Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh kinh tế đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Vì thế, đây cũng là kỳ họp nhận được nhiều ý kiến của cử tri, nhân dân, với kỳ vọng Đảng, Nhà nước, Quốc hội có nhiều quyết sách mạnh mẽ để đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn; đời sống của người lao động được cải thiện.
Chuẩn bị kỳ họp, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Đây cũng chính là ý kiến, kiến nghị, là tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, thông qua người đại diện là MTTQ Việt Nam.
Gửi tâm tư, nguyện vọng tới cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cử tri và nhân dân bày tỏ sự tin tưởng vào kết quả quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Cử tri hoan nghênh Quốc hội đã kịp thời tổ chức các kỳ họp bất thường để bàn bạc, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước về chính sách phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng pháp luật, công tác nhân sự… Hoan nghênh Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến sâu rộng của nhân dân đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), với hơn 12 triệu lượt góp ý vào đạo luật rất quan trọng này. Cử tri ghi nhận sự cố gắng lớn của Chính phủ khi đề xuất để Quốc hội quyết định các chính sách tín dụng, thuế, hỗ trợ lao động tại các khu công nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính; thành lập nhiều tổ công tác để tháo gỡ khó khăn...
Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân cũng nêu lên những băn khoăn, đồng thời kiến nghị, đề xuất những vấn đề cụ thể.
Khó khăn của quý IV/2022 đã kéo dài sang năm 2023. Những tháng đầu năm, kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn; xuất khẩu suy giảm do kinh tế thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Trong khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp (DN) đã phải dời bỏ thị trường, nhiều DN hoạt động cầm chừng, số công nhân bị giãn việc, giảm việc, thất nghiệp gia tăng. Sản xuất kinh doanh gặp khó nên thu nhập của người lao động ở nhiều ngành, nghề giảm sút. Đời sống của một bộ phận người dân chưa được ổn định sau đại dịch Covid-19.
Đó là điều quan tâm, cũng là sự lo lắng lớn của cử tri, nhân dân. Trong khi đó, kết quả triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia tuy đã có chuyển biến nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp.
Giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều bộ, ngành, địa phương chậm trễ khiến nền kinh tế không được tăng cường nguồn lực, chưa được kích cầu ở mức cần phải có. Dù có nhiều gói hỗ trợ nhưng việc DN tiếp cận vốn vay từ ngân hàng vẫn khó khăn, lãi suất vay của ngân hàng cao. Cử tri cũng lo lắng về các vụ lừa đảo thông qua gọi điện, nhắn tin, cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen... gây bất ổn xã hội.
Điểm đặc biệt trong kiến nghị lần này của cử tri và nhân dân thông qua MTTQ Việt Nam là không chấp nhận hiện tượng né tránh, sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm. Từ đó kiến nghị Đảng, Nhà nước sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phòng chống, khắc phục tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, “giữ an toàn quá mức cần thiết”, từ đó ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của DN và cuộc sống của nhân dân.
Hoàn toàn đồng tình, ủng hộ cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng đi vào chiều sâu; không né tránh, không có ngoại lệ bất kể người đó là ai, đồng thời cử tri và nhân dân cũng mong muốn sớm có thuốc trị căn bệnh sợ trách nhiệm. Đã là công bộc thì phải gánh vác công việc của nước, của dân; không thể giữ ghế rồi viện dẫn hết lý do này đến lý do khác để không chịu làm việc, “mũ ni che tai” những tưởng yên thân, trong lúc kinh tế đất nước và đời sống người dân gặp khó khăn.
Ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cũng chính là hơi thở cuộc sống phả vào nghị trường. Hơi thở cuộc sống và sức nóng nghị trường cũng chính là mong muốn các vị đại biểu của dân nói lên tiếng nói của dân, tâm tư, nguyện vọng và ý chí của dân, từ đó tìm ra giải pháp tháo gỡ những rào cản để đưa đất nước đi lên và cũng là để gánh nặng trên vai người dân được san sẻ.