Đó là nhận xét của Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương tổng kết Nghị quyết 26 tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Nghị quyết 26 về tam nông tổ chức sáng nay, 27/11, tại Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội, MTTQ Việt Nam cắt băng khai mạc triển lãm.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương tổng kết Nghị quyết 26 Nguyễn Văn Bình đồng chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, các bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, lãnh đạo MTTQ Việt Nam, các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và khoảng 200 đại biểu là điển hình trong phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng như nông dân giỏi.
Thay mặt các cơ quan đồng chủ trì và chỉ đạo, phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Hội nghị Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông), Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, sau quá trình tổng kết Nghị quyết tại các địa phương, với sự phối hợp của các ban, bộ, ngành, các chuyên gia, nhất là của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo đã hoàn thành dự thảo Báo cáo tổng kết, dự kiến trình Bộ Chính trị trong tháng 12.
Với một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam, từ khi thành lập nước đến nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; coi đây là những cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Cách đây 10 năm, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn trong tình hình mới, trên cơ sở tổng kết bài học 20 năm đổi mới, ngày 5/8/2008, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 26 của Hội nghị Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đây là nghị quyết lịch sử đầu tiên của Đảng đề cập toàn diện đến cả 3 lĩnh vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn, trong đó khẳng định nông dân là chủ thể, xây dựng nông thôn mới là căn bản, phát triển toàn diện nông nghiệp là then chốt. Giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, không chỉ đến năm 2020 mà còn cho suốt chặng đường xây dựng và phát triển đất nước. Nghị quyết này, như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, là nghị quyết đi vào cuộc sống nhanh nhất, cả hệ thống chính trị đồng tình ủng hộ.
“Sau khi Nghị quyết được ban hành, Chính phủ đã có chương trình hành động gồm 3 chương trình mục tiêu quốc gia, 9 đề án quy hoạch và 36 đề án chuyên ngành. Qua 10 năm thực hiện, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự điều hành và chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao; vai trò và vị thế của người nông dân ngày càng được nâng lên”, ông Nguyễn Văn Bình nói.
Tuy nhiên, thay mặt Ban Chỉ đạo, thông qua thực tiễn tổng kết từ các địa phương, ông Bình thẳng thắn nhận định: Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam cùng còn nhiều hạn chế lớn cần phải khắc phục, nhất là về tổ chức sản xuất, chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2020, một số mục tiêu do Nghị quyết đề ra có khả năng không đạt nếu không có những giải pháp đột phá và sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời.
Thực tiễn đặt ra yêu cầu, giai đoạn đến năm 2030 khi nước ta kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, tầm nhìn đến năm 2045 - thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước, chúng ta cần có một Nghị quyết mới của Đảng để lãnh đạo về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta.
Ngay trước khi diễn ra Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cùng các lãnh đạo đã cắt băng khai mạc Triển lãm quốc gia về chủ đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân.