Văn hóa

“Hồi sinh” điện Kính Thiên

Minh Quân 23/01/2024 15:42

Chính thức được nghiên cứu, khai quật khảo cổ từ năm 2011, những di vật, di chỉ hình ảnh của điện Kính Thiên (Hoàng thành Thăng Long) xưa đang dần được hình thành với những dấu tích kiến trúc ở nhiều thời kỳ lịch sử.

anhbaitren(1).jpg
Mô hình phục dựng điện Kính Thiên. Ảnh: TTCC.

Nhiều phát hiện quan trọng

Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã có báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2023 và kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ từ năm 2011 đến nay tại Hoàng thành Thăng Long. Cụ thể, từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã phối hợp với Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Hội Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật nghiên cứu khảo cổ học khu vực chính điện Kính Thiên) với tổng diện tích khoảng hơn 10.000m2.

Kết quả khai quật đã xác định được hệ thống di tích, di vật phong phú và bước đầu xác định được một phần kết cấu kiến trúc khu vực chính điện Kính Thiên thời Lê sơ (thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI) và thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII - XVIII) gồm có Chính điện Kính Thiên, Ngự đạo, sân Đại Triều, cổng, tường vây và hành lang bao quanh.

Đặc biệt, kết khảo cổ học tại khu vực nền điện Kính Thiên năm 2023 đã thu được những kết quả quan trọng: đó là địa tầng nền điện dày trên 3m với các lớp văn hóa liên tục từ thời Nguyễn đến thời Lê sơ. Trong tầng văn hóa có một phần dấu tích của điện Long Thiên thời Nguyễn và điện Kính Thiên thời Lê đã được xác định.

Ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, đoàn chuyên gia quốc tế của Trung tâm Di sản Thế giới (UNESCO, ICOMOS) và các chuyên gia trong nước đánh giá cao vì được tận mắt thấy nền điện Kính Thiên vẫn còn bảo lưu rất tốt các dấu tích kiến trúc của nhiều thời kỳ lịch sử. Đây chính là cơ sở khoa học có tính xác thực cao trong việc nghiên cứu phục dựng và khôi phục chính điện Kính Thiên.

Tham gia công tác khai quật từ những ngày đầu, PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, các dấu tích chính điện còn được bảo lưu rất tốt dưới lòng đất. Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã đi được 60 - 70% tiến trình phục dựng điện Kính Thiên. Trong đó 90% dự đoán của các chuyên gia, nhà khảo cổ học về thông số, kích thước kiến trúc là chính xác. Cũng theo ông Tín, sau nhiều năm khai quật, nghiên cứu, các nhà khoa học đã có các căn cứ về điện Kính Thiên. Khu vực này có nhiều giá trị vật thể, phi vật thể khác nhau. Vì vậy, khi muốn đề cao giá trị này, có thể phải hy sinh giá trị khác...

Phục dựng cung điện xưa

Trải qua hành trình hơn 13 năm khai quật, nghiên cứu khu vực Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, các nhà khảo cổ đã phát lộ nhiều di tích, di vật quý báu, làm rõ phần nào diện mạo và giá trị của khu vực không gian trục trung tâm. Tuy nhiên, để phục dựng được điện Kính Thiên thì vẫn cần một hành trình dài. Theo GS.TS Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, khái niệm tìm hiểu không gian điện Kính Thiên chính là tìm ra trục trung tâm của kinh thành Thăng Long. Vì thế, không chỉ dừng lại ở phục dựng điện Kính Thiên mà nên giải mã điện Kính Thiên trong mối quan hệ với các điện thiết triều giai đoạn trước. Không thể vội vàng trong phục dựng không gian điện Kính Thiên, dù một số nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử sốt ruột muốn nhanh chóng để người dân được nhìn thấy điện Kính Thiên thật sự thay vì qua mô tả bằng con chữ.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia cho rằng, trong thời gian tới, các chuyên gia, đội ngũ khai quật cần hệ thống hóa các tư liệu lịch sử và diễn giải di sản văn hóa qua thành tựu công nghệ số. Thông qua các hiện vật tìm được chúng ta xây dựng bảo tàng Hoàng cung, thể hiện đầy đủ di sản tư liệu, vật thể, phi vật thể về Hoàng thành Thăng Long. Kết quả khảo cổ và di vật lịch sử bước đầu cho phép chúng ta mường tượng về lớp vỏ kiến trúc. Tiếp đó, quá trình khai quật cần làm rõ công năng của điện Kính Thiên, thể hiện rõ bản chất sinh hoạt cung đình, từ đó phục dựng các lễ hội truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể. Quá trình khảo cổ phải làm sao đem lại sức hút cho di sản thông qua những công năng mới.

Nhằm hiện thực hóa ý tưởng phục hồi lại điện Kinh Thiên, Hội đồng tư vấn khoa học nghiên cứu, bảo tồn Khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội đang hoàn chỉnh hồ sơ “Báo cáo tình trạng bảo tồn Di sản thế giới khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội”, nộp Trung tâm di sản thế giới vào ngày 1/2/2024 và vận động để hồ sơ được thông qua tại Kỳ họp lần thứ 46 của Ủy ban Di sản thế giới nhằm đủ điều kiện đề xuất chủ trương đầu tư dự án phục dựng điện Kính Thiên.

Thời gian tới Hội đồng tư vấn khoa học nghiên cứu, bảo tồn Khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội sẽ tư vấn tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế nghiên cứu và phục dựng điện Kính Thiên; tư vấn về mặt khoa học đối với dự án Bảo tồn khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu và khu trưng bày Hoàng cung Thăng Long; tư vấn các chương trình, sự kiện chào mừng các ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước; xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch đa dạng thu hút khách tham quan...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Hồi sinh” điện Kính Thiên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO