Tại Lễ phát động phong trào hiến mô, tạng vừa diễn ra, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người thông tin, tính đến đầu tháng 12 năm nay đã có hơn 62 nghìn người đăng ký hiến tặng mô, tạng trong cả nước.
Theo thống kê của Trung tâm, tới nay Việt Nam đã thực hiện được hơn 7.000 ca ghép tạng, chủ yếu là nguồn từ người hiến sống. Mặc dù nhu cầu ghép mô tạng đang rất lớn, nhưng nguồn tạng từ người cho chết não vẫn còn khan hiếm, mới chỉ có hơn 100 trường hợp chết não hiến tạng. Những năm gần đây, hiến tạng từ người cho chết não đã tăng lên với số lượng tích cực. Riêng trong năm 2022 đã có khoảng 10 trường hợp chết não hiến tặng tạng.
Mới đây đã có 2 gia đình ở Hà Nội và Bắc Ninh đã hiến tạng của người thân chết não, cứu sống và mang lại ánh sáng cho gần 10 bệnh nhân khác. Trước hành động cao đẹp này, Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế) đã tổ chức Lễ truy tặng kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân cho 2 người chết não hiến tạng là bà Nguyễn Thị Hồng Hải (50 tuổi) ở Hà Nội và anh Đào Đức Lợi (27 tuổi) ở Bắc Ninh.
PGS Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho hay, đây là lần đầu tiên việc lấy tạng của người chết não được thực hiện tại Trường Đại học Y Hà Nội, đơn vị chưa thực hiện ghép tạng bao giờ. Nhưng các y, bác sĩ đã cố gắng ở mức cao nhất để việc lấy tạng và ghép tạng diễn ra suôn sẻ.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người nhận định, hơn 62 nghìn người đăng ký hiến tặng mô, tạng trong cả nước nói trên là con số cao so với những năm trước. Con số này sẽ càng ngày càng tăng lên khi người dân gần đây đã hiểu hơn về hiến tặng mô, tạng.
Thực tế cũng đã cho thấy, thời gian qua cộng đồng và người dân đã thay đổi nhận thức rằng cần làm được việc gì có ý nghĩa ngay khi còn sống. Đây là minh chứng rõ nhất cho thấy tinh thần nhân văn, nghĩa cử cao đẹp, lan tỏa giá trị sống tích cực.
Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người là đơn vị đầu tiên trên toàn quốc xây dựng được danh sách các trường hợp chờ ghép tạng quốc gia với gần 50.000 người đăng ký hiến tạng sau khi chết/chết não, tuy nhiên, PGS.TS Đồng Văn Hệ cho biết, hiện nay 95% ca ghép tạng ở Việt Nam được tiến hành từ người cho sống, chỉ có 5% ca ghép từ người cho chết não, điều này đi ngược hẳn hoàn toàn với xu hướng chung của toàn thế giới khi nhiều nước đa phần ca ghép tạng là từ người cho chết não. Đây là một khó khăn, thách thức cần vận động để thay đổi trong thời gian tới.
Cùng với đó, theo ông Hệ có một thực tế đáng lo ngại hiện nay là có dưới 30% bác sĩ, 20% điều dưỡng hiểu chưa đầy đủ về chết não, nhiều người không hiểu biết về chết não. Đây là những thách thức cần phải khắc phục trong thời gian tới.
Tại nhiều cuộc hội thảo liên quan tới vấn đề nguồn hiến tạng, các chuyên gia y tế rất trăn trở với việc làm sao để tăng cường được nguồn tạng hiến. Đơn cử như việc cần sớm sửa đổi bổ sung Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, cần xác định rõ hiến tạng là quà tặng sự sống, là tài sản quốc gia, không thuộc sở hữu riêng của cơ sở y tế nào.
Với mong muốn mang đến quyền lợi tối đa cho người bệnh và nguyện vọng của người hiến tạng, đại diện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã đề xuất một số giải pháp như: Mở rộng độ tuổi đối với người hiến tặng mô, bộ phận cơ thể chết não thay vì giới hạn từ đủ 18 tuổi trở lên; cần chủ động lập kế hoạch, xây dựng chương trình, hỗ trợ chuyên gia y tế nghiên cứu tạo nguồn mô, bộ phận cơ thể sinh học và vật liệu thay thế (công nghệ sao chép cơ quan 3D), tạng nhân tạo, ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong ghép tạng…