Được đến trường học trực tiếp sau thời gian dài trường học phải đóng cửa do dịch bệnh là niềm vui lớn của học sinh, phụ huynh và giáo viên. Tuy nhiên nỗi lo cũng không nhỏ.
Số ca F0 trong trường học tăng, phụ huynh loay hoay không biết đưa đón con thế nào khi trường học chỉ dạy 1 buổi/ngày là lo lắng, trăn trở của nhiều phụ huynh Hà Nội sau một tuần học sinh được đến trường học trực tiếp.
Loay hoay sắp xếp đưa đón con
Học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tại các huyện, thị xã của Hà Nội đã được trở lại trường học trực tiếp từ ngày 10/2. Tuy nhiên việc bố trí dạy học 1 buổi/ngày, không tổ chức bán trú khiến không ít phụ huynh loay hoay sắp xếp việc đưa đón con.
Mong chờ ngày con được đến trường học trực tiếp nhưng sau khi trường học mở cửa trở lại, chị Nguyễn Thu Thủy (xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm) chia sẻ, chị bận bịu hơn ngày thường. Do tính chất công việc nên chồng chị Thủy thường xuyên đi công tác xa, đi sớm về muộn nên mọi việc học hành, đón đưa con cái đều do chị Thủy đảm nhiệm. Những ngày con được đi học trực tiếp, buổi trưa chị lại sấp ngửa chạy về đón con.
Chị Thủy cho biết: “Bình thường con học bán trú thì chiều tan giờ làm, tôi về đón con thì không ảnh hưởng gì. Nhưng giờ con học đi học có 1 buổi/ngày. Việc đưa đón con khiến tôi vất vả hơn. Tuần trước vẫn còn không khí Tết nên cơ quan ít việc chứ tuần này mọi công việc đã trở lại bình thường. Tôi đang tính nhờ người đưa đón con”.
Tương tự như chị Thủy, nhiều phụ huynh khác trong tuần này phải sắp xếp, xoay sở tìm cách đưa đón con để không ảnh hưởng tới công việc ở cơ quan. Sau nhiều lần bàn bạc, vợ chồng anh Nguyễn Anh Dũng (huyện Đan Phượng) chọn giải pháp thuê xe ôm công nghệ để đưa đón con.
Anh Dũng chia sẻ: “Cơ quan của vợ chồng tôi đều cách xa trường con học gần chục cây số nên việc đưa đón con học rất vất vả. Thời điểm này, xe ôm công nghệ đã được hoạt động trở lại. Dù chưa thực sự yên tâm khi giao con cho người lạ đưa đón nhưng chúng tôi không còn cách nào khác”.
Trường Tiểu học Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm) có 1.965 học sinh, trong đó có 370 học sinh lớp 1. Những ngày đầu tiên trường học được mở cửa trở lại, cả thầy cô, học sinh và phụ huynh đều phấn khởi vui mừng. Tuy nhiên, bà Đặng Thị Đăng Tâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau thời gian học sinh được trở lại học trực tiếp, một số phụ huynh chia sẻ khó khăn về việc đưa đón con do trường không tổ chức bán trú mà chỉ dạy 1 buổi/ngày.
“Tuần đầu phụ huynh còn sắp xếp được chứ về lâu dài, việc dạy học 1 buổi/ngày sẽ gây khó khăn cho phụ huynh. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, các con được đến trường nửa ngày đã là tốt lắm rồi”, bà Tâm chia sẻ.
Xử lý thế nào nếu trường học có F0?
Trường học đã xuất hiện nhiều trường hợp học sinh là F0 sau thời gian hoc sinh đi học trực tiếp trở lại, khiến nhiều phụ huynh, học sinh và ngay cả giáo viên lo lắng, căng thẳng.
Con gái chị Nguyễn Hoài Phương (quận Tây Hồ) học lớp 9. Đi học được 3 ngày sau dịp nghỉ Tết thì con trở thành F0. Ngoài con chị Phương, lớp con chị có một số bạn khác cũng có dấu hiệu ho, sốt. Ngay sau đó, các bạn này được nghỉ học theo dõi sức khỏe và chuyển sang hình thức học trực tuyến.
Chị Phương cho biết: “Đến hôm nay, con tôi đã hết sốt, khỏe hơn nhưng tôi vẫn lo vì nhà có ông bà bị bệnh nền và con út năm nay học lớp 3 chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19. Tôi sợ người thân trong gia đình không may bị lây bệnh thì sẽ rất mệt. Con đi học thì mừng đấy nhưng dịch bệnh như thế này vợ chồng tôi rất lo”.
Để xử lý các trường hợp F0 trong trường học, theo ghi nhận, các trường đã xây dựng nhiều kịch bản để ứng phó khi có ca F0.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết Online, bà Đào Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn cho hay, đến thời điểm sáng 14/2, trường có 8 học sinh bị F0. Nguồn lây của các em từ người thân trong gia đình hoặc các em sống trong khu vực xung quanh có nhiều ca mắc Covid-19.
Theo bà Hạnh, sau khi nhận thông báo của giáo viên chủ nhiệm, nhà trường đã tiến hành rà soát, kiểm tra sức khỏe những học sinh tiếp xúc gần với học sinh bị F0, cho các học sinh này chuyển hình thức học trực tuyến và theo dõi sức khỏe trong 1 tuần theo hướng dẫn của nhà trường.
Nhà trường cũng đã tiến hành khử khuẩn lớp học có học sinh bị F0; đồng thời, thông báo cho Phòng GDĐT quận và Trung tâm Y tế phường Quang Trung để chuyển toàn bộ học sinh F0 từ học trực tiếp sang trực tuyến và theo dõi sức khỏe. Bên cạnh đó, 26 lớp còn lại của các khối 7, 8, 9 vẫn duy trì việc học trực tiếp bình thường.
“Nhà trường đã thống nhất cùng phụ huynh về việc cho học sinh trở lại trường thời điểm này phải xác định thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, không xử lý cứng nhắc. Hai bên cùng thống nhất, cha mẹ sẽ là đầu mối theo dõi sức khỏe cho con trước mỗi buổi đến trường. Nếu con có bất kỳ dấu hiệu bất thường, cha mẹ lập tức báo với giáo viên chủ nhiệm để báo cáo lại với nhà trường có phương án cho học sinh nghi F0, F1 chuyển hình thức dạy học”, bà Hạnh cho hay.
Bình tĩnh ứng phó với diễn biến dịch bệnh cũng là phương án của các trường trên địa bàn thành phố. Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho hay, trong trường hợp lớp học có F0, trường học không nên đóng cửa cả trường mà nên cho học sinh lớp đó tạm nghỉ học.
Theo ông Phu, học sinh trở lại trường sau dịp nghỉ Tết, nguy cơ lây nhiễm sẽ cao hơn bởi các em di chuyển nhiều. Thế nên, việc phối hợp giữa nhà trường, cơ quan y tế và phụ huynh để cùng theo dõi sức khỏe của học sinh đóng vai trò rất quan trọng.