Vừa lâu, vừa chẳng là lâu. Những sự kiện còn tươi trong ký ức, dẫu hơn bốn chục năm đã qua.
Thiếu tá Valery Lupenkov.
Trung Quốc và chiếc Moskvich trong mơ
Trong mệnh lệnh số 70 ngày 26/3/1966 của chỉ huy lữ đoàn 28036 (làng Vaganovo, khu vực Leningrad) có đoạn “Các sĩ quan, chiến sĩ có tên dưới đây thuộc đơn vị huấn luyện được cử đi công tác đặc biệt”, tiếp theo là bản liệt kê danh sách. Đó là khởi đầu chuyến công tác của chúng tôi sang một xứ sở nóng bức và ẩm ướt.
Ngày 27/3 chúng tôi lên hai chiếc máy bay vận tải AN/10, cất cánh từ sân bay Gorelovo nhằm hướng Việt Nam, có dừng lại tại Sverdlovsk, Novosibirsk, Irkutsk để tiếp nhiên liệu. Xuống Irkutsk, chúng tôi trú quân trong doanh trại một ngày một đêm, 4 giờ sáng thức dậy, lên xe bus ra sân bay. Đường dài, phải bay qua Trung Quốc.
Dừng chân tại Bắc Kinh, Đại sứ quán Liên Xô tại đây tổ chức đón tiếp, mỗi bàn tiệc đều có đại diện Trung Quốc nói tốt tiếng Nga. Cả hai bên cùng nâng ly chúc mừng tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Khi đó ở Trung Quốc đang rầm rộ diễn ra cuộc “cách mạng văn hóa” và họ coi Liên Xô là kẻ thù số một, mặc dù vậy, phía Trung Quốc vẫn dự định tổ chức cho chúng tôi lên xe bus tham quan Bắc Kinh. Tuy nhiên, đại tá Pevnyi trung đoàn trưởng của chúng tôi nói lời khước từ, lấy cớ phải hành quân gấp sang Việt Nam, chuyến tham quan sẽ để dành cho lượt bay về.
Và chúng tôi bay tiếp về phía nam. Trước khi vào không phận Việt Nam, chúng tôi có dừng tại sân bay Vũ Hán, sau đó – tại sân bay Bạch Vân ở Quảng Châu, chúng tôi phải nán lại gần hai ngày trời vì thời tiết khu vực Hà Nội không thuận lợi. Chúng tôi được xếp ở trong khách sạn thành phố, mỗi phòng hai giường, nhìn ra một quảng trường không rộng lắm thấy lính Trung Quốc hình như muốn trình diễn cho chúng tôi xem họ biết sử dụng thành thạo súng trường CKC như thế nào. Có thời gian, chúng tôi lên xe làm quen thành phố, thấy những ô cỏ xanh sạch sẽ. Trời ấm áp nhưng ẩm ướt. Không khí nồng lên mùi đặc trưng của nhà bếp Trung Hoa. Những cư dân địa phương nhìn chúng tôi với vẻ thích thú, không thấy hằn học gì cả.
Phía Việt Nam phát tín hiệu thuận cho bay tiếp và vào chập tối 31/3, chúng tôi xuống một sân bay quân sự. Đập ngay vào mắt là những chiến đấu cơ MiG/17 và MiG/21 đã ngụy trang trong hầm chứa máy bay.
Các đồng chí Việt Nam đón chúng tôi thật thân tình, bưng mời trà nóng ngay giữa sân bay. Sau đó chúng tôi lên xe chở khách, mất vài giờ thì đến trung tâm huấn luyện №2 nằm trong rừng, tại một địa phương có nhiều núi đồi ở phía Bắc Việt Nam. Khi chúng tôi tới nơi thì đêm đã khuya. Trời rất tối. Chúng tôi đi dọc một con đường mòn khá hẹp, hai bên bộ đội Việt Nam giơ đuốc chào mừng, đó là các binh sĩ của đơn vị thứ năm thuộc Binh chủng Tên lửa phòng không Quân đội Nhân dân Việt Nam, những học viên tương lai của chúng tôi. Trước mặt, trong tiếng trống thúc dồn dập, một cái đầu lân đầu rồng xoay đi xoay lại nghênh tiếp.
Chuyến công tác này, chúng tôi được cử đi trong thời hạn chưa đầy một năm nhưng khi xét thâm niên sẽ được tính hơn, một tháng thành hai và sẽ được ưu tiên khi thăng quân hàm. Lương và trợ cấp được hưởng gấp 3 lần so với ở trong nước. Chính vì thế mà khi ở trung tâm huấn luyện chuyên gia quân sự Liên Xô thấy tin đồn loang rộng là chỉ cần một năm đã có đủ tiền sắm ô tô Moskvich/408 trị giá 4.500 rub. Khoản tiền đó được cấp qua tem phiếu, ở Việt Nam, chúng tôi được nhận tem phiếu có sọc xanh. Tuy nhiên trên thực tế, để có tem phiếu xanh với tổng số tiền đó phải phục vụ hai năm. Vì thế cho nên trong trung đoàn mới có bài ca vui, rằng:
“Ai mà ở Cuba, ai mà sang Ai Cập,
Khi về đã mua Moskvich từ lâu,
Cánh chúng ta về chỉ mang được theo
Chiếc mũ cối và mảnh máy bay Thần sấm”
Ở Cuba hoặc Ai Cập, chuyên gia ta được cấp tem phiếu không sọc, cũng có thể là có sọc vàng, giá trị cao gấp 4/5 lần tem phiếu xanh. Ở Cuba phải kiếm được tem phiếu với tổng số 760 rub để khi trở về Tổ quốc mua được Moskvich/408. Nhưng những bàn tán kiểu ấy rồi cũng kết thúc, phải thực thi những nhiệm vụ đã đề ra.
Sự đời trước lạ sau quen
Sau một thời gian ngắn thích nghi, chúng tôi bắt tay vào huấn luyện đơn vị bộ đội tên lửa phòng không. Gương mặt các anh bộ đội rạng rỡ hẳn lên khi tiếp thu nguyên lý vận hành của các bộ máy, cách lắp đặt các bộ phận tương ứng trong hệ thống. Khâu huấn luyện đặc biệt được tiến hành trên những khí tài đã bị hỏng, chuyển từ trận địa về trung tâm huấn luyện, nhưng vẫn còn sử dụng được vào việc giải quyết các vấn đề kỹ thuật liên quan đến lắp đặt, cân chỉnh các thông số của hệ thống.
Bộ đội Việt Nam đặc biệt quan tâm đến các phương pháp phát hiện và khắc phục hỏng hóc. Chúng tôi truyền hết cho họ, để họ thấy trên thực tế chúng tôi làm như thế nào cho hệ thống vận hành suôn sẻ. Có lần, Shcherbakov, chuyên gia về máy phát sóng vô tuyến, trở về từ lớp học đã kể rằng đường dây cao tần trong tủ rất nham nhở, người Việt Nam bảo do chuột gặm. Tất cả các thiết bị trong tổ hợp tên lửa trực chiến tại trận địa không bao giờ được để tình trạng kỳ quái ấy tái diễn.
Tháng Tư để lại trong ký ức là tháng mưa bão sấm sét. Một đêm, chúng tôi thức giấc vì tiếng sấm sét liên hồi, làm trong lán sáng trưng như ban ngày, gió giật mạnh. Sáng ra mới thấy một cây bị bật rễ, đổ vắt vào búi dây rừng trên nóc lán chúng tôi ở. Chúng tôi tự tay lấy cưa của nhà bếp phân thân cây ra làm từng khúc cho đến khi búi dây rừng kéo phần cây còn lại ra cách lán một khoảng an toàn.
Chúng tôi không quen khí hậu, nhiệt độ và độ ẩm cao khiến rất khó chịu, một vài chuyên gia đã bị ốm. Tôi cũng trong số đó, phải về Hà Nội nhập viện vì viêm phổi. Trong phòng nội khoa, ngoài chuyên gia Liên Xô còn thấy cả những người Cuba, Triều Tiên, Trung Quốc. Sáng sáng thăm bệnh cho tất cả các giường là bác sĩ Lan, người không cần phiên dịch vì thông thạo tiếng Pháp. Khi ấy trong bệnh viện có hai cố vấn Liên Xô – chuyên gia nội khoa Medvedev thạo tiếng Pháp và nhà phẫu thuật Таbаtаdzе. Khi có báo động máy bay, các y tá hướng dẫn chúng tôi xuống căn hầm trú ẩn có từ hồi Nhật còn chiếm đóng. Trong một lần báo động, trên đường xuống hầm trú ẩn tôi còn nhìn thấy mấy chiếc máy bay nối đuôi nhau lượn theo dòng sông chảy gần bệnh viện rồi ngóc lên cao thả bom trúng một kho xăng. Cột khói đen bốc dựng lên trời, ba ngày đêm chưa tan hết được. Đó là tháng 6/1966.
Có một bệnh nhân từ khoa khác được cáng xuống hầm, là du kích miền Nam bị bỏng napal. Tôi kinh ngạc trước cách chữa bệnh bằng châm cứu – cây kim dài khoảng 25 cm được châm vào chân tay, hễ cử động là rung rinh như cành cây trong gió. Đại biểu các tổ chức xã hội thường xuyên mang dứa đến thăm từng phòng bệnh và quan tâm tình hình chữa bệnh của chúng tôi, hỏi nhận được thư nhà đã lâu chưa, sức khỏe những người thân thích ở bên nhà ra sao...
Đầu tháng 7, tin tình báo cho biết Hà Nội sắp bị Mỹ ném bom hàng loạt, bệnh nhân phải chuyển ra khỏi thành phố, vào một ngôi chùa trong rừng, nơi không phải mục tiêu ném bom.
Bệnh viện dã chiến, tối tối xuất hiện những con dơi như chuột có cánh, bò trên vách trên trần là lũ tắc kè biến màu. Ban ngày, chẳng biết tự đâu, thấy xuất hiện một con khỉ. Nó đu trên những ngọn cây rồi nhảy xuống ngồi trên bậu cửa sổ đang mở, chờ được cho ăn hoặc chủ động chộp trái cây bệnh nhân còn để trên bàn. Nó đặc biệt thích chuối. Với dân phương bắc chúng tôi, đây quả là sự lạ.
Bệnh viện cũng có chức năng nhà nghỉ dưỡng cho không quân Việt Nam, các phi công được gửi đều đặn vào đây để củng cố sức khỏe. Họ nghỉ ngơi theo cách tích cực, ra sân bóng chuyền thường rủ chuyên gia Liên Xô chơi cùng.
Khi tôi xuất viện, tiểu đoàn chúng tôi nhận được từ nước nhà tổ hợp tên lửa mới. Công việc nặng nhọc hơn vì dàn phóng đặt trên xe, ngoài bộ đội Việt Nam, hầu như toàn bộ đoàn chuyên gia của chỉ huy trưởng N. Govorukhin phải chung sức. Toàn làm vào lúc tối, mất hai ngày mới xong, nhưng chúng tôi không thể đến trung tâm huấn luyện vì cầu bị gãy, không có đường nào khác. Đành triển khai tiếp trong rừng, cách trung tâm vài kilomet, dành hai tuần cho kiểm tra, lắp đặt máy móc và khắc phục sai sót. Trước khi chuyển ra trận địa ít lâu, trời đổ mưa, đường hẹp giữa những gốc cây nên xe cẩu để lắp ráp cabin anten “P” bị trượt bánh. Trong tay không sẵn thừng cáp, chúng tôi dùng cây đòn để bẩy xe cẩu khỏi vũng lầy, bị trượt, làm thủng một chỗ ở bộ tản nhiệt, lại phải chờ đôi ba ngày mới có bộ tản nhiệt mới, nhưng vẫn kịp xuất quân. Cuối tháng 7, rời trung tâm huấn luyện, tiểu đoàn tiếp quản trận địa.
Điều kiện khí hậu gây phức tạp cho không chỉ anh em chuyên gia, mà cho cả các thiết bị thông tin trong tổ hợp tên lửa. Bầu không khí có nhiệt độ và độ ẩm cao làm hỏng nhiều linh kiện, nhất là các bộ chỉnh lưu, mặc dù khi lắp ráp ở nơi sản xuất đã cẩn thận bao bọc tất cả bằng một lớp sơn chống gỉ. Dự trữ không đủ để thay thế, phải chọn từ đống phế loại thứ gì còn khả dĩ thì lắp ráp lại cho đồng bộ để có mà dùng. Qua một đêm, hơi ẩm đọng nhiều trong các thiết bị, phải dậy từ 4 giờ sáng khởi động và hong sấy để 7 giờ sáng mọi thứ đã sẵn sàng vận hành ngon lành.
Những lần thắng bại và vụ bắt giặc lái
Tiểu đoàn №1 của chúng tôi - thuộc trung đoàn “chim ưng”, do A. Gladyshev chỉ huy - dàn trận cách Hà Nội khoảng 50 km về phía bắc. Sáng 1/8 là đã sẵn sàng chiến đấu, nhưng suốt tuần lễ sau, máy bay Mỹ vẫn chưa vào trong tầm bắn, mặc dù mỗi ngày báo động 5/6 lần. Chúng lởn vởn khiến chúng tôi thấy nhàm, không phải anh em nào ở khâu tính toán cũng thèm để ý đến. Có một trường hợp xảy ra với y sĩ của chúng tôi: lúc rảnh, anh rất thích ra câu cá tại một con ngòi chảy cách bệ phóng chừng 70 m, vì đường cáp chỉ dài có thế. Cũng như mọi lần, tín hiệu báo động vang lên, anh vẫn điềm tĩnh ngồi câu. Chỉ hai giây sau, quả tên lửa gần sau lưng anh xuất phát, tiếng nổ đinh tai nhức óc khiến anh sốc, ít lâu sau mới hoàn hồn. Đấy là hôm chủ nhật 7/8/1966, lúc 7h19 phút sáng, một tốp máy bay Mỹ vào tầm bắn, ta phóng hai quả, một số anh em tính toán còn kịp chạy ra chứng kiến đường bay của tên lửa và mục tiêu bốc cháy từ cánh rồi thành ngọn đuốc tung tóe hoa cà hoa cải, nó lao qua gần trận địa ở độ cao không quá 500 m thì đâm mũi xuống ngay trước mặt, tên phi công kịp bung dù, sống sót, không bị thương và trở thành tù binh. Người đầu tiên đến bắt hắn là một chuyên gia - thượng úy thông tin mượn súng của bộ đội Việt Nam. Cậu thượng úy thu tấm bản đồ bay cháy dở, mang về xé thành từng mảnh nhỏ chia cho chúng tôi giữ làm kỷ niệm. Nhưng rồi các đồng chí Việt Nam đề nghị nộp lại hết. Riêng cậu thượng úy thì bị tiểu đoàn trưởng A. Gladyshev mắng cho một trận vì làm cái việc không phải của chuyên gia, tự chuốc thêm nguy hiểm cho mình. Những người Việt có vũ trang đến chỗ tên giặc lái tiếp đất còn muốn bắt cả viên thượng úy của chúng tôi, cậu này buộc phải nói rõ: “Tôi – Liên Xô”, họ mới hiểu ra và thả về.
Sau đó là thất bại trong trận hôm 8/8. Cán bộ trung đoàn hỏi sao “Chim Ưng” không bắn chiếc thứ hai đang thả bom. Hai quả tên lửa đã phóng vào mục tiêu mà trên màn hình chẳng thấy tăm hơi cả máy bay, cả tên lửa – chúng đã khuất sau dãy núi cao 160 m cách đó không xa. Đã mất tong tên lửa, hai quả lại rơi gần trạm chỉ huy khiến mọi người ở đó kinh hoảng.
Ngày 11/8, lúc 12h22 phóng vào một tốp 4 máy bay, một chiếc bị hạ.
Chuyên gia Tarasov (giữa) kèm cặp được trắc thủ Việt có công của phiên dịch viên Phùng Văn Thung (phải).
Ngày 17/8, nhiều tốp, mỗi tốp gồm 4/6 máy bay ồ ạt ào đến. 13h29 có lệnh sẵn sàng, kiểm tra toàn bộ 3 kênh trong tổ hợp xong lúc 13h35, sĩ quan V. Каnаеv tuyên bố chuẩn bị phóng. Trên màn hình, các mục tiêu hiện chi chít. Không phóng. Chờ một lát, thấy vang lên tiếng nổ của đạn 37 ly từ đơn vị cao xạ bảo vệ tên lửa. Vấn đề là chỉ huy trung đoàn giao cho tiểu đoàn 4 của đại tá Pavlov ở gần chỗ chúng tôi phát hỏa vì họ chưa được đánh trận nào. Nhưng tiểu đoàn ấy lại gặp trục trặc không phóng được nên mới đến lượt tiểu đoàn chúng tôi. 3/4 phút sau, hai quả được phóng, nhằm vào tốp máy bay ở tầm 38 km. Khi tên lửa ta vừa bay lên, máy bay địch thả bom xuống gần trận địa, một bên nổ 5 quả, bên kia 3 quả. Cột khói bụi bốc lên, tận chỉ huy sở trung đoàn cũng nhìn rõ, nhưng cáp thông tin đến đó bị đứt rồi, ở trung đoàn bộ tưởng chừng “Chim Ưng” đã bị xóa sổ. Theo nguyên tắc bắn xong phải rời đi ngay, nhưng tiểu đoàn trưởng quyết định cứ ở lại, vì trận địa mới chưa kịp hoàn chỉnh, vả lại chắc bọn Mỹ cũng tưởng ta chết hết rồi. Vì thế, ngày 18/8, từ phía đông, ở độ cao 2 km, bán kính 1 km, nghĩa là trực chỉ vào vị trí của tiểu đoàn, hai máy bay Mỹ lao đến. Đúng 14h11 chúng bị phát hiện ở tầm xa 24 km. 14h13 ta phóng hai quả tên lửa, cách nhau độ 10 giây. Cả hai chiếc đều rụng. Nhưng chưa thể thả lỏng: từ phía Thái Lan, lúc 15h05, ở tầm xa 60 km, 7 chiếc máy bay lao đến, chúng cách nhau 300/500 m, ở độ cao 1,5 km. Trước khi chúng lọt vào tầm bắn, để giảm thiểu khả năng dính tên lửa không đối đất, ta cho phát sóng cao tần rồi tắt ngay. 15h10, chiếc bay đầu ở cự ly 16 km, ta phóng hai quả. Khi tên lửa ta bay còn cách mục tiêu 12/13 km, một máy bay phóng Shrike, lập tức có lệnh cho mọi người xuống hầm cạnh cabin “U”. Có tiếng nổ lớn rồi tiếng rú động cơ: lần này hai chiếc MiG/17 của không quân Việt Nam đã kịp thời ứng cứu chúng tôi.
Yên tâm bàn giao và đón tin con gái
Việt Nam đã chứng minh: chống máy bay tiêm kích hoặc máy bay chiến thuật chỉ hiệu nghiệm trong trường hợp mục tiêu lọt sâu vào vùng sát thương, tên lửa phải bắt kịp hoặc đón đầu mục tiêu trong vùng sát thương. Cuối tháng 9 chúng tôi chứng kiến một đơn vị quân đội Việt Nam ở gần tiểu đoàn mình đã tác chiến chuẩn như thế nào khi tấn công trên cao. Và một thời gian sau, về đêm, đơn vị đó đã được điều vào yểm trợ miền Nam.
Chỉ tính từ 1/8 đến 18/8/1966 đã có 91 hồi báo động. Tiểu đoàn đánh 7 trận, diệt 6 máy bay Mỹ. Từ 3 đến 16/9 báo động đến 224 lần. Chúng tôi chuyển đến trận địa mới từ những ngày đầu tháng 9. Qua kiểm chứng thông tin, biết phi công Mỹ đã được trang bị công cụ biết chính xác đến từng phân khi ta phóng tên lửa đất đối không và ứng phó bằng nhiều cách, ví dụ: đột ngột bẻ hướng bay, đột ngột tăng giảm tốc... Chúng tôi cũng dùng nhiều cách để phòng ngừa thất bại, ngụy trang tên lửa kỹ càng hơn. Khi địch phóng tên lửa không đối đất, không phải lúc nào ta cũng phát hiện được trên màn hình, gặp thời tiết tốt, mắt thường có thể thấy từ xa 20 km, nên trong trận địa tên lửa, ta phải đặt đài quan sát, có ống nhòm và máy bộ đàm để kịp báo về cabin “U”.
Được một thời gian sau, bộ đội Việt Nam đảm nhận các vị trí ở khâu tính toán, tất cả các lệnh đều phát bằng tiếng Việt, họ làm chủ kỹ thuật rất tự tin. Những Phạm Văn Dụ, Phạm Ngọc Bằng, Nguyễn Văn Thiềng đảm bảo thành công cho khí tài luôn luôn sẵn sàng chiến đấu. Chúng tôi giám sát, họ tự lực cánh sinh đã hai trận.
Đêm 25/10, tiểu đoàn rút lên núi mai phục, khi qua một cây cầu, một thiết bị từ cabin “U” bị rơi. Ngày đó còn được nhớ vì thư nhà chuyển đến cho biết tháng trước (ngày 23/9) con gái tôi chào đời. Khi đó chỗ chúng tôi không có điện tín. Hôm sau, quay về trận địa cũ, nơi đất đá lổn nhổn sau trận bom bi, chúng tôi tiến hành công việc bảo dưỡng và phục hồi cabin “U”. Xong, ký biên bản bàn giao cho bộ đội Việt Nam hoàn toàn đảm nhiệm.
Trong một trận, chúng tôi ở một bên, để bên Việt Nam tự tính toán tác chiến, thấy có khả năng Mỹ sắp oanh tạc trận địa. Tất cả rất căng thẳng, các câu hỏi đổ dồn về cabin “U”, đồng chí Thung phiên dịch rõ:
- Yên tâm, chúng tôi đánh được.
Những ngày cuối ở Việt Nam trời mưa dầm dề, nên máy bay Mỹ im ắng. Trước khi rút, chúng tôi ngụy trang trận địa thêm lần nữa, thấy những vầng cỏ được xếp thành chữ Nga: (VIỆT NAM – LIÊN XÔ HỮU NGHỊ)
Rồi là tối liên hoan chia tay. Chúng tôi được tặng huy chương Hữu nghị, bằng khen, tranh ảnh lưu niệm, đặc biệt là bức chiếc “Thần Sấm” F/105 thứ 1.300 bị tiểu đoàn chúng tôi hạ trong trận ra quân.
4/11/1966 trên chiếc Il/18 chúng tôi bay về nước, trung đoàn chỉ để lại hai nhóm nhỏ chuyên gia kỹ thuật để giúp các đồng chí Việt Nam sửa chữa khi gặp hỏng hóc. Bay một ngày đêm, hạ cánh xuống sân bay Leningrad, chúng tôi lên xe bus về đại bản doanh của lữ đoàn 28036, mất hai tuần qua khâu vệ sinh dịch tễ rồi lữ đoàn trưởng mới ký công văn №263 ngày 09/11/1966 “các đồng chí có tên trong danh sách kèm theo đã về đến đơn vị”.
Tôi tự hào vì đã có dịp liên quan trực tiếp với nhân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành chiến thắng vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước và được mời sang thăm lại nước Việt Nam thống nhất từ 11 đến 19/5/2011.
Valery Lupenkov sinh ngày 1/9/1940 tại Vitebsk. Học thông tin liên lạc Phòng không (1958-1961) ra làm Trưởng kỹ thuật viên, Chỉ huy trưởng tiểu đoàn thông tin thuộc đơn vị tên lửa phòng không 84, Leningrad. Sang Việt Nam làm chuyên gia quân sự tại trung đoàn 257 (3 – 11/1966), trong khoảng thời gian này, tiểu đoàn bắn hạ 8 máy bay Mỹ. Tốt nghiệp Học viện kỹ thuật Thông tin liên lạc Kharkov (1972), ra làm kỹ sư trưởng tại thao trường, từ 1977 đến 1989 – kỹ sư trưởng đại diện cơ quan quốc phòng tại Moskva. Đã được tặng Huân chương Sao Đỏ và 10 huy chương, trong đó – huy chương Hữu nghị của Nhà nước Việt Nam. |