử dụng dữ liệu cho mục đích xấu làm ảnh hưởng đến các em thường khi là chưa xuất hiện về sau khi các em cung cấp thông tin trên mạng.
Các em cũng nên nhớ không nhắn tin và tham gia tranh luận trên mạng khi cảm thấy khó chịu hoặc tức giận. Hầu hết thông điệp được đăng trong lúc cảm xúc như vậy, đa phần sau này sẽ thấy hối tiếc", ông Sơn đưa ra lời khuyên.
Chế tài xử lý vi phạm như thế nào?
Luật sư Lê Lưu Phú, Phó Giám đốc Công ty Luật Gia Nguyễn và Cộng sự, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Tại Điều 29 của Luật này đã nêu rõ vấn đề bảo vệ trẻ em trong không gian mạng.
Như vậy có thể thấy vấn đề về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đã được Đảng và Nhà nước quan tâm và có các biện pháp phòng ngừa nhằm bảo vệ trẻ em tránh khỏi các hiện tượng xấu trên môi trường không gian mạng.
Đối với các hành vi vi phạm Luật an ninh mạng này thì ngoài việc xử phạt hành chình được quy định tại Luật xử phạt vi phạm Hành chính và Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (một nội dung đáng chú ý trong Nghị định này là quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội) thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017.