Hai mùa vắng hội Xuân, nên để nhớ trong lòng bao người.
Mấy ai nghĩ rằng Xuân vẫn về mà sau Tết làng lại không mở hội. Dịch covid với những diễn biến khó lường, khiến mọi sự phải theo một diễn tiến khác, đành phải chờ. Trong nỗi nhớ hội xuân khắp các làng tổng, khắp mọi miền đất nước, tôi viết đôi dòng về lễ hội mùa xuân.
Mùa tha thiết với lá cành, mùa thơm trong hương hoa và má môi con gái.
Mùa Xuân cũng là khi làng mở hội, thấy cờ hội và tiếng trống là thấy lòng hân hoan. Đình chùa, đền miếutấp nập người đi lễ, đi chơi hội xuân. Hội của một làng, nhưng người các làng trong xã, trong tổng cũng đều tính ngày để hẹn nhau, nhất là đám thanh tân... Người ta vẫn bảo hết Tết, phải được dự hội làng mới là đónnhận trọn vẹn Xuân.
Nếu Tết của mọi nhà thì hội lại là của làng, của tổng. Tết nhắc nhớ, Tết gọi người ta trở về nếp nhà của mình, cúi đầu thắp hương khấn bẩm tiên tổ điều đã làm được trong năm qua và tỏ bầy mong ước của mình trong năm mới, thì hội với những nghi lễ gắn với cộng đồng xóm giềng, làng xã khiến con người ta bỏ qua những hiềm khích, định kiến cùng dâng lễ kính cẩn đến vị linh thần của chung được phụng thờ tại đình đền, lăng miếu với các nghi lễ truyền đời.
Ngay từ trong Tết, dù việc nhà có bận mấy thì các bậc cao niên, chức sắc và các hội nhóm như hội của xóm, hội đồng niên, hội trai đinh, trai chay, gái trinh... cũng đã có sự chuẩn bị để đến ngày hội các nghi lễ tế, rước và các tục hèm được diễn ra theo đúng lệ xưa, uy nghiêm và thành kính.
Nếu Tết để gắn kết mối quan hệ gia đình, nội tộc thì hội là sự gắn kết các mối quan hệ của người làng, các dòng tộc, trong mối quan hệ cộng đồng bền vững, chịu ảnh hưởng và lệ thuộc lẫn nhau. Những hoạt động này cho mỗi người kiến thức giao đãi, đối nhân xử thế với người ngoài chứ không còn trong phạm vi gia đình hay họ hàng nữa. Từ đây mỗi người sẽ tích lũy được cho mình những vốn liếng giao tiếp nhất định, theo tháng năm sẽ nhiều hơn lên cùng những hiểu biết về văn hóa nơi mình sinh sống. Cùng với đồng đất hằng ngày con người ta cho lương thực, thực phẩm, cho niềm vui gieo trồng , niềm hi vọng hay sự hân hoan thu hoạch cùng với đó cũng vần vũ những âu lo theo mùa vụ, tháng năm... thì những ngày hội làng thấm vào tâm hồn mỗi người tất thảy những gì diễn ra và bồi đắp thành tình yêu quê nhà. Có thể có người cắt nghĩa được, nói hay viết ra khi có thể, nhưng không ít người chỉ âm thầm rưng rưng khi nhắc nhớ. Không chỉ khi người ta xa quê, mà có khi ở ngay trên đất này mà mỗi độ chuyển mùa, vào vụ, khi nắng mưa, lúc giáp hạt đều ăm ắp. Có lẽ chính vì thế mà khiến người tagắn bó chẳng thể rời xa quê. Đi đâu dăm bữa nửa tháng là nhớ lối ra miếu thờ ngài, nhớ sóc vọng phải thắp hương ban thồ kì của xóm, nhớ hàng gạo cổ thụ lối cuối làng ra cánh đồng cứ cuối mùa Xuân hoa lại nở hoa đỏ thắm. Hoa cây gạo nếp khác hẳn các làng khác cũng có cây gạo nhưng là loại gạo tẻ, hoa màu nhạt hơn nhiều.
Với người đi xa, ngóng về cây đa đầu làng, ngóng cơn gió ‘’cái’’ thơm mùi lúa khi làm đòng. Nhớ lời u bảo: Sau mùa đi mót thóc, gột đàn vịt, bán được tiền u mua cho bộ quần áo mới vào cấp 3, chứ không quần cá rô đớp 7 ngày không tới gấu rồi. Tháng ngày, cờ vịt kiu kiu tiếng vịt đàn, bộ quần áo mới đến trường huyện... chẳng thể quên điều gì dù năm tháng, đắng cay, dù đi thật xa, chọn mua những tấm áo mình muốn.
Nhớ những đêm hội xưa, làng đón đoàn cải lương về diễn ở sân khấu ngoài trời. Trẻ con kháo nhau ầm ầm rồi ăn cơm nhanh nhanh để cắp ghế đi xem. Cái sân vận động rộng mênh mông mà đội thủy lợi đã chặt tre rào thành 4 cổng, 4 phía. Người nhà trong khu này ra vào thỏa mái, khiến bọn trẻ tròn mắt ao ước giá nhà mình trong ấy để khỏi phải mua vé trẻ con xem văn công.
Mưa Xuân ấm nồng, mưa đấy mà không tắt được cái đèn dầu đỏ quạch trên mẹt hàng của người bán hàng hội. Dưới là cái thúng cái trên miệng thúng để cái dần hay cái sảo rồi bầy lên đó dăm quả dưa chuột, túi nhót, dăm bao thuốc lá, trăm thuốc cuộn, túi hạt hướng dương, có cái chén để đong, dăm túi kẹo dồi, kẹo lạc, bó đóm, cái đèn dầu... thế là thành người đi bán hàng hội. Nhà nào sang hơn thì có cái đèn bão. Đám trẻ con lau nhau mua dưa chuột chấm muối ớt cắn ăn sồn sột, đám thanh niên bá vai nhau chụm đầu bên mẹt hàng, chúng mua thuốc hay tán cô bán hàng không biết mà cứ vòng trong vòng ngoài thế này ai dám mua. Hội làng to mới đủ tiền đón văn công, chứ hội làng nhỏ không có lực không thể đón văn công về diễn cả tuần như thế này được, nên người làng nào mở hội to thường tự hào về điều này. Ngày đi dâng lễ, rước kiệu bận đến đâu thì tối vẫn phải đi xem hội. Đám bán hàng là đám ghê ra mặt chứ không cũng bị thó đồ có mà mất lãi. Đã thế đám con trai toàn kiếm cớ “ala xô” để trêu gái làng bên hay ‘’khịa” đám “người thiên hạ’’ đi chơi hội. Nhiều khi đúng là ‘’đánh nhau vỡ đầu mới nhận ra người quen’’.
Trên sân khấu diễn viên trang điểm lộng lẫy, diễn sâu khiến không ít người mê mải theo. Có nhiều em bé ngủ trên tay mẹ, mưa ướt cả má. Mẹ phải tháo khăn ra che cho con ngủ tiếp. Đám trẻ lớn hơn mồm cắn chắt, mắt đăm đăm hướng về sân khấu như nuốt từng lời.
Rồi đêm diễn cũng tan, nhiều người đứng lại chờ người ta tản bớt mới dám ra về. Có khi, tự dưng thấy tiếng người hốt hoảng la toáng lên vì đổ hết cả mẹt hàng, hay bị chen lấn xô đẩy quá. Mọi người đổ dồn mắt về phía ấy, đám thanh niên hiếu kì lao vào giữa đám đông chẳng rõ là để xem chuyện gì hay sẵn sàng can ngăn nếu có xô sát. Nhiều người cứ nghĩ đám thanh niên đánh nhau vì tranh tán gái, hóa ra không phải. Có cậu lao ra từ đám đông ra lắc đầu quầy quậy nói:
- Đám ma cô chỉ vờ vĩnh để bóp vú con nhà người ta.
Thì ra là thế. Các bà các chị mau mồm mạnh dạn nói ngay:
- Sư bố các ông tướng, láo lếu là không ai bằng, là đứa nào để về bảo bố mẹ chúng nó không biết dạy con. Cậy đất làng mình, đi thiên hạ làm thế có mà bị đánh cho tuốt xác...
Nhiều cô gái thấy thế chột dạ, 2, 3 cô đang dùng khăn giăng che đầu với nhau phải buông vội tay, chịu mưa ướt tóc chứ không dám ‘’phô’’ nữa.
Cỏ nát dưới chân người mùi ngái nồng, mưa không lạnh mà ấm áp bởi đương xuân. Có những cô gái hú hồn vì nghe chuyện bị lợi dụng trong đám hội, bảo nhau rằng năm sau không đi nữa, ngộ nhỡ... Nhưng mà trống rong, cờ mở đám trai đinh lo việc rước kiệu thánh đố dám làm càn bao giờ và đi hội để cầu may, cầu duyên cả năm mới có một lần với lại có người đón, người đưa tận nơi lo gì...
Mỗi năm gom lại đôi điều, rồi thấm thoắt cũng đủ để nhớ, để kể về quê mình. Mới hôm nào còn thanh tân, bận áo dài, thắt đai đỏ đi rước kiệu các bà vẫn bảo:
- Đám gái trinh được đi rước kiệu hoa là sớm đắt chồng lắm.
Nhiều bà, nhiều chị giờ kể lại vẫn mủm mỉm cười bảo, đúng thật, sau hội làng là dạm ngõ, đi dầu ngay.
Lễ hội mùa Xuân bao giờ cũng ẩn chứa những điều kì diệu có khi rất gần thấy ngay trong mùa Xuân ấy, có khi lại được cất đi để mãi sau này mới ngẫm ra để kể trong những xúc cảm đặc biệt, vẹn nguyên.