Hồi hộp giao thương nông sản với thương lái Trung Quốc

TÂM LUÂN 07/07/2015 10:50

Mới đây, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP. HCM và Phòng Công nghiệp - Thương mại Việt Nam (VCCI) thành phố tổ chức hội thảo “Tăng cường hợp tác kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc”. Tại đây, nhiều DN bày tỏ quan ngại với hình thức kinh doanh chụp giật của nhiều thương lái Trung Quốc đối với nông sản Việt.

Nông sản Việt Nam thường bị thương lái gây khó (Ảnh: S. XANH)

Theo thống kê của hải quan Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam tăng trưởng bình quân 15 – 20% một năm, thuộc mức độ tăng trưởng tương đối cao. Nhiều năm nay, Trung Quốc vẫn luôn là thị trường xuất khẩu hàng nông sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 1/3 kim ngạch xuất khẩu. Mặc dù tiềm năng nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc được phía Việt Nam và Trung Quốc đánh giá cao, đặc biệt là xuất khẩu nông sản song DN Việt Nam bày tỏ sự băn khoăn khi tình trạng trôi nổi trong mua bán hàng nông sản.

Đại diện Công ty Vân Phát phàn nàn, thương lái dồn dập mua khoai lang, khoai môn nông dân thấy thế tăng cường trồng trọt. Tuy nhiên, đến mùa vụ thu hoạch thương lái lại “chạy làng”, khoai lang ế ẩm chất chồng, chất đống. “Muốn hoạt động xuất nhập khẩu hai chiều Việt – Trung có tính bền vững phải có biện pháp khắc phục tình trạng mua bán trôi nổi như hiện nay. Không thể kéo dài tình trạng bất ổn trong giao thương - vị này bày tỏ quan điểm. Đề cập đến vấn đề trên ông Ngô Viết Hoài, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến xuất nhập khẩu Thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho hay: “Một số DN Trung Quốc trực tiếp thu mua thủy sản tại Việt Nam rồi xuất khẩu tiểu ngạch gây khó khăn cho DN chân chính. Chắc chắn các ngành khác cũng rơi vào tình trạng khốn đốn như trên. Vậy phương án giải quyết nhằm chấm dứt tình trạng này là như thế nào?”.

Năm 2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu từ phía Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 58,7 tỷ USD (tăng 16,5% so với cùng kỳ). Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 14,9 tỷ USD (tăng 11,8%), nhập khẩu 43,8 tỷ USD (tăng 18,2%). Riêng 5 tháng đầu năm 2015, thương mại song phương vẫn tăng trưởng ổn định. Việt Nam xuất khẩu 6,1 tỷ USD (giảm 1,2% so với cùng kỳ), nhập khẩu 15,9 tỷ USD (tăng 19,1%). Như vậy Việt Nam nhập siêu 9,8 tỷ USD.

Trước thắc mắc của DN về tình hình mua bán chụp giật của các thương lái và DN nhỏ Trung Quốc - ông Mậu Nhơn Lại, Hội trưởng Hiệp hội DN Trung Quốc tại TP. HCM cho rằng, để ổn định và phát triển bền vững giao thương giữa hai nước trong thời gian tới sẽ thành lập trung tâm giao dịch nông sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trung tâm giao dịch tập hợp tất cả nông sản giúp DN mua được sản phẩm như mong muốn, thay vì đi tìm từng nhà cung cấp như hiện nay. Ngoài ra, trung tâm còn tập hợp đủ thông tin cần thiết về sản phẩm. Bàn về nút thắt thương mại của Việt - Trung hiện nay, Tham tán Lý Chấn Dân (Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP. HCM) cho rằng, điều mà DN quan tâm nhất chính là vấn đề thông tin không cân xứng. Nhà nhập khẩu Trung Quốc không biết rõ tình hình thị trường Việt Nam, nhà xuất khẩu Việt Nam lại không thể liên hệ được các nhà nhập khẩu Trung Quốc có năng lực và có sự đảm bảo. Riêng vấn đề về hàng tiểu ngạch, ông Lý Chấn Dân khẳng định, sẽ chấn chỉnh lại hoạt động giao thương biên mậu giữa hai nước. Cụ thể, tăng cường quản lý biên giới, tăng cường hợp tác giữa hai bên. Xây dựng khu hợp tác kinh tế về nông nghiệp, có sản xuất, nghiên cứu khoa học, giao dịch vận chuyển. Làm vậy có cơ sở tiêu thụ, chế biến xuất khẩu sang Trung Quốc mang tính lâu dài chứ không nên mua bán thất thường như hiện nay. Vì, lượng thương lái quá lớn nếu không quản lý tốt trong hoạt động giao thương biên mậu lợi ích của người nông dân bị sụt giảm.

Nói về cơ hội xuất khẩu hàng hóa trong thời gian tới, đại diện phía Trung Quốc cho biết, trong vòng 5 năm tới, Trung Quốc sẽ nhập khẩu hơn 10.000 tỷ USD sản phẩm. Điều này tạo cơ hội thương mại to lớn cho các DN vùng Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, để thắt chặt và phát triển bền vững giao thương giữa hai nước cần thiết lập một sàn giao dịch thương mại điện tử xuyên quốc gia Việt Nam – Trung Quốc. Bởi vì, ngoài tận dụng ưu thế của mạng internet cộng với kinh tế ngoại thương nhằm nâng cao tính minh bạch thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho DN hai nước. Hơn nữa, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn với 1,3 tỷ dân, trong đó có khoảng 400 triệu người thường xuyên sử dụng mạng internet cho nên khả năng tăng lượng hàng xuất khẩu là rất lớn. “DN Việt Nam nên nắm bắt cơ hội, hiểu sâu thị trường Trung Quốc, tìm kiếm đối tác hợp tác lâu dài. Chúng tôi nguyện sát cánh cùng với cơ quan ban ngành của Chính phủ Việt Nam tạo hợp tác thuận lợi cho hai bên” - ông Lý Chấn Dân nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hồi hộp giao thương nông sản với thương lái Trung Quốc