Hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch xanh vùng ĐBSCL

30/06/2015 17:09

Ngày 30-6-2015, tại TP. Cần Thơ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch xanh vùng ĐBSCL. Cùng tham gia có Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Bộ kế hoạch và đầu tư, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, Bộ tài nguyên và môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước.

Theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ (BCĐ TNB), vùng ĐBSCL được xác định là một trong 7 vùng du lịch trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, được Bộ VHTTDL phê duyệt đề án “xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL” và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 201/QĐ-Ttg ngày 22-1-2013. Các năm qua, sự phát triển các hoạt động du lịch có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược trong đó có mục tiêu về phát triển bền vững của du lịch Việt Nam. Hoạt động du lịch vùng ĐBSCL phát triển khá sôi động trong đó năm 2014, đón hơn 22,4 triệu lượt khách, tăng 10,21% so với năm trước trong đó có gần 2 triệu lượt khách quốc tế; thu nhập du lịch đạt 6.360 tỉ đồng góp phần tích cực cho phát triển kinh tế xã hội của toàn vùng. Du lịch ĐBSCL đã có bước tăng trưởng mạnh và đang từng bước hướng đến một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của vùng. Hội nghị xác định đẩy mạnh phát triển du lịch xanh nhằm hạn chế những vấn đề về ô nhiễm môi trường, suy giảm tài nguyên tự nhiên và tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang là những thách thức đối với du lịch vùng ĐBSCL cũng như cả nước.

Tại hội nghị, ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho biết để phát triển du lịch xanh vùng ĐBSCL cần sử dụng hợp lý tài nguyên phục vụ du lịch, hạn chế chất thải từ du lịch và ưu tiên sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, du lịch sinh thái. Bên cạnh đó cần nâng cao năng lực tư vấn quy hoạch du lịch xanh, chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia, nhà chuyên môn du lịch; tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển du lịch xanh phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội của vùng. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng cho biết với Chỉ thị 03/NHNN, ngành NH tập trung ưu tiên phát triển tín dụng để phát triển du lịch xanh trên phạm vi cả nước, đặc biệt là tại vùng ĐBSCL. Thời gian qua, ngành ngân hàng đã đầu tư vốn phát triển du lịch xanh thông qua các dự án: cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông; hệ thống thu gom nước thải, chất thải ; quy hoạch lại hệ thống miệt vườn,… nên đến cuối năm 2014, dư nợ tín dụng ngành du lịch vùng ĐBSCL đạt 2.236 tỉ đồng, chiếm khoảng 3,5% tổng dư nợ tín dụng ngành du lịch cả nước trong đó dư nợ đối với dịch vụ lưu trú chiếm đến 74%. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã có chỉ thị về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong đó chú trọng cấp tín dụng ngân hàng cho các vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu qủa sử dụng tài nguyên, năng lượng; cải thiện chất lượng bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam bộ cho rằng Việt Nam cũng như ĐBSCL có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch xanh trong đó chính trị ổn định, người dân than thiện, mến khách,….. Để phát triển du lịch, cần lập kế hoạch đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội gắn với du lịch, trong đó huy động lợi thế từ Nhà nước, xã hội và dân cư để đầu tư hạ tầng đồng bộ hiện đại. Các tỉnh, thành trong vùng cần có sự liên kết với nhau để hạn chế trùng lặp, chồng chéo và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Phó Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp (DN) du lịch đẩy mạnh đầu tư vào vùng ĐBSCL. Nhà nước không phân biệt các nhà đầu tư và tạo điều kiện tối đa để các DN hoạt động hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài ra cần đào tạo nguồn nhân lực du lịch và đầu tư tài chính và công nghệ. Các địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN đặc biệt là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực du lịch ở ĐBSCL. Bên cạnh đó, phải làm sao uyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong toàn vùng và trong cả nước về văn hóa ứng xử văn minh, thân thiện không chạy theo lợi ích trước mắt, không bán đắt,chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, coi đây là những vấn đề chiến lược lâu dài để phát triển du lịch. Các địa phương cần quy hoạch địa điểm, sản phẩm du lịch thống nhất trong vùng. Nhân hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch xanh, 3 NHTM ký kết hợp đồng nguyên tắc về phát triển du lịch xanh cho 3 dự án tại Kiên Giang, Cần Thơ với tổng vốn cho vay là hơn 1.000 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch xanh vùng ĐBSCL

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO