Hồi ức về Việt Nam của các cựu chiến binh Xô viết: Khắc chế những bại vong

Đăng Bẩy chuyển ngữ 13/06/2018 14:00

Nikolai Alexandrovich Zharov sinh ngày 12/1/1934 trong một gia đình nông dân vùng Kaluga, xong bậc phổ thông đã tốt nghiệp các trường: Nghề thợ tiện (cùng với nhà du hành vũ trụ tương lai Yuri Gagarin), Trung cấp Công nghiệp, Thanh niên Công nhân, Học viện Thông tin liên lạc Pháo binh.

Hồi ức về Việt Nam của các cựu chiến binh Xô viết: Khắc chế những bại vong

Nikolai Alexandrovich Zharov.

Nhận lon Trung úy (1959), kinh qua nhiều đơn vị, khi đang là thiếu tá kỹ sư trưởng tên lửa phòng không của Quân đoàn 23 Quân chủng Phòng không CCCP thì được điều sang làm chuyên gia chính về tổ hợp tên lửa phòng không S-75 (SAM-2) trực thuộc kỹ sư trưởng tên lửa phòng không của Quân chủng Phòng không – Không quân Việt Nam từ 17/3/1969 đến 8/3/1970.

Về nước, làm tới chỉ huy trưởng một đơn vị phòng không thuộc Quân đoàn 11 (đến 1977) rồi chuyển sang Phó chủ nhiệm khoa Quốc phòng, Đại học Bách khoa Leningrad (1977-1980), sau đó làm Trưởng đoàn chuyên gia quân sự tại Tanzania rồi về nước phụ trách đơn vị đặc nhiệm của lực lượng phòng không thuộc Quân khu Leningrad (1983-1985). Xuất ngũ năm 1985 với quân hàm đại tá.

Được tặng các huân chương Sao Đỏ, Phụng sự Tổ quốc trong lực lượng vũ trang hạng III, 15 huy chương của CCCP, huân chương Chiến công hạng III và huy chương Hữu nghị của Việt Nam.

Tạm biệt vợ con

Từ ngày 5/2/1969 tôi nhận nhiệm vụ cùng đại tá A. V. Volkov kiểm tra hệ thống tên lửa phòng không tầm trung tại thị trấn Dalneretrensk vùng Primorsk quê vợ, thì sáng 7/2/1969, điện báo viên chuyển tới lệnh “Kết thúc công việc, 18h00 có mặt tại sở chỉ huy Quân đoàn”.

Lý do: Trung Quốc xua quân lấn chiếm đảo Damansky mà họ gọi là Trân Bảo, nên nhiều đơn vị phòng không phải sẵn sàng chiến đấu.

9h00 ngày 10/2/1969 thiếu tá Baklan bên quân lực điện gọi tôi đến gặp.

Ông cho biết khi tôi đi công tác vắng, chỉ huy có họp bàn chọn tôi làm chuyên gia trạm phóng tên lửa SAM-2 tại một xứ sở nóng bức và ẩm ướt.

Hỏi “đấy là nước nào?” thì được trả lời “có thể biết trong cuộc họp dự kiến vào 14h00 ngày mai, 11/2/1969”.

Xong việc, rẽ về căn hộ của mình, nơi vợ và hai con trai của tôi đang ở tuổi mẫu giáo, ở nhà 5 phố Vagonnaya, thành phố Vladivostok, tôi không biết nói thế nào.

Vợ tôi kể rằng có nghe tin chiến sự ở Việt Nam và đợt gây hấn mới của lính biên phòng Trung Quốc, may có người chen vào nên câu chuyện chuyển sang đề tài khác, đêm trôi qua yên bình.

Từ 25 đến 27/2, kiểm tra tại Hội đồng Quân y, trao đổi với Ban chỉ huy Quân đoàn xong, ngày 4/3 gặp thiếu tướng A. I. Koldunov, tất cả các vấn đề của tôi đều tốt, tôi rắn rỏi nhận lời và cam kết thực hiện tốt nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ!

Trở về đơn vị báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình rằng tôi đã được chấm vào vị trí, chờ Moskva gọi.

12/3/1969 có lệnh về Moskva và chuẩn bị sang Việt Nam. Không xin nghỉ phép, xếp sắp ngăn nắp các tài liệu chuyên môn, cầm vé máy bay, tôi được về nhà một ngày đêm.

Tôi kể hết cho vợ về những gì sẽ đến với mình. Như thường lệ, những âu lo chỉ để trong lòng, nàng chỉ dặn: “Anh cứ đi, mệnh lệnh phải chấp hành, phải cẩn thận chọn giải pháp đúng trong điều kiện chiến trường Việt Nam! Mẹ con em mong thư anh”.

Ngày 11/3, một lần nữa trấn an vợ con rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp, tôi ra sân bay.

15/3 toàn bộ đoàn chuyên gia đã đến sở chỉ huy Quân chủng Phòng không, nghe tin tức chiến sự chủ yếu ở Việt Nam, một số lệnh của Bộ Quốc Phòng và Tư lệnh Quân chủng Phòng không CCCP, gặp gỡ các sĩ quan cùng nghề ở sở chỉ huy. Tôi được gọi đến phòng kỹ sư trưởng về tên lửa, nhận những nhiệm vụ cụ thể:

1- Hướng dẫn và hỗ trợ trực tiếp bộ đội tên lửa Việt Nam.

2- Giúp tạo dịch vụ tốt cho thiết bị tên lửa của Quân chủng Phòng không – Không quân Quân đội Nhân dân Việt Nam.

3- Huấn luyện lý thuyết và thực hành cho nhân sự của các tiểu đoàn, sĩ quan thuộc kỹ sư trưởng của Tên lửa Phòng không Việt Nam, sĩ quan tham mưu các trung đoàn và Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam.

4- Phân tích hoạt động của thiết bị kỹ thuật CCCP trong điều kiện khí hậu nhiệt đới và đề xuất hướng cần hoàn thiện cho chuyên gia công nghiệp quốc phòng CCCP.

5-Thường xuyên theo dõi việc thực hiện các yêu cầu, quy chuẩn khi lắp ráp và khai thác khí tài.

Ở Moskva đến ngày thứ hai, chúng tôi đến kho hậu cần nhận thường phục xếp vào vali rồi ra sân bay Sheremetyevo.

Trên chiếc Il-18 theo lộ trình Moskva – Tashkent – Karachi - Kolkata – Hà Nội, chúng tôi xuống sân bay cuối, ra đón có đại diện Đại sứ quán và nhóm sĩ quan tổ cơ động của đoàn chuyên gia quân sự CCCP tại Việt Nam.

Khó khăn không quản

Về Đại sứ quán, nghe Đại sứ Ilya Shcherbakov thuyết trình về tình hình chính trị, những đặc điểm trong tác chiến ở miền Bắc và miền Nam Việt Nam và chúc chúng tôi sức khỏe, thành công trong công tác được giao.

Tiếp đó, thiếu tướng Alexandr Stutrilov - Trưởng đoàn chuyên gia tên lửa phòng không – lên phát biểu, ông đặc biệt chú trọng đến việc giúp các sĩ quan Việt Nam rút gọn thao tác đưa tên lửa vào tác chiến, vào chuyển đổi trận địa.

Nguyên nhân: điều kiện không cho phép tiến hành toàn bộ công việc trong thời hạn quy định.

Sau phần nghi thức, xe bus đưa chúng tôi về doanh trại cách 20 km về phía tây nam Hà Nội – những lán tranh vách nứa, bên trong là những chiếc giường gỗ buông màn vải xô chống muỗi và các loại côn trùng.

Chúng tôi có tổ hậu cần phía Việt Nam phục vụ, tiền ăn phải trả 210 đồng (105 rub), thực phẩm địa phương, thỉnh thoảng có chở đến hàng hóa mua ở Đại sứ quán.

Phải nói thật là công việc và điều kiện sinh sống, nghỉ ngơi rất cực. Được một tuần hầu hết chúng tôi nổi mẩn ngứa, riêng tôi khi về nước phải mất hai tháng điều trị.

Độ ẩm cao, muỗi dĩn, ruồi bọ thường vây bám chúng tôi. Nhưng mọi bất tiện trong sinh hoạt không làm chúng tôi sợ, cũng chẳng có thì giờ nghĩ đến nữa, vì phải giải quyết những việc phức tạp hơn.

28/3/1969 tại chỗ đóng quân, chúng tôi được đón trung tướng Boris Stolnikov – Trưởng đoàn chuyên gia quân sự CCCP tại Việt Nam – cùng vị phó của mình – A. T. Trombachiov phụ trách công tác chính trị đến động viên khắc phục khó khăn trong điều kiện mới.

Trung tướng đã nghe đại tá Nikolai Rumiansev trưởng kíp chuyên gia trước báo cáo kết quả công tác năm 1968 của kíp mình, nói đôi lời cảm ơn và chúc phúc, sau đó tuyên đọc lệnh giao nhiệm vụ cho tôi với chức trách trưởng tổ chuyên gia thay đại tá Rumiansev.

Hồi ức về Việt Nam của các cựu chiến binh Xô viết: Khắc chế những bại vong - 1

SAM-2 là một trong những khí tài quân sự mà Bộ đội Tên lửa đã làm chủ trong thực tiễn chiến đấu ác liệt.

Truy nguyên thất bại

Các chuyên gia tổ tôi hiệp đồng rất chặt chẽ với bên Việt Nam - các sĩ quan của kỹ sư trưởng bộ đội tên lửa, thiếu tá Dục, của tham mưu Bộ đội Phòng không, thượng tướng Phùng Thế Tài...

Kế hoạch phối hợp công tác chúng tôi có lập trước, nhưng vì máy bay Mỹ thường xuyên oanh tạc khu vực có trận địa tên lửa của ta, nên hay phải thay đổi.

Biện pháp chủ yếu là chuyên gia phải tận dụng mọi cơ hội để gặp gỡ kịp thời (cả trong và ngoài kế hoạch) và cùng các sĩ quan Việt Nam đảm bảo sẵn sàng chiến đấu, phải đến từng tiểu đoàn kiểm tra để tìm nguyên nhân tên lửa bị rơi.

Năm 1969, 13 quả tên lửa bị rơi, có mấy quả rơi vào nhà dân, gây thương vong.

Ngày 23/3/1969, tiểu đoàn 43 trung đoàn 263 (chỉ huy trưởng là thiếu tá Tạ Lộc) đã phóng, nhưng tên lửa bị rơi, có mấy người thương vong.

Thông qua phiên dịch, tôi gửi lời mời cùng điều tra sự cố, thiếu tá kỹ sư trưởng Dục cùng mấy thuộc cấp đánh xe GAZ-69 đến đón, còn hai chỗ, tôi kéo thêm thiếu tá I. Kozariz chuyên gia tên lửa đến tiểu đoàn.

Chúng tôi cho chạy thử, cả hệ thống khởi động đều cho thấy đã sẵn sàng, muốn kiểm tra quả đạn phải đề nghị kỹ sư trưởng lệnh cho bộ phận kỹ thuật của sư đoàn đích thân đến.

Tôi kiểm tra tất cả các khâu, các thao tác của từng thành viên tham gia phóng và xác định được: bắn máy bay không người lái từ độ cao 400 mét trên đồng lúa, tầm xa 15 km, đường kính 7 km, tốc độ bay của mục tiêu 180 m/giây.

Tính toán trong cabin “U” đúng. Chỉ còn một khả năng là kiểm tra đài trắc đạc cơ động, thiết bị đã về tới sư đoàn. Nếu như quả đạn chuẩn, phải tinh chỉnh hướng ăngten của máy phát sóng vô tuyến.

Kết quả điều tra cho thấy: tầm thấp, gần mặt nước, biên độ hướng sóng điều khiển tên lửa bị lệch, vì trong chảo ăngten đọng khoảng 2 lít nước do độ ẩm quá cao, phải tạo lỗ thoát và dựng cao thêm gần 5 độ. Nhiều giải pháp nữa chúng tôi tìm ra và khắc phục trong vòng 8 giờ, tôi không tiện kể.

30/3/1969, một chiếc máy bay không người lái lọt vào không phận của sư đoàn 43 liền bị hạ, chỉ bằng một quả tên lửa.

Chúng tôi nhận tin đó từ những chuyên gia CCCP mới quen ở Đại sứ quán đang làm việc với trung đoàn 263 và từng xác nhận quả tên lửa phóng hôm 23 là “đạt yêu cầu”.

Thế mới biết, công việc của tổ chúng tôi được kiểm chứng, rồi trong một năm đó, chúng tôi tìm ra nguyên nhân của 11 trường hợp tên lửa rơi.

6 trường hợp rơi ở tầm thấp vì vi phạm quy tắc điều hành hệ thống trắc đạc, điều chỉnh tần sóng, v.v... 2 trường hợp rơi vì nguồn cấp năng lượng FR-15 gặp trục trặc.

Theo thống kê, năm 1968 phóng hỏng 15 quả, 1969 – 7 quả.

Kỹ sư trưởng Dục bảo “Thủ trưởng tin các ông hơn tôi rồi đấy và đề nghị chuyên gia tìm ra nguyên nhân thất bại”. Việc này phải được phép của Trưởng đoàn chuyên gia ở Đại sứ quán.

Ngày 5/4/1969 tổ chúng tôi được mời điều tra tại các Trung đoàn 263 (cả năm 1968), 247 (3 quả, năm 1969), 274 (2 quả, năm 1968) và 246 (ngày 25/5/1969).

Tôi thống nhất với các chuyên gia trong tổ về thời gian làm việc với sĩ quan Việt Nam rồi thông báo cho các tổ trưởng ở tất cả các trung đoàn cần điều tra.

Công việc diễn ra có ngắt quãng, nhưng cũng kết thúc hôm 27/4, đã tìm ra những lỗi chính trong tính toán.

52% nguyên nhân bắn hỏng là do sĩ quan và thao tác viên không tuân thủ quy tắc bắn và chỉ dẫn tác chiến; thao tác sai trong điều kiện nhiễu, xác định cự ly, chế độ phóng, sóng tần điều khiển đạn, tọa độ mục tiêu, chế dộ nguồn cấp năng lượng, độ nhạy khi cho tên lửa tăng nhanh hoặc giảm tốc...

Hồi ức về Việt Nam của các cựu chiến binh Xô viết: Khắc chế những bại vong - 2

Bộ đội ta lắp ráp SAM-2 thời chống Mỹ. (Ảnh tư liệu).

Huấn luyện, kiểm tra

Trong sư đoàn, học lý thuyết và thực hành là công tác cấp bách số 1, tất cả các cấp bậc chỉ huy, đội ngũ kỹ thuật và chiến sĩ đều phải tham gia. Mỗi chuyên gia đảm nhiệm 240 giờ, nhưng phải biết trước nguyện vọng của người nghe.

Với cấp chỉ huy từ sư đoàn, trung đoàn đến trung đội thì đề tài phải thông qua kỹ sư trưởng và Tư lệnh quân chủng Phòng không – Không quân Việt Nam – việc này mỗi chuyên gia đảm nhiệm 150–160 giờ.

Ngoài ra, hễ có lúc rảnh, chuyên gia giải đáp vấn đề lý thuyết cho từng cá nhân cần thiết.

Phần thực hành trên khí tài theo quy chế (tháng hoặc mùa), khi kiểm tra sẵn sàng chiến đấu và cần sửa chữa lớn nhỏ.

Tuy nhiên, theo yêu cầu của Quân chủng, phải thực hiện quy chế kiểm tra hằng tháng xem mức độ ảnh hưởng khí hậu đến những linh kiện điện tử trong khí tài. Đồng thời phải kiểm tra độ chính xác của các thao tác viên và thiết bị phóng.

Đến tháng 10/11 năm 1969, dưới sự lãnh đạo của Phó tổng công trình sư SAM-2, các giải pháp được hoàn chỉnh tại trung đoàn 236 và triển khai ở Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Thời gian đó, Mỹ thả nhiều máy bay không người lái dạng 147j, BQM-34A, BQM-72 và cường kích F-105 oanh tạc cầu phà và đường mòn Hồ Chí Minh. Tôi trình bày cách đảm bảo an toàn cho hai sư đoàn mai phục.

17h30 ngày 16/11/1969, sau khi hoàn thiện giải pháp, phát hiện máy bay địch và nhận lệnh chờ mục tiêu vào tầm sẽ bắn hạ.

Tất cả đều nghe rõ, nhưng bệ phóng thì đó, tên lửa đang ở chỗ khác. Trưởng tổ công tác Alexandr ra lệnh tắt sóng, tất cả chui vào cabin “U” nắm tình hình: máy bay thả nhiễu ở tầm xa 80 km, độ cao 7 km và có lệnh chuẩn bị ngay các thông số để cho phóng.

Các thông số được truyền ngay về trung đoàn, và lập tức chúng tôi nghe tiếng nổ tên lửa xuất phát. Lệnh bắn phát ra từ sư đoàn đang mai phục, và trung đoàn đã hạ mục tiêu chỉ bằng một quả tên lửa.

Năm 1966 khí tài của Liên Xô được chuyển giao toàn bộ cho Quân đội Việt Nam, nhưng khâu hướng dẫn tính toán tiếp tục do chuyên gia Liên Xô phụ trách tại từng trung đoàn tên lửa.

Công việc trung tu và đại tu tiến hành tại xí nghiệp A-31 đã chuyển giao hoàn toàn cho Việt Nam từ cuối năm 1969.

Từ cuối 1966 là giai đoạn Mỹ dùng Shrike và bom bi, chuyên gia phải giúp bạn nhiều hơn.

Riêng tôi được Sư trưởng cho phép có mặt trong cabin “U” 13 lần, phải nói trong tất cả các trường hợp, quyết định phóng đều đúng.

Vì máy bay địch lọt vào không phận đều bị tiêu diệt, điểm sẵn sàng chiến đấu đạt ưu.

Trận địa tên lửa là cả một tổ hợp khí tài kỹ thuật, trinh sát, thông tin... nên chiến công là của cả một tập thể và phụ thuộc vào từng người lính tham gia sử dụng khí tài đó vào việc tiêu diệt máy bay địch.

Sử dụng khí tài phòng không gồm hai khâu: bảo dưỡng theo quy chế và sửa chữa các loại.

Bộ đội Việt Nam nếu bảo dưỡng, sử dụng đúng tên lửa phòng không thì bắn sẽ đạt hiệu quả cao, tổn thất ít, nên chuyên gia đã tiến hành nhiều cuộc thực hành bảo dưỡng, sửa chữa SAM-2.

19/6/1969, kỹ sư trưởng Dục mời cả tổ chuyên gia kiểm tra hai sư đoàn tên lửa bảo vệ cầu Hàm Rồng, cử một sĩ quan đánh xe GAZ-69 đến đón 5 chúng tôi.

Đến nơi lúc 16h00, uống chén trà xanh, ăn chút lót dạ, chúng tôi muốn kiểm tra sư đoàn thứ nhất, nhưng sĩ quan cùng đi bảo chờ lát. Khi thiếu tá Dục đến và cho biết cần kiểm tra sẵn sàng chiến đấu, chúng tôi cho sư đoàn báo động cấp 1.

Chỉ tốn 5 phút, một chuyên gia phát hiện và khắc phục âm thanh “lạ” trong đài thu phát “PA”. 20 phút sau kết luận: công nhận sư đoàn sẵn sàng chiến đấu.

Chúng tôi lên xe đến sư đoàn thứ hai, phải qua sông, chờ nghẽn đường, đang đi bỗng nghe tiếng tên lửa xuất hành và tiếng nổ của đầu đạn.

Hỏi thiếu tá Dục, ông bèn cho người đến đơn vị cao xạ gần đấy tìm hiểu, 30 phút sau người ấy về báo cáo: sư đoàn chúng tôi vừa kiểm tra bắn quả ấy.

Hóa ra khi chúng tôi rút đi, sư đoàn cho họp và thẩm định lại kết luận của chúng tôi, nhân đó phát hiện máy bay không người lái ở độ cao 700 m và phóng vào tầm xa 13 km, mục tiêu bị diệt, chỉ tốn một quả, đang cho tìm kiếm chỗ máy bay rơi để biết chủng loại và số hiệu của nó.

Sang kiểm tra sư đoàn thứ hai, Boris Mamotov, chuyên gia cabin “K” phát hiện một bóng đèn bị cháy và lắp mới ngay. Kết luận: công nhận sư đoàn sẵn sàng chiến đấu.

14-07-1969 đến Hải Phòng tìm hiểu vì sao sư đoàn 66 phóng 2 quả không thành công. Nghe các sĩ quan tường thuật, xem lại đường bay của địch, thấy sư đoàn chưa sẵn sàng, phát lệnh báo động cấp 1.

Kiểm tra cẩn thận các chỉ số ở từng thiết bị, đến đài thu phát “PA”, tôi thấy những hai bộ AVO-5, hỏi, kỹ thuật viên bảo không biết. A. Peters, chuyên gia “PA” bảo tôi kiểm tra hết từ điện áp đến các đèn báo.

Chế độ nguồn bị đặt sai chuẩn, một số chỗ tiếp xúc hỏng, cháy xém, trong cabin “U” để điện áp cao hơn 10%. Khắc phục xong, kết luận: công nhận sư đoàn sẵn sàng chiến đấu.

20/7/1969 tôi đến sở chỉ huy Đoàn chuyên gia báo cáo trung tướng B. Stolnikov, ông hỏi tôi “đến Hải Phòng kiểm tra rồi chứ?”.

Tôi định báo cáo chi tiết, ông bảo: “Khỏi cần, các cậu thật tuyệt. Hôm qua sư đoàn ấy từ trận địa dự phòng đã phóng hai quả vào hai máy bay cường kích, một chiếc rơi ngoài biển, ngư dân chứng kiến”.

Tôi hỏi lại: “Sao tôi không nhận được thông tin đó, thưa trung tướng” và được trả lời rằng ông vừa ở trung đoàn MIG-21, Trưởng tổ chuyên gia đề nghị cho xuất kích, nhưng trung đoàn trưởng Không quân Việt Nam bảo thế nào tên lửa cũng diệt được.

Đấy là những ví dụ chứng tỏ các tổ hợp tên lửa phòng không của chúng ta hoạt động chắc chắn, tin cậy vì lắp đặt và sử dụng chúng là những chuyên gia – những nhà chuyên nghiệp cự phách trong công việc của mình.

4-3-1970 tôi bất ngờ khi gặp vợ và em gái Maria ra đón tại ga bay Sheremetyevo. Mười năm sau, 18-8-1980, lần này có vợ đi cùng, tôi bay sang Tanzania châu Phi thực hiện nhiệm vụ mới của Chính phủ.

Từ 11 đến 19/5/2011, tôi trở lại thăm dải đất hình chữ S theo lời mời của Bộ Quốc phòng Việt Nam...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hồi ức về Việt Nam của các cựu chiến binh Xô viết: Khắc chế những bại vong

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO