Thư ngỏ gửi em học sinh lớp 6 vừa phải nhận 231 cái tát lên 2 má.
231 cái tát lên má một đứa trẻ lớp 6, em ạ, tôi không nghĩ nó dành cho em. 231 cái tát ấy dường như đang giáng lên má những người lớn có lương tâm, bỏng rát. Tôi với tư cách một người mẹ, tôi càng thấy má mình đau hơn em ạ! Cho nên, mấy hôm nay, tôi đã chờ. Chờ xem những người lớn có trách nhiệm sẽ nói gì với em. Chờ xem ai sẽ đến thăm em. Và khi ấy họ sẽ nói gì.
Người lớn nợ không chỉ mình em 231 cái tát, mà nợ cả 23 đứa trẻ bạn em trong lớp. Em mang vết hằn 231 cái tát trên má, suốt thời tuổi thơ đáng lẽ phải tươi đẹp, đã đành. 23 đứa trẻ bạn em mang một vết hằn khác, rồi sẽ lớn lên thế nào, khi tâm hồn bị vấy bẩn bằng việc bị bắt phải tát lên má bạn...
Mức độ thương tổn trên má em là bao nhiêu sau 231 cái tát, tôi nghĩ nó phải được đo bằng sự tổn thương trong tâm hồn hơn 20 đứa trẻ trong lớp em và hàng triệu bạn nhỏ khác, biết chuyện của em, đau vô cùng!
Như thế, việc 1 học sinh bị cô giáo bắt mỗi bạn tát 10 cái lên má, phải được coi như một thảm họa giáo dục. Không phải là nỗi đau của riêng em. Càng không phải là việc xử lý kỷ luật một cô giáo là xong.
Chỉ khi nào những người lớn có trách nhiệm nhìn đó như một thảm hoạ, thì mới có cách ứng xử với nó như với một thảm hoạ giáo dục và đạo đức.
Nghĩa là tôi mong lắm vào sáng thứ Hai này, trong buổi chào cờ toàn trường, có ai đó sẽ đến nói lời xin lỗi các em. Rằng cho dù đó là tội lỗi của một cô giáo, thì bất luận thế nào, để xảy ra một thảm họa, cũng thuộc về trách nhiệm của các nhà quản lý cả ngành giáo dục. Chưa kể là như lời cô Nguyễn Thị Phương Thuỷ- cô chủ nhiệm lớp 6.2 trường THCS Duy Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình), người đã phạt em bằng 231 cái tát vào mặt - đã giải trình thì áp lực thi đua quá lớn là lý do khiến cô phải đặt ra kiểu phạt như đã làm với em.
Bệnh thành tích bao năm qua của ngành giáo dục vẫn trầm kha như vậy hay sao? Trách nhiệm về việc hình thức trong giáo dục và trách nhiệm về tuyển dụng, quản lý một người như cô Thuỷ làm cô giáo thì thuộc về ai?
Tôi rất mong một bác nào đến thăm em, như người ta vẫn đến thăm những người vừa trải qua 1 thảm họa, đứng trước mấy chục học sinh lớp 6.2, xoa dịu nỗi tổn thương trong lòng các em, nói với các em rằng cô giáo sai rồi, rằng là bạn thì yêu thương nhau, không phải và không thể tát vào mặt bạn.
Nói bậy là việc không nên, tôi đồng tình là các em cần được rèn giũa để trở thành những đứa trẻ chăm ngoan; học giỏi. Nhưng nếu chẳng may em có trót nói bậy hay nghịch một trò dại dột, thì phương pháp giáo dục không phải là dùng bạn này tát vào mặt bạn kia. Viết đến đây, tôi lại nhớ đến cậu nhóc trứ danh Nicolas - một kiệt tác của văn học Pháp - những pha láu lỉnh, những màn nghịch ngợm của Nicolas và bạn bè của cậu đã trở nên gần gũi với trẻ em toàn thế giới. May là Nicolas không phải học sinh trong lớp cô Thuỷ em nhỉ? Nếu không má bạn ấy hẳn sẽ sưng vù lên.
Tôi xin phép em được nói một chút về cô giáo. Nói về thầy cô trước mặt học sinh bao giờ cũng là việc rất đau lòng. Bởi vì quan điểm của tôi cho rằng giáo dục chỉ thành công nếu học sinh tôn trọng thầy cô giáo. Chứ còn “nói xấu” hình ảnh thầy cô trước mặt các em thì làm sao các em còn tin vào những lời dạy làm người trên bục giảng. Nhưng mà, cô Thuỷ không xứng đáng làm cô giáo nữa rồi. Cô bị phạt đến mức độ nào, thậm chí có thể bị truy tố, là việc của các cơ quan chức năng.
Ở góc độ con người, thật tiếc phải nói với em, cô không đủ phẩm chất và năng lực. Cô để các bạn tát em mà má cô không thấy rát. Cô, thật táng tận, tát cái cuối cùng lên má em. Đã thế, còn thêm một lần đáng hổ thẹn khi xin báo chí không đưa sự việc này lên báo...
Chuyện cô Thuỷ rõ rồi, lo nhất là những tư cách như thế, còn nhiều không trong số những người đang đứng trên bục giảng, mà nói rộng ra bên ngoài xã hội, còn bao nhiêu người như thế vẫn rao giảng đạo đức mỗi ngày.
Nhưng em ạ, dẫu có thế, tôi vẫn mong em tin rằng cuộc đời còn nhiều điều tốt đẹp chờ các em. Tôi mong em tin vẫn còn điệp trùng thầy cô giáo xứng đáng đứng trên bục giảng. Vết thương trên má em chỉ lành nếu em còn có đủ niềm tin vào con người. Tôi mong em tiếp tục yêu thương bạn bè, những cái tát vào mặt em không phải lỗi của các bạn. Hãy để những người lớn có lương tâm nhận 231 cái tát thay em, má em sẽ vì thế mà bớt đau.
Tôi và em cùng chờ nhé, một sự chấn chỉnh thực sự trong toàn ngành giáo dục. Trách nhiệm về 231 cái tát phải là một trách nhiệm cụ thể của những người có trách nhiệm.