Văn hóa

Hội làng - nét đẹp sinh hoạt cộng đồng

Phạm Sỹ 06/03/2024 09:08

Hội làng là một trong những hoạt động lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời. Tuy nhiên tới nay, hội làng đã có nhiều thay đổi, những biến đổi đáng lo ngại.

anh1baitren.jpg
Đông đảo nhân dân và du khách tham gia lễ hội Giang Xá dịp Xuân Giáp Thìn 2024. Ảnh: Cẩm Tú.

Mùa lễ hội Xuân 2024 đang diễn ra trên cả nước và còn kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Từ thời xa xưa, hội làng đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống tinh thần của người Việt. Lễ hội mang ý nghĩa sâu sắc trong việc gắn kết cộng đồng dân cư trong một làng, xã, thôn, hay bản.

GS.TS Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, từ năm 1986 trở lại đây, hội làng có sự khởi sắc trở lại. Nhiều làng quê đã phục dựng lễ hội làng theo ký ức. Có những làng quy định 3 năm tổ chức 1 lần nhưng cũng có những làng mỗi năm sẽ tổ chức 1 lần. Nhưng đều có tính chất chung, đó là để tưởng nhớ vị thần của làng. Đây cũng là một hoạt động sinh hoạt cộng đồng, bao gồm cúng tế, rước, trò chơi dân gian…

Một trong những lễ hội độc đáo thu hút nhiều người dân và khách thập phương tham gia là lễ hội làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Đây là lễ hội diễn ra từ mùng 9 đến 12 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Lễ hội nhằm tưởng nhớ đến vị anh hùng dân tộc Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Nhiều nghi thức trang trọng cùng các tục lệ độc đáo, lễ hội làng Triều Khúc mở đầu bằng nghi thức rước long bào, triều phục của Vua Phùng Hưng từ đình Thờ Sắc về Đại Đình. Bên cạnh đó là các hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc như múa rồng, múa lân, múa sênh tiền, múa chạy cờ cũng được diễn ra trong lễ hội.

Hay như hội làng Giang Xá ở thôn Giang Xá (thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, Hà Nội) diễn ra từ ngày 21 đến hết ngày 23/2 (tức ngày 12 đến 14 tháng Giêng âm lịch). Lễ hội Giang Xá được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 1.480 năm Lý Nam Đế lên ngôi Hoàng đế và thành lập nhà nước Vạn Xuân. Tại lễ khai hội Đình Giang Xá năm nay, các đại biểu đã thực hiện nghi thức dâng hương, tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Lý Nam Đế, người đã nối tiếp truyền thống 18 thế hệ Hùng Vương dựng nước và giữ nước. Trong khuôn khổ diễn ra lễ hội có nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian được diễn ra như: cờ người, tổ tôm điếm, chọi gà...; trưng bày ảnh, tư liệu về di sản… nhằm phục vụ nhân dân và du khách địa phương đến du xuân, trẩy hội.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng, từ xa xưa, các hội làng có vai trò rất lớn trong đời sống tinh thần người Việt. Ý nghĩa rất lớn của lễ hội là gắn kết cộng đồng cư dân trong một làng, xã, thôn, bản. Vì các hội làng thường gắn với tục thờ cúng vị thành hoàng làng nên trong quá trình thực hiện nghi lễ và các hoạt động vui chơi, người dân sẽ gắn bó, ràng buộc với nhau hơn về tinh thần. Sau một năm lao động, làm việc vất vả, cộng đồng lại được gặp nhau, cùng cầu mong sự an lành cho làng xóm, mùa màng tốt tươi, được các vị thành hoàng, thánh thần trợ giúp.

Trải qua hàng nghìn năm, hội làng hiện nay đã có nhiều biến đổi, nhưng vẫn giữ được những cốt cách chủ yếu. Điều bất biến trong hội làng là sự tôn thờ các vị thành hoàng làng. Hầu hết làng đều giữ nguyên vị thành hoàng qua hàng nghìn năm, chỉ một số rất ít nơi thay đổi.

Dẫu thế, đề cập đến sự biến đổi đáng lo ngại của lễ hội nói chung và hội làng nói riêng, ông Bền hết sức lo ngại đến vấn đề thương mại hóa. Theo ông, đây chính là việc cần phải được quan tâm. Ở góc độ những nhà nghiên cứu cần giúp cho cộng đồng hiểu rõ giá trị của từng lễ hội và bản chất, cấu trúc của lễ hội. Song song với đó, các nhà quản lý cần phải làm tốt những bộ tiêu chí của Bộ VHTTDL ban hành. Mỗi một địa phương cần phải cụ thể hóa những tiêu chí đó để phù hợp. Và cộng đồng có vai trò đặc biệt trong việc gìn giữ và tránh thương mại hóa.

anh2baitren(1).jpg

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội Trần Thị Vân Anh, trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 1.500 lễ hội, đến nay đã có 405 lễ hội đã diễn ra. Các lễ hội cơ bản diễn ra an toàn, văn minh, lành mạnh; ý thức người tham gia nâng cao, đặc biệt chú trọng về thực hiện văn hóa ứng xử nơi công cộng, thu hút lượng lớn khách tham dự.

Năm nay, 100% địa phương có văn bản hướng dẫn thực hiện việc quản lý và tổ chức lễ hội, bám sát chỉ đạo của Bộ VHTTDL, UBND TP Hà Nội và Sở VHTTDL Hà Nội. Đối với các lễ hội có quy mô lớn, tổ chức dài ngày, Sở VHTTDL đều hướng dẫn các địa phương thành lập Ban chỉ đạo các cấp chỉ đạo trực tiếp việc tổ chức lễ hội và cử cán bộ chuyên môn tham gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hội làng - nét đẹp sinh hoạt cộng đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO