Âm nhạc dân tộc được coi là đại diện cho tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam và hàm chứa trong đó các giá trị lịch sử. Thế nhưng trong thời đại phát triển, các chất liệu truyền thống này đang bị lấn át bởi những trào lưu âm nhạc mới được du nhập từ nước ngoài.
Nghịch lý buồn Theo số liệu thống kê của Viện Âm nhạc Việt Nam, hiện nay nước ta có hơn 17 nghìn bài dân ca, gần 9 nghìn bài dân nhạc của 54 dân tộc, 75 vở diễn sân khấu và diễn xướng dân gian, do hơn 1.800 nghệ nhân hát và đàn.
Trong đó nhạc đàn có 803 thể loại, nhạc hát có 1.045 thể loại. Ở đó, mỗi làn điệu, mỗi nhạc cụ lại mang một thông điệp nhưng tựu trung lại vẫn là những tâm tư, khát vọng, bộc lộ những tình cảm cổ vũ tinh thần mọi người để có sức mạnh trong lao động, chiến đấu và còn để giáo dục con cháu về truyền thống của cha ông, của dân tộc.
Tuy nhiên, dù sở hữu một kho tàng “đồ sộ” nhưng có một thực tế đáng buồn là hiện nay khán giả, đặc biệt là giới trẻ đang “quay lưng” lại với chính các bản sắc dân tộc. Rất dễ để nhận ra, xu hướng của thưởng thức âm nhạc trong nhiều năm qua đang bị ảnh hưởng bởi những phong cách du nhập từ nước ngoài.
Các bảng xếp hạng âm nhạc uy tín trong nước là sự thống trị của các khúc nhạc trẻ. Đơn cử mới đây, khi ca khúc “Có chắc yêu là đây” của ca sĩ Sơn Tùng M-TP vừa ra mắt thì chỉ sau 12 giờ lượng khán giả vào thưởng thức đã đạt đến con số 12 triệu view. Không chỉ vậy, theo thông số realtime từ Google Analytics, lượt view sau 12 giờ của MV Sơn Tùng M-TP đã chạm mốc 13,4 triệu lượt xem. Đây có thể nói là số “mơ ước” với một ca khúc âm nhạc dân tộc khi mất cả năm trời cũng khó có thể đạt được.
Về vấn đề xu thế thưởng thức âm nhạc lại đang có một nghịch lý “vừa mừng, vừa vui”.
Thời gian qua có rất nhiều người nước ngoài tìm đến Việt Nam để tìm hiểu, để được chứng kiến các nghệ nhân Việt Nam chơi nhạc cụ dân tộc. Nhưng ở chiều ngược lại chính người Việt Nam lại không hứng thú với những nhạc cụ dân tộc này.
Việc lựa chọn theo học các loại hình nhạc cụ dân tộc luôn trong tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Giới trẻ khi lựa chọn theo đuổi con đường nghệ thuật luôn đặt các loại hình âm nhạc hiện đại lên hàng đầu.
Thực tế cho thấy, âm nhạc dân tộc đã và đang bị tác động rất lớn bởi cơ chế thị trường. Nhiều loại hình âm nhạc cổ truyền đang mất dần bản sắc, thưa vắng người nghe, người xem.
Một bộ phận lớp trẻ chỉ quan tâm đến nhạc thương mại, nhạc nước ngoài mà quay lưng với âm nhạc dân tộc, khiến những người tâm huyết với âm nhạc cổ truyền lo ngại, các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc cổ truyền cũng gặp nhiều khó khăn.
Theo nhạc sĩ, nghệ nhân hát xẩm Mai Tuyết Hoa nhận định, âm nhạc dân tộc đang mờ dần bản sắc và thưa vắng người nghe, người xem. Một bộ phận rất lớn thanh thiếu niên từ chỗ không hiểu, hiểu không hết giá trị của âm nhạc truyền thống dẫn đến tôn sùng âm nhạc thương mại, sính nhạc Tây, nhạc Hàn. Điều đó làm cho những người hoạt động âm nhạc dân tộc hết sức khó khăn.
Bảo tồn hay kết hợp?
Thời gian qua có nhiều nghệ sĩ trẻ mạnh dạn lồng ghép vào sản phẩm nhạc đương đại các chất liệu dân gian, truyền thống.
Đơn cử như ca sĩ Hoàng Thùy Linh với loạt ca khúc mang bản sắc dân tộc và hình tượng văn học tạo nên cơn sốt trong cộng đồng mạng như “Bánh trôi nước” của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh với việc đưa hình tượng bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương vào âm nhạc đương đại; hay “Duyên âm” (sáng tác của DTAP) từng đứng vị trí quán quân của bảng xếp hạng âm nhạc iTunes khi ra mắt.
Nổi bật có thể kể đến “Tứ phủ” - một sản phẩm của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh với phần phối khí của Triple D và Long Halo và nhà thơ Ngân Vi viết lời.
Về xu hướng này theo nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha đánh giá, nghệ sĩ trẻ đưa văn hóa dân gian vào âm nhạc mang tính đại chúng hóa, không quá sâu sắc nhưng dễ tiếp thu. Cách làm này giúp giới trẻ biết tới văn hóa dân gian nhiều hơn, dễ tiếp cận theo cách hiện đại của người trẻ chứ không bị khô cứng, giáo điều.
Tuy nhiên, sự kết hợp này dường như chỉ đáp ứng được thị hiếu của một bộ phận khán giả mà vẫn chưa “ưng cái tai” người trong giới. Bởi theo nhiều nghệ sĩ “lão làng” sự pha trộn giữa hiện đại và truyền thống rất dễ làm đánh mất đi những bản sắc.
Hiện nay, các loại hình âm nhạc dân tộc như dân ca quan họ, hát xoan, ví dặm... vốn là những sản phẩm văn hóa do nhân dân sáng tạo ra đang có những cách tân, làm mới để hút khán giả. Nhưng cũng vô tình làm mờ dần bản sắc dân tộc vốn có của các loại hình âm nhạc truyền thống.
Với tình hình trên, âm nhạc truyền thống đang cần những “chiến thuật” để phát triển. Thực tế để lôi kéo giới trẻ muốn tìm hiểu về âm nhạc truyền thống không phải là khó. Nhưng cách yêu, cách tiếp cận đó là gì thì dường như những làm quản lý văn hóa vẫn chưa thể bắt nhịp.
Bởi hiện nay các sân khấu âm nhạc truyền thống hiếm thấy hoạt động nên nhiều khi công chúng muốn xem cũng chẳng có để mà xem. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người không biết đến âm nhạc cổ truyền. Và khi đã không biết, không hiểu về nó thì không thể yêu mến và lưu giữ nó…
Có thể nói, để âm nhạc dân tộc hội nhập các cơ quan quản lý cần có những giải pháp nhằm đánh giá, quản lý chặt chẽ hơn nữa các ca khúc mới trước khi đưa đến công chúng; chú trọng khâu kiểm duyệt để sàng lọc và đào thải những tác phẩm âm nhạc chất lượng kém, nội dung không lành mạnh.
Bên cạnh đó, chúng ta cần tôn vinh kịp thời các ca khúc có giá trị nghệ thuật cao, mang đậm bản sắc dân tộc và có giải pháp đưa âm nhạc bác học đến gần hơn với công chúng nhằm nâng cao thị hiếu âm nhạc của giới trẻ ngày nay.