Năm 2022 - 2023 là năm học đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông 2018 được áp dụng ở bậc THPT với lớp 10. Tới thời điểm này, khi năm học kết thúc 1 học kỳ, nhiều học sinh và giáo viên đang mong ngóng phương án thi tốt nghiệp THPT 2025.
Lên kế hoạch học thêm, chờ phương án thi tốt nghiệp
Theo kế hoạch, năm học 2024 - 2025, toàn bộ học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 sẽ học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, ở bậc THPT sẽ có rất nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành về số lượng môn học bao gồm cả môn lựa chọn và bắt buộc.
Từ năm học này, ngoài các môn bắt buộc, học sinh lớp 10 trên cả nước còn phải lựa chọn tổ hợp môn theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc học sinh chọn môn tổ hợp nào ngoài sở thích còn liên quan chặt chẽ đến việc thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học sau này.
Bộ GDĐT đã khẳng định, năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có thay đổi, điều chỉnh bởi nếu giữ nguyên phương án thi như hiện nay sẽ gây khó khăn cho học sinh và các trường. Nhưng tới thời điểm hiện tại, dù học sinh lớp 10 đã kết thúc học kỳ I song vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về sự thay đổi khiến không ít phụ huynh và học sinh băn khoăn.
Đăng ký học theo tổ hợp môn xã hội từ đầu lớp 10, em Trịnh Minh Châu, học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Huệ (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, em đang tham khảo một số lớp học thêm các môn Vật lý, Hóa học không có trong tổ hợp em lựa chọn ở trường.
Sở dĩ Châu đưa ra quyết định này là bởi: “Em muốn học cho chắc để không bị động trước phương án thi tốt nghiệp theo chương trình mới”.
Tương tự như Châu, Nguyễn Hoàng Anh, học sinh lớp 10 tại Hà Nội cũng cho hay: “Nếu như anh chị các khóa trước biết rõ phương án thi tốt nghiệp từ năm đầu cấp thì chúng em vừa phải thay đổi cách học theo chương trình mới vừa đang chờ đợi phương án thi tốt nghiệp THPT. Từ học kỳ II này, nhiều bạn đã có kế hoạch học thêm các môn học để bắt kịp với kiến thức mới, đồng thời sẵn sàng tâm thế cho kỳ thi cuối cấp”.
Theo dõi thông tin tuyển sinh của các trường đại học năm 2023, chị Nguyễn Hoài Phương (quận Tây Hồ, Hà Nội) khá lo lắng bởi có quá nhiều đổi mới, đặc biệt là các trường top trên. Con gái chị Phương năm nay học lớp 10. Chị Phương chia sẻ, chị mong sớm nhận được thông tin về phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 để có định hướng, kế hoạch cho xét tuyển đại học phù hợp.
Học sinh không nên quá lo lắng
Trước những băn khoăn lo lắng của phụ huynh, nhiều giáo viên cho rằng, việc đổi mới sẽ được Bộ GDĐT tính toán, điều chỉnh cho phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới và không nhất thiết phải tìm tới các khóa học thêm.
Trao đổi với phóng viên, cô giáo Lê Thị Hồng Hạnh - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) cho biết, sau 1 học kỳ học theo chương trình, học sinh lớp 10 năm nay bắt kịp tốt với chương trình.
Trong khi chờ đợi phương án thi tốt nghiệp THPT 2025, cô Hạnh cho biết, cả cô và trò cùng dạy và học bám sát, lấy mục tiêu của chương trình mới làm gốc.
Dù mong sớm có phương án thi tốt nghiệp THPT nhưng cô Hạnh cho rằng: “Bộ GDĐT sẽ có những chỉ đạo, điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT phù hợp với chương trình mới. Tôi tin là học sinh cũng sẽ chủ động với kỳ thi này cho dù phương án thế nào vì ngay cả khi kiểm tra ở trên lớp học sinh cũng đã phải chủ động rồi”.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, 2024 sẽ theo hướng giữ ổn định mô hình, cách thức tổ chức như năm 2022, để phù hợp chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đang triển khai những năm cuối cùng. Cùng với đó, kỳ thi sẽ tiếp tục phát huy và tiếp tục hoàn thiện thêm yếu tố ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Bộ GDĐT rà soát, xem xét nếu cần thiết sẽ ban hành quy chế thi mới để khắc phục một số điểm chưa thật thuận tiện.
Về những thay đổi của kỳ thi từ năm 2025, lãnh đạo Bộ GDĐT cho biết, đã có một vài phương án được dự kiến, lấy ý kiến chuyên gia, tuy nhiên, trước khi lấy ý kiến rộng hơn cần cân nhắc đến nhiều phương diện. Điều quan trọng nhất là thực hiện được nguyên tắc kế thừa những ưu điểm của kỳ thi hiện nay, và điều chỉnh để phù hợp đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Chương trình giáo dục phổ thông mới tiếp cận theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng, do đó, nên kỳ thi phải gia tăng tính chất là một kỳ thi đánh giá năng lực. Tuy nhiên, cần thêm thời gian để tính toán kỹ lưỡng phương án thi từ năm 2025”.