Tính đến hết ngày 12/3, sau 5 ngày triển khai kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19, đã có 5.248 người được tiêm vaccine này, trong đó riêng Hải Dương đã tiêm cho 2.862 người.
Thông tin trên được Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết vào cuối giờ chiều ngày 12/3. Trong đó người được tiêm phần lớn là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19; các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết; thành viên các tổ Covid-19 của cộng đồng.
Mỗi người tiêm vaccine ngừa Covid-19 sẽ được cấp một mã QR, theo mã số bảo hiểm y tế
Như vậy số người được tiêm thuộc 12 tỉnh/thành phố, tính từ ngày 8/3 đến hết ngày12/3 là 5.248 người. Trong đó tỉnh Hải Dương: 2.862 người; Hà Nội: 163 người; tỉnh Hưng Yên: 138 người; tỉnh Bắc Ninh: 312 người; tỉnh Bắc Giang: 319 người; Hải Phòng: 147 người; TP HCM: 704 người; tỉnh Gia Lai: 200 người; tỉnh Long An: 159 người; Đà Nẵng: 117 người; tỉnh Hòa Bình: 32 người; tỉnh Khánh Hòa: 95 người
Trong tuần tới các tỉnh Quảng Ninh, Điện Biên, Đồng Tháp sẽ bắt đầu triển khai tiêm vaccine Covid-19.
Theo GS.TS Đặng Đức Anh -Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, trong quá trình triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19, người đến tiêm chủng đều được khám sàng lọc trước tiêm chủng và yêu cầu khai báo về tình trạng sức khỏe, bệnh nền và các mũi tiêm chủng trong thời gian gần đây để cán bộ y tế đưa ra chỉ định phù hợp. Đồng thời, người đến tiêm chủng được tư vấn đầy đủ về tác dụng và những sự cố bất lợi có thể xảy ra, những dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần thông báo cho cán bộ y tế. Tất cả các dấu hiệu bất thường về sức khỏe sau tiêm đều được theo dõi và báo cáo.
Còn theo GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế thì việc tổ chức tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho người dân trên tinh thần “hiệu quả, chặt chẽ, đảm bảo an toàn ở mức cao nhất” trong tất cả các khâu khám, sàng lọc trước khi tiêm. Người được tiêm được theo dõi sức khỏe sau tiêm 30 phút tại chỗ và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe bản thân trong vòng 1-2 ngày tiếp theo; khi có các dấu hiệu bất thường, đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử lý kịp thời. Mỗi người tiêm sẽ được cấp một mã QR - theo mã số bảo hiểm y tế, liên thông với phần mềm hồ sơ sức khỏe để tiếp tục theo dõi và nhắc thời gian tiêm.
“Đây là quy trình được Bộ Y tế xây dựng, theo dõi chặt chẽ nhằm đảm bảo sức khỏe người dân trong bối cảnh dịch bệnh”- theo Thứ trưởng Thuấn.
Ba mẹ con mắc Covid-19 khi sang Úc: Nguồn lây không phải từ Việt Nam
Mới đây, qua thông tin từ Văn phòng đầu mối thực hiện điều lệ Y tế quốc tế (IHR) của Việt Nam, phía Úc đã làm giải trình tự gene và trả lời chủng virus gây bệnh cho 3 mẹ con chị N.T.L.H có địa chỉ tại đường Nguyễn Công Trứ, quận Lê Chân, Hải Phòng là chủng biến thể Nam Phi (B.1.351).
Theo Cổng TTĐT thành phố Hải Phòng, chủng virus biến thể này hiện chưa ghi nhận ngoài cộng đồng tại Việt Nam. Việt Nam chỉ mới ghi nhận 1 trường hợp chuyên gia nhập cảnh nhiễm chủng này vào cuối tháng 12/2020, người này đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Ngoài ra, phía Úc cũng ghi nhận thêm 2 hành khách trên cùng chuyến bay với gia đình chị H. từ Singapore sang Úc nhiễm chủng virus này. Vì vậy, khả năng cao là các bệnh nhân này đã bị nhiễm virus từ trên chuyến bay hoặc từ Singapore chứ không phải lây nhiễm từ Việt Nam. Phía Úc sẽ tiếp tục liên hệ với Singapore để có thêm thông tin các chủng virus gây bệnh tại nước này.
Trước đó, ngày 28/2, chị N.T.L.H. (42 tuổi) cùng 2 con trai (11 tuổi và 18 tuổi) di chuyển từ Sân bay Nội Bài đến sân bay Changi tại Singapore (trên chuyến bay SQ191 xuất phát từ sân bay Nội Bài lúc 12h35 ngày 28/2/2021). Sau đó, 3 mẹ con ở tại phòng chờ của sân bay Changi, Singapore trong khoảng thời gian từ 16h ngày 28/2/2021 đến 9h00 ngày 1/3/2021 trước khi nối chuyến sang Úc. Tiếp đó, 3 mẹ con di chuyển từ Singapore sang Úc trên chuyến bay SQ211 (hạ cánh tại sân bay Canberra ngày 1/3/2021). Sau khi đến Úc, 3 mẹ con được đưa đến cơ sở cách ly theo quy định của Chính phủ Úc để thực hiện cách ly 14 ngày.
Ngày 3/3, cháu T.D.H. có kết quả xét nghiệm dương tính; ngày 6/3/2021, chị N.T.L.H. có kết quả xét nghiệm dương tính; ngày 11/3/2021, cháu T.G.M. có kết quả dương tính.
Ngay sau khi nhận được thông tin về các ca bệnh, Sở Y tế Hải Phòng đã ban hành Thông báo khẩn số 4 cho người dân nếu đã tiếp xúc gần với các trường hợp ca bệnh nói trên trong khoảng thời gian từ ngày 20/2 đến 28/2 thực hiện khai báo với y tế địa phương để được hướng dẫn thực hiện các biện pháp y tế phù hợp. Đồng thời, tiến hành khoanh vùng, cách ly y tế, phun khử khuẩn tại các hộ gia đình có liên quan đến các ca bệnh.
Như vậy, có thể thấy rằng trường hợp ba mẹ con đi từ Hải Phòng, phía Úc xét nghiệm dương tính, không phải là những ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Việt Nam.
Ngày 13/3, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có công điện gửi Sở Y tế TP HCM, Hải Phòng và tỉnh Gia Lai về việc điều tra, đánh giá, kết luận nguyên nhân trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng vaccine Covid-19. Theo đó, ngày 11/3, Bộ Y tế nhận được một số thông tin về các trường hợp tai biến nặng sau tiêm vaccine Covid-19 tại 3 địa phương trên. Cục Y tế dự phòng đề nghị các Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai xác minh thông tin, tổ chức họp Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến sau tiêm chủng để đánh giá, kết luận nguyên nhân các trường hợp tai biến nặng sau tiêm và triển khai các hoại động theo quy định.
Trước đó, chiều 12/3, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 Bộ Y tế cho biết, cả nước ghi nhận 5 trường hợp phản vệ độ 2 (2 trường hợp đã hồi phục và ra viện, 3 trường hợp đã ổn định, đang tiếp tục được theo dõi), 2 trường hợp tiêu chảy và 1 trường hợp kẹt huyết áp sau tiêm vaccine Covid-19. Hầu hết các trường hợp này là phản ứng thông thường như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, phát ban, đau cơ, đau đầu, tiêu chảy…