Nhằm thực hiện quy định tại Luật Giáo dục có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, Bộ GDĐT vừa xây dựng dự thảo tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.
Theo lộ trình và độ tuổi phải thực hiện nâng chuẩn trình độ đào tạo thì tổng số giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn (tính đến ngày 15/12/2019) trên cả nước là hơn 257.000 người. Trong số này có hơn 89.000 giáo viên mầm non, 116.000 giáo viên tiểu học, số còn lại là giáo viên trung học cơ sở.
Lộ trình nâng chuẩn trình độ được đào tạo giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm được thực hiện kể từ khi Luật Giáo dục có hiệu lực thi hành (ngày 1/7/2020) đến hết năm 2030. Dự thảo của Bộ GDĐT xây dựng quy định, với lộ trình nâng chuẩn và hình thức, thời gian đào tạo linh hoạt (chủ yếu học trong hè và các ngày nghỉ, học trực tuyến, học trực tuyến kết hợp với tập trung, học tích lũy tín chỉ…), các cơ sở giáo dục và các địa phương sẽ chủ động được việc bố trí giáo viên để bảo đảm không xảy ra tình trạng thiếu giáo viên giảng dạy.
Theo cơ sở dữ liệu của ngành Giáo dục, tính đến tháng 12/2019, cả nước có 1.021.847 giáo viên (giáo viên các cơ sở giáo dục công lập là 912.996 người, còn lại là giáo viên các cơ sở giáo dục ngoài công lập). Trong số này có 354.955 giáo viên mầm non, 380.987 giáo viên tiểu học, số còn lại là giáo viên THCS.
Đối với các cơ sở giáo dục công lập, tỷ lệ giáo viên mầm non có trình độ đào tạo từ CĐ sư phạm trở lên là 73%, trung cấp 26,6%; giáo viên tiểu học có trình độ đào tạo từ ĐH trở lên là 64,26%, CĐ 28,5%, trung cấp 7,24%; giáo viên THCS có trình độ đào tạo từ ĐH trở lên là 78,45%, CĐ 21,55%.
Hiện tại, cả nước có 15 trường ĐH sư phạm, 30 trường CĐ sư phạm và 67 cơ sở CĐ, ĐH có đào tạo giáo viên sẽ tham gia thực hiện đào tạo nâng trình độ chuẩn cho giáo viên. Trong đó, chủ chốt là các trường ĐH sư phạm và CĐ sư phạm (các trường CĐ, CĐ sư phạm chỉ đào tạo nâng chuẩn trình độ cho giáo viên mầm non).