Giáo dục

Học phí đại học, những tác động đa chiều

Nhóm Phóng viên 08/01/2024 08:50

Sau thời gian thực hiện "bình ổn học phí", năm học này, các trường đại học được phép tăng học phí (theo Nghị định 97 của Chính phủ) nhưng với mức thấp hơn quy định tại Nghị định 81. Theo đó, có thể học phí đại học công lập sẽ tăng bình quân 45,7%. Cao nhất là khối ngành y dược, được dự báo tăng 93%, khối nhân văn và khoa học xã hội dự báo tăng 53%. Nhiều ý kiến cho rằng học phí đại học tăng là tất yếu với các trường đại học công lập đã thực hiện tự chủ.

cover.jpg
Khi các trường đại học tăng học phí, việc hỗ trợ sinh viên tiếp cận được các nguồn tín dụng là rất cần thiết. Ảnh: Quang Vinh.

Theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (ĐH), Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc tăng học phí theo Nghị định 97 là hợp lý. Tuy nhiên, cần có chính sách tín dụng với sinh viên để những gia đình nghèo bớt khó khăn.

Mức học phí mới sẽ ra sao?

“Mức vay tối đa 4 triệu đồng/tháng/sinh viên hiện nay là khá thấp so với mức học phí các ngành học ở một số trường ĐH công lập (có thể lên đến 150 triệu đồng/năm). Chính sách này khiến không ít học sinh nghèo, học giỏi không dám chọn các trường học phí cao dù thừa điểm đậu. Rào cản học phí và mức vay tối đa khiến các em chỉ dám đăng ký vào những trường có mức học phí thấp, phù hợp với khoản vay tín dụng sinh viên (SV). Chính sách này cần thay đổi toàn diện các quy định về số tiền được vay, lãi suất, thời hạn, điều kiện vay… để tạo thuận lợi cho SV hơn” - ông Khuyến đề xuất.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần giảm mức lãi suất cho vay tín dụng SV khoảng 3%/năm, thời gian vay cũng cần kéo dài hơn. Việc chỉ được vay tối đa 10 năm là ngắn hơn nhiều so với các quốc gia khác.

Phân tích của một số chuyên gia giáo dục cho thấy, mức trần học phí năm học 2021-2022 và năm học 2022-2023 đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập được áp dụng bằng mức của năm học 2020-2021. Trong đó, các trường chưa tự chủ có mức thu 980.000 đến 1.430.000 đồng/tháng tùy khối ngành (tương đương 9,8 đến 14,3 triệu đồng/năm học 10 tháng). Các trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, mức thu từ 2.050.000 đồng đến 5.050.000 đồng/tháng (tương đương 20,5 đến 50,5 triệu đồng/năm).

Theo Nghị định 97, học phí các trường ĐH công lập bắt đầu tăng từ năm học 2023-2024. Với trường ĐH công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí trường chưa tự chủ tương ứng với khối ngành và năm học.

Cụ thể, năm học 2023-2024, học phí các trường này tối đa 24 đến 49 triệu đồng/năm (10 tháng). Các năm học tiếp theo, các trường được thu từ 27 đến 55,2 triệu đồng/năm (2024-2025); tăng lên 30,4 đến 62,2 triệu đồng/năm (2025-2026); từ 34,2 đến 70 triệu đồng/năm (2026-2027).

Trường ĐH công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần trường chưa tự chủ tương từng khối ngành và năm học. Cụ thể, năm học 2023-2024, học phí các trường này tối đa 30 đến 61,25 triệu đồng/năm (10 tháng). Các năm học tiếp theo, các trường được thu từ 33,75 đến 69 triệu đồng/năm (2024-2025); tăng lên 38 đến 77,75 triệu đồng/năm (2025-2026); từ 42,75 đến 87,5 triệu đồng/năm (2026-2027).

bai-chinh(2).jpg
Phụ huynh đóng học phí cho con tại Trường Đại học Công thương TPHCM. Nguồn: HUIT.

Chủ động tạo nguồn thu ngoài học phí

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/8/2023, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, học phí không phải là nguồn duy nhất và chính sách học phí không phải là duy nhất. Tuy nhiên, học phí ĐH chiếm tỷ trọng lớn, từ 50% đến 90%.

Trong bối cảnh nguồn thu của các trường ĐH chủ yếu đến từ học phí, vấn đề đặt ra là các trường có thể kiếm tiền ngoài học phí thế nào? Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, mỗi SV lên thành phố học tập, trung bình chi tiêu khoảng 4 đến 5 triệu đồng/tháng. Một ĐH có quy mô khoảng 30.000 SV, khoản tiền thu được từ dịch vụ này là 1.500 tỷ đồng mỗi năm. Nếu tính thêm hoạt động mua bán, sửa chữa xe, laptop và các dịch vụ tiện ích đi kèm khác, nguồn thu này có thể lên đến 2.000 tỷ đồng mỗi năm.

Hiện nay, các trường ĐH chỉ khai thác được dịch vụ căn-tin, gửi xe trong trường, còn lại người dân xung quanh trường hưởng lợi. Làm một phép tính nhanh, nếu học phí trung bình của SV là 25 triệu đồng mỗi năm, tổng thu từ học phí của một trường ĐH 30.000 SV khoảng 750 tỷ đồng. Như vậy, nguồn thu từ dịch vụ SV gần gấp 3 học phí. Cộng thêm những nguồn thu nhỏ lẻ khác, trường có khoảng 2.900 tỷ đồng .

“Chi phí trả lương cho cán bộ, giảng viên khoảng 500 tỷ đồng/năm. Vận hành và đầu tư cơ sở vật chất khoảng 400 tỷ đồng và thêm 100 tỷ đồng cho các chi phí khác như nghiên cứu khoa học, hỗ trợ SV. Trừ các chi phí, trường ĐH với quy mô này sẽ có ra khoảng 1.900 tỷ, tức 65%. Chưa kể nếu tiết kiệm chi phí điện, nước, cây xanh, vệ sinh môi trường, trường cũng có thêm khoảng chục tỷ đồng mỗi năm” - ông Dũng nói và cho rằng các trường ĐH phải tìm cách vận động, không thể phụ thuộc vào “bầu sữa mẹ” ngân sách và học phí. Có như thế, các trường mới có thể xoay xở, mở rộng nguồn thu, duy trì phụ thuộc 50% vào học phí là lý tưởng.

Một khảo sát của nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), học phí chiếm đến 77% nguồn thu của các trường ĐH ở Việt Nam. Do phụ thuộc nhiều vào học phí SV khiến nhiều trường tìm cách tăng quy mô tuyển sinh.

Nhận xét của nhóm chuyên gia WB cũng cho rằng, ngoài học phí, nguồn thu của các trường ĐH có thể đến từ kết quả nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ; tài trợ, hiến tặng; thu dịch vụ, kinh doanh, đầu tư và ngân sách. Nhưng thực tế, các trường ĐH ở Việt Nam không tạo ra được nguồn thu nào đáng kể ngoài học phí SV.

Góc nhìn từ hai phía

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 khối giáo dục ĐH, nhiều cơ sở giáo dục ĐH bày tỏ sự lo lắng, mong muốn các cấp quản lý sớm ban hành các chính sách phù hợp để hỗ trợ trong bối cảnh phải thực hiện tự chủ tài chính.

Ông Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội mong muốn, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quan tâm hỗ trợ các trường trong thực hiện tự chủ, đặc biệt là các chính sách về tài chính đi kèm. “Nếu không, sẽ rất khó khăn, đặc biệt là những trường tự chủ mới gần đây. Tôi biết có nhiều trường khó khăn chồng chất” - ông Tú nói.

Còn theo Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng Lê Quang Sơn, về cơ chế tài chính cho giáo dục ĐH, nếu không có đầu tư thích đáng thì không thể nâng cao chất lượng đào tạo. Không có nguồn lực thì làm việc sẽ chỉ theo kiểu mở rộng mà không thể đào sâu. Ông Sơn cũng đề cập tới cơ chế phối hợp giữa các trường ĐH với các bộ, ngành, viện nghiên cứu để sử dụng nguồn lực chung, bởi thực tế nhiều giảng viên có đề tài nghiên cứu, mong muốn nghiên cứu nhưng không có nguồn lực để tiến hành.

Trong khi đó, đại diện Trường ĐH Thương mại cho biết, việc không tăng học phí khiến nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối tài chính. Để ứng phó, trường phải cắt giảm tối đa các hoạt động, sự kiện hội nghị, hội thảo, chào mừng... giảm chi tiêu để duy trì hoạt động giảng dạy, nghiên cứu. Trong đó duy trì lương ổn định cho giảng viên là bài toán quan trọng nhất.

Đó là góc nhìn từ phía nhà trường, còn từ xã hội thì sao? Nổi lên là câu hỏi: Học phí tăng liệu chất lượng có tăng? Thực tế không ai dám chắc rằng trường ĐH tăng học phí thì chất lượng đào tạo tăng và cơ sở vật chất sẽ được đầu tư nhiều hơn. Nếu căn cứ vào vấn đề tự chủ tài chính để tăng học phí mà không có thuyết minh rõ ràng đem lại lợi ích gì cho người thụ hưởng dịch vụ (SV) là chưa thỏa đáng. Đội ngũ giảng viên như cũ, cơ sở vật chất như cũ, cách dạy như cũ, môn học như cũ, lề thói như cũ... thì tăng học phí không nhiều ý nghĩa.

Đáng chú ý, nhiều ý kiến bày tỏ, việc kiểm định chất lượng chương trình đào tạo còn nhiều bất cập, khi chủ yếu tập trung yếu tố đầu vào, như đội ngũ giảng viên, tài chính, cơ sở vật chất, thư viện... mà chưa quan tâm đến chuẩn đầu ra của chương trình mà SV đạt được.

Đồng thuận với việc các trường ĐH tăng học phí (theo lộ trình và không vượt mức trần quy định), tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng cùng với đó phải là nâng cao chất lượng đào tạo ở bậc ĐH sao cho tương xứng với mức thu học phí. Các trường ĐH cần cam kết với phụ huynh, với xã hội là 100% SV trong vòng 1 năm sau khi tốt nghiệp sẽ có việc làm và không phải “đào tạo lại” thì việc tăng học phí mới thực sự thuyết phục.

Những trường đại học “nghìn tỷ”

Năm 2020, lần đầu tiên một trường ĐH Việt Nam đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng. 2 năm sau, số trường nghìn tỷ tăng 9 lần. Thống kê từ báo cáo công khai và đề án tuyển sinh của các trường ĐH năm 2023 cho thấy, có 9 trường ĐH đạt doanh thu năm 2022 từ 1.000 tỷ đồng. 2 trường lần đầu đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng năm 2022 là Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Doanh thu cao nhất năm 2022 thuộc về Trường ĐH Văn Lang 1.758 tỷ đồng, thấp nhất trong “top” trường nghìn tỷ là Trường ĐH Kinh tế quốc dân với 1.061 tỷ đồng.

Trong 9 trường “nghìn tỷ” có 5 trường ĐH công lập tự chủ, 4 trường tư thục.

Trong số 9 trường có doanh thu nghìn tỷ đồng năm 2022, Trường ĐH Văn Lang có mức tăng doanh thu nhanh nhất. Trong vòng 5 năm, doanh thu của trường tăng hơn 4 lần. Trường ĐH này có mức xuất phát điểm thấp nhất trong số các trường nghìn tỷ với 408 tỷ đồng năm 2018 đã tăng lên 1.030 vào năm 2021. Đáng chú ý là doanh thu năm 2022 tăng hơn 700 tỷ đồng so với năm trước đó. Đây là mức tăng “khủng” nhất trong số các trường ĐH.

Tuy nhiên, một số trường lại có nguồn thu tăng giảm thất thường. Là trường đạt doanh thu nghìn tỷ đầu tiên vào năm 2020 nhưng doanh thu ĐH Bách khoa Hà Nội lại giảm trong 2 năm sau đó. Năm 2020 trường có doanh thu 1.141 tỷ đồng nhưng qua năm 2022 giảm còn 1.070 tỷ đồng. Điều đáng nói là nguồn thu từ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ của ĐH Bách khoa Hà Nội rất thấp, chỉ hơn 7 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học phí đại học, những tác động đa chiều