Cùng lúc tổ chức cho gần 21.000 thí sinh tham dự kỳ thi Quốc gia và hàng loạt các công việc kèm theo khiến Nam Định và trường Đại học được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ về phối hợp tổ chức ít nhiều lo lắng…
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định: “Cần huy động cả hệ thống chính trị của tỉnh tham gia tổ chức tốt kỳ thi”.
Hôm 24/5, UBND tỉnh Nam Định họp bàn triển khai công tác tổ chức các kỳ thi năm 2016, trong đó có việc tổ chức kỳ thi Quốc gia…
Thông tin tại phiên họp, ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh cho biết kỳ thi Quốc gia năm nay, tỉnh Nam Định có 20.788 thí sinh (TS) đăng ký dự thi, trong đó 5.694 TS chỉ đăng ký dự thi tốt nghiệp; 13.653 TS vừa đăng ký thi tốt nghiệp vừa đăng ký thi ĐH, CĐ và 1.430 TS đăng ký dự thi ĐH, CĐ. Trong số các TS, có 1.602 TS đăng ký dự thi môn Lịch sử…
Cũng theo ông Cao Xuân Hùng, theo phương án tổ chức mới, đưa về các địa phương tổ chức, tại tỉnh sẽ có 2 cụm thi.
Trong đó, cụm thi dành cho các TS chỉ thi tốt nghiệp do Sở GD-ĐT tỉnh chủ trì tổ chức (Sở dự kiến tổ chức tại 13 điểm thi); cụm thi dành cho các TS dự thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ do Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội chủ trì tổ chức (theo phân công của Bộ GD-ĐT).
Với phương án này, phát biểu tại kỳ họp, cả đại diện lãnh đạo địa phương và lãnh đạo ĐH Công nghiệp Hà Nội ít nhiều thể hiện sự lo lắng.
PGS, TS Trần Đức Quý, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội: “Tổ chức cho anh em ăn ở đâu, nghỉ ở đâu, đi lại thế nào là việc không đơn giản”.
Theo PGS, TS Trần Đức Quý, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, để triển khai nhiệm vụ bộ giao, nhà trường đã phối hợp với địa phương tiến hành khảo sát, bước đầu thống nhất sẽ tổ chức cụm thi dành cho hơn 15.000 TS (vừa đăng ký thi tốt nghiệp vừa đăng ký thi ĐH, CĐ) tại 18 cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Nam Định và huyện Vụ Bản liền kề.
Hiện trường đang triển khai việc ký hợp đồng thuê địa điểm, thuê nhân lực của 18 cơ sở giáo dục này…
Lo lắng lớn nhất của ông Trần Đức Quý là cùng lúc phải tổ chức cho khoảng 6-700 cán bộ, giáo viên nhà trường về Nam Định tham gia tổ chức, chấm thi, trong khoảng thời gian kéo dài từ 5 đến 6 ngày.
“Tổ chức cho anh em ăn ở đâu, nghỉ ở đâu, đi lại thế nào là việc không đơn giản. Để hoàn thành được nhiệm vụ Bộ giao, trường phải nhờ đến sự phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện của địa phương”, ông Quý nêu thực tế.
Ông Quý cũng băn khoăn khi trong số các cơ sở giáo dục trường dự kiến thuê để tổ chức kỳ thi có nhiều cơ sở giáo dục là trường THCS. “Bàn học ở đây nhỏ, dành cho học sinh cấp 2; ngồi làm bài thi ở đây các em TS sẽ không được thoải mái!”, ông Quý băn khoăn.
Chỉ đạo tại phiên họp, ông Ngô Gia Tự, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo các kỳ thi của tỉnh nhìn nhận việc phải cùng lúc tổ chức cho hơn 21.000 TS tham dự kỳ thi Quốc gia là một nhiệm vụ hệ trọng của địa phương…
Từ đó, ông Ngô Gia Tự, yêu cầu các thành viên ban chỉ đạo, các cơ quan liên quan của tỉnh phối hợp với Sở GD-ĐT, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội xây dựng kế hoạch tổ chức chi tiết, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức thành công kỳ thi tại địa phương.
Trong đó, ông Ngô Gia Tự yêu cầu các cơ quan liên quan của tỉnh phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về kỳ thi để nhân dân trong tỉnh nắm rõ, chủ động chuẩn bị cũng như ủng hộ các cơ quan chức năng. Đồng thời xây dựng, chủ động các phương án đảm bảo về an ninh trật tự, an toàn giao thông, hậu cần, thông tin, y tế, quản lý tốt giá cả các dịch vụ liên quan trong thời gian kỳ thi diễn ra; tạo các điều kiện thuận lợi cho báo chí được tác nghiệp…