Ngày 1/6, tại Hội trường Thăng Long tòa nhà Quốc hội, hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Nguyễn Văn Tố với cách mạng Việt Nam” do Văn phòng Quốc hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Tuyên giáo Trung ương đã được tổ chức.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Mạnh Thắng.
Chủ trì hội thảo là GS Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; ông Uông Chu Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Lê Mạnh Hùng - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Tham luận của ông Ngô Thế Long (Viện Thông tin Khoa học xã hội) cho biết: Ngày 14/3/1942, Chính phủ Pháp đã tặng thưởng ông Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh hạng Năm sau 36 năm 5 tháng làm việc tại Viễn Đông Bác cổ (EFEO). Ngay khi cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thành lập, học giả Nguyễn Văn Tố đã được Chính phủ trọng dụng và Chính phủ lâm thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bổ nhiệm cụ Nguyễn Văn Tố giữ chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội - nói: Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch trên báo “Cứu Quốc” ngày 28/9/1945 về việc cứu đói, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố đã thành lập Hội Cứu đói ngày 2/11/1945 với phương pháp hoạt động chủ yếu là tìm nguồn thực phẩm, tiền vải do các nhà hảo tâm giúp đỡ, đồng thời phát triển sản xuất, giúp dân khẩn hoang, khuyến khích công việc đồng áng và trông nom đê điều… Rồi ngày 31/12/1945 Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố ra Sắc lệnh số 63 thành lập Hội Cứu tế Xã hội, đồng thời, Bộ Cứu tế Xã hội phối hợp với Nha Bình dân học vụ đào tạo cấp tốc những đoàn cán bộ và cử về các địa phương gây dựng cơ sở, xóa nạn mù chữ.
Nói về diệt giặc dốt, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết: Từ năm 1937, theo đề nghị của đồng chí Trường Chinh, Xứ ủy Bắc kỳ quyết định vận động thành lập một tổ chức công khai chống nạn mù chữ và tháng 5/1938, các ông Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp và một số nhân sĩ, trí thức đứng ra thành lập Hội truyền bá Quốc ngữ và bầu cụ Nguyễn Văn Tố làm Hội trưởng. Cơ quan liên lạc đặt tại số nhà 14 Nguyễn Trãi, nay là phố Nguyễn Văn Tố. Trụ sở chính của Hội đặt ở Hội quán Trí Tri số 59 Hàng Đàn, nay là 47 Hàng Quạt.
Ngày 6/1/1946, trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, cụ Nguyễn Văn Tố trở thành đại biểu Quốc hội do cử tri Nam Định bầu. Ngày 2/3/1946, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I khai mạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội quyết định thành lập Ban Thường trực Quốc hội gồm 15 người do cụ Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban, Cố vấn đoàn, Kháng chiến Ủy viên hội và Ban dự thảo Hiến pháp. Tuy thời gian giữ cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội (tương đương Chủ tịch Quốc hội hiện nay) chỉ kéo dài 8 tháng (từ 2/3 đến 9/11/1946) nhưng đó là khoảng thời gian gay cấn nhất của cách mạng. Ngay tại kỳ họp thứ 2, Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố đã trình Chính phủ xét 98 dự án Sắc lệnh, liên quan đến nhiều mặt như về kinh tế, giáo dục, hội họp, lao động… Đặc biệt, ngày 9/11/1946 dưới sự điều hành của cụ Nguyễn Văn Tố, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên với 240 phiếu thuận trên tổng số 242 đại biểu tham dự.
Đến 23h45 ngày 31/10/1946, trong phiên họp của Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố thay mặt Chính phủ hiện thời xin từ chức, trao lại quyền cho Quốc hội để bầu ra Chính phủ mới theo nguyên tắc dân chủ. Quốc hội đã bầu ra Chính phủ Kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Cụ Nguyễn Văn Tố không giữ chức vụ Trưởng ban Thường vụ Quốc hội nữa mà tham gia Chính phủ với cương vị mới: Bộ trưởng Bộ Không bộ. Hơn một tháng sau, Toàn quốc kháng chiến nổ ra, Trung ương Đảng, Chính phủ trở lại Việt Bắc. Tháng 10/1947, thực dân Pháp mở cuộc tiến công quy mô vào căn cứ địa Việt Bắc, nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 8/10/1947, trong cuộc tiến công vào thị xã Bắc Kạn, thực dân Pháp đã bắt được Bộ trưởng Bộ Không bộ Nguyễn Văn Tố. Ban đầu chúng nghĩ rằng đã bắt được Chủ tịch Hồ Chí Minh, lập tức đưa cụ đến sở chỉ huy của Pháp. Nhân lúc chúng lơ là, cụ nhanh chóng trốn thoát, nhưng bị địch truy đuổi bắn cụ trọng thương và bắt về lại. Chúng đã tra tấn cực kỳ dã man sau khi đã dùng hết cách ngon ngọt dụ dỗ, mua chuộc cụ nhưng đã hoàn toàn thất bại, chúng đã thủ tiêu một nhân sĩ hết lòng trung với nước hiếu với dân. Ông Nguyễn Thìn Xuân, nguyên cán bộ Trung tâm giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (hơn 90 tuổi) đến dự hội thảo bằng xe lăn nói: Cảm phục trước công lao và hy sinh của cụ Nguyễn Văn Tố, nên ròng rã hơn 10 năm trời chúng tôi đi tìm mộ cụ Nguyễn Văn Tố mà đến nay tâm nguyện chưa thành.
Tại phiên họp “tất niên” của Hội đồng Chính phủ chuẩn bị đón Tết Mậu Tý (1948), giữa núi rừng Việt Bắc rét cắt da, cắt thịt, trong Nhật ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến cho biết: Hồ Chủ tịch đã bật khóc nhớ đến Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố khi chuẩn bị khai họp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự tay viết văn tế Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố với những lời lẽ trân trọng: “Nhớ cụ xưa/ Văn chương thuần tuý, học vấn cao sâu/ Thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết/ Mở mang văn hoá, cụ dốc một lòng/ Phú quý, công danh cụ nào có thiết…./ Cụ dù hy sinh, tinh thần cụ ngàn thu sẽ vẻ vang bất diệt… Chính phủ khôn xiết buồn rầu, đồng bào khôn xiết nỗi lòng thương tiếc”.
Hội thảo đã làm rõ công lao và đóng góp to lớn của học giả Nguyễn Văn Tố trong nhiều cương vị… Cụ Nguyễn Văn Tố là người lãnh đạo cao nhất của Chính phủ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp (1947).
Kết thúc hội thảo, GS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nói: “Sự nghiệp, tên tuổi và công lao của cụ Nguyễn Văn Tố trong học thuật, báo chí và cách mạng cần được chúng ta học tập. Với cương vị lãnh đạo cao nhất của Quốc hội, cụ Nguyễn Văn Tố là người nêu tấm gương về cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Cụ là tấm gương sáng ngời về sự hy sinh, không màng danh lợi cho sự nghiệp cách mạng”.
Lễ kỷ niệm chính thức 130 năm ngày sinh Trưởng ban Thường trực Quốc hội khóa I Nguyễn Văn Tố (5/6/1889 – 5/6/2019) diễn ra tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô ngày 2/6.