Trong lịch sử 92 năm World Cup, chưa bao giờ Argentina nhận được sự đồng lòng ủng hộ của cả Nam Mỹ như hiện tại, trong đó có đại kình địch Brazil. Họ đều mong đợi Messi và Argentina đánh bại người Pháp.
"Bóng đá Nam Mỹ không phát triển như châu Âu. Đó là lý do các kỳ World Cup gần nhất, người châu Âu luôn giành chiến thắng” - Khi Mbappe nói những lời trên với giới truyền thông vào tháng 5 năm nay, có lẽ chàng trai trẻ này cũng không thể ngờ rằng 7 tháng sau, anh sẽ là tâm điểm cuộc đọ sức giữa châu Âu và Nam Mỹ ở chung kết World Cup 2022.
Đó không chỉ bởi cuộc so tài giữa hai thế hệ thiên tài Messi và Mbappe, mà còn là màn so kè giữa trường phái “thống trị” bóng đá thế giới suốt 100 năm qua: Nam Mỹ và châu Âu. Chưa từng có quốc gia nào ngoài hai khu vực này lên ngôi ở World Cup, với phần thắng đang nghiêng về châu Âu (12 chức vô địch, trong đó có 4 lần gần nhất, hơn Nam Mỹ 3 cúp vàng).
Những ngôi sao Nam Mỹ thất sủng ở châu Âu
Khi Messi chế nhạo HLV Van Gaal sau trận tứ kết Hà Lan - Argentina, cựu danh thủ Riquelme ở cách xa vạn dặm chắc chắn sẽ bật cười như vô số CĐV Argentina, bởi người đàn em thân thiết đã giúp anh “báo thù”.
Hè 2002, Riquelme ký hợp đồng 5 năm với Barcelona, trị giá 13 triệu USD. Người hâm mộ Barcelona hy vọng anh có thể trở thành "Zidane của sân Nou Camp”. Nhưng khi đó, HLV Van Gaal của Barcelona lại không thích anh. Vị HLV người Hà Lan nói thẳng với Riquelme: “Tôi không yêu cầu ban lãnh đạo Barcelona chiêu mộ cậu”.
Định kiến của Van Gaal với Riquelme sau đó mở rộng ra những cầu thủ Nam Mỹ khác. “Khi cậu ta có bóng, cậu ta là một trong những cầu thủ hay nhất thế giới. Nhưng khi không có bóng, cậu ta chỉ là một gã kém cỏi” - với những lời nhận xét “chí mạng” của Van Gaal, Riquelme cuối cùng đã rời Barcelona trong sự chán nản tột độ. Điều này chắc chắn đã khiến cậu bé Messi, khi ấy đang trưởng thành ở lò đào tạo trẻ La Masia của Barcelona, khắc cốt ghi tâm.
Riquelme không phải ngôi sao Nam Mỹ duy nhất ở Barcelona bị ghét bỏ dưới thời Van Gaal. Trong thời kỳ dẫn dắt Barcelona, điều khiến Van Gaal bị chỉ trích nhiều nhất là loại Rivaldo khỏi đội hình. Ông muốn Rivaldo chơi ở vị trí tiền vệ cánh trái nhưng cầu thủ người Brazil lại chỉ muốn chơi ở vị trí tiền vệ công. Mâu thuẫn nảy sinh, cuối cùng Rivaldo và Barcelona chấm dứt hợp đồng trước một năm để gia nhập AC Milan.
Tháng 4 năm nay, trong một bộ phim tài liệu về Van Gaal được công chiếu ở Hà Lan, cựu HLV Barcelona đã nói về những vấn đề của cầu thủ người Brazil: “Rivaldo phá vỡ kỷ luật của đội nên phải ra đi”.
Luis Figo, một ngôi sao khác của đội lúc bấy giờ, nói thẳng với Van Gaal về vấn đề của Rivaldo: “Ông có nguyên tắc của riêng mình, ông xử lý mọi việc ở CLB theo trật tự, kỷ luật nhưng các cầu thủ đều có cái tôi riêng. Nếu họ cảm thấy không được HLV coi trọng, đó sẽ là vấn đề lớn”.
Thực tế, kể từ sau mâu thuẫn với Rivaldo, truyền thông bắt đầu lan truyền tin đồn Van Gaal ghét những cầu thủ Nam Mỹ, vốn mang phong cách phóng khoáng, không muốn bị gò ép bởi bất cứ khuôn phép nào.
Từ một thầy giáo dạy thể dục, một cầu thủ trưởng thành dưới hệ thống bóng đá chuyên nghiệp châu Âu, hay một HLV lừng danh thế giới, Van Gaal đều nổi tiếng với phương phát kỷ luật có phần khắc nghiệt. Ông đòi hỏi đội bóng của mình phải giống như một đội quân, tỉ mỉ trong mọi việc, không chỉ trên sân đấu mà cả ngoài đường pitch.
Figo cười và nói trong bộ phim tài liệu: "Ngay cả khi đội đang ngồi trên máy bay, ông ấy vẫn yêu cầu mọi người thắt cà vạt. Điều nhỏ nhặt này lại quá sức chịu đựng đối với một số cầu thủ".
Figo không nói chi tiết nhưng rõ ràng anh ám chỉ những cầu thủ đến từ Nam Mỹ. Những nghệ sĩ sân cỏ có tinh thần tự do, luôn bay bổng không nhận được sự yêu mến từ Van Gaal. Bằng chứng là sau Riquelme và Rivaldo ở Barcelona, HLV người Hà Lan bán Lucio ở Bayern, “đuổi” Rafael và Di Maria ở Manchester United. Di Maria từng nói thẳng, Van Gaal là HLV tồi nhất anh từng gặp.
Có không ít chuyên gia bóng đá châu Âu có cùng quan điểm với Van Gaal. Ví dụ gần đây nhất là việc huyền thoại Roy Keane của Manchester United chỉ trích các cầu thủ Brazil nhảy múa ăn mừng mỗi khi ghi bàn tại World Cup 2022; cũng như động tác xoay người với bóng hoa mỹ nhưng vô hại, làm chậm nhịp tấn công của Anthony trong các trận đấu của Manchester United.
Giới bóng đá bảo thủ châu Âu, đứng đầu là Van Gaal và Keane, luôn chế nhạo lối chơi của các cầu thủ Nam Mỹ. Thất bại của Brazil trước Croatia ở tứ kết World Cup 2022 cũng gần như chứng minh sự đúng đắn khi theo đuổi lối chơi khoa học, kỷ luật của người châu Âu.
Nhưng có một sự thực là tất cả các CLB lớn ở lục địa già đều trọng dụng những ngôi sao Nam Mỹ. Hai ngày trước, Real Madrid vừa chiêu mộ tiền đạo 16 tuổi người Brazil Endrick Felipe với giá 72 triệu euro. Đây chỉ là một trong số những tài năng trẻ được bóng đá Nam Mỹ “xuất khẩu” sang châu Âu với giá chuyển nhượng khổng lồ suốt vài thập niên qua.
Người châu Âu ưa vận dụng chiến thuật và kỷ luật để tìm cách giành chiến thắng hiệu quả nhất. Trong khi người Nam Mỹ lại quen với việc nhảy múa với trái bóng, thi đấu bằng tâm hồn nghệ sĩ, phá vỡ mọi nguyên tắc. Cuộc tranh cãi trường phái nào mới là số 1 có lẽ không bao giờ có lời giải đáp chính xác, dù ở 4 kỳ World Cup gần nhất, châu Âu đều lên ngôi.
Messi thức tỉnh “chất Nam Mỹ”
Ở một khía cạnh nào đó, sự nghiệp bóng đá của Messi trong những năm qua chính là hiện thân sống động nhất cho mâu thuẫn giữa hai trường phái bóng đá châu Âu và Nam Mỹ.
Trước khi trở thành tài năng số 1 Nam Mỹ, Messi từng bị các CLB Argentina từ chối trao cơ hội đầu quân khi còn niên thiếu. Anh cũng là “sản phẩm” mang đậm chất châu Âu: kỷ luật, chiến thuật, khả năng đọc tình huống… tất cả đều vượt trội những “đồng hương” khác. Nhờ vậy, Messi đã phá vỡ nhiều kỷ lục và giành đủ danh hiệu cao quý ở châu Âu.
Tuy nhiên, khi trở về đội tuyển quốc gia, Messi vẫn luôn thiếu chiếc cúp cuối cùng: Cúp vàng thế giới.
Theo cựu huấn luyện viên thể lực của đội tuyển Argentina, Fernando Signorini, sau thất bại tại World Cup 2010 ở Nam Phi, Messi đã hoàn toàn suy sụp: “Cậu ấy nằm trên mặt đất khóc lóc thảm thiết, sau đó la hét, hoàn toàn không thể kiểm soát được bản thân, suýt nữa lên cơn co giật".
Không chỉ vậy, trước áp lực nặng nề, Messi thậm chí còn tuyên bố từ giã tuyển quốc gia, sau thất bại ở trận chung kết Copa Americca 2016. Rất may là siêu sao từng đoạt 7 Quả bóng vàng thế giới đã thay đổi quyết định, nhờ đó chúng ta đang được thấy một “lão đại” 35 tuổi đầy bản lĩnh, đậm chất Nam Mỹ ở Qatar.
Chưa bao giờ người hâm mộ chứng kiến Messi “kích hoạt gen Nam Mỹ” đầy cảm xúc như trận Hà Lan - Argentina. Khiêu khích Van Gaal, nói Wout Weghorst (gỡ hòa 2-2 cho Hà Lan) là "thằng đần" và đuổi tiền đạo này đi ra chỗ khác, Messi đã thực sự làm cả Argentina “choáng váng”. Bởi, đấy là thời điểm họ nhận ra rằng, thiên tài rời quê hương năm 13 tuổi cuối cùng đã thực sự trở thành một trong số họ: Hết mình vì màu cờ sắc áo, gạt bỏ tính kỷ luật, không nề hà phép tắc thông thường.
Trở về với bản ngã của một cầu thủ Nam Mỹ, sống theo cảm xúc, Messi lập tức khiến cả Nam Mỹ đoàn kết hơn bao giờ hết.
Huyền thoại bóng đá, “người ngoài hành tinh” Ronaldo phải thừa nhận, anh muốn Messi vô địch dù Argentina là kình địch số 1 trong lịch sử bóng đá Brazil.
Phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Brazil, Fernando Sarney nói với giới truyền thông: "Chúng ta phải đoàn kết, ủng hộ Argentina trong thời khắc quyết định này. Tôi hy vọng họ có thể mang chiếc cúp vô địch trở lại Nam Mỹ".
Rivaldo cũng viết trên trang cá nhân: "Tôi sẽ ủng hộ Argentina, Messi xứng đáng vô địch World Cup. Hãy chiến đấu cho chính mình và bóng đá đẹp. Chúa luôn ở bên cậu!".
Bóng đá không chỉ là đá bóng! Không chỉ là thành tích với những danh hiệu nhờ sự nhàm chán, kỷ luật trong lối chơi, mà còn là sân khấu cho cảm xúc thăng hoa. Pháp có thể nhỉnh hơn trên giấy tờ, nhưng Argentina chắc chắn sẽ chiến đấu với niềm tin chiến thắng, bởi sau lưng họ không chỉ có Messi, mà còn có sự cổ vũ cuồng nhiệt của cả Nam Mỹ.