Khi đại dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu thì người ta cũng nói nhiều đến những tổn thất to lớn mà nó gây ra. Trong đó, vấn đề “hội chứng Covid kéo dài” được giới khoa học nêu ra đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
Phải chăng sự việc đã bị thổi phồng?
Đáng chú ý, Giáo sư Y khoa tại Đại học Oxford (Anh), John Bell, cho rằng tác động của “hội chứng Covid kéo dài” có thể đang bị thổi phồng, vì trên thực tế tỷ lệ mắc hội chứng này thấp hơn nhiều so với dự đoán.
“Hội chứng Covid kéo dài” được hiểu là tình trạng bệnh nhân mắc những triệu chứng dai dẳng sau khi nhiễm Covid-19 cấp tính và đã được chữa khỏi. Một nghiên cứu của Đại học Oxford vừa công bố cho thấy, hơn 30% số người mắc Covid-19 bị ít nhất một triệu chứng dai dẳng trong 3 tháng hoặc lâu hơn, bao gồm mệt mỏi, đau nhức, trầm cảm và các vấn đề về hô hấp và tiêu hóa.
Về việc này, Giáo sư John Bell - người đã tham gia phát triển vaccine của Hãng AstraZeneca cho rằng, nhiều người nghĩ họ đã mắc “hội chứng Covid kéo dài” thực ra đang mắc các chứng bệnh khác sau khi đã khỏi Covid.
Tương tự, Tiến sĩ Janet Scott - Giảng viên lâm sàng về các bệnh truyền nhiễm tại Hội đồng Nghiên cứu y khoa, Trung tâm Nghiên cứu virus, Đại học Glasgow, cũng cho rằng số lượng người mắc “hội chứng Covid kéo dài” đang bị phóng đại và tới nay vẫn chưa có các nghiên cứu đầy đủ với quy mô lớn về hội chứng này. Theo bà Scott, hiện chỉ có những nghiên cứu quy mô nhỏ, do đó cũng không đáng tin cậy về mặt khoa học, từ đó vấn đề có khả năng đã bị thổi phồng, trong khi các triệu chứng là không rõ ràng.
Tuy nhiên, theo bà Scott, thời gian phong tỏa và giãn cách xã hội kéo dài có thể khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi và rơi vào tình trạng trầm cảm, bởi “chúng ta đã phải trải qua một trải nghiệm khó khăn”. Về “hội chứng Covid kéo dài”, bà Scott cho rằng một số người sau khi khỏi bệnh vẫn có khả năng tồn tại trong cơ thể virus gây bệnh, tạo ra nỗi ám ảnh. Tuy nhiên, khi hệ miễn dịch của cơ thể đã “trưởng thành” thì virus tồn tại (nếu có) cũng sẽ bị tiêu diệt.
Tiến sĩ Scott cũng bày tỏ sự thận trọng với quan điểm, không thể vội vã khẳng định là có “hội chứng Covid kéo dài”, nhưng cũng không nhất thiết phải phủ nhận ngay. Cả hai giả thuyết đều có thể đúng vì khoa học cần thời gian để giải đáp ẩn số này. Nhưng dẫu không có hội chứng đó đi chăng nữa, thì trên thực tế Covid-19 đã tác động tiêu cực và lâu dài tới tâm lý của người già và trẻ em.
Một nghiên cứu khác do các nhà điều tra thuộc nhóm nghiên cứu CLock do Đại học College London và Cơ quan Y tế công cộng vùng England tiến hành, cho biết có tới 40% trẻ em nói rằng cảm thấy lo lắng, buồn bã hoặc bất hạnh, bất kể các em có mắc bệnh hay không. “Đó là vấn đề cảm xúc hơn là bệnh tật của cơ thể” - Tiến sĩ Michael Absoud cho biết và nhấn mạnh, cho dù Covid-19 kéo dài hay không thì dữ liệu hiện tại cũng đã cho thấy một làn sóng hậu đại dịch với các triệu chứng suy nhược lâu dài có thể đe dọa tất cả mọi người.
Cẩn tắc vô áy náy
Tiến sĩ Brian O’Connor, một chuyên gia về các bệnh hô hấp tại Bệnh viện Cromwell (Lodon), người từng mắc Covid-19 và phải nhập viện 3 tuần, bản thân ông cũng là một bác sĩ lâm sàng điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nói với Reuters: “Là người từng mắc bệnh và điều trị cho bệnh nhân Covid-19 khiến tôi đồng cảm với những người đang xuất hiện các triệu chứng mà trước đây có thể được coi là bình thường. Sau khi đã được chữa khỏi thì những người đó vẫn cần tiếp tục được hỗ trợ y tế, đặc biệt là sức khỏe tâm thần”.
Tiến sĩ O’Connor cho rằng, “hội chứng Covid kéo dài” cần được hiểu như chứng “sương mù não” khiến người dù đã khỏi bệnh Covid-19 vẫn có thể gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần như lo lắng, trầm cảm, đau đầu, kể cả vấn đề về nhận thức.
Một số nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ mắc “hội chứng Covid kéo dài” tăng theo độ tuổi. Cứ mỗi nhóm người với độ tuổi chênh nhau 10 năm, tỷ lệ lại tăng thêm 3,5%. Nghiên cứu của Đại học King’s College London cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ những người ở độ tuổi 20 mắc “hội chứng Covid kéo dài” là 1-2%, so với 5% những người ở độ tuổi 60. Nghiên cứu cũng nêu rõ, tỷ lệ này cao hơn ở phụ nữ, những người thừa cân hoặc béo phì, hút thuốc, sống ở những khu vực thiếu thốn, hoặc từng phải nhập viện.
Bác sĩ tâm lý, tiến sĩ Rajeev Dhar - thành viên trong nhóm điều trị “hội chứng Covid kéo dài” Bệnh viện Cromwell, cho biết: “Bạn có những bệnh nhân có các triệu chứng tâm lý, chẳng hạn như lo lắng và trầm cảm ở mức độ thấp, đồng thời họ cũng mắc triệu chứng về thể chất như đánh trống ngực hoặc khó thở khi nằm. Đó là những vấn đề thường gặp với người đã khỏi Covid-19. Vì thế, dù cho rằng không có cái gọi là khái niệm “hội chứng Covid kéo dài” đi chăng nữa thì cảnh giác với sức khỏe của bản thân không bao giờ là thừa”.
Một nghiên cứu khác đến từ Bộ Y tế Israel, cứ 7 trẻ em khỏi bệnh Covid-19 thì có 1 trẻ em bị ít nhất một triệu chứng của “hội chứng Covid kéo dài” trong 6 tháng. Đó là các biểu hiện bao gồm đau vùng ngực, gián đoạn hô hấp khi ngủ, mệt mỏi, khó thở, đau đầu... mà không thể điều trị bằng thuốc giảm đau thông thường. Nói như tiến sĩ Liat Ashkenazi-Hoffnung - Giám đốc Trung tâm Y tế ban ngày thuộc Bệnh viện Nhi Schneider, thì bệnh nhi Covid-19 sau khi khỏi vẫn có thể gặp phải tổn thương nhẹ về thần kinh liên quan đến tim, phổi.
Vì thế, “cẩn tắc vô áy náy” chính là thông điệp đối với những người đã thoát khỏi bệnh Covid-19, nhất là với trẻ em.
Một nghiên cứu được thực hiện với hơn 270.000 người đã bình phục sau khi mắc Covid-19, Đại học Oxford cho biết, các triệu chứng phổ biến nhất gồm các vấn đề về hô hấp, mệt mỏi, đau cơ và lo lắng. “Hội chứng Covid kéo dài” dù chưa được thừa nhận rộng rãi nhưng vẫn đang thu hút sự chú ý của giới y học, kể cả với Tổ chức Y tế thế giới WHO. Theo đó, khoảng 20% số người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 tiếp tục có các triệu chứng kéo dài trong ít nhất 1 tháng, 10% trong số này không thấy khỏe lại sau 12 tuần, một số bệnh nhân rơi vào tình trạng cơ thể suy nhược.