UBND tỉnh Quảng Trị vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xây sân bay tại tỉnh này theo hình thức đối tác công tư (PPP). Lý do để UBND tỉnh Quảng Trị đưa ra đề xuất trên là để giúp tỉnh có được động lực quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây là lý do hầu hết các tỉnh khi “xin” xây sân bay đều nại ra để thuyết phục.
Trước đó không lâu, hàng loạt tỉnh đua nhau xin Chính phủ cho phép xây sân bay, hoặc chuyển đổi sân bay quân sự (có sẵn) sang hình thái lưỡng dụng (vừa dân sự, vừa quân sự). Có thể kể ngay vài cái tên: Hà Nội xin xây sân bay thứ hai ở phía Tây dù đã có sân bay Nội Bài, Cao Bằng, Hà Giang, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bạc Liêu...
Riêng Bắc Giang, do hiện nay đã có sân bay Kép là sân bay quân sự nên tỉnh này không thể xin xây sân bay mới. Vì thế, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ GTVT trình Chính phủ phương án cho phép khai thác dân dụng tại sân bay quân sự này. Nếu đề xuất này được chấp thuận, e rằng sẽ rất phức tạp, khó đảm bảo bí mật quân sự.
Hiện trên cả nước đã có tới hơn 20 sân bay, trong đó có tới hơn 10 cảng hàng không quốc tế. Trong khi nhiều cảng hàng không chưa khai thác hiệu quả thì rất nhiều địa phương tiếp tục đề xuất xin mở rộng hoặc xây dựng mới sân bay, gây lãng phí nguồn lực (dù là ngân sách hay PPP). Dư luận cho rằng, có lẽ cũng giống như việc xây tượng đài, các tỉnh đang đua nhau xin xây sân bay cho khỏi kém cạnh tỉnh bạn.
Nhiều chuyện gia kinh tế đã lên tiếng cảnh báo về “phong trào” xin xây sân bay của các tỉnh, thành phố: Cần phải tính toán kỹ, cân nhắc thận trọng để việc xây dựng thêm sân bay thật hợp lý. Nếu tỉnh nào cũng muốn làm sân bay thì lại đẩy từ hiệu quả sang lãng phí, vì còn nhiều loại hình giao thông khác thuận tiện hơn chưa khai thác hết.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu xây dựng sân bay bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước mới lo lãng phí, chứ như tỉnh Quảng Trị xin xây sân bay theo hình thức PPP thì có vấn đề gì đâu? Xin thưa rằng, cách lý luận trên là hoàn toàn không chuẩn, bởi dù có là PPP thì địa phương vẫn phải bố trí quỹ đất, bồi thường giải phóng mặt bằng...
Đó là còn chưa kể, nếu sân bay sau khi xây xong khai thác không hiệu quả, địa phương hoặc Bộ GTVT lại “thay mặt” chủ đầu tư để đề nghị Chính phủ xuất ngân sách ra mua lại dự án đó. Chẳng phải Bộ GTVT từng có tiền lệ nhiều lần tính toán mua lại các dự án BOT giao thông đó sao? Vậy đó có phải là lãng phí hay không?
Lãng phí còn ở chỗ, hiện mạng lưới giao thông đường bộ đang được đầu tư phát triển liên tục, trong đó có nhiều tuyến đường cao tốc đang khai thác khá hiệu quả. Giữa các tỉnh “hàng xóm” cách nhau không xa (khoảng 100-300 cây số), có nhất thiết phải đi bằng máy bay không? Tại sao không phát triển hạ tầng hàng không theo cụm, bao gồm một số tỉnh gần nhau để tận dụng tối đa các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt?
Còn nữa, khi mà tỉnh nào cũng có sân bay, nếu quản lý không tốt, các đường bay nội địa, thậm chí cả quốc tế sẽ bị chồng chéo, dẫn đến tai nạn hàng không khó mà kiểm soát. Nếu tỉnh nào cũng có cảng hàng không quốc tế, trong khi lại thiếu đi “nhạc trưởng” điều hành thông suốt, lấy gì đảm bảo không có nguy cơ va chạm giữa các chuyến bay?
Thôi thì cứ cho là ngành GTVT có thể điều hành tốt, không xảy ra nguy cơ tai nạn hàng không. Song, nếu mỗi tỉnh có một sân bay sẽ dẫn đến tình trạng quá tải tại các cảng hàng không ở những thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hai địa phương này là các trung tâm chính trị, kinh tế nên sẽ tập trung đầu mối giao thông, nhất là hàng không. Liệu sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất có tải được lượng máy bay của tất cả các tỉnh?
Hiện, cả sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đều đang quá tải và phải liên tục mở rộng, nếu lại thêm nhiều chuyến bay nội địa từ các tỉnh khác tới e rằng khó mà kham nổi. Lúc đó Chính phủ lại phải đầu tư ngân sách để mở rộng sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, hoặc lại phải xây thêm sân bay như đề nghị mới đây của Hà Nội. Đó có phải là lãng phí không?
Thử nghĩ, nếu Ninh Bình được xây sân bay, người ta thay vì đi ô tô tới Hà Nội chỉ mất khoảng 2 tiếng, thì lại đổ dồn vào đi máy bay cho sang. Hay từ tỉnh Quảng Bình sang tỉnh Quảng Trị, người ta muốn đi máy bay cho đỡ “vất”, lại thể hiện được đẳng cấp sang trọng, không lẽ lại cấm? Mà cũng không thể cấm được, bởi đó là quyền tự do đi lại.
Vì những lẽ ở trên, nhiều chuyên gia kinh tế, chuyên gia giao thông cho rằng, dù các tỉnh, thành phố có “tha thiết” xin xây sân bay với lý do mùi mẫn là để phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ cũng nên cân nhắc thận trọng, để vừa không lãng phí nguồn lực, tránh phát sinh những hệ lụy tiêu cực khó lường, lại có thể tận dụng khai thác tối đa mạng lưới giao thông đường bộ sẵn có đang phát huy tốt hiệu quả.