Tối qua 25/1(giờ Việt Nam) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các nước ASEAN cùng lãnh đạo nước chủ nhà đã dự phiên họp toàn thể để trao đổi về các biện pháp tăng cường hợp tác giữa ASEAN - Ấn Độ. Trước đó, chiều ngày 25/1, trong khuôn khổ của Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm ASEAN-Ấn Độ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp gỡ song phương với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long; Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (giữa) và các nhà lãnh đạo ASEAN (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN).
Với chủ đề “Chia sẻ giá trị, Cùng chung vận mệnh”, lãnh đạo các nước ASEAN và Ấn Độ đã trao đổi sâu rộng về tình hình và triển vọng phát triển của quan hệ hai bên; thống nhất nhiều định hướng, biện pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ.
Các lãnh đạo cũng nhất trí sẽ tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ trên tất cả các mặt thông qua thực hiện đầy đủ và hiệu quả Kế hoạch hành động ASEAN-Ấn Độ 2016-2020.
Theo đó, ASEAN và Ấn Độ tiếp tục củng cố cơ chế đối thoại các cấp; tăng cường hợp tác và phối hợp trong những vấn đề hoà bình và an ninh khu vực, đấu tranh chống khủng bố, cực đoan và các loại tội phạm xuyên quốc gia. Về kinh tế, hai bên tiếp tục đẩy mạnh quan hệ kinh tế- thương mại, hợp tác hàng hải, hàng không, công nghệ thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tăng cường giao lưu doanh nghiệp…
Thủ tướng Ấn Độ tái khẳng định cam kết hỗ trợ ASEAN thu hẹp khoảng cách phát triển, mở rộng hợp tác kết nối với ASEAN, nhất là kết nối hạ tầng và kết nối số, sử dụng hiệu quả khoản tín dụng 1 tỷ USD đã cam kết.
Phát biểu tại Hội nghị, với tư cách nước điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã điểm lại toàn diện quá trình phát triển quan hệ ASEAN-Ấn Độ.
Trao đổi về hợp tác và an ninh biển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên cần tăng cường phối hợp nhằm bảo đảm thượng tôn pháp luật, trong đó có Công ước Luật Biển 1982, tăng cường hợp tác xây dựng lòng tin thông qua các biện pháp chung ứng phó với những thách thức trên biển, ưu tiên tập trung phát triển kinh tế biển xanh, trong đó có việc sớm hoàn tất Hiệp định vận tải biển, chia sẻ thông tin và phối hợp chính sách biển, cũng như thúc đẩy hợp tác liên khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Trước đó tối 24/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Hai Thủ tướng đánh giá kết quả các hoạt động kỷ niệm trong Năm Hữu nghị 2017 đã góp phần củng cố và thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là về văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân.
Hai bên nhất trí duy trì đều đặn các chuyến thăm cấp cao và các cấp, trên các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, địa phương và giao lưu nhân dân; sớm tổ chức kỳ họp tiếp theo của Ủy ban Hỗn hợp cấp Bộ trưởng Ngoại giao ngay trong nửa đầu năm 2018 tại Hà Nội để rà soát các lĩnh vực hợp tác.
Đánh giá hợp tác quốc phòng - an ninh là trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước, hai Thủ tướng đề nghị tăng cường hơn nữa hợp tác tin cậy và hiệu quả trong các lĩnh vực này, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan quan tâm tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình hợp tác.
Để đạt mục tiêu kim ngạch 15 tỷ USD vào năm 2020, hai Thủ tướng đề nghị Tiểu ban Thương mại hai nước sớm họp trong đầu năm 2018 để nghiên cứu, tìm hướng giải quyết, trong đó cần đẩy mạnh nghiên cứu kết nối hàng không và hàng hải nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh của hàng hóa hai nước; hạn chế và từng bước xóa bỏ các rào cản thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước.
Sáng 25/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự Lễ động thổ xây dựng trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.
Trước đó Thủ tướng đã có cuộc gặp gỡ cán bộ nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ.