Hồi ức dành cho người trải đời

LÊ MINH HÀ 04/11/2022 05:58

Tôi tha thứ cho sự nhầm lẫn của tôi. Chỉ vẫn không thôi ngạc nhiên: sao lại có thể nhầm lẫn lâu đến thế. Những mấy chục năm.

PGS.TS Đào Tuấn Ảnh và “Bà Đỡ” - tác phẩm văn học đầu tay. Ảnh: Thư Hoàng.

Đầu tiên là nhầm về giới tính của người viết. Bắt đầu từ cái danh. Tội tình thuộc về các cụ già. Ai lại đặt tên con cháu trúc trắc cầu kì thế chứ. Nhưng mà thôi, tôi luôn tin rằng nhà văn là danh từ không cần giống, thiên tính trong văn chương không phụ thuộc vào giới tính của người viết. Chỉ có hay hoặc không hay, làm gì có văn chương đàn bà hay đàn ông.

Nhầm lẫn thứ hai của tôi thì dễ thương: rằng chúng tôi là đồng hương phố. Cũng lạ, vì thường ra thì đồng hương vùng miền nào cũng nhận ra nhau chỉ qua đôi nét phong vận, giọng nói, và khó mà nhầm. Thôi thì mình đã nhầm, dễ thương hay là ngốc bảo thế nào cũng sẽ không cãi.

Nhầm lẫn thứ ba và chắc chẳng phải chỉ của một tôi bắt đầu từ chính văn chương của người viết này: nhầm về giọng điệu. Một lối viết nghiêm cẩn, đầy cảm xúc mà loại trừ cảm tính luôn luôn là tiêu chí để tôi bình về các nghiên cứu văn chương, và tôi áp đặt nó cho cả đàn ông lẫn đàn bà. Và thường gặp tên đàn ông, biết người viết những bài đáng đọc là đàn ông khá thường. Thế là, bắt đầu từ cái tên, rồi sau đó là tư duy logic sắc bén, tôi mặc nhiên tin suốt mấy chục năm rằng tác giả của những bài phê bình không phải là văn học ta làm mình xúc động vì khả năng bao quát hiện trạng, vì sự sắc sảo khi soi chiếu hiện tượng ấy là một ông. Ông Đào Tuấn Ảnh, chuyên gia văn học Nga, ồ vâng, nhưng hóa ra xuất phát điểm lại là người học sâu về văn học Ả Rập, thứ mà dân ta ít biết, và có thẩm quyền nhất định về nó thì hình như chả có ai. Học cái này để làm cái kia cả đời thì có trái khoáy không? Hay là nhờ thế mà ông, à không, bà, bà Đào Tuấn Ảnh có thêm một không gian văn hóa văn học để lùi về khi tham chiếu văn học Nga - Xô viết, mà viết, những bài mấy mươi năm trước từng khiến tôi phải một mình gật gù, những trao đổi hiếm hoi đáng đọc về văn học Việt Nam bây giờ?

Bà ta lại vừa làm tôi phải nhận ra rằng mình lại có thêm một nhầm lẫn nữa, rằng, không phải như mình hằng khinh khỉnh tin: các nhà phê bình lí luận thường tự mình trói mình bằng đủ thứ quan niệm về trào lưu chủ nghĩa kĩ thuật ngôn từ ấy mà, đố các ông các bà để đời được bằng sáng tác.

Chị đã sáng tác, và sáng tác của chị, mới rất ít thôi, là sáng tạo văn chương thực sự.

Người ta sẽ nói gì khi đọc sáng tác đang là duy nhất của người viết trẻ này? Ồi, tưởng gì, thời thơ ấu thì ai chẳng có. Nhạt quá, chẳng có mấy trò. Hay là: chuyển thể phim tốt.

Đúng, chuyển thể phim tốt. Vì có chuyện. Chuyện những đôi trai gái thời bao cấp lòng còn hăm hở với đường lên hạnh phúc hồn nhiên e ấp tăm tia nhau và chỉ ít lâu đã thấu suốt thế nào là bất hạnh vì nghèo. Chuyện những đứa trẻ nhà quê sinh ra lớn lên trong một thời buổi chẳng đứa nào đủ sức hiểu, luấn quấn bên một bà già có trình độ cao ở làng xã Việt Nam một thuở đủ để bập bẹ lại mấy từ tiếng Pháp học mót từ đứa cháu cũng đi học mót, hòng giữ được cái bằng đỡ đẻ, nguồn sống còm cõi của mấy bà cháu, cũng là nguồn thương yêu nể trọng của xóm của làng.

Sẽ có cảnh bà đùm túm miếng xôi miếng thịt chủ nhà mời sau buổi cật lực làm việc về cho bầy cháu dại. Sẽ có cảnh bầy cháu đứa lớn đứa bé loay hoay với việc thường ngày của trẻ nhà quê hòng thêm cặp vào bữa ăn nghèo. Sẽ có những niềm vui nhỏ nhoi đủ nuôi người ta trong trẻo một đời. Lại còn có cả những dồn nén khốn cùng trong cảnh nhà ta nuôi con lai tây, ở cái thời đời người dính tí teo tới chuyện tình ái tình dục với người không đồng chủng là nhục nhã khốn cùng lắm chứ ít có được sự tự hào kiêu hãnh vì vươn lên tầm quốc tế như bây giờ. Nói chung là sẽ có khối cảnh cảm động khiến người xem cười như ngô rang, khóc như mưa tháng bảy.

Tác phẩm "Bà Đỡ" do NXB Trẻ ấn hành. Ảnh: Thư Hoàng

Nhưng ông bà đạo diễn nào chuyển thể được những chuyển động trong lòng những mẹ con bà cháu trong câu chuyện? Bà: góa từ khi còn rất trẻ. Cháu: nội ngoại gì cũng mồ côi một nửa, chẳng phải vì dịch bệnh, mà vì chiến tranh. Bà cậy mình đỡ đẻ cho cả làng cả xã, giật về mình quyền nuôi cháu, bất kể là cháu nội hay ngoại, bất kể là tập tục xóm làng, bất kể sự nghèo, là để cháu không phải sống cảnh con chung con riêng trong một gia đình khác, đã đành, hình như thế, nhất quán với sự bà từng từ chối tái giá chỉ vì quá hiểu sự đời và vì thương con. Nhưng, ở câu chuyện mà tôi đọc, bà làm thế còn là để những đứa con gái con dâu góa bụa của mình yên lòng mà sống tiếp với hạnh phúc mới, nếu tìm được, giữa một thời buổi gian nan vô bến bờ.

Tôi đọc và hiểu rằng hi sinh không phải là chết, hi sinh trong từng ngày sống như bà nhọc nhằn hơn rất nhiều, hi sinh cho con cháu như bà là một trách nhiệm được ý thức bằng bản năng. Bằng bản năng, bà ghì lấy những đứa cháu mồ côi, chăm bẵm chúng và sẽ mở vòng tay cho chúng bước ra khi có những cơ hội sống tốt hơn. Những con người bé nhỏ trong vòng tay bà gắn bó với nhau, nhận về yêu thương như một bản năng sống bà trao truyền và nhân bản.

Đọc, và đau, sức mạnh của bà lớn thế, đủ cho con cháu tựa vào, nhưng không đủ cho chính bà. Phải sụp đổ từ bên trong thế nào mà sau cái chết của đứa con trai cuối cùng bà mới lặng lẽ xây phủ trên hố bom tự tay mình lấp, lên đồng, tìm nơi an trú cho tâm linh mình. Bà: người đỡ bao nhiêu sinh linh ra với thế giới, người một mình gồng vai làm nơi nương tựa cho bầy cháu mồ côi, bà, người không tên riêng, chỉ được gọi bằng nghề nghiệp là bà Đỡ. Tôi gặp lại bà mình ở nhân vật này. Tôi thấy qua bà Đỡ bóng bà tôi, bóng những người phụ nữ Việt - những vợ, những mẹ, những bà - một thuở lam làm, cương cường, héo mòn đi trong sự cương cường. Tôi thấy dân tôi. Có nhân dân nào không vô danh.

Từng tiểu đoạn trong cuốn sách “Bà Đỡ” (NXB Trẻ, 2022) này tách ra có thể thành những truyện ngắn nhỏ xinh viết cho tuổi bé, về tuổi bé. Duyên dáng lạ lùng, trong sự giản dị quê mùa, chẳng biết có còn không nữa ở nơi nào đó trên đất Việt. Tỉ như đoạn bầy trẻ thừa cơ bà đi vắng, lấy áo quần hầu đồng của bà ra diễn trò và nằm vật ra cả lũ vì say trầu. Tỉ như đoạn bà cháu khảo mít. Nhưng những duyên dáng đó không phải là lí do đọc xong rồi cười sảng khoái vì độ ngây thơ. Luôn có một dòng chảy buồn buồn nghèn nghẹn thẩm thấu đằng sau mỗi chuyện.

Như chuyện bà mắng cháu mà thấp giọng, không thường, về sự trẻ con nghịch ngạo đóng trò hầu đồng, chẳng phải vì sợ thần thánh quở, mà là hãi sự trừng phạt có thể bất thần đến từ người sống đang vung vinh nhờ được thăng hạng nghèo. Như chuyện bà mừng tủi kể ao ước còm về một cái tường hoa không thành mà lại là may mắn lớn với cả gia đình.

Những câu chuyện rỉ rả kể cho ta nghe về thực trạng lịch sử một thời buổi may mà rồi cũng đã qua. Như chuyện hai bà già, bà nội bà ngoại, vừa quyết liệt vừa ý tứ giành nhau chuyện chăm nom đứa cháu gái mồ côi, giành nhau đấy mà hiểu lòng nhau lắm, trọng cái tình ở nhau lắm. Đoạn đường được chao lắc vỗ về trong lòng thúng, đôi khi lại còn được bận rộn tính đếm mấy cái kẹo bột dành cho mình và cho anh chị em họ cùng một mái nhà của con bé con chưa biết gì kia xứng đáng là một trong những đường về quê nội, quê ngoại đẹp nhất tuổi ấu thơ của văn chương Việt.

Liệu có phải cũng là đoạn đường đầu tiên dẫn con bé ấy đi tới những chân trời khác mà anh chị em nó không bao giờ biết: chân trời chữ nghĩa, chân trời văn chương. Tôi cứ luẩn quẩn với ý nghĩ này khi bần thần mãi với câu chuyện này của người viết. Người ta sinh ra không phải để trở thành nhà văn, càng không phải để trở thành nhà nghiên cứu văn học - Điều này chắc đúng với một đứa bé con nhà quê sống với tuổi nghèo, thời buổi gieo neo trên đất nước ngày giông bão. Thế nhưng nó đã thành thế? Vì những ngẫu nhiên của phần số?

Nhưng cái này không bao giờ là ngẫu nhiên: Nó là đứa biết nhớ, và nó được học từng ngày khoa học yêu thương. Từ bên nội bên ngoại, từ mẹ, từ bà, từ cô từ bác, từ những anh chị em cũng mồ côi được bìu ríu với bà, từ những người chỉ đi nhoáng qua tuổi nhỏ mà để lại những ân tình cực lớn, như là một anh lái xe tải gặp giữa đường rừng, như ông bác họ đầu bếp đi lính cho Pháp để đánh phát xít, như anh thanh niên không quen đã giúp mấy chị em chạy bom về quê ngoại sau không biết sống chết thế nào, và: người bố dượng hiền hậu, may mắn làm sao với một đứa trẻ mồ côi.

Rồi bầy cháu nhỏ của bà già Việt vô danh kia sẽ mỗi người một phận. Có những phận rất buồn, vì đẹp. Đành nhẽ vậy. Có những phận buồn như được báo trước vì độ lành hiền chi chút của tính cách. Mỗi con người có thật đi vào cuốn sách, trở thành nhân vật chứ không phải chỉ là nguyên mẫu nhân vật, theo nghĩa có một diện mạo, một phần số văn học thực sự và do đó cuốn sách không còn là một ghi chép, một hồi kí đơn giản, một cách làm lộng lẫy lại lung linh lại nhan sắc tinh thần, một tự sướng của một người thành toàn được nhiều thứ trong đời. Như là ta vẫn thấy. Không tin ư? Hãy đọc đi, và hãy tưởng tượng rằng những câu chuyện kia qua cách ghi chép của một người chấp bút nó sẽ như thế nào? Liệu có còn hơi ấm kia, chất thơ kia, của một đời sống gắn kết bằng đói nghèo và thương yêu giữa những con người không một ai được gọi bằng cả họ và tên, và người đáng trọng nhất - bà đỡ - còn chẳng ai biết tên là gì.

Bạn bè, đồng nghiệp chúc mừng PGS.TS Đào Tuấn Ảnh trong ngày ra mắt “Bà Đỡ”. Ảnh: Thư Hoàng.

Nhân vật, phải gọi đây là những nhân vật, bởi vì cuốn sách không đơn giản là hồi kí của một người muốn lưu lại cho con cháu điều gì. Tôi tin là vậy, khi nghĩ tới những cuốn hồi kí của đôi ba người thành danh do người khác chấp bút hoặc tự viết ra khá rộn ràng thời gian vừa rồi.

Ở đó, có những câu chuyện được kể bẹt dí theo tuyến tính thời gian, có thành công và thất bại, có những điên cuồng yêu đương thời trẻ đẹp, có rất nhiều bức xúc lẽ ra, nếu, phải, thì và niềm tin rằng mình vẫn, sẽ… trên cơ sở những bức ảnh được chao qua các loại App mấy lần, đáp ứng được sâu sắc tinh thần tò mò lúc nào cũng ngùn ngụt của người hâm mộ. Rất khác, ở đây, hồi ức đời người được kể một cách giản dị, hóm hỉnh, như một cách tự sống lại những trải nghiệm, không thi vị hóa, và do đó mà đầy chất thơ. Chất thơ tràn ra trong cái nhìn của một đứa trẻ trời bắt nhớ, không hề có một ai biết trước số phận của nó lại gắn với văn chương.

Đây sẽ không chỉ là một cuốn truyện về trẻ con dành cho con trẻ, dù ăm ắp trong đó là sự trong trẻo chỉ khi còn trong tuổi đó mới có. Đây là một hồi ức tuổi thơ dành cho tuổi già, dành cho những người trải đời, biết nhìn đời bằng cái nhìn độ lượng, thâm trầm và hóm hỉnh. Đây là một chiêu - hồn - già. Mọi câu chuyện đều xoay quanh chuyện nhà, chuyện mẹ con, bà cháu, hàng xóm láng giềng, vườn tược, chợ phiên, sống chết, của một người đàn bà chữ nghĩa văn chương đầy mình khi còn là một đứa con gái bé chưa biết gì. Mà lại thành chuyện nước non, chuyện thời buổi, nặng những toan lo, nghèo khó, nặng những từ tâm.

Chỉ loay hoay trong các sự đó thôi, mà ra chuyện làm người, với người, vì người. Con bé con, người con gái, người đàn bà đã bước ra từ đó, đi xa, lên cao, rồi về lại với mình, với những giá trị nhân bản đã được trao truyền, đã thẩm thấu được một cách tự nhiên nhất, giản dị nhất. Có phải vì thế mà viết về tuổi nhỏ nhưng không cần đến cả chuyện trường lớp?

Có phải vì thế mà trong hồi ức của người đàn bà này, khác với rất nhiều đàn bà thành công trong mặc định tự thân đang hân hoan nói chuyện nữ quyền, những nhân vật đàn ông hiện diện qua hồi ức sống hay chết đều thú vị, đều rất đàn ông, rất người, rất đáng nể. Như ông bác ông bố mất sớm. Như ông bố dượng không thấy kể tên, như anh chàng lái xe tải răng khểnh người đất Phòng, như anh Lục Vân Tiên đời mới, như ông bác dượng đầu bếp, hiểu ăn là hành một cách sống ở đời, như những người anh họ cùng cảnh trẻ mồ côi người nghịch ngợm người lành hiền chi chút.

Không biết có phải vì quá rành lí thuyết không mà tác giả cuốn hồi ức này viết như thể là không viết vậy, nếu không nói là có những đoạn y như nói. Nhưng, rất dễ nhận ra sự tự tái cấu trúc/ tự sáng tạo của hồi ức chỉ có ở người đọc rộng, viết nhiều, nó làm cho những câu chuyện cô đọng hơn và cũng miên man hơn, càng miên man với những lời kể lời bình tưng tửng kết quả của những chiêm nghiệm dài ngang đời người, đằng sau mỗi câu chuyện rất dễ làm ta phì cười. Gì mà đi “mót rau cung cấp cho cả nhà với một con lợn”! Đói đấy, gieo neo đấy! Gì mà “ngẫm về đời chị tôi nghiệm ra sắc đẹp giống như của cải và quyền lực không phải ai cũng mang vác nổi. Nó rất nặng.” Đẹp thật đấy, sắc lắm đấy, trải đủ rồi đấy mới ra được những câu nhẹ bẫng thế này. Lành nghề lắm đấy mới có thể đẹp, sắc, và càng làm người đọc bùi ngùi khi viết về thời đoạn gần với hôm nay, chập vào hôm nay, với những người thân từng gắn bó và từng không cùng sống.

Tôi muốn dừng ở phân đoạn thứ ba của cuốn sách "Bà Đỡ".

Vẫn ân tình ấy ruột rà ấy. Nặng đến nỗi mẹ bẻ đôi cái tên Tí Hon cúng cơm của mình chia cho hai đứa con. Chỉ có điều, một đứa nhận nửa cái tên kia lại không phải là con đẻ, có ba phần máu tây, và đi suốt cuộc đời nó, đánh vật cùng với nó trong cuộc nội chiến không khoan nhượng giữa gen di truyền và môi trường sống là cả đại gia đình không cùng huyết nhục với nó. Cô bé Hon xinh đẹp con lai của một bà lai làm me tây với một tay đội tây ở Việt Nam thời buổi ấy sẽ thế nào nếu không có ngẫu nhiên của phần số, nếu không bị vứt bỏ từ lúc mới ra đời và được một người đàn bà Việt động lòng thương nhận về từ lúc mới có hai ngày tuổi?

Cuộc đời Hon mà ta được biết từ nhiều điểm nhìn, từ nhiều ngôi xưng của người kể không phải là số phận của một người Việt bình thường, nhưng chính là số phận của người Việt thuần thành, gói trong một bi kịch lạc quan đằng đẵng cùng lịch sử thời mình sống. Thời gian bị giằng giật, đẩy xa, kéo gần, thắt nút, véo nặn, tạo hình qua một cách nhìn vừa nhập cuộc rất sâu, vừa gián cách triệt để và cấu trúc xoáy lộn trong cách kể, đọc tưởng như nhẹ nhàng mà thật phải rất hiểu đời hiểu nghề mới làm được.

Cả một thời buổi được thâu tóm lại rồi mở tiếp qua những đời người ở thế hệ sau, thấu suốt hơn chỉ nhờ vào cách chuyển đổi liên tục vị trí của người kể chuyện, từ một đứa bé con ngây thơ, sang vai chị, trở lại vai đứa con đầu lòng trưởng thành lo toan cùng cha mẹ, rồi thành bác, thành bà trong đại gia đình. Đi qua những hồn nhiên còn giữ được nhờ thương yêu trong tuổi nhỏ, trong tuổi mới lớn ngặt nghèo của mình, của anh chị em cùng một nhà, của thế hệ mình rồi trở lại với niềm thanh thản chỉ người trí lự mới đạt tới khi có tuổi, Đào Tuấn Ảnh dẫn người đọc lần từng bước qua những cuồng phong lịch sử hội tụ trong phận người.

Đọc, thấy dòng chảy của không giản đơn là huyết mạch ruột rà sinh học, mà là huyết mạch yêu thương. Đấy là sự khôn ngoan lớn nhất mà người Việt mình đã có và nhờ nó mà không bị gió bụi lịch sử thổi bạt đi khỏi thế gian này - một thứ lịch sử sống qua hết đắng cay rồi lại thấy buồn cười, vì sự cố cùng của nó. Càng buồn cười khi cái sự cố cùng phi lí ấy được nhìn qua con mắt của một đứa trẻ ngây ngô - một vai kể trong nhiều vai kể của người viết: Mẹ đi vắng.

Đi đâu? Đi cải cách! Mẹ đi vắng. Đi đâu? Đi sửa sai! Riêng tôi, lần nào cũng phì cười trước cách kể tưng tửng có vẻ như rất thật thà này, vì được mở trường liên tưởng, được chơi trò liên văn bản, được tách khỏi nhập lại câu chuyện để ngẫm, được nghĩ cùng liên miên. Cũng có nghĩa là ở góc độ này Đào Tuấn Ảnh thất bại: Sẽ không có nhiều người đọc hiểu mình lắm đâu dù người ta sẽ không có nhầm lẫn mấy chục năm như tôi: đinh ninh họ Đào là liền ông, đinh ninh kiểu tư duy nghệ thuật của họ Đào là đặc sản của liền ông trong giới có thẩm quyền về nghệ thuật chữ!

Hồi ức này tôi đã đọc lắt nhắt trên Facebook. Không ngờ, khi nhận bản thảo, lại vẫn bị riết vào từng chữ. Facebook nói cho cùng không thể là địa hạt văn chương, vì nó không cho người ta có cái nhìn tổng thể cũng như khoảng không tĩnh tại mà ngẫm ngợi, như khi vẫn chữ ấy câu ấy ta gặp từ một cuốn sách.

Đọc, lần thứ hai, tắt máy, ra phố. Tôi phải ra với phố. Theo tôi là nỗi bùi ngùi nhỏ giọt từ những chữ vừa đọc được. Những thân bạch dương vỏ trắng nứt nẻ, sạm lại vì sương nắng đã lá đã hoa, nghiêng theo nắng qua mùa. Im lặng. Dịu dàng. Thênh thang.

Như nỗi buồn. Như những đời người vừa đi qua, muốn quên được thì còn khướt.

Cái từ còn khướt cũ kĩ nhà quê này bà Đào Tuấn Ảnh dùng, lâu lắm rồi tôi không nghe.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hồi ức dành cho người trải đời

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO