Các nước Bắc Cực cam kết chống lại sự ấm lên của Trái Đất và bảo vệ hòa bình trong khu vực trong bối cảnh tầm quan trọng về địa, chính trị ở khu vực này ngày một gia tăng.
Các nước Bắc Cực cam kết chống lại sự ấm lên của Trái Đất và bảo vệ hòa bình trong khu vực trong bối cảnh tầm quan trọng về địa, chính trị ở khu vực này ngày một gia tăng.
Cam kết trên được đưa ra ngày 20/5 tại hội nghị cấp bộ trưởng các nước thành viên Hội đồng Bắc Cực (gồm Iceland, Nga, Mỹ, Đan Mạch, Canada, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan) đang diễn ra ở thủ đô Reykjavik của Iceland.
Phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nêu rõ: "Chúng tôi cam kết thúc đẩy một khu vực Bắc Cực hòa bình, nơi đang diễn ra sự hợp tác về khí hậu, môi trường, khoa học và sự an toàn".
Nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ cũng nhấn mạnh tới vấn đề đảm bảo pháp quyền để Bắc Cực tiếp tục là một khu vực không có xung đột và là nơi các nước hành xử một cách có trách nhiệm.
Ngoại trưởng Blinken cũng chú trọng thảo luận về cuộc chiến chống lại tình trạng ấm lên của Trái Đất.
Về phần mình, Ngoại trưởng Canada Marc Garneau cho rằng cuộc khủng hoảng khí hậu là mối đe dọa lâu dài nghiêm trọng nhất đối với các nước ở khu vực này.
Còn Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod nhấn mạnh các nước có nhiệm vụ đẩy mạnh sự hợp tác về khí hậu vì lợi ích của người dân đang sinh sống ở Bắc Cực.
Các ngoại trưởng đưa ra cam kết trên sau khi một báo cáo được Chương trình giám sát và đánh giá Bắc Cực (AMAP) công bố cùng ngày trước đó cảnh báo nhiệt độ ở Bắc Cực đang ấm lên với tốc độ nhanh gấp 3 lần so với cả Trái Đất nói chung từ năm 1971-2019.
Trong khi đó, phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi các nước Bắc Cực đưa các vấn đề quân sự vào các cuộc thảo luận giữa các nước về tương lai của khu vực này.
Ngoại trưởng Lavrov nêu rõ: "Điều quan trọng là phải mở rộng các mối quan hệ tích cực mà chúng ta có trong Hội đồng Bắc Cực, cũng bao gồm cả lĩnh vực quân sự".
Bên cạnh đó, nhà ngoại giao hàng đầu của Nga cũng bày tỏ lo ngại về sự triển khai binh sĩ nước ngoài ở Na Uy, gần biên giới Nga.
Na Uy, nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), có đường biên giới ngắn với Nga, tháng trước đã cho phép Mỹ xây dựng nhiều cơ sở tại 3 sân bay và một căn cứ hải quân.
Hội đồng Bắc Cực được thành lập năm 1996 để thiết lập đối thoại hòa bình giữa các nước Bắc Cực và người dân bản địa về các vấn đề như bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nhưng các vấn đề quân sự và an ninh lại bị loại trừ.
Tuy nhiên, căng thẳng đã gia tăng ở khu vực Bắc Cực trong những năm gần đây, khi các nước trở nên cảnh giác với hoạt động quân sự của nhau ở khu vực này.