Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tổ chức tại Hà Nội với nhiều kỳ vọng. Dù rằng Hội nghị lần này chưa mang lại kết quả như trông đợi nhưng được cho là “đặt nền móng cho tương lai”. Đặc biệt, cộng đồng quốc tế đánh giá cao sự chuẩn bị rất chu đáo của Việt Nam cho Hội nghị. Hình ảnh rất đẹp của Hà Nội, của Việt Nam những ngày qua tràn ngập trên truyền thông quốc tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cùng trò chuyện và đi dạo trong khuôn viên khách sạn Metropole (Hà Nội) sáng 28/2.
Sau hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tổ chức tại Hà Nội, nhiều quốc gia trong khu vực đã cùng đưa ra những nhận định, đánh giá về kết quả mà sự kiện này đạt được…
Sự kiện xây dựng lòng tin
Nhiều nước trong khu vực đã gác lại việc không đạt được thỏa thuận nào trong Hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong khi tập trung vào các cuộc đàm phán mang tính xây dựng và đánh tín hiệu rằng Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ đàm phán.
Tờ Rodong Simun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên số ra hôm 1/3 đăng tải thông tin rất dày dặn về cuộc gặp của Chủ tịch Kim Jong-un với ông Trump, trong đó nói rằng: Trên thực tế hai nhà lãnh đạo không về tay không mà đã đạt được nhiều bước tiến trong quan hệ. Các bức ảnh được báo này đăng tải cho thấy ông Kim nói chuyện thân thiện với ông Trump. "Họ đã có một cuộc trao đổi mang tính xây dựng và thẳng thắn về quan điểm của mình trước các vấn đề thực tế nảy sinh trong việc mở ra một kỷ nguyên mới về cải thiện quan hệ Triều - Mỹ dựa trên cơ sở của sự tiến bộ" - tờ báo khẳng định.
Trong khi đó, hãng truyền thông nhà nước Triều Tiên KCNA không đề cập tới việc hội nghị không ra được tuyên bố chung vì sự bất đồng trong yêu cầu của Triều Tiên nhằm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt hay yêu cầu của Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân của Triều Tiên. KCNA đã đăng tải bài viết mang giọng điệu hòa giải, nêu rõ rằng, Lãnh đạo Kim đã "bày tỏ sự cảm ơn đối với ông Trump vì những nỗ lực tích cực của ông cho cuộc họp và hội đàm thành công sau khi vừa có chuyến hành trình dài, đồng thời nói lời tạm biệt, và hứa hẹn cho cuộc họp tiếp theo". KCNA cho rằng hai nước Mỹ và Triều Tiên sẽ tiếp tục duy trì đối thoại tích cực và cam kết cùng tổ chức các cuộc hội đàm mới trong tương lai. Trong bài có đoạn viết: Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc hội đàm kín và mở rộng tại khách sạn Metropol trong tuần qua. Hai nhà lãnh đạo “cùng có nhận thức về ý nghĩa quan trọng về việc thay thay đổi căn bản mối quan hệ thù địch và mất lòng tin kéo dài hàng thập kỷ giữa hai nước”.
Theo KCNA, tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, hai bên "đánh giá cao những tiến triển đáng kể đạt được trong lộ trình lịch sử để thực hiện Tuyên bố chung Singapore. Trên nền tảng đó, hai bên cũng đã trao đổi ý kiến một cách thẳng thắn và xây dựng những vấn đề thực tế để mở ra một kỷ nguyên mới cải thiện quan hệ Mỹ-Triều". Bài viết cho biết thêm rằng, hai bên đã thảo luận về những tiến triển trong việc thực hiện các phương án, lắng nghe lập trường của nhau về “những vấn đề nhất định phải giải quyết” trong thời điểm hiện tại để thực hiện mục tiêu hai nước đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất tại Singapore hôm 12/6/2018. Đồng thời, lãnh đạo hai nước bày tỏ niềm tin rằng tiến trình mở ra bước ngoặt mới trong quan hệ Mỹ - Triều thể có gặp khó khăn và phức tạp không thể tránh khỏi, song nếu cùng nhau bắt tay, kiên nhẫn, phát huy trí tuệ để vượt qua thì quan hệ Mỹ - Triều sẽ phát triển với bước ngoặt mới.
KCNA nhấn mạnh: Tại hội nghị ở Hà Nội, lãnh đạo hai nước đã “nhất trí về tầm quan trọng của sự tôn trọng và xây dựng niềm tin lẫn nhau, coi đây là cơ hội quan trọng để có thể đưa quan hệ hai nước sang một bước mới. Hai bên sẽ tiếp tục các cuộc đối thoại tích cực để mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ-Triều và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”.
Thượng đỉnh Hà Nội đạt bước tiến mang nhiều ý nghĩa
Đánh giá về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 1/3 nói rằng, ông xem các cuộc hội đàm giữa ông Kim và ông Trump trong tuần này là một phần trong tiến trình hướng tới một thỏa thuận "cấp cao hơn", đồng thời nhấn mạnh về tầm quan trọng của vai trò của Seoul trong việc hòa giải giữa hai nước. Trong bài phát biểu đưa ra hôm thứ Sáu, Tổng thống Moon cũng hoan nghênh sự thành công của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tổ chức tại Hà Nội, khẳng định rằng kỳ thượng đỉnh vừa qua là đã đạt được bước tiến mang nhiều ý nghĩa: "Quan trọng nhất là họ thậm chí đã thảo luận về vấn đề thiết lập các văn phòng liên lạc, đây là một bước tiến quan trọng hướng tới việc bình thường hóa quan hệ song phương. Tôi đặc biệt quan tâm tới Tổng thống Trump, người đã thể hiện rõ cam kết trong việc duy trì các vòng đối thoại và đưa ra những quan điểm lạc quan. Tôi tin rằng đây là một phần của tiến trình hướng tới một thỏa thuận cấp cao hơn". Ông Moon cũng nhấn mạnh về vai trò trung gian của Hàn Quốc: "Giờ đây vai trò của chúng tôi còn quan trọng hơn nữa. Chính quyền của tôi sẽ tích cực liên lạc và hợp tác với cả Mỹ và Triều Tiên, giúp đỡ để các vòng đối thoại giữa hai nước đạt được một thỏa thuận toàn diện".
Sự thân mật của hai nhà lãnh đạo thể hiện rõ trong kỳ thượng đỉnh vừa qua tại Hà Nội. Nguồn: Reuters.
Trong một cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Kil Song tại Bắc Kinh hôm thứ Năm tuần này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói: vấn đề bán đảo Triều Tiên nên được giải quyết thông qua đối thoại, Bắc Kinh sẵn lòng đóng vai trò xây dựng trong tiến trình này. "Khó khăn là điều khó tránh khỏi khi mà các vòng đàm phán Mỹ - Triều chạm tới nhiều vấn đề gai góc - Tân Hoa Xã dẫn lời ông Vương Nghị: Trung Quốc hy vọng rằng Mỹ và Triều Tiên có thể tiếp tục tăng cường niềm tin, kiên nhẫn, tiếp tục đối thoại, gặp gỡ và nỗ lực không ngừng để hướng tới mục tiêu đó".
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói: "Tôi hiểu rằng tôi cần phải gặp gỡ trực diện với Chủ tịch Kim. Nhật Bản và Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để giải quyết các vấn đề về hạt nhân, tên lửa, và công dân bị bắt cóc".
Ông Taro Kono - Ngoại trưởng Nhật Bản - nói rằng, Chính phủ của ông ủng hộ hướng tiếp cận của Tổng thống Trump trong Hội nghị thượng đỉnh lần hai, bởi ông Trump "hướng đến giải giáp hạt nhân toàn diện, có thể xác nhận và không thể đảo ngược" trên bán đảo Triều Tiên. Một quan chức trong Chính phủ Nhật nhận định: hội nghị vừa qua không đạt được tuyên bố chung là bởi hai bên chưa muốn đi đến kết luận vội vàng.
Nền móng cho tương lai
Đánh giá về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai, một số nhà phân tích đã nêu bật khả năng "đặt nền móng cho sự tiến triển trong tương lai" mà hội nghị đem lại, đồng thời thừa nhận Hội nghị thượng đỉnh này là cần thiết.
Paik Hak-soon - Chủ tịch Viện Sejong của Hàn Quốc - nhận định: ngay cả khi hai bên không ký kết thỏa thuận thì việc lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước đã ngồi đàm phán 1-1 và tái khẳng định các vấn đề còn tồn tại sẽ rất hữu ích, giúp thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa và dỡ bỏ trừng phạt trong tương lai. Xét từ quan điểm đó, đây là một quá trình không thể tránh khỏi. Theo ông, có thể hai bên chưa đồng thuận về điểm mấu chốt là "trình tự" của quá trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Chuyên gia David Kim - Trung tâm nghiên cứu Stimson (Mỹ) nhấn mạnh: Mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên giờ đây mới vào khúc dạo đầu, sau đó sẽ còn nhiều diễn biến với nhiều cảm xúc. Chỉ cần hai bên tôn trọng các cam kết đã đưa ra, chắc chắn sẽ có kết quả tích cực trong tương lai.
Một cố vấn cấp cao về bán đảo Triều Tiên tại tổ chức phi chính phủ International Crisis group Christopher Green đánh giá: Kết quả này không phải là chấm dứt tiến trình đối thoại, đồng thời tin rằng hai bên sẽ lại sớm tiếp tục các cuộc đàm phán cấp thấp.
Trong khi đó, Giáo sư chuyên nghiên cứu về Triều Tiên thuộc Đại học Dongguk của Hàn Quốc Koh Yu-hwan cho rằng: Hai bên cần duy trì đàm phán để thu hẹp khoảng cách và các quốc gia liên quan khác, trong đó gồm Hàn Quốc và Trung Quốc cần phải được tham gia để hỗ trợ tiến trình này.
Chuyên gia quan hệ quốc tế Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) Vương Tuấn Sinh khẳng định: Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội là một "thỏa thuận chuyển tiếp" để kết nối quá khứ và tương lai.
"Không có thỏa thuận là điều khá bất ngờ, đặc biệt là khi hai nhà lãnh đạo cùng cười nói rất thân thiện. Nhưng không có thỏa thuận ngày hôm nay không có nghĩa rằng sẽ không có thỏa thuận trong những tháng tới. Chỉ là người ta đã kỳ vọng quá cao vào một tuyên bố chung giữa hai nhà lãnh đạo" - Lim Soo-ho, chuyên gia phân tích thuộc Viện Chiến lược An ninh Quốc gia Hàn Quốc, nhận định. |