Giáo dục

Học sinh vi phạm giao thông: Cách nào giảm thiểu?

BẢO LINH 03/03/2024 13:01

Thời gian qua, tình hình trật tự, an toàn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh diễn ra phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông. Việc này đòi hỏi phải thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp căn cơ để ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông, xây dựng văn hóa tự giác chấp hành pháp luật về giao thông trong học sinh.

hs2.jpg
Học sinh mặc đồng phục chở 3, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Ảnh: Lê Khánh.

Những con số “giật mình”

Báo cáo của Bộ Công an tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề về đảm bảo an toàn giao thông đối với học sinh diễn ra cuối năm 2023 cho biết: Trong khoảng một năm vừa qua, tai nạn giao thông liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6-18 tuổi) xảy ra 881 vụ, làm chết 490 người, bị thương 827 người. Trong đó có 737 vụ do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi đi bộ, trực tiếp điều khiển phương tiện liên quan trong vụ tai nạn giao thông, làm chết 378 người, bị thương 658 người.

Theo thống kê, 10 tỉnh, thành phố có số vụ tai nạn giao thông, số người chết và bị thương liên quan đến học sinh cao nhất cả nước, gồm TPHCM (60 chết và 130 bị thương), Gia Lai (41 chết và 30 bị thương), Tiền Giang (24 chết và 20 bị thương)…

Bộ Công an đánh giá, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông ngày càng phổ biến và có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là hiện tượng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông đi học bằng phương tiện xe máy điện, xe máy, xe mô tô, không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, kéo đẩy xe khác, sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện, đặc biệt là điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe đang diễn ra khá phổ biến, làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông.

Qua số liệu cho thấy lỗi vi phạm học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chiếm 47,59% và hệ quả là tai nạn giao thông liên quan điều khiển xe trên 50 phân khối chiếm 71,31%.

Theo Nghị định 100 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô sẽ bị phạt cảnh cáo.

Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 phân khối trở lên sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng...

Thế nhưng, ghi nhận tại các cổng trường học Hà Nội và một số địa phương khác, không ít học sinh mặc đồng phục THCS, THPT ngang nhiên đi xe máy, xe máy điện, phóng nhanh vượt ẩu. Thậm chí có những em không đội mũ bảo hiểm, chở 2-3 người trên một xe, vừa đi vừa nói chuyện hoặc gọi điện thoại…

hs3.png
Học sinh vui vẻ khi được trang bị mũ bảo hiểm. Ảnh: Trường Tiểu học Yên Sở (Hoài Đức, Hà Nội).

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 7, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội, tất cả những trường hợp vi phạm, theo quy chế phối hợp với ngành giáo dục đều được đơn vị gửi thông báo về trường nơi các em đang học tập để giáo dục.

Từ cuối năm 2023 đến nay, trên địa bàn hai quận Thanh Xuân, Hà Đông, lực lượng chức năng đã xử lý 35 trường hợp là học sinh, sinh viên không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy và 10 trường hợp đi vào đường có biển cấm đi ngược chiều. Còn lực lượng Cảnh sát giao thông toàn thành phố đã xử lý 1.091 trường hợp là học sinh, sinh viên; phạt tiền ước tính 551 triệu đồng; tạm giữ 484 mô tô, 20 phương tiện khác.

Để giảm thiểu tình trạng này, theo ông Thắng, ngay từ đầu năm mới Giáp Thìn 2024, đơn vị đã phối hợp cùng ngành giáo dục các quận Thanh Xuân, Hà Đông… lên kế hoạch và tổ chức tuyên truyền về an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông hướng đến học sinh, sinh viên. Ngoài việc xử lý, Công an thành phố Hà Nội đã tổ chức tuyên truyền 29 buổi tại các trường học với 17.208 học sinh, 2.687 giáo viên tham gia; đồng thời, tổ chức cho 5.127 lượt học sinh, giáo viên ký cam kết chấp hành quy định an toàn giao thông, hướng tới xây dựng văn hóa giao thông.

Về vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhiều lần nhắn nhủ đến các bậc phụ huynh hãy nêu gương khi tham gia giao thông, tuyệt đối không chở con em mình khi tham gia giao thông mà vi phạm pháp luật như không đội mũ, sử dụng rượu bia, nghe điện thoại…

Ông Hùng cũng nhấn mạnh, xây dựng văn hóa giao thông không chỉ đòi hỏi các bậc làm cha, làm mẹ, ông bà nêu gương thượng tôn pháp luật trong gia đình mình, trong dòng họ nhà mình. Mà còn đòi hỏi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước, các cơ quan của Đảng, các đoàn thể chính trị xã hội phải nêu gương. Người giữ chức vụ càng cao, càng phải nêu gương.

Nếu những người có chức vụ càng cao nêu gương; nếu cán bộ, đảng viên nêu gương; nếu cha mẹ, ông bà nêu gương thì chắc chắn là chúng ta sẽ xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng, trong xã hội, trong từng gia đình.

Hiện nay, Bộ Công an và Bộ GDĐT đang thực hiện Chương trình phối hợp về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022-2025.

Mục đích Chương trình nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ GDĐT theo các cấp của hệ công tác (Bộ, tỉnh, huyện, xã) trong trao đổi thông tin, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông; góp phần ngăn chặn, hạn chế và làm giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn giao thông.

Nỗ lực hơn từ nhiều phía

Cô Đinh Thị Thùy Dung, giáo viên môn Giáo dục Công dân, Bí thư Đoàn Trường THPT Bất Bạt (xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) cho biết: Để đảm bảo an toàn cho học sinh khi tham gia giao thông, các cán bộ nhân viên nhà trường được quán triệt thực hiện đúng theo quy định của Bộ GDĐT, Bộ Công an.

Hầu hết học sinh thực hiện nghiêm chỉnh việc đội mũ bảo hiểm khi ngồi sau xe máy, khi đi xe đạp điện tới trường. Cá biệt có học sinh sử dụng xe máy trên 50 phân khối khi chưa đủ tuổi, phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ… Những học sinh này thường trốn tránh giáo viên, bảo vệ nhà trường bằng cách gửi xe ở nhà dân gần cổng trường.

Để giảm thiểu tình trạng vi phạm giao thông trong học sinh, nhà trường đã thực hiện nhiều biện pháp như: Phối hợp với Công an xã Sơn Đà vận động các hộ dân gần trường không cho học sinh gửi xe; Phối hợp với Công an xã Sơn Đà, Phòng CGST huyện Ba Vì tuyên truyền giáo dục pháp luật cho học sinh; Đoàn trường, nhà trường tổ chức nhiều buổi ngoại khóa giáo dục tuyên truyền ý thức tham gia giao thông cho học sinh; phối hợp với phụ huynh trong việc giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông cho học sinh. Năm 2023 nhà trường đã phối hợp với Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á (AIP) trao tặng mũ bảo hiểm cho 100% cán bộ, nhân viên và học sinh với số lượng gần 1.400 mũ.

Theo bà Đinh Thị Dung, Phó Hiệu trưởng Trường THPT - THCS Hà Thành (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội): Để đảm bảo an toàn cho học sinh, ngay từ đầu năm học nhà trường đã xây dựng tuyên truyền ý thức tham gia giao thông cho các em, để các em nắm được những kiến thức cơ bản như đi đường, tham gia giao thông như thế nào cho an toàn nhất. Nhà trường dành 2 tiết kỹ năng sống/tuần, trong đó có những tiết học về an toàn giao thông, về kỹ năng xử lý tình huống khi các em tham gia giao thông. Đặc biệt, các tiết sinh hoạt chào cờ đầu tuần, nhà trường tăng cường các nội dung này, xây dựng thành chủ đề, tiểu phẩm, những màn trình diễn bằng các biển báo… để học sinh phát huy hơn nữa kiến thức về an toàn giao thông.

Cũng là một cách làm mong giảm thiểu được vi phạm, tai nạn giao thông trong học sinh, mới đây, ông Nguyễn Thế Lâm, Trưởng phòng GDĐT TP Nam Định (tỉnh Nam Định) đã ký công văn gửi các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và THCS về việc tăng cường đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh. Trong đó, nghiêm cấm học sinh điều khiển xe máy điện đến trường.

Cụ thể, Phòng GDĐT TP Nam Định yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS vận động cha mẹ, người giám hộ tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh. Các trường THCS tổ chức cho học sinh ký cam kết không điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, không điều khiển xe máy điện đến trường.

Các trường thông báo tới phụ huynh không để học sinh tự đi xe máy điện đến trường. Nếu học sinh nào cố tình đi xe máy điện, nhà trường yêu cầu phụ huynh cam kết việc thực hiện quy định pháp luật về an toàn giao thông. Những học sinh đi xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng (có tem kiểm định chất lượng theo quy định, không đội mũ bảo hiểm thời trang khi tham gia giao thông)...

Nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định, việc làm này là cần thiết. Học sinh vi phạm giao thông, tai nạn giao thông là điều rất ám ảnh. Nếu người lớn cứ bao che, nương tay cho vi phạm của học sinh, nêu gương xấu cho học sinh… thì nỗ lực giảm thiểu tai nạn giao thông sẽ không có kết quả tốt. Những quy định như thế cần có bên cạnh việc hình thành ý thức, thói quen tham gia giao thông văn minh, an toàn.

Bộ Công an đánh giá, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông ngày càng phổ biến và có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là hiện tượng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông đi học bằng phương tiện xe máy điện, xe máy, xe mô tô, không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, kéo đẩy xe khác, sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện, đặc biệt là điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe đang diễn ra khá phổ biến, làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học sinh vi phạm giao thông: Cách nào giảm thiểu?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO