Hơn 200.000 hộ dân ở Nam Định sẽ thay thiết bị thu sóng truyền hình

Tin ảnh: Trần Duy Hưng 28/07/2017 20:42

Chiều nay, 28/7, thông tin với báo chí tại hội nghị giao ban báo chí của tỉnh, bà Hoàng Thị Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Nam Định cho biết từ ngày 15/8/2017 tới đây sóng truyền hình tương tự mặt đất (thu sóng bằng Ăng-ten râu) sẽ ngừng phát trên địa bàn tỉnh này...

Phó Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông Nam Định Hoàng Thị Bích Hảo: “Toàn tỉnh còn khoảng trên 200.000 hộ vẫn đang xem truyền hình qua sóng truyền hình tương tự mặt đất”.

“Đây là việc nằm trong lộ trình thực hiện Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hướng đến nhiều mục tiêu, trong đó có việc nâng cao chất lượng dịch vụ truyền hình”, Phó Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông Nam Định thông tin.

Bà Hoàng Thị Bích Hảo cũng cho biết, với việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất, các hộ gia đình đang xem truyền hình cáp, truyền hình in-tơ-nét, truyền hình vệ tinh... sẽ không bị ảnh hưởng gì.

Bà Hảo cũng cho biết, theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Thông tin-Truyền thông, các hộ nghèo, cận nghèo sẽ được nhà nước hỗ trợ 01 đầu thu truyền hình số mặt đất kèm theo ăng-ten thu phù hợp cùng dây cáp. Theo danh sách đã được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt, toàn tỉnh có 58.937 hộ nghèo, cận nghèo được nhận hỗ trợ.

“Đến nay, Mobfone Nam Định-đơn vị trúng thầu cung cấp thiết bị-đã trao, lắp đặt đầu thu truyền hình số cho 58.832/58.937 hộ nghèo, cận nghèo nói trên. 105 hộ nghèo, cận nghèo còn lại chưa trao được do có hộ neo đơn chủ hộ đã mất, có hộ đi làm ăn xa, có hộ lại không có nhu cầu”, bà Hoàng Thị Bích Hảo thông tin.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông Nam Định, qua thống kê hiện toàn tỉnh vẫn còn khoảng trên 200.000 hộ dân không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo vẫn đang thu sóng bằng công nghệ truyền hình tương tự mặt đất (thu bằng ăng-ten râu).

Đến ngày 15/8 tới đây, khi công nghệ phát sóng này ngừng phát trên địa bàn tỉnh, muốn xem được 7 kênh truyền hình quốc gia trọng điểm và truyền hình địa phương, hơn 200.000 hộ dân này sẽ phải mua, lắp đặt thiết bị đầu thu truyền hình số, mới có thể xem được.

“Hiện trên thị trường, một thiết bị đầu thu truyền hình số có giá giao động từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng, tùy loại”, bà Hảo cho biết thêm.

Quang cảnh buổi giao ban báo chí.

Chủ trì buổi giao ban báo chí, bà Phạm Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định nhìn nhận việc ngưng phát sóng truyền hình công nghệ cũ, thay bằng công nghệ mới là một thay đổi rất lớn, tác động đến nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh...

“Tôi chỉ lấy mức giá thấp nhất là 530 nghìn một thiết bị thì hơn 200.000 hộ dân ở Nam Định tới đây sẽ phải bỏ ra 106 tỷ đồng để mua thiết bị đầu thu mới. Đây là số tiền vẫn còn rất lớn với nhiều hộ dân trong tỉnh, không phải hộ nào cũng có sẵn để mua”, bà Phạm Thu Hằng nhìn nhận.

Bà Hằng cũng cho rằng mặc dù các cơ quan liên quan của tỉnh, các địa phương đã thông tin, tuyên truyền nhưng vẫn còn nhiều người dân trong tỉnh chưa biết đến thay đổi này, chưa hiểu tại sao lại phải thay đổi, khi thay đổi thì họ phải làm gì, phải bỏ ra bao nhiêu tiền, mua thiết bị gì, ở đâu mới có thể xem được truyền hình?

“Thời gian từ nay đến ngày 15/8 không còn nhiều. Nếu không thông tin, tuyên truyền để người dân biết, chuẩn bị từ trước thì đến lúc sóng truyền hình ngưng phát, mấy trăm nghìn hộ dân mới đổ xô đi mua thiết bị thu mới chắc chắn sẽ bị tăng giá, ép giá...”, bà nói.

Đây cũng là e ngại của Giám đốc Sở thông tin-Truyền thông Nam Định Vũ Trọng Quế-người đồng chủ trì buổi giao ban. “Khi cùng lúc có nhiều người đi mua, một thiết bị đầu thu giá 500 nghìn có thể bị đẩy lên đến 1 triệu”, ông nói.

Từ đó, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định hối thúc các cơ quan, địa phương liên quan của tỉnh phải tăng cường thông tin, truyên truyền để người dân trong tỉnh biết được thay đổi quan trọng này, từ đó có sự chủ động chuẩn bị, tránh việc cảm thấy bị “sốc” khi không xem được truyền hình...

“Trước mắt Sở thông tin-Truyền thông phải chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống truyền thanh cơ sở đẩy mạnh thông tin về việc này một cách dễ hiểu nhất cho người dân trong tỉnh biết”, bà Phạm Thị Thu Hằng chỉ đạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hơn 200.000 hộ dân ở Nam Định sẽ thay thiết bị thu sóng truyền hình