Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết, theo báo cáo của 47 địa phương, có 2.093 trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, có 133 trẻ em dưới 5 tuổi và tập trung chủ yếu tại các tỉnh phía Nam.
Thời gian qua, Bộ LĐTB&XH đã tham mưu Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ trẻ em, phụ nữ mang thai. Bộ LĐTB&XH cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ trẻ em mồ côi do Covid-19, trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19.
Đến nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với 27 tỉnh, thành phố hỗ trợ 7,26 tỷ đồng cho 1.427 trẻ em mồ côi mất cha, mẹ do Covid-19 (mức 5 triệu đồng/trẻ em) và 128 trẻ em sơ sinh là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19 (mức một triệu đồng/trẻ em).
Ngoài chính sách hỗ trợ trước mắt cho trẻ em mồ côi, Bộ LĐTB&XH đang phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) xây dựng nhanh các hướng dẫn về chăm sóc thay thế phù hợp với nguyên tắc và khuyến nghị của Liên hợp quốc, hỗ trợ địa phương triển khai đánh giá trẻ em mồ côi, xây dựng kế hoạch can thiệp hỗ trợ phù hợp nhất và hiệu quả nhất với các em; đồng thời tập huấn đội ngũ cán bộ hỗ trợ nâng cao năng lực cho trẻ em ở cộng đồng, chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý cho trẻ em.
Theo khuyến cáo mới của UNICEF tại Việt Nam, cần chăm sóc thay thế dựa vào gia đình và cộng đồng cho trẻ em mồ côi do Covid-19. Trong trường hợp không tìm được các gia đình họ hàng thích hợp, thì Chính phủ cần tìm cho trẻ các gia đình mong muốn nhận nuôi trẻ, sẵn sàng yêu thương và giúp đỡ các em và Chính phủ cần hỗ trợ và giám sát trẻ em trong quá trình trưởng thành.
Cùng với chính sách từ Nhà nước, hiện các địa phương, bộ, ngành và xã hội đồng loạt triển khai chính sách hỗ trợ cho trẻ mồ côi do dịch. Đơn cử như chương trình “Nối vòng tay thương” hỗ trợ trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động. Theo đó, chương trình kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chung tay chăm lo, hỗ trợ trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19 đến năm 18 tuổi một cách bền vững, lâu dài để các em sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, đảm bảo các điều kiện để các em phát triển toàn diện và trở thành người có ích trong xã hội.