Nhằm thu hút, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH), thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ do Đảng và Chính phủ giao, mới đây BHXH Việt Nam đã tổ chức “Hội nghị Đối tác phát triển BHXH Việt Nam 2017” với sự tham dự của đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế có quan hệ hợp tác phát triển an sinh xã hội với BHXH Việt Nam.
Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh trao tặng kỷ niệm chương cho đại diện các tổ chức quốc tế.
Tại Hội nghị, BHXH Việt Nam thông báo với các đối tác quốc tế một số kết quả tích cực đã đạt được, đó là: mở rộng và tăng nhanh độ bao phủ BHXH, BHYT, BHTN từ 2,2 triệu người (năm 1995) lên gần 80 triệu người (năm 2017), tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc đạt khoảng 85,3% dân số; cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, giúp tăng cường hiệu quả hoạt động và nâng cao chất lượng phục vụ người dân; đồng thời cũng chỉ rõ những thách thức ngành BHXH đang phải đối mặt trong quá trình phát triển cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ về kỹ thuật, tài chính, kinh nghiệm và công nghệ của các đối tác quốc tế.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, đây là lần đầu tiên BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị với nội dung này nhằm tham vấn ý kiến các đối tác, các nhà tài trợ quốc tế về mục tiêu, định hướng và giải pháp phát triển ngành, đồng thời trao đổi, tìm hiểu khả năng hợp tác, hỗ trợ của các đối tác quốc tế đối với BHXH Việt Nam trong thời gian tới.
Trong nỗ lực thực hiện mục tiêu của Việt Nam đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BH thất nghiệp và 90% dân số tham gia BHYT.
Tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại Việt Nam trong những năm gần đây đã đạt được một số kết quả khả quan, nổi bật nhất là năm 2016, BHXH Việt Nam đã tập trung nguồn lực triển khai 2 dự án công nghệ thông tin có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Đó là: Hệ thống kết nối, liên thông giữa cơ quan BHXH và các cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc để cung cấp, tra cứu dữ liệu thẻ BHYT và giám định chi phí KCB BHYT phát sinh.
BHXH Việt Nam đã kết nối thành công với 99,5% cơ sở KCB tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc YT. Hệ thống cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT, nền tảng hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, BHYT và triển khai thực hiện cấp mã số BHXH – mã số định danh cá nhân duy nhất của người tham gia do cơ quan BHXH cấp.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đặt ra những thách thức như khó khăn về phát triển đối tượng, khó khăn về các nguồn lực để triển khai và đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hoá thủ tục hành chính và hiện đại hoá ngành; khó khăn về các biện pháp, công cụ kiểm tra, kiểm soát tuân thủ việc thực hiện chính sách.
Thời gian qua, các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ tích cực Việt Nam trong việc xây dựng và thực hiện chính sách BHXH, BHYT…
Nhằm nâng cao năng lực quản lý của ngành, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Chiến lược phát triển ngành và Chiến lược hội nhấp quốc tế của ngành đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, BHXH Việt Nam mong muốn được tiếp cận, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ phát triển quốc tế, bao gồm hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm và công nghệ...
Trong giai đoạn 2018 – 2020, BHXH Việt Nam ưu tiên sử dụng nguồn hỗ trợ quốc tế trong việc tư vấn cải cách, điều chỉnh chính sách BHXH, BHYT; xây dựng hệ thống kho dữ liệu ngành; cải cách thủ tục hành chính; xây dựng chiến lược đầu tư, kế hoạch và danh mục đầu tư Quỹ...
Báo cáo và đề xuất đã nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của đại diện các Đối tác phát triển tham dự Hội nghị.
Đại diện Ngân hàng thế giới cho rằng, Việt Nam đạt được thành tựu kỷ lục trong việc nâng cao tuổi thọ người dân và nền kinh tế, nhưng lại là thách thức trong hệ thống BHXH Việt Nam và mong Việt Nam quyết đoán và có bước cải tiến mạnh mẽ để có hệ thống BHXH bền vững.
Còn chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO) nhấn mạnh, hệ thống BHXH phải phát triển đầy đủ và bảo đảm tính minh bạch để tăng cường lòng tin của người dân.
Nhiều quốc gia gặp phải khó khăn như Việt Nam nhưng những kinh nghiệm từ Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ là mô hình để Việt Nam học tập và biết đâu Việt Nam sẽ trở thành kinh nghiệm cho nhiều nước khác.
“Chúng tôi ấn tượng về hệ thống giám định của BHXH Việt Nam để nâng cao hiệu suất góp phần đưa ra quyết định tốt hơn và sử dụng nguồn lực quỹ tốt hơn.
Tuy nhiên, mục tiêu bao phủ BHYT đến 90% người dân là một điều đáng khích lệ, nhưng phải đảm bảo rằng tất cả mọi người đều sử dụng một cách có hiệu quả các dịch vụ y tế.
Trong đó có người dân tộc thiểu số, những người có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ thẻ BHYT nhưng chưa chắc đã được sử dụng vì khó khăn về thủ tục, trình độ hiểu biết…
Do đó, cần phải đảm bảo để họ được hưởng quyền lợi của họ để đạt được mục tiêu bao phủ y tế toàn dân”- đại biểu Tổ chức Y tế thế giới nhấn mạnh.
Đồng thời, các nhà tài trợ, các đối tác cũng khẳng định cam kết xây dựng quan hệ đối tác phát triển tốt đẹp với BHXH Việt Nam, tham gia vào quá trình hoàn thiện hệ thống, ủng hộ và hỗ trợ ngành BHXH thực hiện mục tiêu phát triển và đảm bảo an sinh xã hội bền vững trong thời gian tới.