Sáng 16/2, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV. Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng
Quang cảnh Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất
bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV.
198 đại biểu Quốc hội ở Trung ương
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp lần này là sự kiện có ý nghĩa chính trị trọng đại, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân năm 2016. Đây là đợt sinh hoạt sâu rộng trong nhân dân để cử tri cả nước lựa chọn những đại biểu xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình tại cơ quan quyền lực của nhà nước.
“Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của MTTQ Việt Nam là giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn ứng cử qua các bước hiệp thương theo luật định. Đây là khâu quan trọng để Hội đồng bầu cử Quốc gia lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH. Ủy ban Bầu cử các cấp và địa phương lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND cùng cấp, vừa đảm bảo số lượng, chất lượng vừa thể hiện đúng cơ cấu, thành phần đại diện cho trí tuệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Để có danh sách những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử, Mặt trận sẽ qua 3 lần hiệp thương. Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất được tiến hành để hiệp thương thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH trên cơ sở dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bà Nguyễn Thị Nương phát biểu tại hội nghị.
Bộ Quốc phòng (gồm Bộ trưởng và các quân khu, quân chủng) 15 đại biểu, phấn đấu có đại biểu là người dân tộc thiểu số; Bộ Công an (gồm cả Bộ trưởng Bộ Công an) 3 đại biểu; Tòa án nhân dân tối cao 1 đại biểu; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao 1 đại biểu; Kiểm toán Nhà nước 1 đại biểu; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên 31 đại biểu, trong đó có đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi), đại biểu tôn giáo, đại biểu ngoài Đảng, đại biểu tái cử và nhân sỹ trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu.
Như vậy, theo Nghị quyết này, ĐBQH khóa XIV ở TƯ tăng 15 người so với khóa XIII (khóa XIII là 183 ĐB). Đáng chú ý, số tăng này đều là ĐBQH chuyên trách để góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Số lượng ĐBQH ở các cơ quan Đảng, cơ quan Chủ tịch nước, Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên không thay đổi so với khóa XIII.
Đề nghị tăng ĐBQH chuyên trách, giảm ĐBQH ở cơ quan hành pháp
Tại hội nghị, các Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có nhiều ý kiến liên quan đến dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng bầu ĐBQH khóa XIV.
Ông Đỗ Duy Thường phát biểu tại Hội nghị.
Ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, đại hội Đảng XII vừa qua, số dư bầu rất cao, được nhân dân đánh giá là tính dân chủ cao. Vì vậy, cần phát huy điều này trong cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND lần này. “Cần thảo luận danh sách có số dư để bầu ra 198 ĐBQH được bầu ở Trung ương. Cần bảo đảm tiêu chuẩn cao nhất của người ứng cử ĐBQH, bảo đảm công bằng ở cả Trung ương và địa phương là đều có số dư. Cần bảo đảm số dư ở mỗi đơn vị bầu cử ít nhất là 2 người”, ông Đỗ Duy Thường đề nghị.
Ông Lù Văn Que phát biểu tại Hội nghị.
Ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị mở rộng số lượng ĐBQH là người ngoài Đảng, dân tộc thiểu số, nhân sỹ trí thức tiêu biểu. Bởi cơ cấu 35 ĐBQH là người ngoài Đảng mới chỉ là cơ cấu định hướng, nếu phát hiện được nhiều trường hợp tiêu biểu hoàn toàn có thể đưa vào để dân bầu, như thế mới hợp lòng dân.
Ông Nguyễn Túc phát biểu tại Hội nghị.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, không khí hồ hởi, phấn khởi bởi không khí dân chủ sau Đại hội Đảng XII cần được phát huy mạnh trong cuộc bầu cử lần này. “Khóa này tăng 15 ĐBQH ở Trung ương thì đều ở cơ quan Quốc hội. Trong khi đó, đại biểu thuộc các thành phần, tầng lớp trong xã hội chưa thỏa đáng. Cần tính toán lại điều này”, ông Túc đề nghị.
Bà Hà Thị Liên phát biểu tại Hội nghị.
Bà Hà Thị Liên, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, dự kiến cơ cấu, thành phần phải bảo đảm yêu cầu cao nhất là tiêu chuẩn ĐBQH, tránh tình trạng có ĐBQH được bầu đúng thành phần nhưng cả nhiệm kỳ “không có tiếng nói nào”.
Ông Trần Hoàng Thám phát biểu tại Hội nghị.
Ông Trần Hoàng Thám, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam mong muốn giảm 50% ĐBQH ở các cơ quan hành pháp, vì thực tế ở khu vực này không có đủ thời gian để tham gia Quốc hội, bởi họ đã quá nhiều việc. Nếu giảm được 9 người ở khu vực Chính phủ thì chuyển sang ĐBQH chuyên trách, hoặc thêm cho khu vực mặt trận, các tổ chức đoàn thể. Cùng với đó, cần có cơ chế để tăng thêm, lựa chọn được những người tự ứng cử.
Ông Lê Truyền phát biểu tại Hội nghị.
Ông Lê Truyền, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng nhấn mạnh, trong bầu cử mặt trận phải làm nhiều việc, trong đó quan trọng là phải làm tốt khâu giám sát để bảo đảm bầu cử phải dân chủ, đúng luật pháp đảm bảo quyền dân chủ thuộc về nhân dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại Hội nghị.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, sẽ ghi nhận các ý kiến của các đại biểu sẽ tiếp tục được nghiên cứu tính toán cho phù hợp như tăng cường các đại biểu quốc hội chuyên trách ở Trung ương và địa phương, giảm các cơ quan hành chính ở địa phương. Đối với ý kiến đề nghị tăng tỷ lệ ĐBQH là người dân tộc thiểu số theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu thực tế có nhiều dân tộc không có người đáp ứng đủ tiêu chuẩn ứng cử và không nhất thiết phải có 54 dân tộc trong Quốc hội. Về tỷ lệ nữ, ít nhất 35% ứng cử là nữ để bảo đảm 30% đại biểu là nữ trúng cử.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, hội nghị lần này chủ yếu Hiệp thương cơ cấu, thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được bầu làm đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV. Theo đó, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ khóa VIII cơ bản đồng tình số lượng, thành phần ĐBQH ở Trung ương là 198. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn thì nên tăng số lượng người dân tộc thiểu số, người ngoài Đảng, bảo đảm tỷ lệ đại biểu nữ, phân bổ đại biểu tôn giáo phù hợp. Về ý kiến tăng ĐBQH chuyên trách, giảm đại diện cơ quan hành pháp, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, cần tiếp tục bàn thảo kỹ.
Sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ gửi biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đến Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngay trong ngày 17/2. Sau khi nhận được văn bản điều chỉnh lần thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, đơn vị ở trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ có văn bản thông báo đến các cơ quan, đơn vị trung ương để tiến hành giới thiệu người ứng cử trong thời gian từ 24/2 đến 10/3.
Việc tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH, HĐND được tổ chức trong khoảng thời gian từ 16/3 đến 18/3. Tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri đối với người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND được tổ chức từ 20/3 đến 12/4. Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 được tổ chức trong khoảng thời gian từ 13/4 đến 17/4/2016.
Anh Vũ